06/01/2025

Chương 1 cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo 2015: : Đôi nét lịch sử Giáo hội Công giáo

Chúng tôi giới thiệu Chương 1 cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo 2015 trình bày Đôi nét lịch sử Giáo hội Công giáo để các bạn góp ý về bản thảo này trước khi được chính thức in thành sách.Xin cám ơn các bạn.

 CHƯƠNG 1

ĐÔI NÉT

LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

 

Hai ngàn năm lịch sử chỉ được tóm lại trên mấy trang sách, thì quả là khó có thể hiểu hết được cách chính xác và gãy gọn về Giáo hội Công giáo (GHCG), vì đây là một tập thể lớn lao “trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”, vừa thiêng liêng vừa trần thế, vừa địa phương vừa toàn cầu. Vậy, những dòng sau đây chỉ phác hoạ tổng quát đôi nét về tính lịch sử của GHCG, tuy đa dạng nhưng rất chặt chẽ, chậm chạp nhưng năng động. Trải qua hơn 20 thế kỷ mà ngày nay số tín hữu đã lên tới 17,7% dân số thế giới gồm 1 tỉ 254 triệu trong số hơn 7 tỉ người của toàn cầu (x. Niên giám Toà Thánh Annuario Pontificio 2015, Città Del Vaticano).

Từ 12 người đầu tiên

Truyền thống Công giáo xem Đức Giêsu thành Nazareth là Đấng sáng lập Kitô giáo. Thánh Kinh Tân Ước ghi lại rằng Người xuất thân từ giới bình dân, bề ngoài là con bác thợ mộc chân chất ở Nazareth, sinh ra nơi nghèo hèn cô quạnh, còn chết lại càng nhục nhã, thảm thương. Nhưng trong ba năm truyền giảng Tin Mừng, Người đã chứng minh cách trực tiếp hoặc gián tiếp bản tính Thiên Chúa của mình bằng ngôn từ và hành động. Người đã tuyển chọn 12 người trong các môn đệ đầu tiên, lập thành nhóm Mười Hai Tông Đồ và chia sẻ sứ mạng rao giảng về Nước Thiên Chúa với họ. Ông Phêrô được xem là trưởng nhóm tông đồ.

Cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá đã làm cho các môn đệ và những người thân tín quá hoảng sợ. Họ hầu như thất vọng hoàn toàn. Ngay cả khi Đức Giêsu phục sinh rồi mà họ vẫn còn bán tín bán nghi, chưa lấy lại được bình tĩnh, an hoà. Nhưng từ giây phút Thánh Linh xuất hiện, họ được biến đổi hoàn toàn. Từ buồn rầu nhát đảm sang hăng hái nhiệt thành, họ đã dám mở tung cửa nhà đón tiếp bà con xa gần, lại còn ra nơi công hội gặp gỡ, báo cho mọi người hay Tin Mừng: “Thầy của họ – Đức Giêsu – đã phục sinh”. Một xu dính túi cũng không, uy quyền chẳng có, kiến thức đâu bằng các kinh sư, Pharisiêu, thế mà với hai bàn tay trắng, họ đã dám ngang nhiên vào tận Đền thờ Jerusalem, trung tâm xã hội tôn giáo Do Thái, để “đối mặt” với những vị đầy uy thế, quyền lực tại đó.

Họ đã củng cố lòng tin cho bao nhiêu người, và làm cho hàng vạn kẻ tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế (Mêssia, tiếng Hy Lạp gọi là Kitô, Christos), là Đấng được Thiên Chúa hứa ban cho dân tộc Do Thái. Những người tin theo Người được gọi là Kitô hữu và họ quy tụ thành Giáo hội Sơ khai tại Jerusalem và những vùng lân cận. Luật sống cao trọng nhất mà Đức Giêsu Kitô truyền cho họ phải thi hành hằng ngày chỉ gồm trong một động từ yêu: yêu Chúa yêu người. Đã yêu thì chia sẻ cụ thể cho nhau, đặc biệt trong bữa tiệc Thánh, nên họ đã để mọi sự làm của chung, không còn kè kè lo giữ của cải theo kiểu “đồng tiền liền khúc ruột”.

Vạn sự khởi đầu nan

Đế quốc Rôma sau 5 thế kỷ với chế độ Cộng hoà, bắt đầu mở rộng qua Trung Đông dưới thời hoàng đế Augustô, rồi được bành trướng rộng lớn nhất đời Trajan (98-117), lan ra các phía Nam Âu, Đông Nam Âu, Tiểu Á, Trung Đông, Bắc Phi. Vị hoàng đế cực kỳ uy quyền của một đế quốc hùng mạnh nhất địa cầu thời đó tự cho mình là Pontifex Maximus. Với danh hiệu này, ông còn là đối tượng tôn thờ của dân: đối với đế quốc Rôma bên Đông, ông được coi là thần ngay khi còn sống; với thần dân phía Tây, ông được coi là thần khi đã băng hà. Người dân trong đế quốc phải tôn kính hoàng đế như vị thần, mới tỏ ra là một công dân đích thực.

Hệ thống giao thông vận chuyển trong đế quốc Rôma và sự ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tầm nhìn của các môn đệ Đức Giêsu không dừng lại ở Judaea, Galilea, không còn giới hạn trong vùng Palestina, nhưng xa hơn tới các cộng đồng người Do Thái ở hải ngoại. Theo chân các môn đệ và tông đồ, đặc biệt là Phaolô, các cộng đồng Kitô giáo lần lượt được thành lập ở Antiochia, vùng Tiểu Á, Hy Lạp, Ai Cập, đến tận kinh thành Rôma. Lúc đầu Tin Mừng được rao giảng trong các hội đường của người Do Thái, nhưng cũng có nhiều người gốc Hy Lạp, La Mã và các dân tộc khác trong đế quốc tin theo. Cuối thế kỷ I đã có trên dưới 40 giáo đoàn Kitô ở các thành thị lớn nhỏ theo các trục lộ chính. Đạo Kitô phát triển khá nhanh trong giới bình dân, nô lệ và giới phụ nữ quý tộc. Ngoài ra, Tin Mừng cũng từ Jerusalem truyền về hướng Đông từ Syria sang Armenia, xứ Ba Tư (Persia) và đến tận duyên hải Malaba ở Nam Ấn Độ.

Khi có nhiều người dân ngoại theo đạo, vấn đề được đặt ra là liệu họ có cần thiết phải tuân giữ tất cả các tập tục của người Do Thái không? Đa số người Kitô gốc dân ngoại đã xem ngày Chủ Nhật là ngày chính để nghỉ ngơi và thờ phượng, không còn giữ ngày hưu lễ Sabath nữa. Thế còn việc cắt bì, kiêng máu, và các truyền thống khác thì sao? Vấn đề này đã gây nên tranh cãi gay gắt giữa những Kitô hữu gốc Do Thái và gốc dân ngoại đến nỗi các tông đồ phải nhóm họp ở Jerusalem năm 45 để giải quyết. Kết quả là công nghị Jerusalem đã không đòi buộc các tín hữu gốc dân ngoại phải giữ luật Môse và tập tục Do Thái.

Khi Jerusalem bị phá huỷ bình địa đời hoàng đế Titus năm 70, nước Do Thái cũng biến mất, dân chúng di tản khắp đế quốc, trong số này cũng có những người sống chết theo Đức Giêsu. Thế là họ trở thành những hạt giống Tin Mừng trong toàn đế quốc Rôma, làm nên những nhóm Kitô hữu sinh động lan tràn tới cả Bắc Phi. Đến giữa thế kỷ III, nhiều trung tâm lớn Kitô giáo thành hình tại Rôma, Milan, Lyon, Côrintô, Antiôchia, Alexandria, Damascus, Carthage, Cyrene… 

Những nhóm Kitô hữu không chấp nhận hoàng đế Rôma là vị thần, mà chỉ coi ngài là một lãnh tụ đế quốc, làm tròn nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước cùng tuân lệnh chính quyền trong phạm vi chính trị, dân sự. Họ bị xem là bọn vô thần vì không tham dự vào các lễ tế thần tại địa phương, làm các thần thánh nổi giận. Họ bị xem là những hội kín vì hội họp riêng và có những phong tục lạ lùng (thí dụ như “ăn thịt uống máu” (phép Thánh Thể), “vô luân” (vì nam nữ thờ phượng chung, không tách biệt). Do đó, họ bị nhà cầm quyền ghét bỏ, ngược đãi, tàn sát, mà trong lớp nạn nhân đầu tiên nổi bật là Phêrô, Phaolô. Cứ thế, ba thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo là mấy thế kỷ máu và nước mắt, dù đôi khi có nhẹ hơn đôi chút như năm 261, thời hoàng đế Gallian. Sang năm 305, thời Diocletian, cuộc bách hại đẫm máu lại xảy ra trong toàn đế quốc, nhất là những lúc bị các dân tộc Bắc Âu tấn công Rôma. Khi Constantinô lên ngôi hoàng đế Tây Rôma, ông tin rằng đã dành được chiến thắng nhờ niềm tin vào dấu Thánh giá, nên ra sắc chỉ Milan cho phép các Kitô hữu tự do sống đạo mình. Từ đó Giáo Hội mới được bình an và phát triển.

Thành hình dần dần “cơ cấu” Giáo Hội

Khi thiết lập Hội Thánh, Đức Giêsu mới chỉ đặt những nguyên tắc nền tảng, nói chung là giáo lý căn bản Kitô giáo. Với thời gian, các cơ cấu từ đơn giản đến phức tạp, từ chính yếu đến phụ thuộc dần dần xuất hiện. Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội phải đối diện với “thù trong, giặc ngoài”. Đây đó đã xuất hiện những giáo phái như phái Ngộ đạo (Gnosticism) chẳng hạn, có những tư tưởng dị biệt với giáo lý của các tông đồ. Một cộng đồng non trẻ bị bách hại mà lại chia rẽ có nguy cơ bị tan vỡ. Cần phải có tổ chức rõ ràng để bảo vệ giáo lý chính thống. Ngay từ cuối thế kỷ I đã xuất hiện các vai trò Giám quản (episkopos), Kỳ mục (presbyteros) và Trợ tá (diakonos) trong các giáo đoàn. Các giáo đoàn được điều hành bởi các giám quản hoặc hội đồng kỳ mục và các trợ tá. Từ cuối thế kỷ II, nơi nào có các cộng đồng Kitô hữu đông đảo đều có một giám quản là những người thế quyền các tông đồ. Các giám quản cử hành bí tích Thánh Thể, giảng dạy chính thức và làm phép Rửa. Các kỳ mục là các cộng sự viên của vị giám quản, giúp lo việc điều hành và tổ chức, còn các trợ tá thì lo chuyện bác ái xã hội. Các giáo đoàn đều nhỏ và vẫn còn hội họp ở tư gia hoặc ở hầm trú nên việc phân chia quyền bính chưa rõ ràng. Theo thời gian, do những đòi hỏi thực tế, cơ cấu Giáo Hội ngày một lớn mạnh và phức tạp hơn, nhiều luật lệ ra đời phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Giáo Hội bắt đầu tiếp thu hệ thống chính quyền dân sự vào trong cơ cấu của mình. Các vùng đất có nhiều tín hữu được chia thành những giáo phận, tập trung ở các tỉnh thành, và tuỳ theo nhu cầu được chia thành những đơn vị nhỏ hơn. Giám quản trở thành vị giám sát các kỳ mục (= giám mục), họ có quyền phong chức và bổ nhiệm kỳ mục. Vì các kỳ mục cũng giúp các giám mục lo chuyện mục vụ và bí tích nên cũng gọi là tư tế (sacerdotes) hay linh mục. Các trợ tá cũng phụ các giám mục trong các lễ nghi, nên cũng gọi là phó tế. Các giám mục của các thành phố lớn có nhiều ảnh hưởng trên các giám mục của giáo đoàn ở chung quanh, họ được gọi là Tổng Giám mục (metropolitan). Giáo Hội ở Antiôchia, Alexandria và Rôma được coi trọng hơn hết thảy.

Sau khi lên ngôi, hoàng đế Constantinô đã lập một kinh đô mới mang tên mình “Constantinô-polis” (Istanbul ngày nay). Giáo Hội nằm trong đế quốc Rôma rộng lớn không dễ gì tạo được sự hợp nhất hoàn toàn, vì xảy ra bất đồng giữa các giám mục về vấn đề lễ nghi phụng tự, nhất là về giáo lý, nên các giám mục tại nhiều vùng phải họp nhau để giải quyết, gọi là Công đồng địa phương. Ngay khi còn sống, hoàng đế Constantinô muốn bảo vệ sự hợp nhất trong đế quốc qua yếu tố tôn giáo, nên với uy tín và quyền bính của mình, ông triệu tập Công đồng Chung đầu tiên vào năm 325 tại Nicêa, quy tụ gần 300 giám mục trong đế quốc, chủ yếu bàn luận về giáo thuyết của Ariô, một linh mục thành Alexandria, người đã xem Chúa Kitô chỉ là trưởng tử của các thụ tạo. Kết quả là Công đồng Nicêa I đã lên án giáo thuyết của phái Ariô để bảo vệ giáo lý chính thống. Từ đó các công đồng chung được triệu tập để giải quyết những bất đồng trong Giáo Hội, thống nhất giáo lý và thực hành. Nhưng cũng từ đó xuất hiện những ly giáo, là những giáo đoàn và giám mục không chấp nhận kết quả của các công đồng, như giáo phái Nestoriô (Cảnh giáo) từ chối tín lý Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (theotokos) ở công đồng Ephêsô năm 431, các nhóm Đông Chính giáo (Oriental Orthodox churches) không chấp nhận công đồng Chalcedonia năm 451.

Vào thế kỷ IV-V nhiều dân tộc Bắc Âu và Đông Âu như Jutes, Anglo-Saxons, Franks, Suèves, Burgondes, Vandales, Goths, Ostrogoths, Wisigoths, Huns, Alamans, Germans… tràn vào đế quốc bên Tây (người Rôma gọi họ là bọn Man Di) làm cho đế quốc suy yếu dần rồi tàn lụi hoàn toàn vào năm 476. Trái lại, đế quốc bên Đông, còn gọi là Byzantin, còn trụ được và phát triển trong gần 10 thế kỷ nữa, tức năm 1453, khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Constantinople.

Vì những đợt xâm nhập như sấm sét của các dân Bắc Âu, đế quốc bên Tây rối loạn, chỉ có Giáo Hội, nhờ giáo lý thâm sâu, có tổ chức, có uy tín nên chẳng những lo cho dân chúng nghèo khổ, bảo vệ kẻ yếu hèn, mà còn hoán cải được những người đang xâm lăng đế quốc. Giáo Hội trở thành một “lực lượng” đứng ra dàn xếp với dân xâm lược. Năm 496 vua Clovis I của người Franks theo đạo, mở đầu cho việc Kitô hoá Âu châu từng bước một. Năm 530 thánh Biển Đức viết luật dòng cho các tu sĩ và các đan viện, từ đó phát triển ở khắp Âu châu. Các đan sĩ cũng góp phần vào việc truyền giáo cho dân “man di”. Thánh Augustinô thành Canteburry đến với người Anglo-Saxons, thánh Patrick với người Celt (Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan), các thánh Columbanô, Bonifaciô và các đan sĩ khác đã đem Tin Mừng đến các dân tộc Đức, Bắc Âu, và Đông Âu.

Lúc này trong cả đế quốc có 5 vị giáo chủ có uy tín với hoàng đế và các giám mục, theo thứ tự quan trọng là giáo chủ ở Rôma, Constantinople, Antiôchia, Jerusalem và Alexandria. Giáo chủ Rôma được các giám mục khác xem là người kế vị hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và là người có địa vị quan trọng nhất trong hàng giám mục. Uy tín của giáo chủ Rôma ngày càng lớn mạnh từ thời Đức Gregorius Cả trở đi, nhất là sau khi Hồi giáo xuất hiện ở thế kỷ thứ VII. Vào thế kỷ VIII, bên Byzantin xảy ra vụ Chống Ảnh Tượng (iconoclasm). Hoàng đế ra chiếu chỉ cấm dùng ảnh tượng trong nhà thờ vì xem đó là nghịch lại với lệnh truyền của Mười Điều Răn. Đức Giáo chủ Rôma Grêgoriô III phản đối. Vì thế Công đồng Nicea II được triệu tập năm 787 để xem xét vấn đề. Kết quả là các giám mục đồng ý với lập trường của Rôma.

Thế kỷ VIII, thời đại nhà Carolingian ra đời với Charles Martel là người đã chặn đứng được cuộc bành trướng của Hồi giáo tại Poitiers năm 732, sau khi họ vượt Tây Ban Nha lên tới đất Pháp, dù Hồi giáo mới được đức Muhammad sáng lập tại Ả Rập năm 610. Thời kỳ này, dòng họ Carolingian và Giáo Hội sát cánh nhau: chính Pépin le Bref (kế vị cha là Charles Martel) sau chiến thắng tại Ý, đã tặng cho Giáo chủ Rôma các vùng đất chiếm lại của người Lombards năm 756. Từ đó, Giáo chủ Rôma cũng trở thành Giáo hoàng, vua của Lãnh Địa Toà Thánh (Papal States) cho đến năm 1870.

 Năm 800, Đức Giáo hoàng (ĐGH) Leo III phong vương cho Charlemagne, con của Pépin le Bref làm hoàng đế của Đế Chế Rôma Thánh (Holy Rôman Empire). “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Giáo hoàng muốn kiểm soát các vua chúa và các vua chúa thì muốn kiểm soát Giáo Hội. Ngay từ thời Pépin và các vua kế tiếp, nhà vua đã can dự vào nhiều việc nội bộ Giáo Hội, như bổ nhiệm các giám mục, dù các giám mục vẫn được tự do tuyển chọn, huấn luyện các linh mục và trao các giáo xứ cho các linh mục phụ trách. Thấy nhà vua can thiệp quá sâu vào việc tổ chức của Giáo Hội, nhất là việc bổ nhiệm các giám mục, nên năm 1076, ĐGH Gregoriô VIII (1073-1085) ra vạ tuyệt thông cho vua Henry IV, làm nhà vua mất uy tín với dân chúng; năm sau, 1077, chính Henry IV thân hành đến Canossa, đi chân không, mặc áo sám  hối, xin lỗi giáo hoàng.

Trong thời Trung Cổ, vai trò của giáo hoàng là độc tôn ở Tây Âu, nhưng tinh thần quốc gia và thế tục cũng gây nên những rắc rối sau đó, như vụ các ĐGH gốc Pháp bỏ Rôma sống ở Avignon (thế kỷ XIV) gây nên cuộc đại ly giáo ở Tây Phương gần 40 năm. Có lúc đã có 2-3 giáo hoàng đóng đô ở Avignon và Rôma. Vụ việc này chỉ được giải quyết rốt ráo khi Công đồng Constance năm 1417 buộc cả 3 giáo hoàng đương nhiệm phải từ chức và bầu lên ĐGH Martinô V. Uy tín Giáo hoàng đối với nhà cầm quyền cuối thời Trung Cổ sang đầu thời Phục Hưng Âu Châu đã giảm bớt, nhưng vẫn còn được kính trọng, nên năm 1493, ĐGH Alexander VI đã đứng ra phân chia cho vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được quyền tự do phái người đi khám phá thế giới theo hai hướng Đông, Tây. Cho đến năm 1870, Giáo hoàng vẫn được coi như vua của lãnh địa Toà Thánh (Papal States), đâu có phải chỉ là một nước Vatican nhỏ bé với 0.44 km2 như ngày nay.

Ngoài các phẩm trật trong Giáo Hội, còn có một bậc sống không phải là giáo sĩ, cũng chẳng phải là giáo dân, đó là các tu sĩ dòng. Đời sống hiến dâng, hay các tu sĩ dòng nói chung, được khởi sự từ thế kỷ III với thánh Antôn tại Ai Cập trong nếp sống ẩn tu và bán ẩn tu. Thế kỷ IV đã có những tu viện ở Gaul (Pháp) và cuối thế kỷ V ở Ái Nhĩ Lan. Sang thế kỷ VI, thánh Benedictô (480 – 547) với tu luật nổi tiếng của ngài, lập ra đan viện, mở đầu cho các kiểu đan tu trong Giáo hội Tây Phương như dòng Biển Đức (OSB), dòng Xitô (O Cist.), dòng Carthusian (Cart.). Đến thế kỷ XII-XIII xuất hiện các dòng khất sĩ như dòng Phanxicô (OFM), dòng Đa Minh (OP), dòng Carmelô (O Carm.), dòng Augustinô (OSA), với những mục vụ tông đồ chuyên biệt. Từ thế kỷ XVI-XVII trở đi, song song với việc cải tổ các dòng đan tu và khất sĩ, như dòng Phanxicô Capuchinô (OFM Cap.), dòng Carmelô Cải Cách (OCD), các dòng Âugustinô cải cách (OAR và OAD), lại xuất hiện nhiều thể loại tu trì để đáp ứng nhu cầu của thời đại: truyền giáo, y tế, giáo dục, xã hội… như dòng Tên (SJ), dòng Chúa Cứu Thế (CSsR), dòng La San (FSC)… Các tu hội và dòng nữ nở rộ ở thế kỷ XVIII-XX để phục vụ cho phụ nữ và trẻ em. Ngày nay, dù là dòng chiêm niệm hay hoạt động, do linh đạo và đặc sủng khác nhau, đời sống thánh hiến là một phần quan trọng không thể thiếu của Giáo Hội.

Theo thống kê của Giáo Hội năm 2014, có 134.752 linh mục dòng trong tổng số 414.313 linh mục (32,5%); ngoài ra, còn 55.314 tu huynh và 705,529 nữ tu. Không kể các dòng tu thuộc quyền giáo phận, chỉ tính riêng dòng tu thuộc quyền Toà Thánh, ước chừng có 1.300 dòng nữ và 300 dòng nam. Đa số các linh mục dòng không làm việc mục vụ trực tiếp (cha sở, cha xứ) như các linh mục triều (giáo phận), nhưng các linh mục dòng, các tu huynh và đông đảo nữ tu, chẳng những đã đóng góp, mà nhiều khi còn đi tiên phong, nhất là trong cuộc truyền giáo từ thế kỷ XII trở đi. Các tu sĩ phục vụ mọi người và không phân biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, thể chế chính trị…, trong nhiều lĩnh vực như: tôn giáo, văn hoá, xã hội…, đặc biệt lo cho những người nghèo khổ, bệnh tật, hoặc bị áp bức…

Công cuộc giáo dục

Sau khi đế quốc bên Tây sụp đổ năm 476, bắt đầu mở ra thời kỳ được người ta quen gọi là thời Trung Cổ của châu Âu. Đầu thời kỳ này, các đan viện ở châu Âu đóng góp nhiều nhất cho việc giáo dục dân chúng. Đan viện nào cũng là trung tâm giáo dục cư dân quanh đó, không chỉ về mặt học thuật, âm nhạc, nghệ thuật mà còn cả các kỹ năng về canh nông, chăn nuôi, và thủ công nghệ. Ngoài ra, chỉ có các giám mục mới được mở các học viện chính toà (cathedral school) chủ yếu là huấn luyện các giáo sĩ.

Nhưng sang thế kỷ XII, các học viện chính toà chia làm 2 bậc: bậc phổ thông và bậc cao học. Từ đó, các trường đại học ở Tây Âu ra đời, việc tổ chức quy củ hơn, mở rộng hơn, thường có các khoa: thần học, văn học, y khoa, giáo luật và dân luật, nhưng thần học vẫn là khoa quan trọng nhất và thời gian học lâu gấp đôi các khoa khác. Các đại học được thành lập trong thế kỷ XII và XIII: Bologna (thế kỷ XII); Valencia (1209); Oxford (1214); Paris (1215); Naples (1224); Padua (1228); Cambridge (1229); Salamanca (1230); Rôma (1249); Coimbra (1279). Qua nhiều thế kỷ, số các trường học lớn nhỏ do Giáo Hội thành lập không phải là ít, đặc biệt tại những nơi nghèo nàn, thiếu điều kiện, hoặc chính quyền chưa thể đảm nhận được toàn bộ công cuộc giáo dục trong nước.

Giáo Hội chia rẽ

Nếu có hai khu vực hành chính Đông Tây riêng biệt trong đế quốc, thì ít ra cũng có hai lối sống Kitô giáo trong đế quốc, nhất là từ cuối thế kỷ V, lúc đế quốc bên Tây sụp đổ. Thật ra, Giáo Hội Đông cũng như Tây đều cùng một đức tin, riêng “tâm thức” tôn giáo có phần khác do ảnh hưởng của những dị biệt chính trị, kinh tế, văn hoá. Tuy Giáo hoàng Rôma vẫn được Giáo Hội bên Đông nhận là vị thủ lĩnh Giáo Hội, nhưng giáo hữu bên Đông cảm thấy gượng ép, khó chịu. Đặc biệt, các dân tộc do Giáo Hội bên Đông truyền giáo (Bulgari, Slav vùng Balkans, Nga) lại chỉ công nhận Đức Thượng phụ Giáo chủ Constantinople, nhất là sau khi Hồi giáo xoá sổ phần lớn các Giáo Hội cổ xưa, kể cả các toà thượng phụ Jerusalem, Antiôkia và Alexandria. Việc Giáo hoàng Rôma nhận sự bảo trợ của các vua dòng họ Carolingian và để cho họ thao túng Giáo Hội đã làm cho toà Thượng phụ Constantinople khó chịu, nhất là sau khi ĐGH Nicola I đã nhượng bộ triều đình Carolingian thêm cụm từ filioque (và Đức Chúa Con) vào trong kinh Tin Kính.

Xảy ra cuộc phân ly chính thức kể từ ngày 16/6/1054, vì khi đại diện của ĐGH Leo IX và Thượng phụ Giáo chủ Constantinople ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Tuy hai bên Đông và Tây từ khước thẩm quyền của nhau, nhưng Giáo Hội của Đức Kitô chỉ bị chia rẽ hoàn toàn không hàn gắn được khi quân Thập Tự Chinh lần thứ 4 đốt phá và cướp bóc Constantinople (1204) rồi đặt các lãnh địa Latinh trong vùng Byzantin. Từ đó xuất hiện hai Giáo Hội: Công giáo Latinh và Chính thống Byzantin (Hy Lạp). Các cuộc hoà giải của công đồng Lyon II (1274) và Florence (1439) cũng không hàn gắn được sự phân hoá trầm trọng giữa hai Giáo Hội. Khi thành Constantinople rơi vào tay quân Thổ Nhĩ Kỳ của đế quốc Ottoman năm 1453, vì những lý do chính trị, hai Giáo Hội không thể đến được với nhau. Mãi đến ngày 7/12/1964, hai vị mục tử tối cao của GHCG và Chính Thống là Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras I mới giải vạ cho nhau.

Sang đến thế kỷ XVI, Giáo Hội bên Tây lại phân hoá lần nữa trong cuộc cải cách Tin Lành do Martin Lutherô và các người khác khởi xướng. Cuộc hoà giải giữa Công giáo và Tin Lành ở đầu công đồng Trentô không thành công. Và từ đó, bên cạnh các giáo phái Tin Lành dòng chính như Lutherô giáo, Calvin giáo, Anh giáo, còn xuất hiện hàng trăm giáo phái khác, lớn có, nhỏ có; và Giáo Hội bên Đông, tức Giáo hội Chính thống, cũng chia năm xẻ bảy. Từ 50 năm gần đây, phong trào đại kết các Giáo Hội Kitô ra đời. Thiện chí thì mọi phía đều có, nhưng làm sao thực hiện được lời “di chúc” của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly khi Người cầu nguyện với Đức Chúa Cha để “họ nên một như chúng ta là một”?

Vượt ra ngoài châu Âu

Thế kỷ XV mở ra thời kỳ phục hưng châu Âu, trải qua các biến cố:

– Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Constantinople (1453);

– Columbus đặt chân lên đảo Watling tại Trung Mỹ (1492);

– Phái đoàn Magellan đi vòng quanh trái đất, bắt đầu từ Tây Ban Nha, đến cực Nam Mỹ (1520), tới Philippines, vượt Ấn Độ Dương vòng qua mũi Hảo Vọng về tới Tây Ban Nha.

– Hiệp định Tordesillas (1494) phân chia thế giới làm hai “dưới quyền bảo trợ” của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Nhờ những sự việc trên và lúc đầu qua hai cửa ngõ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, GHCG cũng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, hầu Tin Mừng Đức Kitô vươn đến mọi dân tộc, mọi nền văn minh khắp năm châu. GHCG gọi đó là công cuộc truyền bá đức tin, ngày nay gọi là Phúc Âm hoá các dân tộc. Tuy nhiên, người ngoài Công giáo có khi lại hiểu là “thực dân tôn giáo”, khi họ nhận ra cách thức truyền đạo qua các thế kỷ của một số nhà truyền giáo. Nhất là từ Công đồng Lateran giữa thế kỷ XIV, nhiều vị truyền giáo mang tâm thức đi “chinh phục” các linh hồn, dù là đầy thiện chí, quả cảm, hy sinh, bất chấp mọi ngăn trở, dám chết cho đức tin. Cụ thể, các vị mang đến một Đức Kitô đã Tây Phương hoá (ít là về bộ mặt bên ngoài): Tây Phương từ cách suy diễn đức tin đến cơ cấu tổ chức và nếp sống phụng tự cùng những nghi lễ kèm theo… Họ đã đem đến một nếp sống Công giáo Tây Phương, khác với nếp sống tôn giáo địa phương, điều mà Bộ Truyền bá Đức tin (lập 1622) năm 1659 đã căn dặn phải tránh cho xa, khi gửi ba giám mục Đại diện Tông Toà đi Đàng Trong, Đàng Ngoài của Việt Nam và Nam Kinh của Trung Quốc. Cũng chẳng thể trách những nhà truyền giáo này được vì sau công đồng Trentô, đời sống của Giáo Hội từ phụng vụ đến giáo lý, mục vụ và luân lý đều rập một khuôn mẫu theo những định chế và cải cách được đề nghị để củng cố GHCG và đối phó với sự phát triển của Tin Lành. 

Lịch sử đã diễn ra như vậy. Lỗi thì chẳng thiếu. Ví dụ: việc hội nhập văn hoá, coi thường tôn giáo khác, đi với thực dân… Nhưng ích lợi Giáo Hội mang lại cho người ta cũng đáng kể. Mặc dù dựa vào thế lực của thực dân để truyền đạo ở các nước châu Á, châu Phi, đa số các nhà truyền giáo đều quan tâm đến phúc lợi xã hội của những nơi họ được sai đến để phục vụ. Các dòng tu và hiệp hội truyền giáo của thế kỷ XVII-XIX đã đấu tranh cho quyền được làm người của các thổ dân da đỏ, nô lệ Phi Châu. Họ nghiên cứu sáng tạo chữ viết cho nhiều dân tộc không có chữ viết, mở trường để xoá nạn mù chữ, mở nhà thương lo cho người đau ốm, lập trại phong cùi, trại lao để chăm sóc những người bị xã hội bỏ rơi, mở viện mồ côi, trại tế bần để lo cho cô nhi quả phụ. Những ích lợi đó không sao đếm hết!

Giáo Hội đi ra

Sau cuộc cách mạng Pháp 1789, vì phải đối diện với biết bao thách đố từ chính trị đến xã hội, văn hoá và cách mạng khoa học, Giáo Hội trở nên khép kín và bảo thủ hơn những thế kỷ trước đó. Công đồng (CĐ) Vaticanô I đã đưa vị trí của ĐGH lên hơn nữa khi tuyên bố tín điều “vô ngộ”, không mắc sai lầm trong đức tin và phong hoá. Từ cuối thế kỷ XIX, các vị giáo hoàng trở nên một lãnh tụ tinh thần đích thực, có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Không chỉ là thủ lĩnh của GHCG, ngài cũng còn là quốc trưởng của Toà Thánh Vatican (Stato della Cità del Vaticano), một quốc gia nhỏ bé, hậu thân của Lãnh địa Toà Thánh, được thành lập năm 1929 do thoả ước Lateran được giữa Toà Thánh và chính phủ của nước Ý. Tiếng nói của các vị giáo hoàng được các chính phủ thế giới, kể cả các nhà độc tài, phát xít, các lãnh tụ Cộng sản trân trọng và lắng nghe, nhất là sau Thế Chiến thứ 2. Các ĐGH Piô XII (1939-1958), Gioan XXIII (1958-1963), Phaolô VI (1964-1978) là những nhà lãnh đạo được kính nể trên toàn thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng trên hàng tỉ người, không chỉ riêng các tín hữu Công giáo.

Trong nửa đầu của thế kỷ XX, để bắt kịp với đà tiến của nhân loại, bên trong Giáo Hội đã khởi xướng một phong trào “về nguồn” tập trung nghiên cứu và canh tân giáo lý, phụng vụ, kinh thánh, mục vụ, và thăng tiến công bình xã hội. Thành quả là CĐ. Vaticanô II (1962-65), một công đồng không phải được triệu tập để đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng để toàn thể Giáo Hội nhận định “những dấu chỉ của thời đại” dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để Giáo Hội hoà mình vào thế giới và phục vụ con người cách tích cực hơn. CĐ. Vaticanô II đã đưa GHCG vào một con đường mới hơn so với 20 công đồng trước, vì không phải chỉ bàn tới việc củng cố nội bộ Giáo Hội, bảo vệ và truyền bá đức tin, mà còn bắt tay với toàn thể nhân loại, với mọi cộng đồng xã hội, trao đổi chân tình với mọi tổ chức địa phương và quốc tế, tôn trọng mọi nền văn minh, văn hoá, mọi tôn giáo trên mặt đất.

Nhân vật số một của GHCG, gần đây nhất là các ĐGH Gioan Phaolô II (1978-2005), Biển Đức XVI (2005-2013) và nay là Phanxicô (2013- ) đã tiếp xúc với rất nhiều thành phần nhân loại không phải chỉ bằng lời nói, chữ viết qua các thư từ, thông điệp…, nhưng các ngài đi khắp hoàn cầu, đích thân gặp gỡ các dân tộc, các tầng lớp xã hội. Đã nhiều lần các ngài ra khỏi nước Vatican, không thể tự giam hãm mình như mấy vị giáo hoàng từ năm 1870 – 1929, thời thống nhất nước Ý đến thoả ước Lateran. Ảnh hưởng của các ngài không sao kể xiết.

GHCG là một Hội Thánh do Đức Giêsu thiết lập, nhưng các phần tử trong Giáo Hội cũng chỉ là những con người với tất cả hạn chế của một thụ tạo, dù con người được coi là hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo Hội đã trải qua nhiều thăng trầm trên nhiều chặng đường lịch sử sáng ngời pha lẫn đen tối, nhưng đó là một “tổ chức” chặt chẽ, hoạt động liên tục hơn 2000 năm. Giáo Hội sẽ còn nhiều đổi mới lớn nhỏ, cách này cách khác, những đổi mới có thể làm cho nhiều người phải ngỡ ngàng, nhưng vẫn là GHCG do Đức Giêsu thiết lập.

Nói tóm lại, CĐ. Vaticanô II mới chỉ là một “pháo lệnh” cho cuộc đổi mới trong Giáo Hội. Vì hơn 20 thế kỷ qua, biết bao thứ bám chắc vào Giáo Hội, mà đến nay có thứ chỉ còn là những lớp vỏ khô cằn, không còn ích lợi gì. Đàng khác, thế giới biến đổi quá nhanh, chỉ về lĩnh vực thông tin cũng đủ choáng ngợp. Tuy nhiên, sức sống của Giáo Hội không phải do chính con người tạo ra, không phải do uy tín quốc tế (dù hiện nay Toà Thánh Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức theo cấp bậc sứ thần, đại sứ với 180 quốc gia), không phải do quyền lực, tiền tài…, nhưng do Chúa Thánh Linh. 

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, SJ (…).

Lm. Antôn-Phaolô, Trần Quốc Anh, SJ., bổ sung