04/01/2025

Những nghiên cứu gây hại cho nhân loại

Bên cạnh những nghiên cứu mang lại lợi ích cho con người, vẫn tồn tại những dự án bí mật có thể gieo rắc ác mộng cho cả thế giới.

 

Những nghiên cứu gây hại cho nhân loại

 

 

Bên cạnh những nghiên cứu mang lại lợi ích cho con người, vẫn tồn tại những dự án bí mật có thể gieo rắc ác mộng cho cả thế giới.




Trưởng Dự án Manhattan, J.Robert Oppenheimer (cúi người) và tướng Leslie Groves (thứ ba, từ phải), người giám sát dự án, đang kiểm tra phần còn lại của vụ nổ nguyên tử đầu tiên - Ảnh: Bộ Năng lượng MỹTrưởng Dự án Manhattan, J.Robert Oppenheimer (cúi người) và tướng Leslie Groves (thứ ba, từ phải), người giám sát dự án, đang kiểm tra phần còn lại của vụ nổ nguyên tử đầu tiên – Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ
Cuộc sống con người ngày càng trở nên thoải mái hơn nhờ vào việc phát minh những công nghệ mới phục vụ cho đời sống, nhưng đôi khi ý định tốt ban đầu hoá ra lại có tác động huỷ diệt vượt xa những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất.
Dự án Manhattan
Khi Thế chiến 2 bước vào giai đoạn sống còn giữa thập niên 1940, một số nhà thông thái bậc nhất thời bấy giờ đang dốc toàn lực vào dự án được tiến hành bí mật tại New Mexico (Mỹ). Công trình mang cái tên đơn giản Dự án Manhattan này đã thay đổi hướng đi của nhân loại sau khi gây ra một trong những thảm cảnh khủng khiếp nhất lịch sử.
Đứng đầu bởi nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng J.Robert Oppenheimer, Dự án Manhattan chịu trách nhiệm phát triển những dòng vũ khí hạt nhân đầu tiên của thế giới. Sau nhiều năm nghiên cứu, pháo đài bay B-29 Enola Gay đã thả bom nguyên tử Little Boy (Thằng nhóc) xuống Hiroshima vào ngày 6.8.1945. Little Boy lập tức cướp đi mạng sống của hơn 80.000 người, làm bị thương 70.000 người khác.
Ba ngày sau, Mỹ tiếp tục ném quả Fat Man (Thằng béo) xuống Nagasaki, giết chết gần 28.000 người. Hứng chịu hai thảm hoạ cùng lúc, Nhật Bản buộc phải ký vào văn kiện đầu hàng, chấm dứt cuộc chiến ở mặt trận Thái Bình Dương trong Đệ nhị thế chiến.
Công trình của Oppenheimer đã biến ông thành một trong những nhà khoa học gây tranh cãi nhất lịch sử và hứng chịu vô số lời nguyền rủa của người đời. Thế nhưng theo Ray Monk, người chấp bút quyển tự truyện Robert Oppenheimer: Cuộc sống bên trong vòng xoáy trung tâm, nhà khoa học Mỹ hoàn toàn tin tưởng về khía cạnh đạo đức của công trình do ông toàn tâm thực hiện. “Thử tưởng tượng việc được đảm trách một dự án bí mật trị giá cả tỉ USD, có thể xoay chuyển vận mệnh của quê hương hoặc thậm chí cả thế giới”, tác giả Monk mô tả.
Bản thân Oppenheimer cho rằng hoàn toàn công bằng khi chế tạo một vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm trả đũa Đức Quốc xã, quốc gia đã ném bom tàn phá các nước Đồng minh. Ông tin vào lập luận của nhà vật lý đoạt giải Nobel người Đan Mạch Niels Bohr rằng vũ khí nguyên tử có thể chấm dứt chiến tranh, do mức độ tàn phá khủng khiếp của nó khiến không bên nào sẽ dám động binh.
Âm mưu khống chế tâm trí người
Từ đầu thập niên 1950 đến gần hết những năm 1960, các đặc vụ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bỏ thuốc LSD (Lysergic Acid Diethylamide), một dạng ma tuý gây ảo giác cực mạnh, cho hàng trăm công dân Mỹ dù không nhận được sự chấp thuận của những người này.
Mục tiêu của CIA là nhằm quan sát tác dụng của LSD trong việc điều khiển tâm lý và hành vi của con người. Các đối tượng bị biến thành chuột bạch một cách cưỡng bức bao gồm bệnh nhân tâm thần, người vô gia cư, con nghiện, gái điếm và tù nhân, tức “những người không có khả năng chống cự”, theo Daily Beast dẫn lời một đặc vụ. Tổng cộng CIA đã thực hiện 149 thí nghiệm khác nhau về việc kiểm soát tâm trí con người và những ứng dụng khác của thuốc gây ảo giác thần kinh. Tuy nhiên, họ chẳng thu được kết quả gì từ các cuộc thí nghiệm vô nhân đạo kiểu này, theo thú nhận của người đứng đầu chương trình MK-ULTRA là Sidney Gottlieb, sau khi ông về hưu vào năm 1972.
Từng là bậc thầy trong việc bào chế độc dược và đứng sau những cuộc thí nghiệm thuốc khống chế thần kinh, Gottlieb bị gán cho biệt danh “phù thủy đen” và “kẻ lừa đảo đê tiện”. Dù không gặt hái bất kỳ lợi ích khoa học nào, chương trình MK-ULTRA đã đẩy đa số đối tượng thí nghiệm vào tình trạng bi đát. Ít nhất một người thiệt mạng và nhiều nạn nhân bị mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng hoặc thậm chí nổi điên sau đó.
Bất chấp hậu quả đáng sợ, sĩ quan Gottlieb được trao huy chương Tình báo xuất sắc vào năm 1973, cũng là năm CIA tiêu hủy hầu hết các chứng cứ liên quan đến chương trình.
Tẩy não kiểu IS
Các cuộc thí nghiệm nói trên của CIA có thể chẳng mang lại lợi ích thiết thực nào về mặt khoa học, nhưng nhiều chiêu thao túng tâm lý từ lâu vẫn được các tổ chức bạo lực, cực đoan vận dụng khá nhuần nhuyễn. Một ví dụ điển hình là hàng ngàn thanh thiếu niên ở những nước phương Tây đã và đang bị lôi kéo về phe tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo các chuyên gia, IS sử dụng những chiêu thức dụ dỗ vô cùng quỷ quyệt chứ không đơn thuần là khai thác tính bốc đồng và trạng thái tâm lý bất ổn ở tuổi mới lớn. Daily Beast dẫn lời Steve Hassan, cựu thành viên của nhóm tôn giáo Moonies từng nhiều lần bị cáo buộc tẩy não tín đồ trong thập niên 1980 ở Mỹ, nhận định IS đang sử dụng các kỹ thuật kiểm soát trí não thường được áp dụng trong những tổ chức tôn giáo cuồng tín, nhằm chiêu mộ các thành viên trẻ.
“Điều then chốt là các thành viên không được cung cấp đủ thông tin khi đưa ra lựa chọn”, ông Hassan nói. Cũng như những gì Moonies đã làm năm xưa, IS khiến những người ủng hộ tin rằng họ sẽ góp phần chấm dứt đói nghèo, chiến tranh, tội lỗi và tạo ra một vương quốc thiên đàng trên trái đất. Và chỉ trong vòng 2 tuần, họ quỳ rạp trước một bệ thờ, cầu nguyện Thượng đế giúp nhà cứu thế của họ chinh phục thế giới.
Ngoài ra, theo phân tích của ông Hassan, những kẻ chịu trách nhiệm chiêu mộ thành viên của IS quá rành khía cạnh tâm lý xã hội và vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên lý của sự lôi kéo để dẫn dắt “ứng viên tiềm năng” cảm thấy rằng gia nhập tổ chức là lựa chọn hoàn toàn chủ động của mình. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao ít nhất là cho đến nay, IS vẫn hết sức thành công trong việc mở rộng ảnh hưởng đến các thanh thiếu niên phương Tây.

Thuỵ  Miên