Đức Giêsu là Đấng nối liền hiện tại với tương lai
Đức Giêsu quả quyết: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không hề qua đi”. Sức mạnh sáng tạo của Lời Chúa tập trung vào Đức Giêsu Kitô, là Lời hoá thân làm người, nhưng sức mạnh sáng tạo này cũng được thể hiện qua lời nói nhân loại của con người Đức Giêsu Kitô, là “bầu trời” thật định hướng cho tư tưởng và cuộc hành trình của con người trên trần gian.
Đức Giêsu là Đấng nối liền hiện tại với tương lai
Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXIII TN, 18/11/2012
Anh chị em thân mến,
Trong tuần áp cuối Chúa Nhật năm phụng vụ, bản văn của Thánh Maccô công bố một phần diễn từ của Đức Giêsu về ngày tận thế (x. Mc 13,24-32). Bài diễn từ này, ngoài một vài biến thể ra, ta cũng gặp thấy trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu và Thánh Luca, và có lẽ đây là bản văn khó nhất trong mọi bản văn Phúc Âm. Khó khăn đến từ nội dung cũng như ngôn từ: thật thế, bản văn đề cập đến một tương lai vượt xa mọi phạm trù của chúng ta, và vì lý do này, Đức Giêsu đã sử dụng những hình ảnh và ngôn từ được lấy lại từ Cựu Ước; nhưng nhất là Người lồng vào đó một trọng tâm mới là chính Người, là mầu nhiệm Con Người của Người, mầu nhiệm cái chết và sự Phục Sinh của Người.
Đoạn văn hôm nay cũng được bắt đầu bằng những hình ảnh hoàn vũ thuộc loại khải huyền: “Mặt trời tối sầm lại, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (c. 24-25); nhưng yếu tố này chỉ là tương đối nếu đem so với điều đến sau: “Và bấy giờ, người ta sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự xuống trên mây trời” (c. 26). “Con Người” đây chính là Đức Giêsu, là Đấng nối liền hiện tại với tương lai; những lời nói từ xa xưa của các Tiên tri cuối cùng rồi cũng được úng nghiệm trong Con Người Đấng Thiên Sai Thành Nazareth được xem như trọng tâm của những lời nói đó: chính Người là biến cố đích thực, là Đấng mà giữa những đảo lộn của thế giới này vẫn luôn là điểm chắc chắn và vững vàng.
Những lời nói khác trong bài Phúc Âm ngày hôm nay cũng khẳng định điều này. Đức Giêsu quả quyết: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không hề qua đi” (c. 31). Thật thế, chúng ta biết rằng trong Kinh Thánh, Lời Chúa là nguồn gốc của công trình Sáng tạo: mọi tạo vật, bắt đầu từ những yếu tố hoàn vũ – mặt trời, mặt trăng, bầu trời – đều vâng lời Thiên Chúa, chúng hiện hữu, bởi vì chúng được Lời Chúa “kêu gọi để hiện hữu”. Sức mạnh sáng tạo của Lời Chúa tập trung vào Đức Giêsu Kitô, là Lời hoá thân làm người, nhưng sức mạnh sáng tạo này cũng được thể hiện qua lời nói nhân loại của con người Đức Giêsu Kitô, là “bầu trời” thật định hướng cho tư tưởng và cuộc hành trình của con người trên trần gian.
Chính vì thế, Đức Giêsu không mô tả ngày tận cùng của thế giới, và khi Người sử dụng những hình ảnh khải huyền, Người không sử dụng như một “thị nhân”, mà trái lại, Người không muốn cho các môn đệ của Người ở vào mỗi thời đại tò mò về ngày giờ và những dự đoán, mà trái lại, Người muốn cung cấp cho các ông một chìa khoá để chú giải một cách sâu xa, thiết yếu, và nhất là chỉ cho họ chính lộ để bước đi, trong ngày hôm nay và trong tương lai, để bước vào đời sống vĩnh cửu. Tất cả đều qua đi – Chúa nhắc lại cho chúng ta -, nhưng Lời Chúa không hề thay đổi, và khi đối diện với Lời Chúa, mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm về cách sống của mình. Chính trên nền tảng này mà chúng ta sẽ bị phán xét.
Các bạn thân mến, ở vào thời đại chúng ta cũng thế, những thiên tai vẫn không thiếu, và đáng buồn thay, chiến tranh và bạo lực vẫn còn đó. Ngày hôm nay cũng thế, chúng ta cần một nền tảng vững chắc cho cuộc đời và hy vọng của chúng ta, nhất là bởi vì thuyết tương đối đang tràn ngập chung quanh chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đón nhận tâm điểm này trong Con Người Đức Kitô và trong Lời của Người!