Nơi cửa sông đã mất
Chính xác hơn là cả dòng Ba Thắc (Bassac) dài rộng, “lội không tới bờ, lặn không tới đáy” như ký ức của nhiều kỳ lão ở miệt đồng bằng sông nước Cửu Long, giờ đã biến đi đâu?
VẬT ĐỔI SAO DỜI NƠI CỬA SÔNG – KỲ 1:
Nơi cửa sông đã mất
Chính xác hơn là cả dòng Ba Thắc (Bassac) dài rộng, “lội không tới bờ, lặn không tới đáy” như ký ức của nhiều kỳ lão ở miệt đồng bằng sông nước Cửu Long, giờ đã biến đi đâu?
Bản đồ Sóc Trăng năm 1891 rõ ràng với cửa Ba Thắc ra Biển Đông |
Cửu Long chín cửa sông, nay đã mất một. Ba Thắc đâu rồi? Để có câu trả lời, chúng tôi tìm tới UBND xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nơi cửa sông Ba Thắc từng tồn tại trong một thời gian dài.
Cửa sông Ba Thắc: chỉ còn trong ký ức
Trải tấm bản đồ địa giới xã lên mặt bàn, chỉ vào khu vực cửa sông Cồn Tròn hiện hữu, ông Nguyễn Chí Dũng – chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam – diễn giải: “Có lẽ cửa sông Ba Thắc ngày trước là đây, nhưng khi ấy cồn Tròn, cồn Khỉ chưa nổi lên chia tách dòng chảy”.
Vậy còn cả một dòng Ba Thắc dài rộng giờ ở đâu? Chúng tôi thắc mắc.
“Hậu duệ” của sông Ba Thắc giờ là sông Cồn Tròn, nhưng ngày trước con sông này sâu và rộng hơn gấp nhiều lần. Bởi trước đây phân lưu đầu nguồn của sông trổ lên tới vàm Đại Ngãi, phía đầu Cù Lao Dung.
Do biến đổi dòng chảy, một số cồn cát hình thành khiến nguồn nước cung cấp cho sông không còn mạnh mẽ, dòng sông không đủ năng lượng để vùng vẫy đẩy phù sa ra biển, nên cửa sông bị bồi lắng nhanh và hình thành nhiều cồn bãi như hiện nay” – ông Dũng nói.
Ông Trần Hữu Phương, cán bộ xã An Thạnh Trung, người sinh ra và lớn lên ở địa phương này, góp thêm:
“Má tôi kể cách đây 60 – 70 năm hồi bà còn trẻ, chỗ chúng ta đang ngồi đây (trụ sở UBND xã An Thạnh Nam – PV) là biển. Bây giờ đất bồi xa ra hàng cây số. Có lẽ sự bồi đắp ở đuôi cù lao Dung khiến cửa sông Ba Thắc bị bít lại dần rồi người ta quên luôn sự tồn tại của nó”.
Nói vậy nhưng ông Dũng, ông Phương đều khiêm tốn bảo ở địa phương vẫn còn nhiều bậc cao niên am hiểu hơn mình và hướng dẫn chúng tôi đến gặp ông Hai Nhăm (64 tuổi), ở ấp Võ Thành Văn (xã An Thạnh Nam).
Nghe hỏi chuyện xưa, ông Hai Nhăm hồ hởi rủ thêm một người bạn đồng niên lấy ghe máy đưa chúng tôi ra thị sát cửa sông Cồn Tròn.
Suốt mấy chục năm gắn bó với vùng đất này, ông Hai Nhăm đã chứng kiến bao sự đổi thay thiên tạo. Từng vạt rừng, từng bãi bồi, từng phân lưu của sông Ba Thắc xưa – sông Cồn Tròn nay dài rộng ra sao, hình thành từ lúc nào ông Hai Nhăm đều biết tận tường.
“Nơi cửa Ba Thắc ngày trước, từ những năm đầu thập niên 1960 cồn Nổi bắt đầu nhô lên, dân ở đây quen gọi là đảo Khỉ (vì không có người sinh sống, chỉ mênh mông là bần xanh ngắt, khỉ về ở rất nhiều).
Cồn nổi ngày càng rộng ra, giờ đã thành rừng bần phòng hộ, mỗi năm người ta trồng thêm hàng ngàn cây bần để giữ đất, lấn biển làm mất dấu luôn cửa Ba Thắc” – ông Hai Nhăm kể.
Ông cũng nhớ rành rọt con sông Cồn Tròn ngày trước rộng tới vài trăm thước, giờ chỉ còn chừng năm bảy chục thước.
Cầu Cồn Tròn xây cách đây mới hơn bảy năm, vậy mà giờ trở nên dài ngoẵng, ngỡ như người ta xây cầu trên bờ bởi tốc độ bồi lắng, thu hẹp lòng sông diễn ra quá nhanh, ghe tàu không rành luồng lạch thường mắc cạn.
“Có lẽ không bao lâu nữa sông Cồn Tròn cũng sẽ biến mất luôn” – ông Hai tiên đoán.
Nay cái tên Ba Thắc đã biến mất trên bản đồ – Ảnh: Cao Thành Long sưu tầm |
Đẩy lùi biển mặn
Ngược thời gian khi chưa có bờ bao ngăn nước mặn, ở cuối Cù Lao Dung dân cư vẫn còn thưa thớt lắm.
Ông Tư Lâm, một trong số ít người đã đưa vợ con về đây lập nghiệp, kể rằng hồi đó muốn trồng lúa phải vượt sông Trần Đề qua xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề) mướn đất gieo mạ, tới tháng 7 âm lịch mới nhổ đem về ruộng mình cấy.
“Lúa là lúa mùa sáu tháng, làm chỉ được 7 – 8 giạ (mỗi giạ khoảng 20kg)/công (1.000m2), đủ ăn qua mùa là may. Bí bầu, rau quả cũng tự trồng trong mùa mưa, cá cua thì nhiều chứ thịt heo hiếm lắm vì mỗi lần đi chợ phải ngồi đò dọc lên tuốt chợ huyện Trà Cú của tỉnh Trà Vinh, đi về mất cả ngày.
Ngán nhất là việc nấu cơm, vì nấu bằng nước mặn nên ăn cơm có “ba tầng”: tầng sống, tầng chín, tầng khét, trước khi ăn phải nhai cục muối để làm quen với cái mặn” – ông Tư Lâm nhớ lại thời gian khó chưa xa.
Khi huyện Cù Lao Dung thành lập (năm 2002) đã đẩy mạnh việc trồng rừng lấn biển, đắp đập be bờ, rồi làm cống để ngăn mặn, dẫn ngọt, cuộc sống người dân ở cuối đất cù lao phất lên nhanh.
Lúa sạ trực tiếp mà không cần gieo mạ từ nơi khác mang về cấy, năng suất tăng gấp năm, bảy lần. Đất cũ đãi người mới. Năm 2010 đường lộ qua các ấp, các xã được trải bêtông, đi lại thuận lợi, xe máy chạy vù vù từ đầu tới cuối cù lao.
Cuộc sống đi lên vui gì bằng, nhưng ông Hai Nhăm nói điều ông tự hào nhất là tình làng nghĩa xóm vẫn giữ trọn như thủa ban đầu đi khai hoang.
“Tuy cách trở đò giang, nhưng những ai có dịp đến đất Cù Lao Dung rồi mới hay hiếm có xứ nào hiền lành và mến khách như ở đây” – ông Hai Nhăm nói.
Mà thật vậy, ở xứ cù lao này mỗi khi có việc hiếu hỉ, tang ma, cất sửa nhà nhà ở…, gia chủ chưa kịp “hô” đã có bà con chòm xóm tới phụ mỗi người một tay. Nuôi con gà, con chó chẳng bao giờ mất, thậm chí vắng nhà cả buổi cũng không cần phải đóng cửa vì chẳng ai trộm của ai thứ gì.
Rồi những khi có bà con ở quê lên chơi vài ba bữa, không đủ bàn ghế, chén đũa để tiếp đãi, liền chạy ù qua hàng xóm mượn tạm; tới đêm mấy đứa con gái, con trai mới lớn trong nhà lại sang bên cô ba, chú bảy trong xóm “ngủ ké” với đám bạn trang lứa, nhường chỗ ngủ ở nhà mình cho khách!
Có lẽ sống giữa bốn bề sông nước nên tính cách con người nơi cù lao cũng chơn chất, hào sảng đến vậy. Tình cờ gặp ông Út Tùng (40 tuổi), nhà ở Kênh Ba (huyện Trần Đề) qua đây mướn đất trồng mía gần chục năm nay.
Mới hỏi thăm vài câu, ông đã nhiệt tình mời về căn nhà tạm ở mé sông ăn bữa cơm canh chua cá ngát nấu với trái bần.
“Nơi này thưa thớt nhà cửa, nhiều lúc cũng thấy buồn, nhưng bù lại 6 công đất mướn mỗi năm làm một vụ mía, trừ hết chi phí lời 12 – 15 triệu đồng, cũng đủ sống và lo cho mẹ cha.
Sống đâu quen đó, tui cũng không muốn dời đổi đi đâu, bởi chỗ này yên bình, khoẻ người ra. Ít tiền nhưng sống vui, sống khoẻ là được” – ông Út Tùng tâm sự.
Khắp Cù Lao Dung hầu như nơi nào cũng thấy mía. Người dân nơi này sống chủ yếu nhờ cây mía. Mía được trồng từ tháng 4 năm này tới tháng giêng, tháng 2 năm sau thì thu hoạch, năng suất độ chừng 150 tấn/ha, trừ chi phí, nông dân kiếm lời 25 – 30 triệu đồng/ha.
Trước đây lời nhiều hơn do giá mía cao, tuy nhiên vụ mía vừa rồi có lúc sụt xuống chỉ còn 500 – 700 đồng/kg, chặt tại vườn, thấp bằng nửa những năm trước nên có nhà không muốn bán, nhưng ngại bỏ công chăm sóc nên thoạt nhìn tưởng như rẫy mía bỏ hoang.
Dọc dài cù lao đã có người cắn răng đoạn tình với mía, loại cây mật ngọt đã nuôi sống gia đình bấy lâu nay để chuyển sang đào vuông nuôi tôm sú, tôm thẻ.
Đêm Cù Lao Dung đến sớm bởi huyện lỵ chỉ gói gọn trong mấy đoạn đường, đi một chút là hết. Quán xá cũng chỉ vài chỗ cà phê, bún phở, 9g tối nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ. Nhưng cuộc sống nhờ vậy mà thanh thản, yên bình.