26/12/2024

Tổng đài của Tuấn “Mẹc”

“Hãy luôn chia sẻ tất cả với những người bạn của mình. Chia sẻ để yêu thương không cần điều kiện, chia sẻ để khi cho đi không cần lý do và để khi quan tâm không cần biết ơn. Hãy gọi cho tôi để chúng ta cùng nhau chia sẻ…”.

 

Có một Sài Gòn nghĩa tình – Kỳ 3: Tổng đài của Tuấn “Mẹc”

 

 

“Hãy luôn chia sẻ tất cả với những người bạn của mình. Chia sẻ để yêu thương không cần điều kiện, chia sẻ để khi cho đi không cần lý do và để khi quan tâm không cần biết ơn. Hãy gọi cho tôi để chúng ta cùng nhau chia sẻ…”.




Anh Tuấn “mẹc” đang tư vấn cho một bạn trẻ - Ảnh: V.T.
Anh Tuấn “mẹc” đang tư vấn cho một bạn trẻ – Ảnh: V.T.

Đó là đoạn nhạc chuông êm ái quen thuộc của “tổng đài” Tuấn “Mẹc” – biệt danh của anh Bảo Kiếm (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM). “Tổng đài” chẳng thu phí cũng chẳng bán buôn nhưng ngày nào cũng đều đều hơn 50 cuộc điện thoại, bất kể giờ giấc. Tuấn “Mẹc” – “tổng đài viên” duy nhất – ngồi ở một đầu dây cần mẫn lắng nghe.

Tìm kiếm điểm tựa

Tuấn “Mẹc” sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, vẻ ngoài hơi bặm trợn, da đen nhẻm nhưng giọng nói trầm ấm, tình cảm. Tự biến mình thành “tổng đài” tư vấn về HIV cho những người cần đến mình, anh lúc nào cũng “ôm” điện thoại như bà mẹ ôm con mọn.

Một giọng nam đầy lo lắng, hốt hoảng: “Em nhậu say rồi bạn bè rủ đi mátxa, có quan hệ bậy bạ. Mấy bữa nay, em nổi hai cái hạch ở cổ, ở nách, coi trên mạng thì người ta nói nhiễm HIV là nó có dấu hiệu vậy. Em sợ mình nhiễm HIV, mấy bữa rồi không đi làm nổi…”.

Anh chăm chú nghe, hỏi thêm thật kỹ lưỡng rồi giải thích cặn kẽ. Giọng nói bên kia đã bình tĩnh hơn. “Nếu lúc nào lo lắng thì cứ gọi cho anh Tuấn. Anh Tuấn nghe điện thoại 24/24 mà” – anh trấn an trước khi người bên kia gác máy.

Cuộc gọi ấy chỉ là một trong số 1.001 thắc mắc về HIV/AIDS mà anh Tuấn “Mẹc” giải đáp. “Anh chàng này ở Phú Yên. Nghe riết rồi chỉ cần nghe giọng là biết quê ở đâu” – anh bảo. Năm năm qua, anh nhận được cuộc gọi từ rất nhiều nơi, từ Cà Mau đến tận Hà Giang. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên ban đầu anh “nghe không hiểu” người ta nói gì. Đủ thứ giọng Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…

Anh kể rằng trước đây anh cũng chẳng hiểu gì về HIV, chẳng quen ai mắc căn bệnh này. Anh cũng như bao người khác, nghe nhắc đến là thấy sợ, muốn tránh xa. Cho đến khi anh phạm phải một sai lầm và đã lo sợ đến hoảng loạn khi biết mình có thể bị nhiễm HIV.

Chẳng biết tìm đến ai, cũng chẳng dám đến bệnh viện, anh lên mạng đọc đủ thứ để tìm nơi xét nghiệm. Ở một diễn đàn, có người chỉ cho anh nơi kiểm tra máu và nhiều người động viên, an ủi anh khi ruột gan anh như đang bén lửa. Lần đó anh may mắn yên lành.

Trải qua mớ cảm giác hỗn độn của thời gian đó, anh bắt đầu suy nghĩ về HIV. Thỉnh thoảng anh vẫn lên các trang cộng đồng để đọc và thấy có rất nhiều người rơi vào tình huống như mình. Với những gì đã trải qua và được chỉ vẽ, anh cũng chỉ vẽ lại cho người khác.

“Càng dấn vào tôi càng thấy đồng cảm hơn với những người đang lo lắng về nguy cơ nhiễm HIV. Tôi biết cái tâm trạng ấy nó hành hạ tâm trí người ta như thế nào. Nhiều người cũng chỉ vì mắc một sai lầm, có những em rất trẻ, đang là học sinh, sinh viên. Tôi cảm thấy đồng cảm và rất thương họ” – anh kể.

Sau đó, anh tham gia vào Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+), đi tập huấn tham vấn về HIV và được cấp chứng nhận tham vấn. Trên các trang mạng anh công khai luôn cả số điện thoại. Rất nhiều người tìm đến anh.

“Thông tin trên mạng về HIV/AIDS đâu có thiếu nhưng họ vẫn gọi. Có cái gì đó giống như là tìm kiếm một điểm tựa” – anh bảo. Nhiều người Việt Nam ở tận Đài Loan, Trung Quốc, có người làm nail bên Mỹ, xứ người chẳng biết tìm đến ai, họ lên các website, thấy số điện thoại của anh cũng gọi về. Chia sẻ, động viên người ta về HIV không phải dễ làm.

“Khi người ta chia sẻ với mình, có những trường hợp nghe kể là biết họ không có nguy cơ, nhưng có nhiều trường hợp mình biết là họ có thể nhiễm. Nhưng phải làm cách nào để họ hiểu rằng họ có nguy cơ, họ phải đi xét nghiệm nhưng không phát hoảng mà có thể bình tĩnh chờ kết quả”.

Anh đã từng vô cùng day dứt khi không thể giúp người gọi đến bình tâm lại. Một chàng trai mới 23 tuổi khi nghi ngờ mình nhiễm HIV đã gọi cho anh nhưng đã tự sát ngay khi chưa biết kết quả xét nghiệm.

Từ sau lần đó, trong mỗi cuộc điện thoại anh luôn nói với họ: “Em cứ đi xét nghiệm, lúc nào thấy lo lắng thì bốc điện thoại gọi ngay cho anh Tuấn. Anh Tuấn nghe điện thoại 24/24”.

Cũng bởi “giúp ai phải giúp đến nơi” nên có những cậu bé, cô bé ở tuốt miền Tây, chẳng dám bước vào phòng khám gần nơi ở để khám vì “bước vô đây ai cũng biết mình, mà bước vào phòng khám HIV thì không nhiễm HIV còn mắc bệnh gì nữa”, họ gọi đến “tổng đài” của anh.

Vậy là có khi 4 – 5g sáng, anh dậy ra bến xe miền Tây để đón một người và đưa đến tận các địa chỉ xét nghiệm.

Anh Tuấn “mẹc” đến thăm và trao tiền giúp đỡ của các thành viên diễn đàn cho một cô gái nhiễm HIV gặp khó khăn - Ảnh: Vũ Thủy
Anh Tuấn “mẹc” đến thăm và trao tiền giúp đỡ của các thành viên diễn đàn cho một cô gái nhiễm HIV gặp khó khăn – Ảnh: Vũ Thuỷ

“Ngôi nhà nhỏ” ấm áp

Hẹn gặp anh vào một buổi chiều sau khi anh mới đưa một người nhiễm vừa có kết quả dương tính giới thiệu vào một OPC (phòng khám và điều trị cho người có HIV) ở Q.3. Anh mang lỉnh kỉnh cả một balô nặng có đựng laptop. “Tôi vừa tư vấn điện thoại vừa tư vấn trực tuyến cho các bạn qua diễn đàn” – anh bảo.

Cái tên Tuấn “Mẹc” chính là từ nickname Tuanmecsedec của anh trên diễn đàn http://diendanhiv.vn do chính anh làm quản trị (anh là tài xế, và khi gia nhập diễn đàn anh đang lái chiếc Mercedes). Đây là “ngôi nhà” nho nhỏ, cho những người nhiễm HIV ở khắp mọi nơi và cả những người đang lo lắng có thể bị nhiễm HIV, do anh Tuấn tự bỏ tiền túi ra làm từ năm 2011.

“Có những người ở dưới quê lên TP làm công nhân, không có hộ khẩu TP.HCM nên khi nhiễm HIV không biết ở đâu nhận điều trị. Tôi làm lâu trong nghề nên các OPC ở TP.HCM rành hết, nhiều chỗ bác sĩ đã quen mặt. Ở các tỉnh thành khác thì tôi có thể gửi thông tin vào nhờ các thành viên khác trong mạng lưới VNP+ hỗ trợ” – anh chia sẻ về công việc.

Diễn đàn là ảo nhưng tình cảm của anh Tuấn và các thành viên trên diễn đàn lại rất thật. Có những thành viên từ Vũng Tàu, Đắk Lắk hay ở tận Hà Nội có dịp đến TP.HCM cũng liên lạc để gặp gỡ nhau.

“Lâu lâu anh em và các thành viên rủ nhau offline (gặp gỡ bên ngoài) cà phê, chia sẻ cuộc sống với nhau, thấy cuộc đời vui hơn vì có những người bạn” – anh T.V.H. kể. Anh là một trong những thành viên đầu tiên của diễn đàn, gắn bó từ lúc diễn đàn mới thành lập.

“Ngôi nhà” nhỏ có đủ thứ cảm xúc: những niềm vui, nỗi buồn, hi vọng nhen nhóm từ những nỗi tuyệt vọng. Là lời tâm sự của một bạn trẻ không may mắn: “Em bị nhiễm H rồi. Em sẽ chết sớm phải không mọi người? Em chán đời quá, em chỉ muốn chết”.

Nhưng sau mỗi chia sẻ tuyệt vọng, lo lắng là rất nhiều những lời sẻ chia: “Bạn ơi đừng sợ, mình nhiễm 8 năm rồi, chăm chỉ uống ARV, giữ gìn sức khoẻ và tạo cho mình niềm vui nhé”.

Diễn đàn ấm áp tình người khi có người này, người kia gặp khó khăn, anh Tuấn và các thành viên lại vận động giúp đỡ.

Là chị D. bị nhiễm HIV mới ra khỏi trại cai nghiện phải nuôi mẹ, nuôi con cần một chiếc xe máy để đi làm được cả diễn đàn góp hơn 4 triệu đồng. Là anh Q. mang căn bệnh AIDS, bệnh thận nặng mà không có tiền điều trị được góp gần 6 triệu đồng… Những món tiền nhỏ nhưng được chung tay từ rất nhiều người để những người nhiễm HIV vốn cô đơn, đơn độc giữa cuộc đời cảm thấy ấm lòng.

__________

 

VŨ THỦY