Các Thánh Việt Nam
Nhân dịp lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam sắp tới, chúng tôi giới thiệu với các bạn đọc về các Thánh Việt Nam. Đây là chương 12 của cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015 sắp sửa ra mắt. Trong chương này, ngoài 117 vị tử đạo, chúng ta có thêm phần tiểu sử của các vị như Chân phước Anrê Phú Yên, Vị Tôi Tớ Chúa – Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
CHƯƠNG 12
CÁC THÁNH VIỆT NAM
Trong dòng lịch sử GHVN, người ta ước tính có khoảng 130.000 người đã làm chứng cho đức tin và tình yêu đối với Chúa và anh em của mình (x. Niên giám, chương 10, Lược sử Giáo hội Công giáo Việt Nam). Tuy nhiên, lịch sử GHVN không chỉ dừng lại ở các vị chứng nhân đức tin mà còn mở ra với các vị thánh khác: mục tử, hiển tu, đồng trinh và đủ loại thánh nam nữ như trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu. Hồ sơ tuyên phong chân phước và hiển thánh cho Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có thể được xem như tiếng pháo lệnh khởi đầu. Trong chương này chúng ta nêu tên các vị để nhắc bảo con cháu luôn kính nhớ và noi gương các ngài trong cuộc sống.
1. DANH SÁCH 117 THÁNH TỬ ĐẠO
1.1. Thống kê dữ liệu
117 vị được Giáo Hội tôn vinh Chân Phước qua bốn đợt:
Năm 1900, đời Đức Lêô XIII: 64 vị
Năm 1906, đời Đức Piô X : 8 vị
Năm 1909, đời Đức Piô X : 20 vị
Năm 1951, đời Đức Piô XII: 25 vị
Tất cả 117 vị Chân phước này đã được Đức Gioan Phaolô II tuyên thánh tại Rôma ngày Chúa Nhật 19/6/1988.
Theo quốc tịch, 117 các Thánh Tử Đạo Việt Nam được chia ra như sau:
– 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh.
– 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục hội Thừa Sai Paris (MEP)
– 96 vị gốc Việt Nam: 37 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân, trong đó có một vị thánh nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các ngài đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Chúa trong những đời vua chúa sau đây:
– 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767).
– 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782).
– 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782 – 1802).
– 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1841).
– 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847).
– 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883).
Theo cách chịu tử đạo, các ngài đã phải chịu những khổ hình khác nhau:
– 76 vị bị xử trảm quyết (chém đầu).
– 21 vị bị xử giảo (dây thừng thắt cổ).
– 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.
– 6 vị bị thiêu sống.
– 5 vị bị lăng trì (thân thể bị chặt ra từng mảnh).
1.2. Danh sách
Danh sách dưới đây được xếp theo mẫu tự ABC với các chi tiết như sau:
(1) Quý danh, nghề nghiệp.
(2) Năm sinh và quê quán.
(3) Ngày tử đạo và pháp trường, cách xử và các đời vua chúa.
1. Phêrô Almato (Bình), linh mục dòng Đa Minh, sinh 1830 tại San Feliz Saserra, Tây Ban Nha; tử đạo 1/11/1861 tại Hải Dương; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
2. Matthêu Alonzo-Leciniana (Đậu), linh mục dòng Đa Minh, sinh 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha; tử đạo 22/1/1745 tại Thăng Long; bị xử trảm đời chúa Trịnh Doanh.
3. Valentinô Berrio-Ochoa (Vinh), giám mục dòng Đa Minh, sinh 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây Ban Nha; tử đạo 1/11/1861 tại Hải Dương; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
4. Jean-Louis Bonnard (Hương), linh mục hội Thừa Sai Paris, chào đời 1824 tại Saint-Christo-en-Jarez, Pháp; tử đạo 1/5/1852 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
5. Phaolô Tống Viết Bường, quan thị vệ, sinh năm 1773 tại Phủ Cam, Huế; tử đạo 23/10/1883 tại thợ Đúc; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
6. Đa Minh Cẩm, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1810 tại Cẩm Chương (Kẻ Rọi), Bắc Ninh; tử đạo 11/3/1859 tại Hưng Yên; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
7. Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần, thầy giảng, sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Đông; tử đạo 20/11/1837 tại Ô Cầu Giấy; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
8. Giuse Hoàng Lương Cảnh, y sĩ, trùm họ, dòng Ba Đa Minh, sinh 1763 Làng Văn, Bắc Giang; tử đạo 5/9/1838 tại Bắc Ninh; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
9. Jacinto Castañeda Gia, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1743 tại Jativa, Tây Ban Nha; tử đạo 7/11/1773 tại Đồng Mơ; bị xử trảm đời chúa Trịnh Sâm.
10. Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, thầy giảng, sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thuỷ, Nam Định; tử đạo 26/6/1838 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
11. Gioan Baotixita Cỏn, lý trưởng, sinh năm 1803 tại Kẻ Báng, Nam Định; tử đạo 8/11/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
12. Jean-Charles Cornay (Tân), linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh tại Loudun, Poitiers, Pháp, vào năm 1809; tử đạo 20/9/1837 tại Sơn Tây; bị xử lăng trì đời vua Minh Mạng.
13. Etienne-Théodore Cuénot (Thể), giám mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1802 tại Bélieu, Besancon, Pháp; tử đạo 14/11/1861 tại Bình Định, chết rũ tù đời vua Tự Đức.
14. Clementê Ignaxiô Delgado (Y), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1762 tại Villa Felice, Tây Ban Nha; tử đạo 12/7/1838 tại Nam Định, chết rũ tù đời vua Minh Mạng.
15. Giuse Maria Diaz Sanjurjo (An), giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Tây Ban Nha; tử đạo 20/7/1857 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
16. Tôma Đinh Viết Dụ, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Định; tử đạo 26/11/1839 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
17. Bênađô Vũ Văn Duệ, linh mục, sinh tại tại Quần Anh, Nam Định vào năm 1755; tử đạo 1/8/1838 tại Ba Toà; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
18. Phêrô Dumoulin-Borie (Cao), giám mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp; tử đạo 24/11/1838 tại Đồng Hới; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
19. Anrê Trần An Dũng (Lạc), linh mục, sinh năm 1795 tại Bắc Ninh; tử đạo 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
20. Phêrô Đinh Văn Dũng, giáo dân, sinh năm 1800 tại Đông Hào, Thái Bình; tử đạo 6/6/1862 tại Nam Định, bị thiêu sinh đời vua tự Đức.
21. Vinh Sơn Phạm Văn Dương, giáo dân, sinh năm 1821 tại Doãn Trung, Thái Bình; tử đạo 6/6/1862 tại Nam Định, bị thiêu sinh đời vua Tự Đức.
22. Phaolô Vũ Văn Dương (Đổng), giáo dân, sinh năm 1802 tại Vực Đường, Hưng Yên; tử đạo 3/6/1862 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
23. Phêrô Phan Hữu Đa, giáo dân, sinh năm 1802 tại Ngọc Cục, Nam Định; tử đạo 17/6/1862 tại Nam Định, bị thiêu sinh đời vua Tự Đức.
24. Đa Minh Đinh Đạt, binh sĩ, sinh tại Phú Nhai, Nam Định, năm 1803; tử đạo 18/7/1839 tại Nam Định; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
25. Gioan Đạt, linh mục, sinh năm 1765 tại Đồng Chuối, Thanh Hoá; tử đạo 28/10/1798 tại Chợ Rạ; bị xử trảm đời vua Cảnh Thịnh.
26. Matthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng), trùm họ, sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình; tử đạo 26/5/1861; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
27. Tôma Nguyễn Văn Đệ, giáo dân dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Định; tử đạo 19/12/1839 tại Cổ Mễ; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
28. Antôn Nguyễn Đích, giáo dân, sinh năm 1769 tại Chi Long, Hà Nội; tử đạo 12/8/1838 tại Bảy Mẫu; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
29. Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm, linh mục, sinh năm 1761 tại Ân Đô, Quảng Trị; tử đạo 24/11/1838 tại Đồng Hới; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
30. Phêrô Trương Văn Đường, thầy giảng, sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam; tử đạo 18/12/1838 tại Sơn Tây; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
31. Giuse Fernandez (Hiền), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1775 tại Ventosa de la Cueva, Tây Ban Nha; tử đạo 24/7/1838 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
32. François Isidore Gagelin (Kính), linh mục Thừa Sai Paris, sinh năm 1799 tại Montperreux, Besancon, Pháp; tử đạo 17/10/1833 tại Bãi Dâu; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
33. Mathêu Lê Văn Gẫm, thương gia, sinh năm 1813 tại Gò Công, Biên Hoà; tử đạo 11/5/1847 tại Chợ Đũi; bị xử trảm đời vua Thiệu Trị.
34. Melchior Garcia Sampedro (Xuyên), Giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1821 tại Cortes, Asturias, Tây Ban Nha; tử đạo 28/7/1858 tại Nam Định; xử lăng trì đời vua Tự Đức.
35. Phanxicô Gil de Federich (Tế), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1702 tại Tortosa, Cataluna, Tây Ban Nha; tử đạo 22/1/1745 tại Thăng Long; bị xử trảm đời chúa Trịnh Doanh.
36. Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An; tử đạo 1/8/1838 tại Ba Toà; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
37. Phaolô Hạnh, giáo dân, sinh tại Chợ Quán, Gia Định, năm 1826; tử đạo 28/5/1859 tại Sài Gòn; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
38. Đa Minh Henares (Minh), Giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1765 tại Baena, Córdoba, Tây Ban Nha; tử đạo 26/6/1838 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
39. Giêrônimô Hermosilla (Liêm), Giám mục dòng Đa Minh, sinh năm 1800 tại S. Domingo de la Calzadar, Tây Ban Nha; tử đạo 1/11/1861 tại Hải Dương; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
40. Giuse Ngô Duy Hiển, thầy giảng, sinh năm 1775 tại Quần Anh, Nam Định; tử đạo 9/5/1840 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
41. Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, thầy giảng, sinh năm 1783 tại Đồng Chuối, Ninh Bình; tử đạo 28/4/1840 tại Ninh Bình; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
42. Simon Phan Đắc Hoà, y sĩ, sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, thừa Thiên; tử đạo 12/12/1840 tại An Hoà; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
43. Gioan Đoàn Trinh Hoan, linh mục, sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên; tử đạo 26/5/1861 tại Đồng Hới; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
44. Augustinô Phạm Viết Huy, binh sĩ, sinh năm 1795 Tại Hạ Linh, Nam Định; tử đạo 13/6/1839 tại Thừa Thiên; bị xử lăng trì đời vua Minh Mạng.
45. Đa Minh Trần Văn Huyên, giáo dân, sinh năm 1817 tại Đông Thành, Thái Bình; tử đạo 5/6/1862 tại Nam Định; bị thiêu sinh đời vua Tự Đức.
46. Laurensô Nguyễn Văn Hưởng, linh mục, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội; tử đạo 27/4/1856 tại Ninh Bình; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
47. Micae Hồ Đình Hy, quan thái bộc, sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên; tử đạo 22/5/1857 tại An Hoà; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
48. Phanxicô Jaccard (Phan), linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1799 tại Onnion, Annecy, Pháp; tử đạo 21/9/1838 tại Nhan Biều; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
49. Đa Minh Phạm Trọng Khảm, quan án, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1779 tại Quần Cống, Nam Định; tử đạo 13/1/1859 tại Nam Định; bị xử giảo đời vua Tự Đức.
50. Giuse Nguyễn Duy Khang, thầy giảng, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Định; tử đạo 6/12/1861 tại Hải Dương; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
51. Phêrô Hoàng Khanh, linh mục, sinh năm 1780 tại Hoà Huệ, Nghệ An; tử đạo 12/7/1842 tại Hà Tĩnh; bị xử trảm đời vua Thiệu Trị.
52. Phêrô Võ Đăng Khoa, linh mục, sinh năm 1790 tại Thuận Nghĩa, Nghệ An; tử đạo 24/11/1838 tại Đồng Hới; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
53. Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục, sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình; tử đạo 28/4/1840 tại Ninh Bình; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
54. Tôma Ngô Túc Khuông, linh mục dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên; tử đạo 30/1/1860 tại Hưng Yên; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
55. Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Nam Định; tử đạo 7/11/1773 tại Đồng Mơ; bị xử trảm đời chúa Trịnh Sâm.
56. Luca Vũ Bá Loan, linh mục, sinh năm 1756 tại Trại Bút, Phú Đa; tử đạo 5/6/1840 tại Ô Cầu Giấy; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
57. Phaolô Lê Văn Lộc, linh mục, sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Định; tử đạo 13/2/1859 tại Gia Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
58. Giuse Nguyễn Văn Lựu, trùm họ, sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long; tử đạo 2/5/1854 tại Vĩnh Long, chết rũ tù đời vua Tự Đức.
59. Phêrô Nguyễn Văn Lựu, linh mục, sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Định; tử đạo 7/4/1861 tại Mỹ Tho; bị xử trảm đời vua tự Đức.
60. Đa Minh Nguyễn Đức Mạo, giáo dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định, năm 1818; tử đạo 16/6/1862 tại Làng Cốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
61. Giuse Marchand Du, linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp; tử đạo 30/11/1835 tại Thợ Đúc; bị xử bá đao đời vua Minh Mạng.
62. Đa Minh Đinh Đức Mậu, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1808 tại Phú Nhai, Nam Định; tử đạo 5/11/1858 tại Hưng Yên; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
63. Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, thầy giảng Dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1790 tại Kẻ Diền, Thái Bình; tử đạo 19/12/1839 tại Cổ Mễ; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
64. Philipphê Phan Văn Minh, linh mục, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long; tử đạo 3/7/1853 tại Đình Khao; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
65. Augustinô Nguyễn Văn Mới (Mùi), giáo dân, dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1806 tại Phú Trang, Nam Định; tử đạo 19/12/1839 tại Cổ Mễ; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
66. Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng, sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội; tử đạo 12/8/1838 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
67. Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, thầy giảng, sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam; tử đạo 18/12/1838 tại Sơn Tây; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
68. Giacôbê Đỗ Mai Năm (Nam), linh mục, sinh năm 1781 tại Đông Biên, Thanh Hoá; tử đạo 12/8/1838 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
69. Phêrô Phanxicô Néron (Bắc), linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1818 tại Bornay, Saint Claude, Pháp; tử đạo 3/11/1860 tại Sơn Tây; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
70. Phaolô Nguyễn Ngân, linh mục, chào đời năm 1771 tại Kẻ Biên, Thanh Hoá; tử đạo 8/11/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
71. Giuse Nguyễn Đình Nghi, linh mục, sinh năm 1771 tại Kẻ Vồi, Hà Nội; tử đạo 8/11/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
72. Laurensô Phạm Viết Ngôn, giáo dân, sinh năm 1840 tại Lục Thuỷ, Nam Định; tử đạo 22/5/1862 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
73. Đaminh Nguyễn Huy Nguyên, giáo dân, sinh năm 1802 tại Ngọc Cục, Nam Định; tử đạo 16/6/1862 tại Làng Cốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
74. Đaminh Nguyễn Đức Nhi, giáo dân, sinh năm 1822 tại Ngọc Cục, Nam Định; tử đạo 16/6/1862 tại Làng Cốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
75. Đaminh Trần Duy Ninh, giáo dân, sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Định; tử đạo 2/6/1862 tại An Triêm; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
76. Emmanuel Lê Văn Phụng, trùm họ, sinh năm 1796 tại Đầu Nước, Cù Lao Giêng; tử đạo 31/7/1859 tại Châu Đốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
77. Phêrô Đoàn Công Quý, linh mục, sinh năm 1826 tại Búng, Gia Định; tử đạo 31/7/1859 tại Châu Đốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
78. Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, y sĩ, sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình; tử đạo 10/7/1840 tại Đồng Hới; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
79. Augustinô Schoeffler (Đông), linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1822 tại Mittelbonn, Nancy, Pháp; tử đạo 1/5/1851 tại Sơn Tây; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
80. Giuse Phạm Trọng Tả, cai tổng, sinh năm 1800 tại Quần Cống, Nam Định; tử đạo 13/1/1859 tại Nam Định; bị xử giảo đời vua Tự Đức.
81. Gioan B. Đinh Văn Thành, thầy giảng, sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình; tử đạo 28/4/1840 tại Ninh Bình; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
82. Anê Lê Thị Thành (Bà Đê), giáo dân, sinh năm 1781 tại Bái Đền, Thanh Hoá; tử đạo 12/7/1841 tại Nam Định, chết rũ tù đời vua Thiệu Trị.
83. Nicôla Bùi Đức Thể, binh sĩ, sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Nam Định; tử đạo 13/6/1839 tại Thừa Thiên; bị xử lăng trì đời vua Minh Mạng.
84. Phêrô Trương Văn Thi, linh mục, sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội; tử đạo 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
85. Giuse Lê Đăng Thi, cai đội, sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị; tử đạo 24/10/1860 tại An Hoà; bị xử giảo đời vua Tự Đức.
86. Tôma Trần Văn Thiện, chủng sinh, sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình; tử đạo 21/9/1838 tại Nhan Biền; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
87. Luca Phạm Trọng Thìn, cai tổng, sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Định; tử đạo 13/1/1859 tại Nam Định; bị xử giảo đời vua Tự Đức.
88. Martinô Tạ Đức Thịnh, linh mục, sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội; tử đạo ngày 8/11/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
89. Martinô Thọ, trùm họ, sinh tại Kẻ Báng, Nam Định, năm 1787; tử đạo ngày 8/11/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
90. Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), giáo dân, sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Định; tử đạo ngày 15/7/1855 tại Mỹ Thi, chết rũ tù đời vua Tự Đức.
91. Phêrô Đinh Văn Thuần, giáo dân, sinh năm 1802 tại Đông Phú, Thái Bình; tử đạo ngày 6/6/1862 tại Nam Định; bị thiêu sinh đời vua Tự Đức.
92. Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục, sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hoá; tử đạo ngày 6/4/1857 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
93. Đaminh Trần Văn Toại, giáo dân, sinh năm 1811 tại Đông Thành, Thái Bình; tử đạo ngày 5/6/1862 tại Nam Định; bị thiêu sinh đời vua Tự Đức.
94. Tôma Đào Đình Toán, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh tại Cần Phan, Nam định năm 1767; tử đạo ngày 27/6/1840 tại Nam Định; chết rũ tù đời vua Minh Mạng.
95. Đaminh Vũ Đức Trạch (Đoài), linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1772 tại Ngoại Vối, Nam Định; tử đạo ngày 18/9/1840 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
96. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục, sinh năm 1756 tại Chợ Đúc, Phú Xuân, Huế; tử đạo ngày 17/9/1798 tại Bãi Dâu; bị xử trảm đời vua Cảnh Thịnh.
97. Anrê Trần Văn Trông (Trọng, Thông), binh sĩ, sinh năm 1808 tại Kim Long, Huế; tử đạo ngày 28/11/1835 tại An Hoà; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
98. Phêrô Vũ Văn Truật (Vũ Thuật), thầy giảng, sinh tại Kẻ Thiết, Hà Nam, năm 1816; tử đạo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
99. Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội, sinh năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị; tử đạo 2/5/1858 tại An Hoà; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
100. Giuse Trần Văn Tuân, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên; tử đạo 30/4/1861 tại Hưng Yên; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
101. Giuse Trần Văn Tuấn, giáo dân, sinh tại Nam Điền, Nam Định năm 1825; tử đạo 7/6/1862 tại Nam Định; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
102. Phêrô Nguyễn Bá Tuần, linh mục, sinh năm 1766 tại Ngọc Đồng, Hưng Yên; tử đạo 15/7/1838 tại Nam Định; chết rũ tù đời vua Minh Mạng.
103. Giuse Nguyễn Văn Túc, thiếu niên, sinh năm 1843 tại Hoàng Xá, Bắc Ninh; tử đạo 1/6/1862; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
104. Phêrô Lê Tuỳ, linh mục, sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Đông; tử đạo 11/10/1833 tại Quan Ban; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
105. Phêrô Nguyễn Văn Tự, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Nam Định; tử đạo 5/9/1838 tại Bắc Ninh; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
106. Phêrô Nguyễn Khắc Tự, thầy giảng, sinh năm 1811 tại Ninh Bình; tử đạo 10/7/1840 tại Đồng Hới; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
107. Đaminh Vũ Đình Tước, linh mục dòng Đa Minh, sinh tại Trung Lao, Nam Định, năm 1775; tử đạo ngày 2/4/1839 (1838) tại Nam Định; bị tra tấn đến chết đời vua Minh Mạng.
108. Anrê Nguyễn Mạnh Tường, giáo dân, sinh năm 1812 tại Ngọc Cục, Nam Định; tử đạo 16/6/1862 tại Làng Cốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
109. Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Tường, giáo dân, sinh năm 1814 tại Ngọc Cục, Nam Định; tử đạo 16/6/1862 tại Làng Cốc; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
110. Đaminh Bùi Văn Uý, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1801 tại Tiên Môn, Thái Bình; tử đạo 19/12/1839 tại Cổ Mễ; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
111. Giuse Nguyễn Đình Uyển, thầy giảng dòng Ba Đa Minh, sinh tại Ninh Cường, Nam Định năm 1775; tử đạo ngày 4/7/1838 tại Hưng Yên; chết rũ tù đời vua Minh Mạng.
112. Phêrô Đoàn Văn Vân, thầy giảng, sinh năm 1780 tại Kẻ Bói, Hà Nam; tử đạo 25/5/1857 tại Sơn Tây; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
113. Jean Etienne Vénard (Ven), linh mục hội Thừa Sai Paris, sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-thouet, Poitiers, Pháp; tử đạo ngày 2/2/1861 tại Ô Cầu Giấy; bị xử trảm đời vua Tự Đức.
114. Giuse Đặng Đình Viên, linh mục, sinh năm 1787 tại Tiên Chu, Hưng Yên; tử đạo 21/8/1838 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
115. Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, giáo dân dòng Ba Đa Minh, sinh năm 1814 tại Phù Trang, Nam Định; tử đạo 19/12/1839 tại Cổ Mễ; bị xử giảo đời vua Minh Mạng.
116. Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Định; tử đạo 26/11/1839 tại Bảy Mẫu; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
117. Vinh Sơn Đỗ Yến, linh mục dòng Đa Minh, sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Nam Định; tử đạo 30/6/1838 tại Hải Dương; bị xử trảm đời vua Minh Mạng.
2. CÁC VỊ THÁNH KHÁC
Hiện nay, còn hơn 10.000 hồ sơ của các chứng nhân tử đạo Việt Nam được lưu lại trong văn phòng của Bộ Tuyên Thánh ở Rôma.
Chúng tôi đặc biệt giới thiệu lịch sử của Chân phước Anrê Phú Yên, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp trong phần dưới đây là những vị đang được GHVN xin mở án phong thánh.
2.1. Chân Phước Anrê Phú Yên
Ngày 5/3/2000, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, nước Ý, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong lên bậc chân phước một thanh niên Việt Nam, tử đạo ngày 26/7/1644, và được biết dưới tên thánh Anrê, và đồng thời cũng là thầy giảng.
Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên, nay thuộc giáo xứ Mằng Lăng, Gp. Quy Nhơn, sinh năm 1625, là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy goá bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tuỵ và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện.
Năm 1641, khi được 16 tuổi, Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ. Một năm sau khi chịu phép Rửa Tội, Anrê được cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, SJ) nhận vào nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo và văn hoá, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là “Nhà Đức Chúa Trời” mà cha Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập. Các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các linh mục và truyền bá Phúc Âm. Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn bị cho Thầy can đảm bảo vệ đức tin và đón nhận ơn tử đạo Thiên Chúa rộng ban.
Vào tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh sống, mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá đạo Kitô trong nước. Quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng. Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này, nên tới thăm quan vì xã giao, nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có đông người dân bản xứ theo đạo Kitô. Vì thế, cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì bị trừng phạt rất nặng nề.
Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi, cũng có tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio, nhưng thầy Ignatio đã đi khỏi nhà để làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy thầy Anrê trẻ. Để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập thầy Anrê, trói thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ.
Chiều ngày 25/7/1644, thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatiô, nhưng đã bắt được một “thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo”. Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho thầy Anrê “từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin”. Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng. Tức giận vì sự bất khuất của thầy Anrê, quan truyền đóng gông và giam thầy vào ngục, chung với thầy Anrê già.
Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: thầy Anrê trẻ thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô. Thầy xin họ cầu nguyện để Chúa ban cho mình ơn trung thành với Chúa cho đến chết, “dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người”. Những lời thầy luôn lập lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng là: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp trả tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp trả mạng sống”.
Sáng ngày 26/7/1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Anrê già 63 tuổi và Anrê trẻ 19 tuổi, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố đông người qua lại nhất trong thành, đến dinh quan trấn thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ về phía mình và tuyên án tử cho thầy giảng Anrê trẻ, rồi ra lệnh dẫn thầy trở về ngục thất.
Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, ra lệnh cho thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hãy giúp lời cầu cho thầy được trung thành tới cùng.
Cuộc hành quyết thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, thầy lớn tiếng kêu lên “Giêsu”. Cho tới hơi thở cuối cùng, thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.
Hơn ba thế kỷ rưỡi đã trôi qua, kể từ ngày thầy anh dũng dâng hiến mạng sống vì trung thành với đức tin Kitô và những lời thầy cam kết với Chúa Kitô trong tư cách là người truyền bá Phúc Âm và giáo lý Kitô, nhưng ký ức về thầy vẫn không suy giảm. Trái lại, tấm gương của thầy Anrê luôn là một nguồn mạch nâng đỡ và khích lệ đích thực cho các tín hữu Công giáo tại Việt Nam, giúp đỡ họ sống phù hợp và trung thành với đức tin, mặc dù đời sống phải trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, thử thách và bách hại.
2.2. Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17/4/1928 tại Phủ Cam, Huế. Ngài là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, cha là Tađêô Nguyễn Văn Ấm, mẹ là bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, bà là em ruột của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Đây là một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời.
Ngày 11/6/1953, ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam, do Giám mục Jean Baptiste Urrutia, MEP, Giám mục Đại diện Tông toà Huế.
Từ năm 1956–1959, ngài đi du học tại Phân khoa Giáo luật thuộc Ðại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma và tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ Giáo luật. Trở về nước, năm 1960, linh mục Phanxicô Xaviê Thuận được cử làm giáo sư Tiểu Chủng viện Huế. Năm 1964, khi mới 36 tuổi, ngài là linh mục Tổng Đại diện TGP. Huế cho đến năm 1967.
Ngày 13/4/1967, ngài được Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Chính toà Gp. Nha Trang người Việt Nam tiên khởi, thay thế Giám mục Paul Marcel Piquet, (tên Việt là Lợi, MEP). Ngày 10/7/1967, ngài về nhận Gp. Nha Trang. Trong 8 năm làm giám mục Nha Trang, ngài rất thành công trong việc phát triển giáo phận.
Ngày 23/4/1975, ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu toà Vadesi, Tổng Giám mục phó của TGP. Sài Gòn với quyền kế vị. Sau sự kiện 30/4/1975, ngài tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7/5 ngài mới về thành phố này để nhận nhiệm vụ mới. Ngày 27/6/1975, Uỷ ban Quân Quản thành phố Sai Gòn – Gia Định công bố quyết định không cho ngài được hoạt động tại nhiệm sở mới. Ngày 1/7/1975, Uỷ ban Quân Quản gửi cho ngài một văn thư yêu cầu phải trở lại nơi cư trú trước 30/4/1975.
Đến ngày 15/8/1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chính quyền bắt giam ngài không qua xét xử và ngài bị giam giữ tại nhiều nơi khác nhau: nhà tù Nha Trang (từ 19/3/1976); biệt giam ở Việt Bắc, quản chế tại Giang Xá (Sơn Tây), Phùng Khoang (Hà Đông). Trong tù, ngài vẫn cử hành thánh lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành bí tíchThánh Thể. Buổi tối, khi các tù nhân khác phải đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.
Cũng trong thời gian bị tù đày, ngài viết nhiều tác phẩm như Ðường Hy Vọng với 1001 câu suy niệm ngắn gọn để giúp giáo dân sống đạo một cách kiên vững trong hoàn cảnh mới của đất nước; cuốn Ðường Hy Vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và CĐ. Vaticanô II; cuốn Những người lữ hành trên Ðường Hy vọng và khoảng 400 bài suy niệm, bằng tiếng ngoại quốc, làm thành tập Cầu nguyện Hy vọng.
Ngày 23/11/1988, ngài được thả tự do và bị quản chế tại TGM Hà Nội. Tháng 11 năm 1989 ngài mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến, phải nhập viện Bệnh viện Việt Đức Hà Nội và được giải phẫu, nhưng bệnh tình nặng kéo dài, nên mới được phép đi Rôma tiếp tục điều trị. Ngài đến Rôma tháng 4 năm 1990. Trong khi đang được điều trị bệnh tại Rôma, Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố ngài không còn được trở lại Việt Nam.
Ngày 9/4/1994, Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình. Ngày 24/6/1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình. Ngài được tặng thưởng nhiều huân chương bởi đời sống chứng nhân và các hoạt động xây dựng công lý và hoà bình
Ngày 21/1/2001, ĐGH Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ngài vào Hồng y đoàn, tước hiệu Hồng y Phó tế nhà thờ Santa Maria della Scala. Do không thể quay về Việt Nam nên ngài tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình ở Vatican. Ngài là hồng y bậc phó tế đầu tiên người Việt Nam và là hồng y thứ 4 Việt Nam.
Năm 2001 ngài bị bướu lạ ở bụng, phải qua Boston, Hoa Kỳ, để được giải phẫu.
Tháng 5/2002 bệnh tái phát. Ngài được mổ lại lần thứ hai vào ngày 8/5/2002 tại Milano, nhưng cuộc phẫu thuật không trọn vẹn. 6 giờ chiều ngày 16/9/2002, ngài qua đời tại Rôma. Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử hành lễ an táng trọng thể vào chiều ngày 20/9/2002.
Ngày 17/9/2007, GHCG Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ngài.
Đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo. Theo tiến trình phong thánh của GHCG Rôma thì Hồng y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (một trong bốn bậc phong thánh: Tôi tớ Chúa, Đấng Đáng kính, Chân phước, Hiển Thánh). Ngày 16/1/2009, Toà giám quản Rôma ban án lệnh chính thức để vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm liên quan đến Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để phục vụ cho án phong chân phước cho ngài. Ngày 22/10/2010, Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Gp. Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra.
2.3. Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sinh ngày 1/1/1897 tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức; nay thuộc ấp Mỹ Lợi, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng, thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Ngài được rửa tội ngày 2/2/1897 tại họ đạo Cồn Phước và lấy tên thánh là Phanxicô Xaviê.
Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, cậu bé Diệp theo cha đến Battambang (Campuchia) sinh sống bằng nghề thợ mộc. Năm 1909, cậu vào học tại Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng, sau đó học tại Đại Chủng viện Nam Vang (Campuchia); vì lúc bấy giờ các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Gp. Nam Vang.
Năm 1924, sau khi thụ phong linh mục tại Nam Vang, cha được bề trên bổ nhiệm làm linh mục phó của họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal (Campuchia). Năm 1927–1929, cha trở về nước và làm giáo sư tại Chủng viện Cù Lao Giêng. Tháng 3 năm 1930, ngài về nhận nhiệm sở tại Họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm nhiệm vụ tại đây, ngài đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.
Năm 1945–1946, chiến tranh loạn lạc khiến nhiều giáo dân phải di tản nhưng cha vẫn sống gắn bó với giáo dân ở họ đạo. Ngài trả lời cho những người khuyên ngài tìm chốn yên ổn: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”. Ngày 12/3/1946, cha bị bắt cùng với gần 100 giáo dân tại họ Tắc Sậy. Tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa (kho lúa) của ông giáo Châu Văn Sự ở Cây Gừa. Người ta định chất rơm chung quanh kho và tính đốt tất cả, nhưng cha đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha bị mời đi làm việc ba lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Bổn đạo thấy cửa lẫm để mở và họ đã trốn thoát.
Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác cha dưới một cái ao tại phần đất của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi. Họ đã đem chôn cất trong phòng Thánh của nhà thờ Khúc Tréo (nay thuộc xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Năm 1969, hài cốt Cha F.X. Trương Bửu Diệp được cải táng về đặt trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy là nơi cha phục vụ trong 16 năm.
Hàng năm, nhất là ngày 11 và 12 tháng 3 Dương lịch, đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của Cha Diệp.
Từ năm 2012, cuộc điều tra tuyên thánh cấp giáo phận cho linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành.
Ngày 31/10/2014, Bộ Giáo lý Đức tin ra tuyên bố nihil obstat (không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Diệp.
Lm. Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
—o0o—