09/01/2025

​Ô nhiễm không khí TP.HCM: Khí độc hại tăng cao

Không khí TP.HCM không chỉ bị ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn mà lượng khí độc hại (CO) cũng đang tăng cao tại nhiều điểm như Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh…

 Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TP.HCM: KHÍ ĐỘC HẠI TĂNG CAO

​Ô nhiễm không khí TP.HCM: Khí độc hại tăng cao

 

 

Không khí TP.HCM không chỉ bị ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn mà lượng khí độc hại (CO) cũng đang tăng cao tại nhiều điểm như Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh…


 

 

 

 

Do ô nhiễm không khí nên nhiều người dân TP.HCM đã tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên mang khẩu trang khi ra đường (ảnh chụp trên đường Hoàng Minh Giám, Q.Phú Nhuận, TP.HCM ngày 2-10-2015) - Ảnh: Hữu Khoa
Do ô nhiễm không khí nên nhiều người dân TP.HCM đã tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên mang khẩu trang khi ra đường (ảnh chụp trên đường Hoàng Minh Giám, Q.Phú Nhuận, TP.HCM ngày 2-10-2015) – Ảnh: Hữu Khoa

Số liệu đo đạc từ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2015, nồng độ khí độc hại CO (cacbon mônoxit) trong bầu không khí TP.HCM rất đáng báo động khi đã vượt qua con số đo được năm 2014.

Hiện trạng và diễn biến nói trên, có liên quan thiết thân với chất lượng cuộc sống hằng ngày của người dân, được các nhà chuyên môn về môi trường đánh giá qua chuỗi số liệu đo đạc nồng độ các chất ô nhiễm độc hại liên tục từ năm 2010 cho đến nửa đầu năm 2015.

“Việc đi lại trên đường phố là nhu cầu thiết thân hằng ngày, do vậy phơi nhiễm thường xuyên bụi có nồng độ cao như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, chủ yếu là các bệnh về da và đường hô hấp

PGS.TS Lê Văn Khoa

Từ cảm nhận khói bụi hằng ngày…

Ở góc độ cảm quan của những cư dân sinh sống tại TP.HCM, chị Đặng Thị Luận (cán bộ của một cơ quan nhà nước ở TP) cho biết hiếm khi có được cảm giác hít thở không khí trong lành mỗi khi ra đường.

Với chị và nhiều người thân của mình, chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân trong nhiều năm nay.

Chị Luận kể bây giờ mỗi lần đi làm về không dám chạy đến ôm con mà phải “ôm” nhà tắm trước vì khói bụi ám vào người.

Chị cho rằng nuôi con bây giờ cực hơn, phần nào cũng do không khí ô nhiễm nên trẻ con dễ bị bệnh về hô hấp. Nhà nào trong hẻm sâu thì đỡ bụi bẩn một chút, còn nằm sát các trục đường lớn thì tha hồ lau, rửa khói bụi.

Không chỉ chị Luận, rất nhiều người dân mỗi khi ra đường, chiếc khẩu trang bịt kín mặt mũi đã trở thành người bạn đường không thể thiếu.

Họ luôn hi vọng “người bạn” này ngăn được phần nào khói bụi độc hại chui vào cơ thể ẩn nấp, ngấm ngầm hoành hành trong đó.

Khác hẳn với nhiều thành phố trên thế giới, ở các đô thị lớn của Việt Nam, khả năng của đông đảo người dân chỉ có thể đi lại bằng xe máy và phải luôn sống chung với ùn tắc giao thông, nên khi chất lượng không khí chưa được cải thiện thì chuyện hít thở khói bụi độc hại hằng ngày thật sự là một vấn nạn đối với sức khoẻ cộng đồng.

Nhiều người dân được hỏi ý kiến đều cho biết với tình trạng khói bụi hiện nay, việc đi lại trên nhiều tuyến đường ở TP như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, khu vực bến xe An Sương, bến xe Miền Tây… đã trở thành nỗi sợ hãi đối với họ.

“Nếu so với mục tiêu được nêu ra trong chiến lược quản lý môi trường thì sự cải thiện chất lượng không khí là quá chậm. Chúng ta đã không đạt được các mục tiêu đã đề ra đối với việc cải thiện chất lượng không khí

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn

…Đến gia tăng nồng độ khí độc hại

Một trong những chất ô nhiễm không khí được đưa vào danh mục phải đo đạc, kiểm soát liên tục là CO (cacbon mônoxit).

Đây là chất khí không màu, không mùi… nên rất nguy hiểm vì bằng cảm quan, con người không cảm nhận được sự hiện hữu của chất độc hại này trong không khí.

Trong khi đó, các nhà chuyên môn cho biết một trong những tác hại của nó là có thể làm cho máu không chuyên chở được oxy đến các tế bào.

Qua bộ số liệu đo đạc lưu giữ từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2015, Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP đánh giá diễn biến CO tại các điểm đo đạc trong giai đoạn này có xu hướng giảm dần từ năm 2010 – 2014.

Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2015, nồng độ CO được ghi nhận tăng ở 10 điểm đo đạc trong TP như Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh…

Sáu tháng đầu năm tại trạm đo Gò Vấp đã ghi nhận được nồng độ cao nhất của khí CO trong không khí gần 16 mg/m3 (năm 2014 chỉ là 11,10 mg/m3) và thấp nhất tại trạm Hàng Xanh là hơn 6,03 mg/m3 (năm 2014 là 5,61 mg/m3).

Bên cạnh đó, mức độ tiếng ồn sáu tháng đầu năm 2015 cũng gia tăng so với mức độ trung bình năm 2014 và vượt ngưỡng cho phép.

Tiêu chuẩn cho phép là 70dB thì lượng tiếng ồn đo được sáu tháng đầu năm 2015 tại sáu điểm quan trắc đều xấp xỉ bằng hoặc vượt năm 2014 và vượt ngưỡng cho phép (xem bảng trong bài).

Nguồn: Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP.HCM

Đó là nồng độ của khí CO, tiếng ồn. Còn nhìn vào kết quả quan trắc bụi của sáu tháng đầu năm tại các trạm sẽ thấy mức độ bụi gia tăng cao. Tại Gò Vấp, nồng độ bụi trung bình năm 2014 là 446,75 thì sáu tháng đầu năm là 496,08.

Tương tự An Sương từ 607 của năm 2014 tăng lên 615,33, tại Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh từ 486,67 năm 2014 tăng lên 613,83… Nồng độ bụi tổng của bụi lơ lửng trong không khí ven đường tại các trạm đo đều vượt quy chuẩn Việt Nam từ 1,2 – 2,2 lần.

PGS.TS Lê Văn Khoa – trưởng bộ môn quản lý môi trường, khoa tài nguyên và môi trường ĐH Bách khoa TP.HCM – lưu ý thêm nồng độ chất benzen (sinh ra từ xăng dầu, dung môi, khí thải xe máy) trong không khí ven đường rất đáng ngại.

Trong khi đó PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết bộ số liệu quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM mà ông có được cho thấy trong giai đoạn từ năm 2010 đến sáu tháng đầu năm 2015 không khí tại TP này chủ yếu bị ô nhiễm loại bụi lơ lửng.

Khu vực bị ô nhiễm là ven các trục đường giao thông. Gần như 100% kết quả đo bụi ở các khu vực ven đường đều vượt quy chuẩn Việt Nam hiện hành, đặc biệt ở những nơi có xe cộ qua lại lớn, hay ùn tắc thì mức độ ô nhiễm lại càng nặng nề như ở các khu vực An Sương, Gò Vấp, Phú Lâm…

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng hiện nay ở nhiều nước trên thế giới không chỉ kiểm soát chặt chẽ loại bụi PM10 mà còn quan trắc cả loại bụi PM2,5 và PM1 (con số sau chữ PM chỉ đường kính quy ước của hạt bụi, con số càng nhỏ thì bụi càng mịn) vì chỉ có những loại bụi mịn mới có thể xâm nhập sâu vào phổi, cũng vì thế mà tác hại của nó sẽ cao hơn.

Theo ông Tuấn, người dân ra đường sử dụng các loại khẩu trang phần nào cũng là một cách thức để tự bảo vệ mình trước mức độ ô nhiễm bụi hiện nay.

Tuy nhiên, với các loại khẩu trang thông thường may bằng vải thì khó có khả năng ngăn chặn các hạt bụi mịn xâm nhập sâu vào cơ thể.

Cần một cơ quan 
đủ mạnh để đảm trách

Thảo luận về giải pháp giảm ô nhiễm khói bụi, PGS.TS Lê Văn Khoa và PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn đưa ra nhiều khuyến nghị trên các mặt kỹ thuật, quản lý, ý thức cộng đồng…

Trong đó ông Tuấn nhấn mạnh biện pháp cần tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu sạch như khí đốt, hydro, năng lượng mặt trời, như kinh nghiệm đáng học tập của Ấn Độ là xe lam và xe buýt tại New Delhi dù rất cũ kỹ nhưng đã chuyển sang dùng nhiên liệu sạch là khí đốt.

Ông Tuấn cũng đề nghị TP cần có một cơ quan đủ mạnh để đảm trách khống chế ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Còn với cơ cấu hiện tại, trách nhiệm này được chia sẻ cho nhiều đơn vị nên kết quả không cao.

Đồng thời kiểm soát thật chặt các nguồn phát thải, biện pháp này đã có nhưng còn yếu và vận hành chưa tốt. Mạng lưới giám sát chất lượng môi trường không khí cần được tăng cường để có thể giám sát các thông số ô nhiễm không khí.

Các trạm quan trắc nên là các trạm hoạt động theo chế độ tự động, cho kết quả liên tục hằng giờ hoặc một khoảng thời gian nhất định.

Còn PGS.TS Lê Văn Khoa cho rằng để cải thiện chất lượng không khí của TP.HCM, chúng ta cần xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí như: hoạt động công nghiệp, xây dựng, năng lượng, dịch vụ, sinh hoạt và giao thông.

Các giải pháp phải nằm trong một chiến lược, quy hoạch tổng thể mang tính đa ngành và liên ngành, có lộ trình cụ thể, rõ ràng với những giải pháp ưu tiên, trước mắt (ví dụ ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi) đến việc thực hiện các biện pháp dài hạn.

Đối với hoạt động giao thông cần quy hoạch đô thị hợp lý, cải thiện chất lượng nhiên liệu (sạch, ít ô nhiễm); cải thiện hệ thống giao thông công cộng và phát triển, khuyến khích sử dụng xe công cộng, ưu tiên các loại xe ít hoặc không gây ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ chủ sở hữu, ngày không xe, đường dành cho người đi bộ… Nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời xác lập cơ chế thông tin về môi trường không khí đô thị.

 

QUỐC THANH ([email protected])