17/01/2025

Giáo hội ở nhiều nơi trên thế giới tưởng nhớ các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố tại Paris

Chiều Chúa Nhật 15-11, vào lúc 6g15, ngay trước lễ Thánh lễ cử hành vào lúc 6g30 sau đó để cầu nguyện cho các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố xảy ra đêm thứ Sáu 13-11 tại Paris, Nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên hồi chuông cầu hồn.

Giáo hội ở nhiều nơi trên thế giới tưởng nhớ các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố tại Paris
 
WHĐ (17.11.2015) – Chiều Chúa Nhật 15-11, vào lúc 6g15, ngay trước lễ Thánh lễ cử hành vào lúc 6g30 sau đó để cầu nguyện cho các nạn nhân các vụ tấn công khủng bố xảy ra đêm thứ Sáu 13-11 tại Paris, Nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên hồi chuông cầu hồn.

Tại Bordeaux, Đức Hồng y Jean-Pierre Ricard đã cho đổ chuông cầu hồn của Nhà thờ Chính toà Thánh Anrê vào trưa thứ Bảy để bày tỏ tình liên đới của cộng đoàn Công giáo với tất cả các nạn nhân các vụ sát hại ghê tởm này. Trên Twitter, Đức Hồng y còn nhấn mạnh rằng đây cũng là một lời kêu gọi mọi tín hữu hãy để tình yêu thương vượt thắng hận thù. Chuông cầu hồn cũng đã vang lên tại Nhà thờ Chính toà Lyon, trước Thánh lễ do Đức Hồng y Philippe Barbarin cử hành để cầu nguyện cho các nạn nhân.

Trong số rất nhiều phản ứng, Đức Giám mục Pascal Delannoy, Giám mục Giáo phận Saint-Denis cũng đã bày tỏ cảm nghĩ của mình. Sân vận động Stade de France, một trong những mục tiêu của bọn khủng bố trong đêm thứ Sáu, nằm trong giáo phận của ngài. Đức Giám mục Delannoy viết: “Tất cả chúng ta đều kinh hoàng và ghê sợ vì những vụ sát hại diễn ra đêm vừa qua tại Paris và tại Sân vận động Stade de France. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và gia đình của họ. Chúng ta cũng nhớ đến rất nhiều người bị thương. Xin Chúa ban ân sủng và lòng kiên trì để chúng ta luôn là những tác nhân của tình huynh đệ và hoà bình. Tôi đề nghị chúng ta hãy dành ít phút thinh lặng trước Thánh lễ Chúa Nhật này để nhớ tới các nạn nhân.”

Syria và Liban


Từ Syria, Đức Giám mục Georges Abu Khazen, Đại diện Tông Toà tại Alep, đặc trách các tín hữu thuộc nghi lễ Latinh, đã “gửi lời chia buồn và bày tỏ tình liên đới của các Kitô hữu Syria với các nạn nhân của các vụ thảm sát tại Paris và với toàn thể châu Âu”. “Chủ nghĩa khủng bố là một ý thức hệ không buông tha một ai. Người dân Syria hiểu rất rõ tình cảnh lo âu của người dân châu Âu. Tại đây, từ nhiều năm qua, chúng tôi cũng đã là nạn nhân của các vụ sát hại và luôn sống trong hãi hùng. Do đó, cần phải tìm lại sự hiệp nhất và nhất là ngưng cung cấp tài chính, vũ khí và đào tạo cho các nhóm khủng bố hoạt động tại vùng Cận đông và nay, cả tại châu Âu”.

Các thượng phụ và giám mục Công giáo tại Liban, đang họp hội nghị thường niên tại Bkerké, đã đưa vào bản văn kết thúc Hội nghị lời lên án các vụ sát hại tại Paris và lời chia buồn với nước Pháp cùng với các gia đình của các nạn nhân. Các ngài đoan quyết sẽ cầu nguyện đặc biệt cho những người qua đời, cho người bị thương sớm được khỏi và cho việc xây dựng hoà bình.

Đức

Tại Đức, Đức hồng y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Tiến sĩ Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Tin lành, đã phổ biến một tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi hết sức kinh hoàng bởi cơn sóng bạo lực đáng ghê tởm đã ập xuống Paris. Trong những giờ phút này, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm thông với các nạn nhân và người thân của họ. Khi chúng ta không còn đủ lời để nói về những biến cố không thể hiểu nổi này, đó là lúc để người Kitô hữu cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu cho các nạn nhân!”

Italia

Giáo hội Italia cũng đã bày tỏ tình liên đới với nước Pháp. Tất cả các Thánh lễ cử hành vào ngày Chúa Nhật tại Italia đều được dành để tưởng nhớ các nạn nhân của các vụ sát hại. Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, tái khẳng định Giáo hội Italia sẽ góp phần cách hữu hiệu trong việc xây dựng cuộc sống chung trong xã hội, sự hoà giải và hoà bình.

Vương quốc Anh

Đức Hồng y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Westminster, đã gửi một sứ điệp cho cộng đồng Pháp tại Luân Đôn. Sứ điệp kêu gọi cầu nguyện cho tất cả những ai sống giữa cộng đồng Hồi giáo vốn bác bỏ bạo lực và  đấu tranh cho hòa bình. “Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho nước Pháp, ban sức mạnh cho người dân Paris, thứ tha mọi tội lỗi của chúng ta và luôn dẫn chúng ta đi trên các nẻo đường hoà bình”, là lời kết của Đức Tổng Giám mục thành phố Luân Đôn; chính thành phố này cũng từng nếm trải thương đau vì những vụ tấn công-tự sát hồi tháng 7-2005.

(Vatican Radio)

 
 

Mai Tâm