Trong một cách tiếp cận mang tính đột phá, hai chuyên gia người Anh và Tây Ban Nha đã phát minh một dạng cấy ghép “màn hình rộng” cho mắt, hứa hẹn mang lại thị lực cho những người bị chứng thoái hoá điểm vàng.
Ghép ‘camera’ điều trị thoái hoá điểm vàng
Trong một cách tiếp cận mang tính đột phá, hai chuyên gia người Anh và Tây Ban Nha đã phát minh một dạng cấy ghép “màn hình rộng” cho mắt, hứa hẹn mang lại thị lực cho những người bị chứng thoái hoá điểm vàng.
Thoái hoá điểm vàng do tuổi tác (AMD) là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trên 55 tuổi. Đây là tình trạng thoái hoá dần điểm vàng, một chấm nhỏ hình oval bề ngang 5 mm ở giữa võng mạc, chứa các tế bào nhạy sáng ở phần sau của nhãn cầu cho phép khả năng nhìn một cách chi tiết. Theo thời gian, AMD tước đoạt thị lực trung tâm ở người lớn tuổi. Tính riêng tại Anh, hiện có khoảng 4 triệu người mắc chứng này, trong đó có 500.000 trường hợp ở giai đoạn nghiêm trọng. Dù các liệu pháp thuốc men có thể làm chậm lại quá trình phát bệnh, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa cho tình trạng này.
Trước đây, giới chuyên gia tiến hành phẫu thuật cấy ghép với hy vọng có thể phần nào điều chỉnh tật mắt bằng cách chuyển hướng ánh sáng đến phần còn lại của điểm vàng, nhưng việc khôi phục thị lực ở khu trung tâm buộc phải đánh đổi bằng thị lực ngoại vi. Trong một hướng tiếp cận mới, quy trình kéo dài khoảng 10 phút, được gọi là EyeMax, giúp chèn thấu kính lồi vào mắt, cho phép phóng ảnh trên toàn bộ điểm vàng. Đây được xem là liệu pháp hữu hiệu phù hợp với những người mắc chứng AMD từ trung kỳ trở lên. Và lần đầu tiên, ghép thấu kính dạng này cũng áp dụng được cho những người buộc phải phẫu thuật do chứng đục thuỷ tinh thể, vốn là điều không thể làm được trước đó.
EyeMax là kết quả thu được từ công trình nghiên cứu của phẫu thuật gia Bobby Qureshi (Anh) và Giáo sư Pablo Artal, chuyên gia quang học thuộc Đại học Murcia ở Tây Ban Nha. “Hướng điều trị này mang tới niềm hy vọng lớn cho những người mắc chứng AMD, lâu nay họ phải chịu cảnh mất dần ánh sáng theo tuổi tác”, theo bác sĩ Qureshi, nhà sáng lập Bệnh viện Dược Mắt London. Cũng giống như một số thiết bị cấy ghép mắt khác, EyeMax gồm 2 tròng, được chèn vào phần rãnh nằm bên dưới giác mạc và bên trên thủy tinh thể. “Những chùm sóng siêu vi, bất đối xứng chiếu vào từng tròng có tác dụng khúc xạ ánh sáng và cho phép mắt không những tập trung về hướng đằng trước mà còn bao phủ dọc theo trường thị lực với độ phân giải cao, giống như ống kính máy ảnh góc rộng”, theo bác sĩ Qureshi.
Do EyeMax phóng ánh sáng bao phủ khắp điểm vàng, chứ không phải chỉ dừng ở một điểm trên nó, thị lực được bảo trì càng lâu càng tốt. Một ưu điểm quan trọng khác của liệu pháp này, tốn 9.000 bảng Anh/mắt, chính là thấu kính được sử dụng nhỏ hơn các thiết bị ghép mắt thông thường, nên có thể được chèn vào mắt ở phía trước một thiết bị khác đã có sẵn. Điều này có nghĩa là bệnh nhân từng được phẫu thuật chứng đục thuỷ tinh thể giờ đây cũng có thể đồng thời điều trị AMD.