26/12/2024

Sáng kiến tiền tỉ từ xưởng máy

Những bạn trẻ được vinh danh và nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2015 có cùng điểm chung: không tự bằng lòng mà luôn tự đặt những mục tiêu mới trong công việc.

 

Sáng kiến tiền tỉ từ xưởng máy

 

Những bạn trẻ được vinh danh và nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2015 có cùng điểm chung: không tự bằng lòng mà luôn tự đặt những mục tiêu mới trong công việc.




Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng bên cạnh băng tải lấy và chuyển lốp tự động do anh thiết kế, làm lợi mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị - Ảnh: Q.L.
Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng bên cạnh băng tải lấy và chuyển lốp tự động do anh thiết kế, làm lợi mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị – Ảnh: Q.L.

Giải thưởng vừa được Thành đoàn TP.HCM trao ngày 15-10, đúng dịp kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP.HCM 
(15-10-1982 – 15-10-2015).

Ý tưởng chỉ được công nhận là sáng kiến khi triển khai vào thực tế sản xuất, chứng minh được giá trị làm lợi. Đáng mừng là chính các bạn trẻ tự đề đạt các ý tưởng, sáng kiến xuất phát từ chính yêu cầu của công việc hằng ngày chứ không đợi lãnh đạo đặt hàng

Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐÔNG (phó tổng giám đốc Công ty 
cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam)

Ý tưởng luôn có quanh mình

Theo quy trình đã được cài đặt, sau thời gian hấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là lưu hóa), chiếc máy sẽ “nhả” từng chiếc lốp ôtô ra để chờ đến khâu kiểm tra kỹ thuật. Lốp cứ thế được đùn ra, có khi chất đống làm rơi vãi lung tung khi công nhân chưa kịp vận chuyển, trong khi trọng lượng mỗi chiếc khá lớn, từ vài chục đến cả trăm ký.

Nhận ra điều ấy, kỹ sư Nguyễn Văn Dũng – Xí nghiệp cao su Bình Lợi (Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam) – nghĩ đến thiết kế băng tải tự động để giảm bớt nặng nhọc, cũng là tránh bớt rủi ro cho công nhân nếu chẳng may bị lốp rơi đè trúng người.

Ý tưởng về một băng tải lấy và chuyển lốp tự động của Dũng nhanh chóng được lãnh đạo gật đầu. Nỗ lực đã sinh trái ngọt khi băng tải hoàn thành và vận hành, hoàn toàn do Dũng cùng đồng nghiệp hợp sức thực hiện.

“Nếu trước đó cần đến bốn thì nay chỉ hai công nhân làm ở khâu kiểm tra. Bởi phần vất vả nhất là di chuyển những chiếc lốp đã có băng tải gánh, công nhân chỉ đợi lốp tự động lăn xuống, kiểm tra sản phẩm trước khi chuyển đến khu đóng gói hoàn thành” – Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, kỹ sư Tống Duy Tân – phòng cơ năng Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam – được biết đến với việc thiết kế, chế tạo 8 máy lưu hoá săm đôi. Theo Tân, sau khi xem xét kỹ, anh cùng đồng nghiệp nhận ra dàn thớt hơi của máy nhập về có lỗi thiết kế làm hơi bị xì, lượng nhiệt toả ra không đều dẫn đến săm dễ bị hư trong quá trình hấp làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Chính mỗi ngày làm bạn cùng máy móc đã giúp Tân có kinh nghiệm chẩn bệnh, tìm ra khiếm khuyết và trị bệnh cho những “người bạn máy” tới nơi tới chốn.

Từ chiếc máy cũ, Tân cải tiến dàn thớt hơi, thay việc ghép hai mảnh kiểu cũ bằng sắt nguyên khối nên lượng nhiệt toả ra phân bổ đều, lượng sản phẩm bị lỗi đã giảm đáng kể. Các dàn máy mới này hiện vận hành ổn định tại nhiều xí nghiệp thuộc công ty không chỉ ở TP.HCM mà còn ở Đồng Nai, Bình Dương.

Việc làm bạn với máy móc mỗi ngày đã giúp kỹ sư Tống Duy Tân tìm ra những ý tưởng, sáng kiến làm lợi cho đơn vị - Ảnh: Q.L.
Việc làm bạn với máy móc mỗi ngày đã giúp kỹ sư Tống Duy Tân tìm ra những ý tưởng, sáng kiến làm lợi cho đơn vị – Ảnh: Q.L.

Đất dụng võ cho công nhân

“Việc thiết kế, chế tạo có cải tiến một số lỗi trên chiếc máy lưu hóa săm đôi thật ra cũng là sáng kiến nhỏ thôi. Điều khiến tôi vui là việc làm ấy giúp tiết kiệm lượng hơi, nước cần tiêu thụ cho công ty, đồng nghĩa với giảm chi phí, bớt tác động đến môi trường” – Duy Tân tự nhận.

Là nói vậy chứ thật ra sáng kiến đó làm lợi cho công ty cả tỉ đồng. Bởi chi phí mua nguyên vật liệu để thiết kế máy cộng với cải tiến lỗi đã giúp tiết kiệm cho đơn vị trên 700 triệu đồng so với việc đặt và nhập máy nguyên chiếc từ nước ngoài. Đó là chưa tính hiệu quả việc giảm sản phẩm hư, tăng sản lượng sản xuất thành phẩm.

Với kỹ sư Nguyễn Văn Dũng, ngoài thiết kế băng tải tự động, anh còn thiết kế và chế tạo máy banh lốp giúp giảm bớt số nhân công, giảm sức người nhưng lại tăng hiệu quả rõ rệt trong việc công nhân banh những chiếc lốp nặng cả trăm ký để nhét săm vào trước khi đóng gói, giao sản phẩm cho khách hàng.

Hai thiết kế ấy đã giúp đơn vị giảm chi phí khoảng 650 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đức Minh – phó phòng cơ điện Xí nghiệp cao su Bình Lợi – nói về đồng nghiệp trẻ: “Dũng chịu khó và rất sáng tạo. Mới mấy năm làm việc nhưng năm nào anh cũng có sáng kiến được công nhận và lãnh đạo công ty khen thưởng, đến nay gần chục sáng kiến của Dũng không chỉ áp dụng tại xí nghiệp mà còn được nhân rộng ở một vài đơn vị khác thuộc công ty”.

Theo phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam Nguyễn Đình Đông, đơn vị có riêng quỹ phát triển khoa học công nghệ dành cho nghiên cứu sản phẩm mới, những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của bất cứ thành viên nào trong công ty.

Dựa trên giá trị tiết kiệm, làm lợi cho công ty qua con số cụ thể, tác giả sẽ được trích thưởng theo tỉ lệ phần trăm trên giá trị làm lợi ấy. “Công ty luôn khuyến khích và ghi nhận, thưởng xứng đáng để động viên khi anh em có sáng kiến đóng góp cho sự phát triển chung, để mỗi người cảm nhận công ty như ngôi nhà thứ hai của mình khi đến đây làm việc” – ông Đông nói.

Vinh danh điển hình với sáng kiến hiệu quả

26 bạn trẻ là kỹ sư, công nhân đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất tại nhiều đơn vị của TP.HCM đã được vinh danh và nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2015 vào tối 15-10. Trước đó, các bạn đã đến dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và viếng khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Gắn liền với các kết quả cao trong lao động, mỗi điển hình được vinh danh kèm với các sáng kiến nổi bật, xuất phát từ chính đòi hỏi trong công việc hằng ngày, được ứng dụng thực tế và được lãnh đạo đơn vị tuyên dương, khen thưởng.

QUỐC LINH ([email protected])