Cuộc “lột xác” từ số hoá truyền hình
Từ ngày 1-11, TP Đà Nẵng và bốn huyện bắc Quảng Nam là nơi đầu tiên trong cả nước ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) đã phục vụ người xem trong hàng chục năm nay để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Cuộc “lột xác” từ số hoá truyền hình
Từ ngày 1-11, TP Đà Nẵng và bốn huyện bắc Quảng Nam là nơi đầu tiên trong cả nước ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) đã phục vụ người xem trong hàng chục năm nay để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Sáng 1-11, tại các cửa hiệu bán đầu thu trên đường Đào Duy Từ, Đà Nẵng có rất đông người mua đầu thu kỹ thuật số mặt đất – Ảnh: Trường Trung |
Sự kiện này đánh dấu một bước thay đổi căn bản trong lịch sử phát triển truyền hình VN. Sau TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, lần lượt các đài truyền hình trên toàn quốc cũng sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự với một lộ trình do Chính phủ quy định để chuyển sang phục vụ người xem theo công nghệ truyền hình số mặt đất.
Câu hỏi đặt ra mà đông đảo người dân quan tâm là sự thay đổi nói trên, được xem là mang tính “cách mạng” trong lịch sử phát triển truyền hình VN, sẽ tác động ra sao đến nhu cầu nắm bắt tin tức, xem các chương trình giải trí… trên các kênh truyền hình hiện tại của hàng chục triệu người dân?
Nhu cầu chuyển đổi, phát triển truyền hình số là xu thế khoa học – công nghệ của thế giới. Công nghệ truyền hình này sẽ giúp người xem xem được nhiều kênh chương trình truyền hình, đồng thời có thể “đính kèm” phục vụ người xem và phát triển nhiều dịch vụ gia tăng trên hệ thống truyền hình… |
Ông NGUYỄN VĂN THƯ (phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và truyền thông) |
Những khó khăn trong bước đầu chuyển đổi
43 loại đầu thu Tại cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và truyền thông (http://mic.gov.vn/shth/thietbi) đã công bố danh mục 43 loại đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất (của 19 nhà cung cấp) đã thực hiện công bố hợp quy. Tương tự, cũng tại cổng thông tin này đã công bố hơn 500 loại máy thu hình có tích hợp chức năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã thực hiện công bố hợp quy trong hai năm 2014 và 2015, nghĩa là các dòng máy thu hình này phải được đảm bảo có chức năng vừa nêu khi đưa ra thị trường. |
Do lịch sử phát triển truyền hình và các loại tivi thu hình nên trong việc chuyển đổi sang truyền hình số, có lẽ khó khăn ban đầu đối với người xem truyền hình chính là vấn đề làm sao để thu sóng truyền hình số thông suốt.
Nói nôm na là lâu nay đông đảo bà con ở nhiều vùng trên cả nước, kể cả ở đô thị, sử dụng những chiếc tivi được sản xuất theo công nghệ thu hình chỉ tương thích với sóng truyền hình phát theo công nghệ analog (truyền hình tương tự).
Nếu không có một giải pháp kỹ thuật trung gian để hỗ trợ thì khi chuyển đổi sang truyền hình số, đương nhiên những chiếc tivi này coi như phải vứt đi do không tương thích với công nghệ phát sóng truyền hình số nên không thu được hình ảnh, âm thanh phát theo công nghệ này.
Hoặc là người xem phải mua những chiếc tivi có gắn luôn thiết bị thu trực tiếp tín hiệu truyền số ngay trong ruột máy.
Hóa giải vấn đề này, các nhà cung cấp dịch vụ liên tục tung ra thị trường một loại thiết bị trung gian (thường được gọi là đầu thu truyền hình số mặt đất hay bằng một cái tên “tây” hơn là Set top box) với nhiều mẫu mã khác nhau để giúp những chiếc tivi (tạm gọi là tivi analog) hiểu được tín hiệu, bắt được sóng truyền hình số một cách bình thường như lâu nay bản thân nó phục vụ người xem.
Đi kèm với nó, nhà cung cấp cũng đưa ra thị trường một loại ăngten thu sóng truyền hình nhỏ gọn. Theo công bố chất lượng, nếu những nhà ở khu vực cách cột ăngten phát sóng truyền hình 40 – 60km thì chỉ cần lắp ăngten thu sóng cao hơn mái nhà một chút là có thể đảm bảo bắt sóng truyền hình như mong muốn. Còn những nhà cách cột ăngten phát sóng vài kilômet, thậm chí để ăngten thu sóng trong nhà vẫn có thể thu tín hiệu truyền hình bình thường, hình ảnh, âm thanh rõ nét, ổn định.
Cũng cần nói rõ hơn thiết bị trung gian nói trên để giúp mọi chiếc tivi thu được tín hiệu truyền hình số bình thường, hoàn toàn không phải là thiết bị để giới hạn thời gian xem truyền hình theo gói thuê bao giống như các đầu thu của những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay (hết thời hạn thuê bao mà không đóng tiền thì không xem được truyền hình nữa).
Cũng vì những bất tiện có thể xảy ra trong giai đoạn đầu chuyển tiếp từ truyền hình analog sang truyền hình số nên Chính phủ mới có chính sách hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Thông tin từ Đà Nẵng cho biết thực hiện chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số, ở TP này và bốn khu vực thuộc bắc tỉnh Quảng Nam (TP Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc) phải hỗ trợ đầu thu cho hơn 16.000 hộ gia đình thuộc hai diện này.
Còn theo thống kê bước đầu, khi phủ sóng truyền hình số tại TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng và Hà Nội, diện phải hỗ trợ đầu thu truyền hình số có thể lên đến hàng trăm nghìn hộ. Trong “Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất” của Chính phủ, ngân sách chi cho chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất là 1.710 tỉ đồng.
Đó là những giải pháp kỹ thuật để giải quyết một vấn đề có tính lịch sử trong giai đoạn đầu chuyển đổi truyền hình analog sang truyền hình kỹ thuật số. Còn thực tế hiện nay trên thị trường, nhiều nhà cung cấp hàng điện tử đều trưng bày loại tivi có gắn luôn thiết bị thu trực tiếp truyền hình số ngay trong ruột tivi. Với những loại tivi này thì không cần phải sắm thêm thiết bị trung gian (như vừa nêu trên) để thu sóng truyền hình kỹ thuật số.
Dấu hiệu để nhận biết tivi có “cấy” luôn thiết bị thu trực tiếp truyền hình kỹ thuật số là trên mặt tivi nhà cung cấp có gắn logo biểu trưng cùng với dòng chữ “số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất” bên cạnh. Trên chiếc tivi có gắn logo cùng dòng chữ này, nghĩa là nhà cung cấp đảm bảo chiếc tivi đó đã có chức năng thu trực tiếp truyền hình kỹ thuật số theo hệ thống đang được chuyển đổi với một lộ trình đã được Chính phủ ấn định.
Sơ đồ thu hình của tivi sau khi phát sóng truyền hình kỹ thuật số – Nguồn: Q.Thanh – Đồ hoạ: N.Khanh |
Có độc quyền hạ tầng truyền hình?
Khi thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo đề án của Chính phủ, có sự thay đổi căn bản giữa khâu sản xuất chương trình, nội dung truyền hình và khâu xây dựng hạ tầng, truyền dẫn, phát sóng. Hai khâu này sẽ được tách ra theo quy hoạch của Chính phủ đang được thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Hòa, giám đốc Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV), cho biết theo quy hoạch sẽ có bảy doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số, trong đó có ba doanh nghiệp được giao truyền dẫn, phát sóng quốc gia gồm VTV, VTC và AVG (hiện AVG đã có giấy phép); bốn doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khu vực.
Chẳng hạn như SDTV được hình thành với pháp nhân là công ty TNHH hai thành viên (Truyền hình TP.HCM 51% và Truyền hình Vĩnh Long 49%), được giao đảm trách việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số cho 20 tỉnh, thành khu vực Nam bộ từ Bình Thuận đến Cà Mau (trong đó có hai TP trực thuộc trung ương là TP.HCM và Cần Thơ nằm trong cụm năm TP phải ngắt sóng truyền hình analog trước ngày 31-12-2015).
Với cách tổ chức hệ thống truyền hình và quy hoạch nói trên, về nguyên tắc, các đài truyền hình địa phương sẽ không còn “ôm” hạ tầng, bộ máy kỹ thuật… để phục vụ việc phát sóng truyền hình.
Thay vào đó, các nhà đài phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình với các doanh nghiệp được cấp phép làm chức năng này. Nhà đài tập trung cho khâu sản xuất nội dung, chương trình…, sau đó các chương trình truyền hình được chuyển đến phát sóng qua hạ tầng do những doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng quản lý theo hợp đồng sử dụng dịch vụ hạ tầng được ký kết giữa hai bên.
Ông Hoà cho biết chi phí dịch vụ hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số hiện nay mà nhà đài phải trả cho một kênh chương trình ước khoảng 3 tỉ đồng/năm (hiện chưa có quy định về giá loại dịch vụ này).
Tuy nhiên, do hiện nay SDTV hợp tác với các đài truyền hình của tỉnh, TP trong khu vực để tiếp tục sử dụng hạ tầng của các đài đã có từ trước (cột ăngten phát sóng, hệ thống máy móc…) nên chi phí giảm còn khoảng 600 triệu đồng/năm.
Vẫn theo ông Hoà, khách hàng của các công ty hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình cũng có giới hạn (63 đài truyền hình tỉnh, thành) và nằm trên bốn phân vùng.
Do vậy, ông Hòa khẳng định sẽ rất khó xảy ra chuyện độc quyền về hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình. Với 20 tỉnh khu vực Nam bộ, SDTV sẽ phủ sóng truyền hình số trong phạm vi khoảng 58.000km2 (90% diện tích khu vực Nam bộ). Còn đối với những “vùng tối” (vùng lõm sóng), không thể phủ sóng số hoá được thì sẽ được phủ sóng bằng truyền hình vệ tinh.
Theo ông Hoà, khi thực hiện lộ trình số hoá truyền hình toàn bộ khu vực Nam bộ sẽ có khoảng 30 triệu người xem được loại truyền hình này, chiếm khoảng 93% cư dân của khu vực.
Nhóm |
địa phương |
lộ trình |
1 |
Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ |
trước 31-12-2015 |
2 |
Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang |
trước 31-12-2016 |
3 |
Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang |
trước 31-12-2018 |
4 |
Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông |
trước 31-12-2020 |
TP.HCM và Cần Thơ đã phủ sóng truyền hình số Ông Nguyễn Đức Hoà, giám đốc SDTV, cho biết ở khu vực Nam bộ có hai thành phố là TP.HCM và Cần Thơ nằm trong lộ trình ngắt sóng truyền hình analog, chuyển sang sóng truyền hình kỹ thuật số trước ngày 31-12-2015. Dù chưa đến giờ G của lộ trình này nhưng tại TP.HCM và Cần Thơ, SDTV đã phát sóng kỹ thuật số các kênh chương trình truyền hình. Tại TP.HCM, người dân đã có thể thu 40 kênh chương trình truyền hình kỹ thuật số, đến hiện nay là hoàn toàn miễn phí do SDTV phát trên hệ thống hạ tầng của mình. Do cột ăngten hiện nay dùng để phát sóng truyền hình kỹ thuật số cũng chính là cột ăngten mà lâu nay Đài truyền hình TP.HCM (HTV) sử dụng, có độ cao 250m, nên trong phạm vi bán kính 60 – 80km người dân thu được truyền hình kỹ thuật số qua sóng được phát trong không gian (cụ thể như một phần các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An). Tương tự, tại TP Cần Thơ, hiện người dân có thể thu 20 kênh chương trình truyền hình kỹ thuật số được SDTV phát qua hệ thống hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng này. Do cột ăngten đặt tại Cần Thơ cao khoảng 120m, nên trong phạm vi 50 – 60km người dân có thể thu sóng của loại truyền hình mới được chuyển đổi này (một phần các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang). Theo ông Hòa, kế hoạch của SDTV sẽ phát sóng 40 kênh chương trình truyền hình kỹ thuật số trên hệ thống hạ tầng truyền dẫn, phát sóng do mình quản lý và được cam kết cung cấp miễn phí lâu dài. Trong đó có 20 kênh truyền hình thiết yếu của 20 tỉnh, thành trong khu vực Nam bộ và 20 kênh do SDTV lựa chọn để phát sóng phục vụ người dân. Đến nay, đây là những kênh chương trình hoàn toàn miễn phí, người dân có thể thu qua sóng được phát trong không gian. Trong tương lai, số lượng kênh truyền hình phát trên hệ thống này có thể sẽ tăng thêm. Ông Hòa lưu ý thêm do đây là hệ thống truyền hình của quốc gia nên chủ yếu phát những kênh chương trình truyền hình trong nước, khác với hệ thống truyền hình trả tiền có thêm những kênh nước ngoài. |