13/01/2025

Cầm nhà vay tiền làm đường cho dân

Sốt ruột vì phải chờ đợi vốn làm đường nông thôn mới của Nhà nước rót xuống, một cựu chiến binh đã đem giấy tờ nhà đất thế chấp ngân hàng để lấy tiền làm đường sớm cho dân.

 

Cầm nhà vay tiền làm đường cho dân

 

Sốt ruột vì phải chờ đợi vốn làm đường nông thôn mới của Nhà nước rót xuống, một cựu chiến binh đã đem giấy tờ nhà đất thế chấp ngân hàng để lấy tiền làm đường sớm cho dân.




Ông Vũ Khúc Sự và con đường bêtông mà ông thế chấp sổ đỏ để làm - Ảnh: Tiến Thành
Ông Vũ Khúc Sự và con đường bêtông mà ông thế chấp sổ đỏ để làm – Ảnh: Tiến Thành

Đó là chuyện về ông Vũ Khúc Sự (62 tuổi), chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh buôn Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông)…

Góp phần đưa Păng Sim trở thành buôn dẫn đầu trong xã về làm đường nông thôn, ông Sự là cựu chiến binh có uy tín tốt trong lòng người dân ở buôn Păng Sim và được bà con rất mực tin tưởng vì những việc làm và hành động hợp với lòng dân

Ông PHẠM QUỐC THỤY 
(chủ tịch UBND xã Trường Xuân)

“Cắm” sổ đỏ

Hiện nay, con đường bêtông rộng 3m, dài 1,5km xe có thể bon bon chạy vắt qua những rừng thông, rẫy cà phê và hồ tiêu ở buôn Păng Sim. Nhưng theo người dân địa phương, cách đây hai năm con đường này là nỗi ám ảnh của người đi đường bởi cứ mưa xuống là phải bỏ xe lại vì đường lầy lội, trơn trượt khiến trẻ con và người lớn ngã như cơm bữa.

Làm sao có con đường bêtông để trẻ em đến trường dễ dàng, sạch sẽ? Ông Sự đặt câu hỏi rồi tìm cách trả lời.

Lúc ấy, UBND huyện Đắk Song có chủ trương làm đường giao thông nông thôn do Nhà nước và nhân dân cùng làm (theo hình thức Nhà nước góp vốn 75% và dân 25%). “Nghe tin làm đường, bà con ở buôn Păng Sim ai cũng phấn khởi nhưng khi nói đến góp tiền, hiến đất và góp sức thì ai cũng… im lặng.

Họp hội cựu chiến binh, chúng tôi bàn người lính phải làm trước thì làng nước mới theo sau, cuối cùng bà con mới đồng ý hiến đất, góp tiền để làm đường” – ông Sự kể.

Mọi thứ thông suốt, nhưng ngân sách chưa rót về kịp khiến việc làm đường vẫn tắc. “Cán bộ nói là phải làm. Huống chi mình là bộ đội Cụ Hồ, nói mà không làm thì bà con chê cười, không tin tưởng. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định… đem sổ đỏ nhà đất của gia đình đến ngân hàng thế chấp để vay tiền mua vật liệu xây dựng” – ông Sự nhớ lại.

Ông Sự được ngân hàng cho vay hơn 200 triệu đồng, nhưng tổng kinh phí làm đường gần 1,6 tỉ đồng nên ông phải đi thuyết phục đồng đội cùng… “cắm” sổ đỏ. Nghe ông, bốn cựu chiến binh khác cũng đã thế chấp giấy tờ nhà đất để vay 775 triệu đồng. Tiền vay được cộng với 336 triệu đồng do nhân dân đóng góp đủ kinh phí ban đầu để khởi công.

“Lúc ấy có người bảo chúng tôi bị “khùng”, vay tiền ngân hàng để ứng trước tiền làm đường giống như cầm đèn chạy trước ôtô, họ lo chúng tôi bị Nhà nước quỵt tiền. Nhưng chúng tôi không sợ Nhà nước quỵt, mà chỉ sợ mất lòng tin với… vợ” – ông Nguyễn Trung Thành, cựu chiến binh ở buôn Păng Sim, dí dỏm nói.

Nhưng ngày bà con vui mừng có đường mới cũng là ngày các cựu chiến binh bắt đầu… lo nếu tiền không giải ngân kịp, họ sẽ mất đất, mất nhà. “Suốt mấy tháng trời tôi phải chạy lên chạy xuống huyện để làm thủ tục hoàn tiền cho các cựu binh đã thế chấp sổ đỏ. “Tính từ lúc vận động làm đường, phải mất gần một năm rưỡi sau tôi và mọi người mới nhận lại được tiền từ Nhà nước. Khi ấy, chúng tôi mới dám thở phào” – ông Sự nói.

Con đường của lòng dân

Đưa chúng tôi tham quan con đường bêtông ở buôn Păng Sim, ông Sự khoe đã hai năm xe cộ đi lại tấp nập nhưng con đường vẫn chưa bị “tróc vảy”.

Chi hội cựu chiến binh cũng cam kết sẽ bảo hành con đường trong hai năm, nếu đường hư hỏng sẽ tự bỏ kinh phí sửa chữa hoàn toàn. “Ngày khánh thành đường, bà con cảm ơn anh em cựu chiến binh rối rít.

Họ còn bảo lấy tên đường là đường Cựu Chiến Binh Păng Sim nhưng chúng tôi nhất quyết không chịu vì đây là con đường của người dân. Chúng tôi chỉ là những người vận động” – ông Sự khẳng khái nói.

Ông Lê Sĩ Hồng (44 tuổi) – người dân trong buôn – cho biết từ ngày có đường mới, việc đi lại của bà con trong buôn dễ dàng hơn. Trước đây cứ mưa xuống là không ai dám đi vì sợ trượt ngã, giờ có đường mới xe cộ đi lại cứ bon bon.

Thực tế thành công của con đường này đã tạo ra phong trào người dân hưởng ứng đóng góp làm đường giao thông trên địa bàn buôn Păng Sim. Nhờ vậy, đã có thêm ba con đường mới với tổng chiều dài 4,7km, kinh phí gần 5 tỉ đồng được xây dựng từ sự đóng góp của người dân và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước…

TIẾN THÀNH ([email protected])