23/01/2025

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Lễ Chúa Kitô Vua

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22-11-2015, ĐTC đã nêu bật ý nghĩa Vương quyền của Chúa Kitô và ngài bênh vực các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới. Dưới bầu trời nắng thu, 40.000 tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh với ĐTC Phanxicô. Giữa Quảng trường Thánh Phêrô, cây thông cao 32 mét do miền Bavaria bên Đức tặng đã được dựng lên cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Lễ Chúa Kitô Vua

 

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Kitô Vua – OSS_ROM

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22-11-2015, ĐTC đã nêu bật ý nghĩa Vương quyền của Chúa Kitô và ngài bênh vực các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới.

Dưới bầu trời nắng thu, 40.000 tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh với ĐTC Phanxicô. Giữa Quảng trường Thánh Phêrô, cây thông cao 32 mét do miền Bavaria bên Đức tặng đã được dựng lên cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết. Con số các nhân viên cảnh sát và an ninh chìm cũng được tăng cường trước những đe doạ khủng bố trong những ngày nay.

Đúng 12 giờ, ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Căn hộ Giáo hoàng ở Dinh Tông Toà để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Lễ Chúa Kitô Vua.


Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến,
Chào anh chị em,

Trong Chúa Nhật cuối cùng này của Năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong khi ngài tự giới thiệu trước mặt quan Philato như là vua của “một nước không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu là vua của một thế giới khác, nhưng là vua một cách khác. Đây là sự đối nghịch giữa hai thứ logic. Logic trần thế dựa trên tham vọng và cạnh tranh, mà người ta tranh đấu bằng những vũ khí sợ hãi, cưỡng bách, lèo lái lương tâm. Còn logic của Tin Mừng, của Chúa Giêsu được biểu lộ trong sự khiêm tốn và nhưng không, được khẳng định âm thầm nhưng hữu hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc của trần thế này nhiều khi được cai trị bằng cường quyền, cạnh tranh, đàn áp; Vương Quốc của Chúa Kitô là “Nước Công Lý, Tình Thương và Bình An” (Kinh Tiền Tụng).

Chúa Giêsu tỏ ra là vua trong biến cố Thập Giá! Ai nhìn Thập Giá của Chúa Kitô thì không thể không thấy sự nhưng không lạ lùng của tình thương. Đối với Kitô hữu, nói về quyền lực và sức mạnh có nghĩa là tham chiếu quyền lực của Thập Giá và sức mạnh tình thương của Chúa Giêsu: một tình thương vẫn kiên vững và toàn vẹn, kể cả trước sự từ khước, và xuất hiện như sự hoàn tất một cuộc sống xả thân trong sự tận hiến cho nhân loại. Trên Đồi Canvê, những người qua đường và các thủ lãnh nhạo cười Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, và họ thách thức Ngài: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi thập giá đi!” (Mc 15,30). Nhưng điều nghịch lý là chân lý của Chúa Giêsu chính là sự thật mà những kẻ đối thủ của Ngài với giọng chế nhạo nói lên: “Hắn không thể tự cứu mình!” (c. 31). Giả sử Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì có nghĩa là ngài chiều theo cám dỗ của thủ lãnh thế gian này; trái lại Ngài không thể tự cứu mình để có thể cứu vờt những người khác, để có thể cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi.

Một trong hai kẻ gian ác bị đóng đinh với Chúa đã hiểu điều ấy, anh ta được gọi là “kẻ trộm lành”, anh cầu xin Người: “Lạy Ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi ngài vào nước của Ngài.” (Lc 23,42). Sức mạnh Vương Quốc của Chúa Kitô là tình thương: vì thế vương quyền của Chúa Giêsu không đè nén chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta khỏi mọi yếu đuối và lầm than, khích lệ chúng ta tiến bước trên những con đường sự thiện, hoà giải và tha thứ. Chúa Kitô là một Vị Vua không thống trị chúng ta, không đối xử với chúng ta như những người bị trị, nhưng nâng chúng ta lên bằng phẩm giá của Ngài. Chúa cho chúng ta được hiển trị với Ngài, vì như sách Khải Huyền dạy, ‘Ngài làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa là Cha của Ngài” (1,6). Nhưng cai trị như Ngài có nghĩa là phụng sự Thiên Chúa và anh em mình; một sự phục vụ nảy sinh từ tình yêu. Phục vụ vì yêu thương là cai trị: đó chính là vương quyền của Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm: “Đứng trước bao nhiêu sâu xé trên thế giới và quá nhiều vết thương trong thân thể loài người, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, là Vua của chúng ta, làm cho Nước Chúa hiện diện với những cử chỉ dịu hiền, cảm thông và từ bi.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc nhở các tín hữu: “Thứ bảy hôm qua, tại thành Barcelona, có lễ phong chân phước cho Cha Federico da Berga và 25 bạn tử đạo, bị sát hại tại Tây Ban Nha trong cuộc bách hại khốc liệt chống lại Giáo Hội trong thế kỷ vừa qua. Đó là các linh mục, các tu sinh chờ đợi chịu chức và các tu huynh thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchino. Chúng ta hãy phó thác cho lời chuyển cầu của các ngài bao nhiêu anh chị em chúng ta rất tiếc là ngày nay đang còn bị bách hại vì niềm tin nơi Chúa Kitô tại nhiều nơi trên thế giới.”

ĐTC chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ Italia và các nước khác, các nhóm giáo xứ và hội đoàn, các tín hữu hành hương đến từ Mexicô, Australia, Đức và nhiều miền ở Italia. Đặc biệt là những nhóm ca đoàn mừng lễ Thánh Cecilia hôm nay, bổn mạng ngành thánh ca và âm nhạc.

 

 

G. Trần Đức Anh OP