09/01/2025

“Xã hội hoá” công viên để khai thác cát?

Từ cán bộ đến người dân thôn Trung Sơn (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã lên tiếng phản đối kịch liệt việc mới đây một doanh nghiệp có tờ trình gửi chính quyền Đà Nẵng xin được “xã hội hoá” 12ha rừng Trung Sơn để xây dựng công viên.

 

“Xã hội hoá” công viên để khai thác cát?

 

Từ cán bộ đến người dân thôn Trung Sơn (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã lên tiếng phản đối kịch liệt việc mới đây một doanh nghiệp có tờ trình gửi chính quyền Đà Nẵng xin được “xã hội hoá” 12ha rừng Trung Sơn để xây dựng công viên.


 


Một góc làng Trung Sơn, nơi người dân lo lắng bị mất mát nhiều thứ khi doanh nghiệp vào đầu tư - Ảnh: Hữu Khá
Một góc làng Trung Sơn, nơi người dân lo lắng bị mất mát nhiều thứ khi doanh nghiệp vào đầu tư – Ảnh: Hữu Khá

Theo người dân, nếu chủ trương “xã hội hoá” này được thông qua thì hàng triệu mét khối cát trắng nơi đây sẽ bị xúc bán công khai, khi ấy rừng Trung Sơn chắc chắn sẽ không còn tồn tại.

Biến rừng thành công viên, khu tái định cư

Ngày 19-10, Công ty TNHH đầu tư NLPT (trụ sở tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin được nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng khu di tích đồi Trung Sơn với diện tích khoảng 12ha.

Sau đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã có bút phê giao cho chính quyền huyện Hòa Vang chủ trì làm việc với các ngành chức năng, đại diện người dân để lấy ý kiến về việc triển khai dự án.

Theo đại diện chủ dự án (Công ty NLPT), trong khu vực rộng hơn 12,4ha mà đơn vị này lập sẽ quy hoạch thành hai khu vực bao gồm khu di tích đồi Trung Sơn rộng 4,7ha và khu công viên cây xanh, khu tái định cư rộng 7,7ha.

Đại diện chủ đầu tư cho rằng họ rất muốn đầu tư vào dự án này nhằm “giúp xã Hoà Liên có được một điểm tham quan giải trí thu hút du khách, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Cũng theo vị đại diện này, hiện xung quanh khu vực rừng Trung Sơn đã và đang hình thành những dự án lớn như khu đô thị Gold Hills, khu dân cư Nam Nguyễn Tất Thành, trạm xử lý nước thải Liên Chiểu…

Vì vậy khi các dự án này hình thành, khu vực dân cư ven rừng Trung Sơn sẽ trở thành vùng trũng. Để tránh ngập úng và phục chế các di tích lịch sử tại đây nên chủ đầu tư muốn bỏ tiền xây dựng dự án.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một tổ hợp khu di tích lịch sử đồi Trung Sơn, công viên tâm linh, có tượng đài, công viên cảnh quan.

Ngoài ra, nơi đây cũng được quy hoạch thành 77 lô để tái định cư cho người dân cũng như xây dựng các khu thể thao.

Dân phản đối

Để lắng nghe ý kiến các bên, sáng 30-10 chính quyền huyện Hoà Vang đã mời đầy đủ các hội, đoàn thể cùng đại diện người dân Trung Sơn cùng ngồi lại bàn kế hoạch “xã hội hóa” đầu tư khu di tích đồi Trung Sơn.

Tuy nhiên, ngay sau khi đại diện chủ đầu tư trình bày qua dự án, phần lớn các thành viên dự họp đã kịch liệt phản đối.

Theo ông Nguyễn Văn Trà – bí thư chi bộ thôn Trung Sơn, cánh rừng Trung Sơn đã tồn tại hơn 350 năm, đây cũng là nơi sinh ra 24 mẹ VN anh hùng và cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của 80 liệt sĩ.

Năm 2007, trước sự đô thị hóa quá ồ ạt, người dân Trung Sơn sợ mất đi cánh rừng này nên đã làm đơn thỉnh cầu lãnh đạo TP xin được giữ lại cánh rừng. Và cuối cùng Đà Nẵng đã quyết định giữ lại rừng Trung Sơn với mục đích bảo tồn, biến nó trở thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử.

“Bây giờ chủ đầu tư muốn “nhảy” vào đây để làm gì? Doanh nghiệp nói là “xã hội hóa” để xây dựng khu di tích, vậy liệu có làm thay đổi hiện trạng rừng không?” – ông Trà nói.

Ông Trà cũng thẳng thắn khi đặt ra nghi vấn nếu doanh nghiệp xin “xã hội hóa” rồi tìm cách khai thác cát trắng, đưa đi bán là có lỗi với người đã khuất.

Vì vậy ông Trà cho rằng: “Nếu cấp trên muốn triển khai dự án này thì phải về tận thôn lấy ý kiến của dân. Dân cho thì làm chứ chúng tôi không dám quyết việc này”.

Còn một đại diện người dân Trung Sơn cho rằng nếu nhà đầu tư vẫn giữ nguyên hiện trạng, không mang ra khỏi rừng một hạt cát nào thì dân đồng ý cho quy hoạch làm dự án.

Còn nếu xúc cát đem đi bán thì thôi. Tương tự, một đại diện của văn phòng UBND huyện Hòa Vang cho rằng: “Quy hoạch mà nhà đầu tư đưa ra chưa rõ ràng. Đầu tư mà không lấy cát là vô lý. Chắc chắn có khai thác cát ở dự án này rồi”. Tuy nhiên, những câu hỏi liên quan đến việc “có xúc cát trắng đưa ra khỏi rừng Trung Sơn hay không” thì đại diện nhà đầu tư gần như lẩn tránh không đề cập.

Tập hợp ý kiến báo cáo lãnh đạo

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thu – chủ tịch UBND xã Hòa Liên – nói: “Chỉ mới lấy ý kiến mà các anh (các hộ dân) đã nóng lên rồi”. Ông Thu cho rằng: “Doanh nghiệp đã đầu tư thì họ phải tính toán kinh tế. Phải lấy cát bán bớt thì mới có tiền tái đầu tư. Còn không họ bỏ tiền ra làm công viên, rồi mai sau họ bán vé vào đây thì dân có chịu không?”.

Tuy nhiên, ý kiến này đã bị đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng phản bác bởi nếu đầu tư xong mà bán vé thì khu đất 12ha nói trên phải được tính toán lại giá đất chứ không có chuyện giao không cho doanh nghiệp được.

Vì vậy, vị đại diện này cho rằng chủ đầu tư phải có một đề án cụ thể về vấn đề quản lý, khai thác dự án nói trên.

Trước những phát biểu quá căng thẳng của các bên dự họp, ông Đặng Thương, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết: “Đây mới chỉ là buổi làm việc để tham khảo ý kiến các bên chứ huyện cũng không có quyền quyết định cho dự án triển khai. Cuộc họp này chỉ là tập hợp ý kiến để báo cáo lên chủ tịch TP”.

Tuy nhiên, ông Thương cũng nêu rõ quan điểm rằng: nếu để nguyên đồi Trung Sơn như hiện tại thì không có giá trị gì cả, cần phải tôn tạo, quản lý và khai thác nó. “Nên để chủ đầu tư tôn tạo khu di tích, thu hút khách du lịch, như thế địa phương có điểm tham quan giáo dục thế hệ trẻ!”.

ĐĂNG NAM – HỮU KHÁ (đ[email protected])