25/01/2025

Chúa Nhật XXXIV TN – B – Vua Giêsu là sự thật giải thoát ta

Nhân loại khát khao sự thật, mơ ước tìm ra con đường thật sự giải thoát, để đạt được hạnh phúc, để làm sao cho mình được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Bao nhiêu tôn giáo, ‎ý thức hệ, khoa học đã ra đời nhưng chưa thoả mãn được câu hỏi “sự thật là gì”, và chưa đạt đến câu trả lời cuối cùng “sự thật là ai”.

 

Vua Giêsu là sự thật giải thoát ta
 
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
 
Lời mở
Trước toàn án Rôma, Đức Giêsu đã nói với quan Philatô rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này là làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 13,37). Sau đó Philatô đã hỏi lại Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?”. Hàng tỷ người đang theo học trong các trường lớp, miệt mài trong các phòng thí nghiệm, đang tìm hiểu qua các sách báo, phim ảnh, internet để khám phá ra sự thật trong vạn vật, trong thiên nhiên, trong lòng người và sự thật về chính Thiên Chúa.
Nhân loại khát khao sự thật, mơ ước tìm ra con đường thật sự giải thoát, để đạt được hạnh phúc, để làm sao cho mình được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Bao nhiêu tôn giáo, ‎ý thức hệ, khoa học đã ra đời nhưng chưa thoả mãn được câu hỏi “sự thật là gì”, và chưa đạt đến câu trả lời cuối cùng “sự thật là ai”. Trong ít phút này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu, khám phá sự thật trong đời sống để tìm ra con đường giải thoát mà Đức Giêsu giới thiệu cho ta.
1. Sự thật trong đời sống
Trước hết, tất cả chúng ta cũng như vạn vật, vì được Thiên Chúa tạo dựng, nên muôn loài phản ánh sự thật của Thiên Chúa. Do đó, sự thật không phải là cái gì ngoài ta, nhưng là ở trong ta.
1.1. Những thí dụ trong cuộc đời
Chúng ta thử nhìn những bông hoa. Loài hoa nào cũng dạy chúng ta sự thật: màu sắc của cánh, nhuỵ, đài hoa, dù rực rỡ hay đơn sơ đến đâu, đều là những màu rất thật, không tô vẽ. Nhưng ngày nay, đến cửa hàng hoa, chúng ta thấy người ta ngâm hoa vào những nước màu hoặc xịt thuốc màu lên cánh để biến chúng thành màu khác.
Con người chúng ta cũng vậy, ai cũng muốn sống thật với mình và muốn người khác sống thật với nhau, không ai muốn người khác lừa dối mình bằng những lớp hoá trang son phấn bên ngoài giống như các nghệ sĩ trên sân khấu cuộc đời. Thuở sơ khai, Adam và Eva sống rất thật nên hạnh phúc bên nhau, vì thân thể trần truồng của họ được bao bọc bởi ánh hào quang chân thật của Thiên Chúa (x. St 1-2). Nhưng tại sao con người đã và đang lại lừa dối chính mình cũng như lừa bịp người khác?
1.2. Nguyên nhân của sự lừa dối
Đó là vì khởi đầu, Satan và các thiên thần sa ngã đã đưa sự lừa dối vào thế giới. Được Thiên Chúa ban cho quyền tự do, Satan và các thiên thần sa ngã muốn gạt Thiên Chúa chân thật ra khỏi đời sống vĩnh hằng của họ, cắt đứt với nguồn sống chân thật để trở thành sự thật tuyệt đối cho mình, thành tiêu chuẩn đúng cho muôn loài. Vì thế, chúng tự lừa dối mình, rời bỏ nguồn chân l‎ý và hậu quả là chúng trở thành những thần lừa dối. Chúng lừa dối nguyên tổ để họ không còn nhớ ra là mình chỉ là một loài thụ tạo chứ không phải Thiên Chúa.
1.3. Hậu quả của sự lừa dối là Adam và Eva đã cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa chân thật, xé rách vầng hào quang ân sủng bao phủ họ để chỉ còn thấy mình trần trụi, thấp hèn và cái chết ở cuối đường đời. Từ đó con người không còn nhận ra mình cũng như đồng loại cùng một xương một thịt với mình, cùng là con cái của Cha Trên Trời mà chỉ đánh giá nhau qua những lớp áo quần, son phấn, vật chất bên ngoài. Họ đã lầm lẫn về chính mình cũng như về đồng loại.
Con người không còn nhận ra vạn vật là những người em nhỏ vì cùng là bụi đất, cùng được Thiên Chúa yêu thương, tạo dựng và giao quyền quản lý, nhưng chỉ coi vật chất là thứ vô tri vô giác, khai thác chúng cách tận cùng như ông chủ hà khắc. Vạn vật với con người bây giờ không còn yêu thương nên mới có thú dữ, động đất, bão tố, hạn hán tràn lan khắp nơi. Tuy nhiên khi con người biết tìm hiểu chúng qua các khoa học kỹ thuật, vạn vật sẵn sàng vâng phục con người.
1.4. Sự thật nơi người Việt Nam
Trong cuộc sống, có thể nói, nhiều người đang khao khát sự thật, đang tìm hiểu – như Philatô – sự thật là gì, nhất là đối với người Việt Nam. Hoàn cảnh đất nước chúng ta khá đặc biệt: sống hơn 1.000 năm dưới ách đô hộ hà khắc của người Trung Hoa nên người ta không dám nói thật những ý nghĩ, tình cảm trong tâm trí mình. Lúc nào người Việt cũng cười nói bâng quơ bên ngoài vì sợ bị hành hạ, giam giữ, mất quyền lợi.
Rồi trong những năm gần đây, khi miền Bắc và miền Nam sống dưới hai chế độ đối kháng: tư bản và cộng sản, mỗi bên dùng mọi cách thức dối trá, lừa bịp, để kéo sự thật về phía mình. Hậu quả là người Việt Nam hầu như khó có thể sống thật, nói thẳng với nhau, ngay cả trong cộng đồng người Công giáo. Người ta có thể nói rằng: “Lương thực, lương tâm đều bán cả. Chân giò, chân l‎ý một giá thôi!”.
Để chữa trị tâm hồn người Việt cũng như xã hội hôm nay đang tràn lan những hàng giả, tin giả, lời giả… chúng ta cần tìm ra sự thật là gì để có thể sống thật với nhau, với vạn vật và với chính Thiên Chúa.
2. Con đường sự thật của Chúa Giêsu
Chúng ta tiếc rằng khi Philatô hỏi sự thật là gì, ông không chờ lời giải đáp của Đức Giêsu. Ông vội vã đi ra ngoài nói với dân chúng Do Thái khiến cho loài người tốn rất nhiều công sức đi tìm câu định nghĩa sự thật và tranh luận gay gắt với nhau trong hơn 20 thế kỷ qua.
2.1. Định nghĩa và phân loại
Sự thật, theo nghĩa thông thường, là cái có thật. Nói theo nghĩa triết học, đó là “điều phản ánh đúng hiện thực khách quan” nên sự thật đồng nghĩa với chân lý. Chẳng hạn như nhìn thấy hoa màu đỏ thì ta nói đỏ, đó là sự thật khách quan vì bên ngoài thế nào thì ta nói đúng như vậy. Nhưng cũng có sự thật chủ quan: hoa có màu đỏ, nhưng do mắt tôi bị loạn sắc, nhìn màu đỏ ra xanh nên tôi nói hoa này màu xanh. Nói như vậy là tôi đang nói thật, nhưng đó là sự thật chủ quan dù không hợp với sự thật khách quan. Tuy nhiên, nếu tôi nói hoa này màu đỏ, trong khi mắt tôi chỉ nhìn thấy màu xanh, thì tôi là kẻ lừa dối. Vì thế, câu định nghĩa được nhiều người công nhận: “Sự thật là sự hoà hợp giữa l‎ý trí bên trong với thực tại khách quan bên ngoài”.
2.2. Sự bất đồng quan điểm
Trong lịch sử suy tư về sự thật, con người đã tạo nên nhiều ý thức hệ khác nhau nên có nhiều định nghĩa khác nhau tuỳ theo họ chấp nhận quan điểm duy lý, duy tâm, duy vật, duy thực. duy nghiệm…Người ta giống như những người mù xem voi, dù tả đúng cái mình xem thấy nhưng lại không phải là con voi thật.
Sự bất đồng này càng nhân rộng với các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay. Kết quả là nhân loại càng ngày càng xa rời sự thật khiến người ta phải nói: “Sự thật bên này núi Alpes khác với sự thật bên kia núi Alpes”. Alpes là rặng núi lớn chia cắt nhiều nước châu Âu. Muốn vượt qua bất đồng này, loài người phải tiến thêm một bước mới trên con đường đi tìm chân lý, đó là phải gặp được Đấng là Sự thật vĩnh hằng.
2.3. “Lời Cha là Sự thật” (Ga 17,17)
Vào thời điểm quyết định trong lịch sử, Thiên Chúa đã muốn mạc khải cho loài người một sự thật cụ thể, nhưng vô cùng siêu việt, để quy tụ tất cả các dòng ý thức về một mối, một sự thật kỳ diệu có thể giúp con người và vạn vật tìm được sự giải thoát và thoả mãn mọi khát vọng của muôn loài. Sự thật đó chính là Ngôi Lời đầy ân sủng và chân lý đã làm người, trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,1-18), Lời Chúa Cha là sự thật (x. Ga 17,17).
Qua đời sống và lời rao giảng của mình, qua những phép lạ trên con người và vạn vật, nhất là qua cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu đã chứng tỏ cho con người nhận ra rằng: Người chính là con đường, là sự thật và sự sống(x. Ga 14,6), sự thật này sẽ giải thoát muôn loài (x. Ga 8,32) khỏi những u mê, lầm lạc, khỏi sự lừa dối của quỷ ma để dẫn đưa muôn loài tìm được sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Sự thật từ nay không còn phải định nghĩa là gì nhưng phải hiểu là ai.
Lời kết
Hôm nay chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu là vị vua toàn thể vũ trụ để xin Người ban Thần Khí sự thật cho ta, nhờ đó chúng ta mới có thể sống thật, nói thật, làm thật như những người con của Thiên Chúa, như anh chị em với nhau và như anh chị lớn đối với vạn vật. Sống như thế chúng ta sẽ khám phá ra con đường hạnh phúc, con đường cứu độ ngay trong từng giây phút của đời mình.