Nạn khai thác quặng trái phép diễn ra nhiều năm khiến rừng phòng hộ phía đầu nguồn xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) bị xâm hại nghiêm trọng.
Đào quặng phá nát rừng
Nạn khai thác quặng trái phép diễn ra nhiều năm khiến rừng phòng hộ phía đầu nguồn xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo Công an H.Khánh Vĩnh, nạn khai thác quặng thiếc và quặng vonfram trái phép trên địa bàn bắt đầu “nóng” từ cuối năm 2011. Có thời điểm, cả ngàn người từ nhiều tỉnh, thành đổ vào rừng đào bới, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên. Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, cơn “bão” quặng đã lắng dịu nhưng hiện vẫn còn tình trạng lén lút đào đãi tại rừng Khánh Thành.
Lán trại giữa rừng
Ngày 20.11, sau gần 3 giờ đi bộ đường rừng, PV Thanh Niên có mặt tại bãi khai thác quặng trái phép thuộc khu vực rừng đầu nguồn xã Khánh Thành. Thông tin ban đầu cho biết, tại đây có ít nhất 30 người đang lén lút khai thác quặng. Cả một vùng rộng lớn bị đào xới ngổn ngang, không còn nhận ra rừng. Hàng loạt cây gỗ lớn nằm lăn lóc, nhiều cây khác bị đào xới lộ cả bộ rễ có thể đổ bất cứ lúc nào. Những hố sâu lút đầu người, bề ngang rộng khoảng 1 m chi chít như hệ thống giao thông hào chạy dài tít tắp… Các lán trại được dân đãi quặng dựng lên tạm bợ. Lúc chúng tôi có mặt, trong vài lán có người đang chuẩn bị nấu ăn. Họ cho biết có người dưới xuôi đưa đồ ăn, nước uống lên bãi tiếp tế.
Đãi quặng tại rừng đầu nguồn xã Khánh Thành
Cu Lỳ, 24 tuổi, người xã Khánh Thành, nói làm quặng tại đây từ khi bãi mới “nổ”. Cu Lỳ kể: “Hồi đầu, thấy người dân ở các tỉnh khác đến làm, bán có tiền nên tôi cũng đi theo. Khi đó, mỗi ki lô gam quặng bán được 180.000 đồng, mỗi ngày kiếm được tầm 3 – 4 kg quặng. Bây giờ giá quặng chỉ còn 80.000 đồng/kg. Cứ vài ba ngày lại có người lên mua gom một lần. Hiện còn gần chục trại vẫn đào”. Cũng theo Cu Lỳ, dân đào quặng ở đây chỉ dùng sức người là chính và “mỗi lần có người dưới xuôi lên thì anh em ở đây phải kìm hãm lại sự nhộn nhịp của bãi”.
Trưa 20.11, có 3 người đến lán của Cu Lỳ đưa đồ ăn, nước uống. Sau đó, Cu Lỳ kéo thau quặng ra, cân bán cho những người này. Những người thu mua quặng cho biết họ chỉ đi mua, gom rồi đem xuống dưới xuôi bán lại cho người khác. Hỏi “người khác” là ai thì họ không nói.
Những hố sâu, dài như giao thông hào giữa rừng
Cách lán Cu Lỳ không xa là một lán khác có 4 người. Tại lán này, ông Sỹ (50 tuổi, quê Quảng Nam) vừa đãi quặng vừa kể, dân khai thác quặng dùng cuốc, xà beng để đào bới, rồi xúc đất đá vào mâm đãi, sau đó dùng nguồn nước lấy từ suối để đãi quặng. Quặng nặng hơn đất cát nên sẽ lắng xuống, cứ đãi cho đến khi trong mâm, trong thau chỉ còn những viên màu đen là dừng.
Khó xử lý triệt để?
Ông Lê Thanh Hoá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Khánh Vĩnh, nhìn nhận khu vực PV Thanh Niên ghi nhận là rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 193, do Công ty TNHH một thành viên lâm sản Khánh Hoà quản lý. Phía kiểm lâm mới tham gia truy quét người khai thác quặng trái phép chứ đến nay chưa đo được cụ thể diện tích rừng bị tàn phá cũng như thiệt hại về cây rừng là bao nhiêu.
Cây rừng bị đốn hạ
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm sản Khánh Hòa, cho rằng diện tích rừng bị xâm hại khoảng chục héc ta. “Đơn vị đã có kế hoạch trồng lại rừng tại những khu vực bị xâm hại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người lén lút đào đãi. Lực lượng của đơn vị thường xuyên phối hợp với công an, kiểm lâm truy quét, đẩy đuổi người khai thác quặng trái phép. Chúng tôi dựng cả lán trại để bảo vệ, nhưng khi anh em ăn ở trong rừng thì người đào quặng trốn đi chỗ khác, khi lực lượng vừa rút đi thì họ lại ra bãi làm tiếp”, ông Tân phân bua.
Thượng tá Hồ Anh Thư, Phó trưởng công an H.Khánh Vĩnh, cũng cho rằng: “Lực lượng chức năng vẫn liên tục tổ chức truy quét. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nhóm lén lút đào đãi. Những người này hầu hết không phải người địa phương, không nơi cư trú rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý”.
Trong khi chủ rừng, công an, kiểm lâm… kêu khó thì rừng phòng hộ đầu nguồn vẫn từng ngày bị tàn phá.
Nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng
Nạn khai thác quặng trái phép không chỉ huỷ hoại rừng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước tự nhiên của người dân dưới xuôi. Trong thời gian dài, hàng trăm hộ dân các thôn Gia Răng và Gia Rú thuộc xã Khánh Thành phải dùng nước bị ô nhiễm cho sinh hoạt hằng ngày. Ông Cao Khương (42 tuổi, ngụ thôn Gia Rú), bức xúc: “Người ta đãi quặng đẩy đất bùn theo dòng nước khiến nước sông suối đục ngầu”.