29/11/2024

Chống ngập bằng hồ chứa tại gia

Người dân có thể xây hồ bằng ximăng bốn phía, dưới đáy để trống cho nước thẩm thấu xuống đất hay đơn giản là sử dụng những bồn chứa nước bằng nhựa hoặc bằng inox.

 

Chống ngập bằng hồ chứa tại gia

 

 

Người dân có thể xây hồ bằng ximăng bốn phía, dưới đáy để trống cho nước thẩm thấu xuống đất hay đơn giản là sử dụng những bồn chứa nước bằng nhựa hoặc bằng inox. 




Ý tưởng hồ chứa nước nhiều cấp để tạm giữ nước mưa giảm tải cho hệ thống thoát nước chung – Đồ hoạ: Vĩ Cường

Xây hồ chống ngập tại gia: Khó khả thi

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang nghiên cứu dự án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng, dự kiến sẽ chuyển cho Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM thẩm định trong thời gian tới.

Dự án này quy hoạch hệ thống hồ điều tiết của TP làm hai loại. Một loại hồ điều tiết có kích cỡ lớn vài trăm hecta, loại còn lại là những hồ có diện tích nhỏ, vài ngàn mét vuông hoặc thậm chí chỉ là bể chứa được 1 – 2m3 nước đặt dưới nền hoặc trên mái nhà của dân.

Nhiều hồ nhỏ để tránh ngập lớn

Đề xuất chủ đạo của dự án là phân tán diện tích chứa nước ra thành nhiều hồ nhỏ, nằm rải rác trong các khu đô thị, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan, công viên và cả trong nhà của người dân.

Theo đơn vị nghiên cứu đề án (Trung tâm quản lý nước và khí hậu – ĐH Quốc gia TP.HCM), đề xuất này trên nguyên lý tích tiểu thành đại, phù hợp với tình hình tại TP.HCM hiện nay là không còn nhiều đất để làm những hồ điều tiết lớn vài trăm hecta để chống ngập.

Theo dự án, hồ điều tiết phân tán sẽ chia thành bốn cấp nhằm mục đích trữ nước mưa trước khi xả vào hệ thống cống thoát nước chung.

Cấp một là các hồ ở những khu vực đất trống, còn diện tích lớn như hồ Khánh Hội (Q.4), hồ Gò Dưa (Q.Thủ Đức)… mà TP đang nghiên cứu thực hiện. Cấp hai là những hồ nước vài ngàn mét vuông trong các khu công nghiệp, khu đô thị.

Cấp ba là những hồ nước nhỏ tại nơi công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, vỉa hè, dải phân cách đường giao thông… Và cấp bốn là những hồ điều tiết trong nhà của mỗi hộ dân.

Hiện nay, nước mưa từ nhà dân chảy thẳng ra đường hoặc hẻm, sau đó xuống cống nhỏ rồi ra cống lớn. Nếu mưa lớn, hệ thống cống quá tải, nước không thoát kịp sẽ gây ngập đường, ngập hẻm và khu dân cư.

Khi có hệ thống hồ điều tiết này, nước mưa từ nhà dân, trường học, bệnh viện sẽ được giữ lại trong các hồ, làm giảm lượng nước mưa đổ về hệ thống cống thoát nước, áp lực lên hệ thống cống chính sẽ nhẹ đi, không gây ngập lúc trời mưa to.

Khi trời hết mưa, áp lực nước ở các cống nhỏ hơn trong hồ thì nước từ các hồ này từ từ thoát ra cống. Nếu người dân muốn dùng nước mưa này để tưới cây, rửa xe, rửa nhà thì đóng van xả ra hệ thống cống chung.

Ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm quản lý nước và khí hậu, cho biết cách làm những hồ điều tiết nhỏ trong mỗi hộ gia đình rất đơn giản, không gây tốn kém kinh phí nhiều cho người dân. Mỗi hồ điều tiết mini trong các gia đình chỉ tốn khoảng 2 – 3 triệu đồng.

Nhà nào có khả năng thì xây bằng ximăng bốn phía, có nắp đậy, dưới đáy để trống cho nước thẩm thấu xuống đất. Cách đơn giản hơn nữa là sử dụng những bồn chứa nước bằng nhựa hoặc bằng inox mà các gia đình vẫn chứa nước sinh hoạt hằng ngày.

Nước mưa được gom từ mái nhà xuống các máng nước, qua các ống nước dẫn vào hồ. Các hồ có ống thoát nước ra cống chung. Vật liệu cũng đơn giản, dễ tìm như vật liệu dẫn nước mưa thường dùng của các gia đình.

Gia đình nào muốn làm bài bản có thể xây hồ trên sân thượng, ống dẫn nước vào hệ thống chung thì vẫn chỉ là ống nước bình thường có van điều khiển để chủ nhà đóng mở khi cần thiết. Nếu lo chứa nước bị muỗi mòng phát sinh dịch bệnh thì có thể làm hồ kín.

Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp
Mô hình hồ chứa nước tại gia – tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp

Quyết tâm sẽ làm được

Theo ông Phi, khó nhất vẫn là làm loại hồ điều tiết trong nhà người dân. Việc vận động trước hết và chủ yếu là ở những khu dân cư mới xây dựng hoặc người dân xây lại nhà mới trong khu dân cư cũ. Nhà nước sẽ đi dần từ khuyến khích đến bắt buộc, chính quyền sẽ thể chế hóa thành quy định.

Trong bản vẽ cấp giấy phép xây dựng phải có thiết kế hồ chứa nước mưa này. Xây dựng xong mà không có hồ thì Nhà nước không cho hoàn công.

“Việc này chính là lồng ghép việc phát triển đô thị và xử lý giảm tải thoát nước. Mỗi căn nhà được xây lên tức là có một diện tích đất bị bêtông hoá, diện tích ngậm nước sẽ giảm, làm cái hồ trong nhà là tự bù quá tải thoát nước. Điều này tránh được sai lầm trong phát triển lâu nay là gây ra gánh nặng cho hạ tầng” – TS Long Phi khẳng định.

Theo TS Long Phi, ban đầu Nhà nước nên thí điểm ở những khu dân cư mới như quận 2, 7, 9, 12 và những khu dân cư đang bị ngập, làm hồ ở những nơi công cộng trước rồi vận động người dân làm sau.

Có thể làm trước một, hai hồ nhỏ, nước ngập sẽ giảm đi một chút. Hiệu quả ấy sẽ là động lực để người dân thực hiện theo.

Những hộ gia đình làm hồ điều tiết trong nhà sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí (giống như hiện nay mỗi gia đình mua một bộ năng lượng mặt trời thì được hỗ trợ 1 triệu đồng) và thiết kế kỹ thuật của hồ. Kinh phí này lấy từ kinh phí chống ngập của TP.

Về hiệu quả của dự án, TS Long Phi khẳng định phụ thuộc vào quá trình triển khai. Việc vận động cho người dân ý thức trách nhiệm chống ngập là của chung, mỗi người cần góp một tay là rất quan trọng.

Khi vận động, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc thì việc chống ngập mới chuyển hướng hiệu quả hơn.

* Ông Đào Minh Đức (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Không nên bắt buộc

Theo tôi, nên xây bồn thu nước mưa ở dưới hầm chứ không nên để trên sân thượng. Vì nếu kết cấu của bồn không chắc chắn sẽ tạo ra “bom nước” ở trên các nóc nhà.

Tùy vào điều kiện cụ thể, người dân có thể thiết kế bể chứa phù hợp với túi tiền của mình. Chẳng hạn, một bồn chứa inox chứa khoảng 1m3 nước giá khoảng 5 – 6 triệu đồng.

Sử dụng thùng inox sẽ đảm bảo hơn bêtông vì quá trình chứa nước trong bồn bêtông dễ đóng rêu, không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, việc chứa nước trong bồn bêtông lâu ngày còn dễ phát sinh ra muỗi mòng.

Tuy nhiên, TP không nên đưa quy định, chế tài, bắt buộc xây dựng hồ chứa khi xây nhà. Nếu bắt buộc, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân chứ nhiều hộ đâu có nhiều tiền để xây hồ chứa. Chưa kể nhiều nhà diện tích đất rất nhỏ, chỗ để ở không đủ thì xây hồ điều tiết bằng cách nào?

Trước mắt, các cơ quan, ban ngành phải tuyên truyền, nhấn mạnh cho người dân hiểu lợi ích của việc xây hồ điều tiết. Khi người dân thấy được lợi ích, họ sẽ tự nguyện thực hiện. Nếu mỗi nhà dân có một bể chứa thì có thể góp phần giảm ngập rất nhiều cho TP.

* Bà Trần Thị Thuỳ Trang (người dân P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Lo tốn nhiều chi phí

Nhà tôi và nhiều nhà trong xóm hiện nay là nhà ống, xung quanh không còn đất để làm hồ ngầm. Nếu làm hồ trên mái thì phải làm sân thượng hoặc đổ nhà mái bằng, móng nhà phải làm chắc hơn, phải có lớp chống thấm vì nước đọng thường xuyên trên mái nên chi phí xây nhà tăng lên.

Tôi ngại sẽ có nhiều gia đình không kham nổi chi phí này. Vấn đề kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ cũng không đơn giản nếu nhà không có người rành rẽ. Chưa kể chi phí bảo trì cũng rất tốn kém, người dân như chúng tôi khó mà thực hiện được.

ĐỨC PHÚ ghi

* Ông Nguyễn Đình Hưng (phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM):

Người dân tham gia chống ngập 
theo sức của mình

Đến giờ này, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP chưa trình hồ sơ dự án quy hoạch trên cho Sở Quy hoạch – kiến trúc TP thẩm định. Bản thân tôi có trao đổi vài lần với các tác giả của dự án này và nhận thấy đây là một phương pháp hoàn toàn đúng.

Nếu một khu vực có 100.000 căn nhà mà có khoảng 30-40% nhà tham gia xây hồ chống ngập, mỗi nhà giữ từ 1 – 2m3 nước trong trận mưa to thì hoãn được 50.000 – 60.000m3 nước ra cống thoát chung. Hiệu quả giảm ngập sẽ thấy liền.

Ý tưởng của dự án rất hiện thực, khi có sự tham gia của toàn dân thì công cuộc chống ngập sẽ thuận lợi hơn nhiều, điều này còn giúp người dân nâng cao ý thức và tự giác tham gia chống ngập tùy theo sức mình.

Tôi nghĩ người dân sẵn sàng ủng hộ, thậm chí dân còn đề xuất những cách làm hay hơn.

D.NGỌC HÀ – Q.KHẢI ([email protected])