04/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kỷ niệm 50 năm Nostra Aetate

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 28-10-2015, ĐTC đã cùng với 40.000 tín hữu và đại diện các tôn giáo kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn “Nostra Aetate” (Thời đại Chúng ta) của Công đồng Vatican II về Quan hệ của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô. Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã tạm gác loạt bài giáo lý về gia đình, để nói về Tuyên ngôn Nostra Aetate, của Công đồng chung Vatican II về Tương quan giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo không Kitô.

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kỷ niệm 50 năm Nostra Aetate
 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 28-10-2015, ĐTC đã cùng với 40.000 tín hữu và đại diện các tôn giáo kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn “Nostra Aetate” (Thời đại Chúng ta) của Công đồng Vatican II về Quan hệ của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô.

Bầu trời u ám và trước đó có mưa nên ĐTC đã chào thăm trước các anh chị em bệnh nhân và những người tháp tùng họ, tụ tập tại Đại Thính đường Phaolô VI, rồi ngài tiến ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm đông đảo các tín hữu khác.

Lên tới bục cao ở thềm Đền thờ, ĐTC đặc biệt dừng lại chào thăm ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, và ĐHY Kurt Koch, người Thuỵ Sĩ, Chủ tịch Uỷ ban Toà Thánh Liên lạc với Dothái giáo. Hai vị đã lần lượt giới thiệu lên ĐTC các tham dự viên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, đang tham dự Hội nghị Quốc tế tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetare của Công đồng Vatican II. Trong số các tham dự viên có phái đoàn của tổ chức ‘Hội đồng Dothái Thế giới’ (World Jewish Congress).

Tiếp đến, mọi người đã nghe đọc một đoạn trong Tuyên ngôn Nostra Aetare bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.


Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã tạm gác loạt bài giáo lý về gia đình, để nói về Tuyên ngônNostra Aetate (Thời đại Chúng ta), của Công đồng chung Vatican II về Tương quan giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo không Kitô, nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm công bố tuyên ngôn này. 

ĐTC nói:

“Trong các buổi tiếp kiến chung thường có những người hoặc nhóm thuộc các tôn giáo khác; nhưng hôm nay, sự hiện diện này thật là đặc biệt để cùng nhau kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetatecủa Công đồng chung Vatican II về Quan hệ của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô. Đề tài này rất được Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI quan tâm: ngay từ Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào năm trước khi bế mạc Công Đồng, ngài đã thành lập Văn phòng về Những người không Kitô, nay là Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn. Vì thế, tôi bày tỏ lòng biết ơn và nồng nhiệt chào đón những người và các nhóm thuộc các tôn giáo khác, hôm nay đã muốn có mặt tại đây, đặc biệt là những người đến từ xa.

Công đồng chung Vatican II là một thời kỳ đặc biệt suy tư, đối thoại và cầu nguyện để đổi mới cái nhìn của Giáo hội Công giáo về chính mình và thế giới. Đó là một sự đọc các dấu chỉ thời đại để nhắm đến một sự canh tân, theo hai chiều hướng trung thành: trung thành với truyền thống Giáo Hội và trung thành với lịch sử con người nam nữ thời nay. Thực vậy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong sự sáng tạo và trong lịch sử, Chúa đã nói qua các ngôn sứ và sau cùng trong Con của Ngài nhập thể làm người (x. Dt 1,1), Chúa ngỏ lời với tâm trí mỗi người đang tìm kiếm chân lý và những con đường để thực thi chân lý.

Sứ điệp của Tuyên ngôn Nostra Aetate vẫn luôn có tính chất thời sự. Chúng ta gợi lại đây vắn tắt vài điểm:

– Sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc (x. số 1).

– Sự tìm kiếm của con người một ý nghĩa cuộc sống, đau khổ, sự chết, những vấn nạn này luôn tháp tùng hành trình của chúng ta (x. số 1).

– Nguồn gốc chung và vận mạng chung của nhân loại (x. số 1).

– Đặc tính có một không hai của gia đình nhân loại (x. số 1).

– Các tôn giáo như một sự tìm kiếm Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt Đối, giữa lòng các chủng tộc và văn hóa khác nhau (x. số 1).

– Cái nhìn từ ái và quan tâm của Giáo Hội về các tôn giáo: Giáo Hội không loại bỏ những gì là tốt đẹp và chân thực trong các tôn giáo ấy (x. số 2).

– Với lòng quý mến, Giáo Hội nhìn tín đồ của mọi tôn giáo, đánh giá cao sự dấn thân tinh thần và luân lý của họ (x. số 3).

– Giáo Hội cởi mở đối thoại với tất cả mọi người, đồng thời trung thành với các chân lý mà Giáo Hội tin, bắt đầu từ chân lý theo đó ơn cứu độ được cống hiến cho tất cả mọi người có nguồn gốc nơi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, và Chúa Thánh Linh đang hoạt động, như nguồn mạch an bình và yêu thương.”

Tiếp tục bài huấn giáo, ĐTC nhận xét:

“Có bao nhiêu biến cố, sáng kiến và các quan hệ chính thức hoặc cá nhân với các tôn giáo không Kitô trong 50 năm qua, và khó lòng nhắc đến tất cả nơi đây. Một biến cố đặc biệt ý nghĩa là cuộc gặp gỡ tại Assisi ngày 27-10-1986. Cuộc gặp gỡ này do Thánh Gioan Phaolô II mong muốn và cổ vũ, một năm trước ngày đó, tức là cách đây 30 năm, ngài đã ngỏ lời với các bạn trẻ Hồi giáo ở thành phố Casablanca (Maroc) và cầu mong rằng tất cả những người tin nơi Thiên Chúa thăng tiến tình thân hữu và sự hiệp nhất giữa con người và các dân tộc (ngày 19-8-1985). Ngọn lửa được đốt lên ở Assisi đã lan toả ra toàn thế giới và tạo thành một dấu chỉ hy vọng trường kỳ.

Chúng ta đặc biệt cảm tạ Thiên Chúa vì sự biến đổi thực sự trong 50 năm qua trong quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Dothái. Sự dửng dưng và chống đối đã biến thành sự cộng tác và thiện cảm. Từ kẻ thù và xa lạ, chúng ta đã trở thành bạn hữu và anh chị em với nhau. Công đồng, qua Tuyên ngônNostra Aetate, đã vạch ra con đường: đồng ý tái khám phá các căn cội Dothái của Kitô giáo; chống lại mọi hình thức bài Dothái và lên án mọi thứ lăng mạ, kỳ thị và bách hại từ đó mà ra. Sự hiểu biết, tôn trọng và quý chuộng nhau trở thành con đường, nếu có giá trị đối với quan hệ với người Dothái, thì cũng có giá trị cho quan hệ đối với các tôn giáo khác. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người Hồi giáo, như Công Đồng nhắc nhớ, họ là “những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và lập hữu, từ bi và toàn năng, sáng tạo trời đất và là Đấng nói với con người” (Nostra Aetare, 5). Họ là con cháu Tổ phụ Abraham, tôn kính Đức Giêsu như vị ngôn sứ, tôn kính Đức Mẹ Maria, chờ đợi ngày phán xét, và thực hành kinh nguyện, làm phúc và chay tịnh (x. ibid.).

“Cuộc đối thoại mà chúng ta đang cần chỉ có thể là cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng, và như thế mới mang lại thành quả. Sự tôn trọng lẫn nhau là điều kiện, và đồng thời là mục đích của cuộc đối thoại liên tôn: tôn trọng quyền sống của người khác, quyền được toàn vẹn về thể lý, các quyền tự do cơ bản, nghĩa là tự do lương tâm, tự do tư tưởng, ngôn luận và tôn giáo.

Thế giới nhìn các tín hữu chúng ta, khuyên nhủ chúng ta cộng tác với nhau và những người nam nữ thiện chí, không tuyên xưng một tôn giáo nào, họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời hữu hiệu về nhiều vấn đề: hoà bình, nghèo đói, lầm than đang đè nặng trên hằng triệu người, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm nhân danh tôn giáo, nạn tham ô, sa đoạ luân lý, những cuộc khủng gia đình, kinh tế, tài chính, nhất là khủng hoảng hy vọng. Các tín hữu chúng ta không có công thức cho những vấn đề đó, nhưng chúng ta có một nguồn lực rất lớn, đó là kinh nguyện, Kinh nguyện là kho tàng của chúng ta, từ đó chúng ta kín múc theo các truyền thống liên hệ, để xin những hồng ân mà nhân loại khao khát.

Vì bạo lực và khủng bố, có sự lan tràn một thái độ nghi kỵ hoặc thậm chí lên án cả các tôn giáo. Trong thực tế, mặc dù không có tôn giáo nào được miễn nhiễm khỏi nguy cơ có những sai trái duy căn hoặc cực đoan hoặc nơi các cá nhân và nhóm (x. Diễn văn tại Quốc hội Mỹ 24-9-2015), nhưng cần nhìn các giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống và đề nghị, và các giá trị ấy là nguồn mạch hy vọng. Vấn đề ở đây là hướng cái nhìn lên cao để đi xa hơn. Cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng tín thác có thể gieo những hạt giống sự thiện, nó sẽ nảy mầm thân hữu và cộng tác trong biết bao nhiêu lĩnh vực, và nhất là trong việc phục vụ người nghèo, người bé mọn, người già, trong việc tiếp đón người di cư, trong sự quan tâm đến những người bị gạt bỏ. Chúng ta có thể đồng hành, chăm sóc nhau và thiên nhiên. Cùng nhau chúng ta có thể chúc tụng Đấng Tạo Hoá vì đã ban cho chúng ta mảnh vườn thế giới để vun trồng và giữ gìn như một công ích, và chúng ta có thể thực hiện những dự án chung để bài trừ nghèo đói và đảm bảo cho mỗi người nam nữ những điều kiện sống xứng đáng.

Năm Thánh Đặc biệt về lòng thương xót đang đến gần, đó là cơ hội thuận tiện để cùng nhau làm việc trong lĩnh vực bác ái. Và trong lĩnh vực này, điều đáng kể nhất chính là sự cảm thương, chúng ta có thể liên kết với bao nhiêu người không cảm thấy mình là tín hữu hoặc những người đang tìm kiếm Thiên Chúa và chân lý, những người đặt ở trung tâm khuôn mặt của người khác, đặc biệt khuôn mặt của người anh chị em túng thiếu. Nhưng lòng từ bi thương xót mà chúng ta được kêu gọi thi hành bao gồm toàn thể công trình sáng tạo, mà Thiên Chúa uỷ thác cho chúng ta canh giữ, và không phải để bóc lột khai thác, và càng không phải để phá huỷ. Chúng ta phải luôn luôn quyết tam để lại một thế giới tốt đẹp như chúng ta đã thấy (x. Thông điệp Laudato sì, 194), khởi hành từ môi trường chúng ta đang sống, từ những cử chỉ bé nhỏ trong đời sống thường nhật của chúng ta.”

ĐTC kết luận:

“Anh chị em thân mến, về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là cầu nguyện. Nếu không có Chúa, không gì có thể; với Chúa, tất cả đều trở nên có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa, Đấng mong muốn rằng tất cả mọi người nhìn nhận nhau là anh chị em với nhau và sống với nhau như vậy, họp thành một đại gia đình nhân loại trong sự hoà hợp những khác biệt.”

Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các linh mục đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.

Cuối buổi tiếp kiến, vì có nhiều không Kitô hiện diện tại buổi tiếp kiến, ĐTC mời gọi mọi người, cầu nguyện trong thinh lặng, mỗi người theo truyền thống tôn giáo của mình, để chúng ta được trở nên anh chị em với nhau hơn và sẵn sàng phục vụ các anh chị em túng thiếu. Và ngài kết thúc: “Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”
 

G. Trần Đức Anh OP