27/01/2025

Chuyện thầy Hoặc ở cồn An Hiệp

Câu chuyện về một người thầy dạy văn ở Trường THCS An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) hết lòng vì học sinh của mình.

 

Chuyện thầy Hoặc ở cồn An Hiệp

 

Câu chuyện về một người thầy dạy văn ở Trường THCS An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) hết lòng vì học sinh của mình.




Cảnh gà trống nuôi con, thầy phải lo từ việc bếp núc, chăm con bệnh, chăm sóc đàn heo nhưng thầy vẫn luôn nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp và học trò - Ảnh: M.Trường
Cảnh gà trống nuôi con, thầy phải lo từ việc bếp núc, chăm con bệnh, chăm sóc đàn heo nhưng thầy vẫn luôn nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp và học trò – Ảnh: M.Trường

 

 

Nhà thầy Châu Văn Hoặc tuềnh toàng, đơn sơ như nhiều căn nhà khác của người dân nghèo tại miền Tây sông nước. Tranh thủ nghỉ 15 phút giữa buổi, thầy Hoặc vội chạy xe máy về nhà để trông chừng con gái bị bệnh, cho đàn heo ăn, rồi phóng xe quay lại trường để tiếp tục dạy học. Đã sáu tháng nay, những việc ấy là chuyện thường ngày của thầy Hoặc.

Chuyện buồn của ông giáo làng

Sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở miền Tây dưới thời chạy ăn từng bữa, những người may mắn được học hành đầy đủ như thầy Hoặc khi ra trường vẫn có không ít người bỏ con chữ để ra đồng kiếm con cá, bó rau đắp đổi qua ngày. Riêng thầy Hoặc, do đam mê với nghề nên đã gắn bó với bục giảng hơn 34 năm nay, dù cuộc sống đã nhiều lần thử thách, muốn kéo thầy rời khỏi nghề.

Năm 1981 ra trường, thầy Hoặc được phân công dạy tại một ngôi trường ở xã Hoà Tân, sau đó chuyển đến Trường THCS An Hiệp. Đến năm 1985 thầy lập gia đình và sinh con gái đầu lòng. Những tưởng cuộc sống của ông giáo làng sẽ an phận khi chồng đi dạy, vợ ở nhà chăn nuôi, làm vườn cũng đủ sống qua ngày.

Thế nhưng nỗi cơ cực của thầy bắt đầu từ cái ngày đang dạy thì nhận được tin sét đánh: con gái đầu lòng của thầy, khi đó mới 2 tuổi, là Châu Điệp Viên (sinh năm 1986) rớt xuống mương.

“Khi ông giáo tất tả chạy về đến nhà thì Điệp Viên đã được vớt lên, thân thể mềm nhũn. Được sơ cứu kịp thời nhưng do nằm dưới mương nước lâu nên não bị thiếu oxy. Cho đến giờ đã gần 30 tuổi nhưng Viên không biết tự chăm sóc bản thân” – một người hàng xóm của thầy Hoặc kể lại.

Rồi những đồng lương giáo viên ít ỏi của thầy Hoặc cùng tiền huê lợi vườn tược cũng không đủ chạy chữa cho con. Nhớ lại thời gian đó, thầy Hoặc nói: “Sau khi con gái đầu lòng bị chết đuối hụt rồi mất luôn trí nhớ, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Vườn tược phải bỏ hoang do khói bụi từ lò gạch, không canh tác được; tiền lương giáo viên lại quá ít, nên ngoài giờ dạy tôi phải đi làm thuê làm mướn để kiếm thêm thu nhập”.

Thầy tâm sự nhiều khi trong sâu thẳm suy nghĩ, thầy cũng muốn nghỉ dạy để đi làm kinh tế như người ta. Nhưng thầy sợ nghỉ dạy rồi lại nhớ lũ trẻ nghèo ham học nên không đành, rồi lại gắng gượng để tiếp tục công việc trồng người.

Năm 1995, gia đình thầy Hoặc lại thêm một miệng ăn khi đứa con thứ hai là Châu Võ Thiếu Lâm ra đời. Đôi vai của người thầy như nặng thêm, oằn xuống để gánh vác chuyện gia đình. Nhớ lại những ngày tháng cơ cực, thầy Hoặc trầm ngâm: “Cũng may các đồng nghiệp hiểu và thông cảm cho tôi. Lịch dạy của tôi thường được ưu tiên, để dư ra thời gian nghỉ trong ngày, càng dư thì tôi lại càng kiếm được nhiều tiền từ công việc bốc vác. Những năm đầu thập niên 1990, cứ hết giờ dạy là tôi lại chạy xe đến kho lúa gạo để vác mướn những bao gạo 50 – 60 ký”.

Cuộc đời nhiều lúc như trêu ngươi, thử thách con người. Cách đây vài năm, thầy Hoặc phải tranh thủ ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để chăm người cha già ốm nặng, còn những ngày thường ngoài thời gian đi dạy thì chăm vợ bị bệnh ung thư. Khi người cha của thầy mất cũng là lúc căn bệnh ung thư của bà Võ Kim Chi – vợ thầy Hoặc – trở nặng. Rồi cũng một tay thầy chăm sóc vợ cho đến ngày bà qua đời.

“Cũng may trời cho được đứa con trai ham học. Năm nay cháu Châu Võ Thiếu Lâm (20 tuổi) đã học năm 3 tại một trường đại học ở TP.HCM. Coi như mình có nguồn động viên tinh thần để cố gắng” – thầy Hoặc vui vẻ nói.

Hết lòng vì nghề 

Hằng ngày, thầy Hoặc dậy lúc 4g sáng để lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc đàn heo rồi mới đến lớp. Tranh thủ những lúc trống tiết, thầy lại chạy nhanh về nhà để lo việc nhà. Khi chúng tôi đến nhà thầy, cô con gái bị bệnh đang nhõng nhẽo, đòi thầy đút thức ăn. Thầy lại nhẹ nhàng dỗ dành, xoa đầu cô con gái đã gần 30 tuổi như những cô, cậu học trò 10 tuổi trên trường rồi đút từng muỗng cơm cho con.

Thầy Lê Minh Phương – phó hiệu trưởng Trường THCS An Hiệp – tâm sự: “Ở trường ai cũng mến thầy Hoặc. Không chỉ là một giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, thầy Hoặc còn tận tụy với nghề và là người giàu đức hi sinh”.

Thầy Phương cho biết thêm mới đây Trường THCS An Hiệp thừa giáo viên dạy văn, bắt buộc một trong năm giáo viên văn của trường phải qua trường khác để dạy. Lúc đầu không ai muốn đi vì đường xa, phải qua đò, nên trường quyết định bốc thăm để chọn ra người đi. Tuy nhiên, thầy Hoặc đã tự nguyện xung phong đi dù rất bận bịu với công việc gia đình.

Về lý do xung phong qua trường khác để giảng dạy trong hai năm, thầy Hoặc nhẹ nhàng nói: “Trong tổ văn có ba cô, nếu các cô bốc thăm trúng và phải đi thì cũng tội vì đường xa, lại dạy ở môi trường mới nên sợ không quen. Mình là đàn ông, tuy bận bịu chút xíu nhưng ráng sắp xếp thời gian thì cũng có thể làm được”.

Luôn nhớ về một ông giáo làng

Thời gian cứ trôi đi, rất nhiều học trò cũ của thầy Hoặc trở thành người có địa vị trong xã hội. Nhưng hầu hết khi được hỏi về thầy Hoặc, họ đều nhớ hình ảnh một ông giáo làng hiền lành, chịu khó và yêu thương học trò hết mức. Đã hơn 30 năm trôi qua, bây giờ nhắc lại chuyện trồng người của thầy Hoặc, ông Phạm Văn Chuẩn – bí thư Huyện ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp) – vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy của mình – thầy Hoặc đôn hậu, tận tụy và yêu thương học trò hết lòng hết dạ.

“Hồi đó, tụi tui là con trai nên ít ai thích học văn, song lại thường hay chọc phá bạn bè. Những lúc như vậy, thầy Hoặc không bao giờ giận hoặc la mắng tụi tui. Thầy luôn nhẹ nhàng, ân cần khuyên bảo, uốn nắn nên bây giờ tôi mới được như ngày hôm nay” – ông Chuẩn nói.

MẬU TRƯỜNG – THANH TÚ