TP.HCM ô nhiễm gia tăng, trạm đo hư hỏng
Trong khi ô nhiễm không khí là vấn đề dân sinh nóng bỏng (Tuổi Trẻ 26-10 đã phản ánh) thì mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động của TP.HCM đã hư hỏng hoàn toàn…
TP.HCM ô nhiễm gia tăng, trạm đo hư hỏng
Trong khi ô nhiễm không khí là vấn đề dân sinh nóng bỏng (Tuổi Trẻ 26-10 đã phản ánh) thì mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động của TP.HCM đã hư hỏng hoàn toàn…
Cán bộ môi trường lấy mẫu không khí để phân tích các thông số ô nhiễm không khí tại trạm quan trắc Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) chiều 26-10, theo yêu cầu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Vì lý do này, thay vì các thông số ô nhiễm được đo 24/24 giờ thì nay phải chuyển sang đo theo định kỳ (mỗi tháng đo 10 ngày và đo 2 lần/ngày) bằng máy móc bán tự động.
TP.HCM từng có một hệ thống gồm 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, với tần suất làm việc và đo đạc 5 thông số ô nhiễm một cách liên tục 24/24 giờ. Năm 2000 Chính phủ Đan Mạch tài trợ lập 4 trạm, tiếp đó đến năm 2002 Chính phủ Na Uy tài trợ thêm 5 trạm.
Ngày 26-10, trở lại một số trạm đo đạc chất lượng không khí tự động ở TP, chúng tôi thấy hiện trạng xuống cấp của các trạm này – không được bảo trì, nâng cấp trong thời gian dài – mà không khỏi lo lắng cho chất lượng môi trường sống của TP.
Một trạm đặt trong khuôn viên Bệnh viện Thống Nhất (mặt đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình) bị cây cối che khuất, gỉ sét theo thời gian. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trạm đặt trong khuôn viên Trường THPT Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM)…
Thiết bị hư hỏng hoàn toàn!
Thông tin từ đại diện Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM cho hay: sau nhiều năm sử dụng, nhiều thiết bị đã hư hỏng và từ năm 2009, các trạm thuộc hệ thống nói trên đã tạm ngưng hoạt động. Từ đó, trung tâm này đành phải cử người mang một số thiết bị máy móc đến vị trí đặt các trạm theo dõi chất lượng không khí tự động để đo đạc định kỳ.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM nhìn nhận: “Hệ thống quan trắc không khí tự động gồm 9 trạm, được đầu tư từ năm 2000 thông qua các dự án hợp tác quốc tế (Đan Mạch và Na Uy), đến nay đã lạc hậu về công nghệ và hư hỏng hoàn toàn”.
Lãnh đạo sở này cũng cho biết việc đầu tư hệ thống quan trắc tự động nhằm đảm bảo số liệu thu được về các chất ô nhiễm không khí (kể cả chất lượng nước) có độ tin cậy cao, liên tục.
Trong khi hiện trạng máy móc theo dõi chất lượng không khí bị tê liệt, hư hỏng… thì chính Sở Tài nguyên – môi trường TP nhìn nhận một thực tế ô nhiễm không khí đáng lo ngại. Dẫn số liệu đo đạc vào năm 2014, sở này cho biết ô nhiễm bụi tổng (TSP) đã thể hiện quá rõ ràng qua kết quả đo đạc, cụ thể là có khoảng 45,45% trong bộ số liệu đo đạc chỉ số ô nhiễm này không đạt quy chuẩn Việt Nam, tức vượt mức quy định về nồng độ bụi lơ lửng (trong không khí) trung bình một giờ là 300 microgram/m3.
Vẫn theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP, các đánh giá trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2013 nêu rõ: ô nhiễm bụi là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với môi trường không khí đô thị Việt Nam. Điểm đáng lưu ý hơn là nồng độ bụi tổng và bụi mịn có xu hướng duy trì ở mức cao, đặc biệt dọc các trục giao thông.
Cảnh báo thêm về tình trạng này, trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng TP do ông Nguyễn Văn Phước, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP, ký đã nhấn mạnh: trong thành phần bụi ở Việt Nam, tỉ lệ bụi mịn chiếm tỉ trọng tương đối cao, dao động từ 61 – 87% tổng lượng bụi.
Đề cập về tác hại và ảnh hưởng đến cộng đồng, phân tích nói trên của lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP cho thấy: các hạt bụi mịn có kích thước siêu nhỏ và thường mang tính axit nên có mức độ nguy hại lớn hơn so với các hạt bụi thô (trung tính), do chúng tồn tại rất lâu trong khí quyển và có khả năng phát tán xa.
Mới thẩm định chủ trương
Cung cấp thông tin cho Tuổi Trẻ ngày 26-10, lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP cho biết mới đây (ngày 21-10) sở này đã có báo cáo thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư “Dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường TP giai đoạn 2016 – 2020”. Đồng thời sở đã có văn bản gửi thường trực UBND TP, Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư TP, đề xuất liên quan về vấn đề này.
Các báo cáo trên đưa ra nhiều đề xuất, trong đó nhấn mạnh nhu cầu xây dựng, thiết lập công cụ quan trắc môi trường tự động không khí và nước mặt theo nguyên tắc tự động, các số liệu quan trắc cập nhật liên tục về trung tâm điều hành…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP, mọi việc cần phải có lộ trình. Sở đề xuất thực hiện các nhu cầu đầu tư vừa nêu với hai giai đoạn.
Cụ thể: từ năm 2016 – 2018 đầu tư bảy trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định, một trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí di động, đầu tư hai trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai và một số hạng mục quan trắc khác…
Tổng kinh phí đề xuất cho giai đoạn này là hơn 238 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tiếp theo (2018 – 2020) nguồn kinh phí đề xuất sử dụng hơn 256 tỉ đồng cho nhiều hạng mục quan trắc chất lượng nước mặt, nước dưới đất…
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP khẳng định: việc đầu tư nói trên sẽ đánh giá kịp thời, chính xác hiện trạng chất lượng môi trường không khí ở TP tại nhiều khu vực; đánh giá ảnh hưởng do các hoạt động giao thông, công nghiệp lên môi trường không khí của TP. Đồng thời đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu tức thời, liên tục về môi trường không khí, kể cả môi trường nước.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) đề nghị mạng lưới giám sát chất lượng môi trường không khí cần được tăng cường để có thể giám sát các thông số ô nhiễm không khí như ozon, CO (carbon dioxit), NO2 (nitơ dioxit), các hợp chất hữu cơ, các loại bụi mịn…
Các trạm quan trắc cần đầu tư theo chế độ tự động và cho kết quả liên tục hằng giờ, hoặc một khoảng thời gian nhất định (tùy theo thông số cần giám sát).
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa y tế công cộng): Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiều loại bệnh Theo một số nghiên cứu thì môi trường không khí ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Không khí ô nhiễm vi sinh vật trực tiếp gây ra bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp như lao phổi, viêm đường hô hấp; không khí có dị ứng nguyên gây hen suyễn, không khí có độc chất gây độc cho cơ thể. Ngoài những nguyên nhân kể trên, không khí ô nhiễm bụi và các khí gây kích ứng như NO2, SO2 làm tăng nguy cơ các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, bệnh lý tim mạch như hội chứng vành cấp và bệnh hô hấp mãn tính như COPD. ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Harvard cùng với Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 đã có nghiên cứu về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí tới sức khoẻ trẻ em. Nghiên cứu này cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ các bệnh nhiễm trùng hô hấp của trẻ. Nếu SO2 tăng 6% và tăng 10 microgram của khí NO2 trong 1m3 không khí thì tăng số trẻ bị bệnh nhiễm trùng hô hấp 9%! Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của nhiều công bố quốc tế về sự liên quan của chất lượng không khí lên sức khoẻ người dân. Các biện pháp phòng ngừa thông thường của người dân như đeo khẩu trang chỉ có tác dụng phòng tránh được một phần nhỏ tác hại do ô nhiễm không khí gây ra. Người dân cần giảm tạo ra hoặc tránh xa các loại ô nhiễm trong nhà như khói thuốc lá, khói bếp, khói đốt rác. Nhưng quan trọng hơn hết, Nhà nước cần quan tâm, có những chính sách cụ thể để đảm bảo chất lượng không khí môi trường sống. |