ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng
Trong bốn tháng đầu mùa mưa, tổng lượng mưa ở các trạm trên lưu vực sông Mekong thấp hơn 30 – 50% so với trung bình nhiều năm.
ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng
Trong bốn tháng đầu mùa mưa, tổng lượng mưa ở các trạm trên lưu vực sông Mekong thấp hơn 30 – 50% so với trung bình nhiều năm.
Ngư dân chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt cá nhưng lũ không về – Ảnh: S.Lâm |
Thiếu nước sinh hoạt, nước ngọt phục vụ sản xuất là vấn đề chính được đưa ra bàn luận sôi nổi để tìm giải pháp đối phó trong hội nghị “Triển khai công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất đông xuân 2015 – 2016 và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi khu vực Nam bộ” được tổ chức tại tỉnh Bến Tre sáng 16-10.
Hội nghị do Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chủ trì.
Ông Đặng Văn Dũng – phó giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ – mở đầu buổi hội nghị bằng những hiện tượng thời tiết bất thường trên cả nước từ đầu năm đến nay. Đó là hiện tượng nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 9-2015 cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1-1,80C.
Mùa mưa bắt đầu muộn hơn trung bình nhiều năm và phân bố không đều, không rõ ràng. Tổng lượng mưa trong chín tháng đầu năm ở khu vực Nam bộ phổ biến từ 600 – 1.500mm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 – 50%. Đặc biệt, trong bốn tháng đầu mùa mưa, tổng lượng mưa ở các trạm trên lưu vực sông Mekong thấp hơn 30 – 50% so với trung bình nhiều năm.
Theo ông Dũng, dự kiến lượng mưa trên cả khu vực Nam bộ từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 – 40%. Trong khi đó nhiệt độ trung bình so với nhiều năm trước sẽ cao hơn 0,5 – 1,50C.
Hiện tượng thời tiết bất thường khiến mực nước trên thượng nguồn sông Mekong và vùng đầu nguồn sông Cửu Long từ giữa tháng 5-2015 đến nay luôn thấp hơn trung bình nhiều năm. Có những thời điểm vùng thượng nguồn mực nước trên sông Mekong thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử cùng thời kỳ từ 1 – 2m.
Do lượng mưa từ thượng nguồn sông Mekong về nhỏ nên độ mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu, trên hệ thống sông Cửu Long độ mặn cao nhất năm có khả năng xuất hiện trong tháng 3-2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2005.
Đại diện Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cũng đưa ra nhận định năm 2015 chỉ có lũ nhỏ nên xâm nhập mặn mùa khô năm 2015 – 2016 có khả năng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Ông Nguyễn Thanh Cẩn – giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang – cho biết do ảnh hưởng của việc thiếu nước, ngập mặn dẫn đến thiệt hại khoảng 2.000ha lúa, thiếu nước sinh hoạt ở một số địa bàn. Ông Lê Phước Đại – chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hậu Giang – cũng nói trong năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 5.000/75.000ha lúa bị nhiễm mặn, từ ngày 15 đến 30-7 nước mặn tràn lên huyện Phụng Hiệp làm một số nhà máy xử lý nước không thể xử lý được nước ngọt.
Ông Nguyễn Văn Ngân – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre – khẳng định từ đầu năm đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến 6.499ha lúa và 3,5ha hoa màu. Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nhất là đối với ba huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Ông Lê Mạnh Hùng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi – đánh giá hiện mực nước ngọt tại các tỉnh ĐBSCL đang khan hiếm, mực nước ngọt trên các sông đang bị giảm sút. Ông Hùng đề nghị các địa phương cần theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó với sự thay đổi của khí hậu.
Thiệt hại không thể đo đếm được Theo TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ), các nhà khoa học đang lý giải hiện tượng lũ cực nhỏ những năm gần đây như hiện tượng El Nino đang quay trở lại với mức độ khốc liệt hơn, biến đổi khí hậu khiến mưa trở nên bất thường hơn. Đó là chưa kể yếu tố chủ quan do các đập thuỷ điện trên thượng nguồn (cả ở dòng chính và dòng nhánh) ngày càng nhiều và đang tích luỹ nước trong các hồ chứa, để dành phát điện cho mùa khô sắp tới đang được dự báo sẽ rất căng thẳng. Thiệt hại kinh tế, môi trường và xã hội do lũ nhỏ ở vùng hạ lưu sông Mekong vô cùng lớn, khó có thể thống kê, đong đếm chính xác được. Không có lũ hoặc lũ nhỏ làm nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên cạn kiệt, phù sa không vào đồng ruộng được buộc nông dân mùa sau sẽ phải dùng phân bón nhiều hơn. Lũ kém khiến vận tốc dòng chảy trong đồng không đủ mạnh để làm sạch đồng ruộng, sâu bệnh, chuột bọ, độc chất hoá học trong đất vẫn tồn tại khiến dịch bệnh và ô nhiễm không được quét sạch. |