08/01/2025

Đột nhập ‘đại công trường’ đá đỏ trái phép

PV Thanh Niên đã nhiều ngày băng rừng, đột nhập những bãi khai thác đá đỏ (ruby) trái phép ở H.Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Những cánh rừng bị san phẳng bởi đội quân hàng ngàn người đào tìm đá đỏ.

 

Đột nhập ‘đại công trường’ đá đỏ trái phép

 

 

PV Thanh Niên đã nhiều ngày băng rừng, đột nhập những bãi khai thác đá đỏ (ruby) trái phép ở H.Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Những cánh rừng bị san phẳng bởi đội quân hàng ngàn người đào tìm đá đỏ.




Máy nổ dùng hút nước đãi đá đỏ - Ảnh: Hà AnMáy nổ dùng hút nước đãi đá đỏ – Ảnh: Hà An
Để đột nhập các bãi đá đỏ, phóng viên (PV) phải mất nhiều tháng tìm hiểu thông tin, đến trung tuần tháng 10.2015 mới “bắt mối” được một số người chuyên khai thác đá đỏ ở những cánh rừng thuộc H.Lục Yên (tỉnh Yên Bái), nơi thượng nguồn hồ Thác Bà. Khi đặt chân đến khu vực này, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt lán trại, máy móc và nhân công rầm rầm hoạt động như một “đại công trường”.
Cận cảnh bãi đá lớn nhất
Vượt gần chục ki lô mét đường núi đá cheo leo, chúng tôi theo nhóm khai thác đá đỏ đến một thung lũng mà dân bản địa quen gọi là khu vực Bãi Cạn, thuộc xã Yên Thắng, H.Lục Yên. Đây được coi là một trong những bãi khai thác đá đỏ quy mô lớn nhất ở Lục Yên cũng như khu vực phía bắc hiện nay.
Hàng loạt lán trại mọc lên trong rừng phục vụ việc khai thác đá đỏ trái phép

Hàng loạt lán trại mọc lên trong rừng phục vụ việc khai thác đá đỏ trái phép – Ảnh: Nam Anh

Theo quan sát của PV, chỉ tại một góc của “đại công trường” này đã có 7 lán cỡ lớn, được làm từ bạt, tre và cây tự nhiên sẵn có. Mỗi lán chứa 10 – 16 người. Vào thời điểm mùa gặt, “đội quân” khai thác đá đỏ tại Bãi Cạn có khoảng trăm người, hết mùa gặt quân số tăng lên ba, bốn trăm người. Diện tích khu vực Bãi Cạn rộng đến cả chục ngàn mét vuông, nằm dưới thung lũng của nhiều ngọn núi bao quanh địa bàn H.Lục Yên. Bãi này vừa bằng phẳng, vừa có nước suối chảy dồn về tạo điều kiện lý tưởng để đào, đãi, kiếm tìm đá đỏ.
Một phu đá tên Tài, đã nhiều năm khai thác đá đỏ tại Lục Yên, tiết lộ: “Đã là dân Lục Yên thì thằng nào cũng biết khai thác đá đỏ. Đến mùa vụ thì về đi gặt lúa vài ngày, gặt xong lại lên rừng đào đá. Nếu vận may đến, kiếm được viên ruby thì đổi đời, không thì cũng đủ ăn”. Cũng theo ông Tài, khu vực Bãi Cạn được khai thác đá đỏ từ thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước. Sau năm 1990, các mỏ đá tại Lục Yên bị chính quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, tình hình chỉ im ắng được 2 – 3 năm rồi đâu lại vào đấy, bởi chính quyền dần buông lỏng quản lý. Kể từ đó đến nay, Bãi Cạn lúc nào cũng rầm rập người đào bới tìm đá đỏ.
Rời khu vực Bãi Cạn, chúng tôi tiếp tục vượt qua con đường núi cheo leo ken nhằng nhịt đá tai mèo sắc nhọn như dao để đến bãi Cửa Tử. Bãi được khai thác đá từ lâu, cách Bãi Cạn nhiều ki lô mét. So với Bãi Cạn, Cửa Tử có diện tích nhỏ hơn chút ít, chạy dài từ các sườn núi đá tiếp giáp với Bãi Cạn. Do địa thế hiểm trở, việc khai thác mất rất nhiều công sức và nguy hiểm nên “đội quân” khai thác đá tại đây ít hơn. Lúc cao điểm, Cửa Tử có khoảng trăm người khai thác. “Ở đây đủ các loại người, có cả những kẻ nghiện ma tuý, dân xã hội có số má…”, ông Tài nói.
Sẩy chân là rơi xuống vực
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi nhờ một phu đá dẫn đi khảo sát các khu vực khác thuộc đại ngàn Lục Yên. Người này bảo: “Nếu muốn đi xuyên từ bãi này sang bãi kia thì phải đem theo cơm nắm, phải đi nhiều ngày đêm mới hết được. Trong rừng còn rất nhiều bãi đá khác với hàng trăm người đang túc trực ở đó”. Còn theo lời một phu đá tên Sanh, người H.Lục Yên, không thể đi hết các bãi đá đỏ lớn nhỏ ở nơi đây.
Có lẽ các phu đá này không quá lời, bởi trên đường đến Bãi Cạn, Cửa Tử, PV Thanh Niên thấy hàng chục điểm khai thác đá đỏ quy mô lớn, nhỏ trải dọc quãng đường cả chục ki lô mét. Theo người dân địa phương, những điểm khai thác nhỏ nằm ven rừng chủ yếu thuộc đất vườn của các hộ gia đình. Các gia đình bỏ tiền túi ra đầu tư trang thiết bị, máy móc, tự khai thác đá. Đào hết vườn, một số mang máy móc vào rừng sâu tiếp tục đào bới.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân sống quanh các cánh rừng tại Lục Yên bán “quyền” khai thác trên đất của mình cho các đầu nậu. Mua được “quyền”, các đầu nậu đưa xe cẩu, máy xúc vào múc đất lên đãi, xong các đầu nậu san đất bằng phẳng lại, giao lại gia chủ. Việc mua bán này hoàn toàn không làm hợp đồng, giá cả hai bên tự thoả thuận…
Một phu đá đang tạo luồng đãi đá đỏ tại khu vực Bãi Bằng

Một phu đá đang tạo luồng đãi đá đỏ tại khu vực Bãi Bằng – Ảnh: Hà An

Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định đột nhập một khu vực đang được khai thác khác là Bãi Bằng thuộc địa phận xã Minh Xuân (H.Lục Yên). Đường đến Bãi Bằng đèo dốc, khó đi hơn rất nhiều so với Bãi Cạn. Phu đá phải vượt qua vách đá cheo leo, chỉ cần sẩy chân là có thể rơi khỏi vách đá chết bất cứ lúc nào.
“Phu đá chết trên đường đi nhiều lắm, kết thúc chuyến đi em sẽ kể các anh nghe. Giờ tập trung vào đi đường, chứ kể ra có khi các anh không dám đi nữa đâu”, người dẫn đường nhắc khi chúng tôi qua đoạn nguy hiểm. Cũng theo anh này, nguy hiểm chực chờ như vậy nhưng khi vào bãi các phu đá phải khuân vác theo máy móc. “Một số bãi thuê cửu vạn với giá 250.000 đồng/chuyến để vận chuyển máy nổ vào Bãi Cạn và 400.000 đồng/chuyến vào bãi Cửa Tử, tới các bãi sâu hơn thì giá cao lên”, anh này nói.
Màn “chào hỏi đại ca”
Để làm quen với đội quân đào đá đỏ, trước khi vào rừng chúng tôi phải nhập hội theo “phong tục” từ trước đến nay là mua vài ki lô gam thịt, lòng lợn, các loại thực phẩm và đặc biệt là rượu để “có lời” với các đại ca là dân giang hồ cai quản mỏ đá trong rừng.
Một phu đá tên Tùng (25 tuổi, quê H.Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết: “Dân phu đá trong rừng đặc biệt thích rượu và thịt. Ban ngày, các anh em làm đá ít khi nhậu nhẹt vì ảnh hưởng đến công việc đào đãi đá. Nhưng ban đêm trong rừng là lễ hội. Lán này giao lưu với lán khác, nhậu nhẹt hát hò tưng bừng. Những hôm nào phu đá săn được con dúi (nhím – PV), con cầy nữa thì càng “phê”. Nếu làm đá theo nhóm từ 3 – 10 người thì ai cũng phải đóng góp công sức lao động như nhau, nếu không, khi trúng đá quý sẽ không được chia phần. Còn ban đêm không có việc gì làm anh em mới thỏa sức nhậu nhẹt. Có hôm vui vẻ, anh em nhậu đến 2 – 3 giờ sáng. Nhưng sáng hôm sau vẫn dậy đi làm như thường”.
Cận cảnh một bãi khai thác đá đỏ trái phép

Cận cảnh một bãi khai thác đá đỏ trái phép – Ảnh: Hà An

Theo lời Tùng thì phu đá không dám uống rượu ban ngày, nhưng thực tế chuyện nhậu nhẹt ở đây chả ai quản. Có người “lấy rượu làm thầy” và thậm chí còn nghiện rượu. Cụ thể, trong màn “lễ chào mâm” được tổ chức thịnh soạn bằng rượu và các món đồ mà chúng tôi đem lên rừng, cánh phu đá thỏa thích uống rượu và khoe những chiến lợi phẩm mà họ vừa kiếm được. Theo phu đá tên Lục Văn Hai (25 tuổi, ngụ ở xã Minh Xuân), anh ta phải uống rượu vào thì mới có sức làm việc. Lúc nào trong người không có rượu thì chân tay mềm yếu, run run không thể cầm được vòi nước chứ chưa nói đến vác đá. Ngoài ra, nhiều phu đá quan niệm việc tìm được đá ruby phụ thuộc nhiều vào vận may chứ sự siêng năng chưa chắc đem lại thành quả. “Năm 2012, em ra vách núi tiểu tiện, vô tình nước tiểu làm lộ ra viên ruby to bằng ngón tay út, bán được gần 100 triệu đồng… Những trường hợp may mắn như em chỉ là “muỗi”, Hai khoe. (Còn tiếp)
 

Nhiều điểm “nóng” đá đỏ
Ngoài hàng trăm điểm khai thác đá đỏ tại các cánh rừng H.Lục Yên, còn một số khu vực khác cũng thu hút rất đông người khai thác đá tham gia. Đó là khu vực thượng nguồn hồ Thác Bà, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Yên Bình – Lục Yên và khu vực Km 28 (dân quen gọi là “cây 28”), H.Yên Bình. Hiện hồ Thác Bà đang vào mùa nước nổi, nên nhiều địa điểm khai thác bị ngập nước, dân khai thác đá phải dùng máy hút bùn, cát công suất lớn đưa xuống hồ hút cát, sỏi lên để đãi tìm đá. Còn khu vực Km 28, Yên Bình hiện đang là điểm nóng về đá đỏ. Mỗi ngày có hàng trăm người đổ xô đến điểm khai thác này tìm đá đỏ với hy vọng đổi đời.

Hà An – Nam Anh