06/01/2025

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ

VATICAN – Trong cuộc họp báo hôm 19-10-2015 tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức cha Mark Benedict Coleridge cho biết có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung.

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ
 
VATICAN – Trong cuộc họp báo hôm 19-10-2015 tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức cha Mark Benedict Coleridge cho biết có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung.

Đức cha Coleridge là TGM Giáo phận Brisbane, Australia. Ngài nói: “Tôi không nhớ có bài phát biểu nào trong đó một nghị phụ minh thị yêu cầu Giáo Hội cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng có một số nghị phụ thỉnh cầu ĐTC có một cử chỉ thương xót trong Năm Thánh.”

Đức TGM Coleridge cũng thú nhận rằng ngài biết có bao nhiêu phần trăm các nghị phụ ủng hộ hay chống việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, nhưng ý tưởng chấp nhận tổng quát cho các cặp này rước lễ có lẽ đang suy giảm, trái lại nảy sinh đề nghị xin ĐTC can thiệp về vấn đề này trong Năm Thánh.

Trong khi đó, hôm 19-10-2015, ĐHY Walter Kasper, người Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô, tuyên bố: “Tôi hy vọng một sự cởi mở của đa số các nghị phụ ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ, kèm theo một tiến trình hội nhập trong các giáo xứ và Giáo Hội.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Italia, ĐHY nói: “Những người ly dị tái hôn cũng là con cái Thiên Chúa, họ cũng cần được bánh sự sống… Thánh Thể không phải dành cho những người tuyệt hảo, nhưng là cho người có tội và tất cả chúng ta đều là người tội lỗi.” (Apic 19-10-2015)

Mặt khác, ĐHY George Pell, Chủ tịch Sở Kinh tế của Toà Thánh, chống lại chủ trương để cho mỗi HĐGM quyết định về việc cho những cặp ly dị tái hôn được rước lễ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro (Người thợ cạo) số ra ngày 19-10-2015 tại Pháp, ĐHY Pell người Australia nói: “Giáo Hội không thể nói với hai người ở trong cùng một hoàn cảnh: với người ở Ba Lan thì nói rằng người ly dị tái hôn mà rước lễ thì mắc tội phạm thánh, còn với người ở Đức thì nói: rước lễ như thế là một nguồn ơn thánh. Nước Đức và Ba Lan là hai nước láng giềng.” Quả thực có hai thứ thần học khác nhau, nhưng chỉ có một đạo lý duy nhất.

Nhiều nghị phụ tại Thượng HĐGM hiện nay kêu gọi dành cho HĐGM địa phương nhiều thẩm quyền hơn và ĐTC Phanxicô cũng tuyên bố theo chiều hướng này hôm thứ bảy 17-10-2015 trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng HĐGM. Tuy nhiên, biện pháp cụ thể trong vấn đề này thế nào, người ta không biết.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Pell cũng cho biết đề nghị cho người ly dị tái hôn được rước lễ trong từng trường hợp cũng không được đa số các nghị phụ ủng hộ. Trong số 248 nghị phụ đăng ký phát biểu trong Thượng HĐGM, chỉ có 20 vị ủng hộ giải pháp vừa nói.

Ngoài ra, ĐHY Pell hy vọng từ Thượng HĐGM sẽ có một sự minh bạch hơn về thần học. Ngài nói: “Chúng tôi chứng kiến một khuynh hướng thần học thứ ba giữa hai chiều hướng của các vị người Đức: một quan điểm theo ĐHY Kasper và một quan điểm theo Đức Ratzinger. Tôi hy vọng vào cuối Thượng HĐGM này sẽ có một sự minh bạch hơn. (KNA 19-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP