08/01/2025

Nguy cơ mưa sao chổi

Trái đất có thể đang đối mặt với nguy hiểm cận kề khi cuộc du hành của mặt trời xuyên qua Dải Ngân hà được cho là đang đưa các sao chổi lao về hướng địa cầu.

 

Nguy cơ mưa sao chổi

 

 

Trái đất có thể đang đối mặt với nguy hiểm cận kề khi cuộc du hành của mặt trời xuyên qua Dải Ngân hà được cho là đang đưa các sao chổi lao về hướng địa cầu.



 

 


Ảnh chụp một thiên thạch lao xuyên bầu khí quyển và đâm xuống bề mặt địa cầu - Ảnh: NASAẢnh chụp một thiên thạch lao xuyên bầu khí quyển và đâm xuống bề mặt địa cầu – Ảnh: NASA
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một chu kỳ kéo dài 26 triệu năm của các vụ thiên thạch tấn công, vốn trùng với những thời điểm diễn ra các vụ tuyệt chủng hàng loạt trong 260 triệu năm qua.
Hết sức bí ẩn
Theo giới chuyên gia, những sự kiện huỷ diệt này có liên quan đến chuyển động hiện nay của mặt trời, mang theo gia đình các hành tinh đi qua khu vực đông đúc thiên thể nằm ở đường trung tâm của Dải Ngân hà.
Sự nhiễu loạn lực hấp dẫn của đám mây Oort, chỉ một cấu trúc gồm các thiên thể băng giá nằm ở rìa ngoài hệ mặt trời, được cho là nguyên nhân dẫn đến các cơn mưa sao chổi diễn ra theo định kỳ ở khu vực vòng trong hệ mặt trời, nơi trái đất đang bình yên cư ngụ. Lần cuối cùng diễn ra những sự kiện này được cho là vào khoảng 11 triệu năm trước, trùng với thời điểm của nhiều cuộc tuyệt chủng hàng loạt diễn ra vào giữa Thế Trung Tân.
Bí ẩn vật chất tối
Tuy nhiên, theo Giáo sư địa chất học Michael Rampino thuộc Đại học New York (Mỹ), có lẽ đã sai lầm khi cho rằng nhân loại đang sống trong một thời đại an toàn, nếu nghĩ rằng vẫn còn cách nhiều triệu năm trước khi khởi đầu giai đoạn nguy hiểm kế tiếp.
“Đã có chứng cứ cho thấy hoạt động của sao chổi đang tăng tần suất trong vòng 1 đến 2 triệu năm trước, và một số quỹ đạo của sao chổi đang trở nên rối loạn, cho nên có thể chúng ta đang nằm trong phạm vi mưa sao chổi”, theo giáo sư Mỹ. “Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế là vị trí của trái đất đang nằm gần đường xích đạo của thiên hà, nơi diễn ra sự xáo trộn về lực hấp dẫn do tác động của vật chất tối”, theo ông Rampino. Vật chất tối là một dạng chất vô hình hết sức bí ẩn, tồn tại xung quanh các thiên hà và chỉ có thể được phát hiện do ảnh hưởng trọng lực mà nó toả ra. Vật chất tối được cho là chiếm hơn 80% tổng số vật chất của vũ trụ.
Để rút ra kết luận về mưa sao chổi, Giáo sư Rampino và đồng sự là Giáo sư Ken Caldeira thuộc Viện Carnegie, đã triển khai một cuộc phân tích sự liên hệ giữa các vụ va chạm giữa thiên thể với trái đất và những sự kiện tuyệt chủng, nhờ vào dữ liệu mới thu thập được với độ chính xác cao.
Theo đó, toàn bộ 6 vụ tuyệt chủng hàng loạt trong 260 triệu năm qua đều có liên quan đến giai đoạn hoạt động cao trào của những đợt thiên thể tấn công địa cầu. Trong số này, một sao chổi lớn hoặc tiểu hành tinh đã lao vào trái đất cách đây 65 triệu năm ở ngoài khơi bờ biển Yucatan thuộc Mexico, được cho là đã xoá sổ mọi loại khủng long. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, 5 hố va chạm lớn còn lại cũng trùng với những sự kiện huỷ diệt giống loài.

Hạo Nhiên