23/01/2025

Chúa nhật Truyền Giáo: Giáo hội Công giáo Việt Nam và công cuộc Tân Phúc Âm hoá

Nhân dịp Chúa nhật Truyền giáo, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Chương 13 của cuốn Niên Giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015 sắp được Xuất bản để cung nhau suy nghĩ về việc Tân Phúc Âm hoá thế nào cho có kết quả cụ thể.

 CHƯƠNG 13 

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HOÁ

 

Chuẩn bị

Để chuẩn bị cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá (PAH) này, Giáo Hội toàn cầu đã tổ chức Thượng Hội đồng thường kỳ lần XIII vào tháng 10/2012 ở Rôma với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền thông đức tin” và GHVN, qua Thư chung của Đại hội HĐGM lần thứ XII, cũng đã tập trung vào việc PAH và đề ra kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016) để Tân PAH đời sống gia đình, đời sống giáo xứ – cộng đồng tu sĩ, đời sống xã hội.

Trước đó chúng ta có CĐ. Chung Vaticanô II (1962-1965) với 16 văn kiện đã hướng dẫn công cuộc PAH, nhất là qua 2 sắc lệnh Ad Gentes (AG) (Đến với Muôn dân) và Actuositatem Apostolicam (AA) (Hoạt động Tông đồ). Tiếp theo, Giáo Hội giới thiệu cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) của Bộ Giáo lý Đức tin, xuất bản năm 1992, cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (HTXHCG) của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004 và tông huấn của ĐGH Phanxicô Evangelii Gaudium (EG) (Niềm vui Phúc Âm) công bố năm 2013, như xác định đường hướng cho công cuộc quan trọng này.

Tất cả những văn kiện này cần được người tín hữu học hỏi kỹ lưỡng và thể hiện trong đời sống thì họ mới có thể mang lại những kết quả tốt đẹp cho mình, cho cộng đồng Giáo Hội cũng như cho toàn thể gia đình nhân loại. Câu hỏi đặt ra cho GHCGVN là các thành phần Dân Chúa  đã học hỏi các văn kiện ấy như thế nào để áp dụng vào đời sống? Tân PAH không phải là một khẩu hiệu hô hào cho vui tai, hay chỉ là những tấm biểu ngữ treo trên tường của nhà thờ, nhà dòng, nhà xứ cho đẹp như chúng ta đã từng làm cho các chủ đề “Năm Truyền giáo” trong nhiều nơi để rồi kết quả PAH vẫn chỉ là giữ nguyên tỷ lệ gần 7% dân số Công giáo trong suốt 130 năm qua.

PAH là việc quan trọng, cần thiết, cấp bách để cứu độ mỗi người chúng ta và toàn thế giới như thánh Phaolô từng cảm nghiệm: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Phúc Âm” (1Cr 9,16).

1. Công cuộc quan trọng, cần thiết và cấp bách

Quan trọng vì đây là hành động và là lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng PAH bắt nguồn từ việc Chúa Cha sai Con Một của Ngài đến cứu độ thế giới, và Người Con đó đã trao lại sứ mạng cao quý cho chúng ta kèm theo muôn ơn lành của Chúa Thánh Thần qua làn hơi kỳ diệu Người thổi trên các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21-22). Sau cái chết nhục nhã và cuộc sống lại vinh hiển, Người long trọng sai chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Vì thế, CĐ. Vaticanô II coi việc PAH là bản chất của Giáo Hội, đồng thời là bản chất của người tín hữu Kitô. Nếu không loan báo Lời cứu độ, Giáo Hội và tín hữu không sống đúng bản chất của mình và cũng không còn lý do tồn tại (x. AG số1,2,7; AA số 6; GLHTCG số 849-850).

Cần thiết, vì bối cảnh văn hoá, xã hội của thế giới và Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và sâu xa trong những năm gần đây. Do đó người tín hữu Kitô cần phải thay đổi về nhiệt huyết, về phương pháp và cách diễn tả Phúc Âm (x. TLLV, số 87; Thư chung của HĐGMVN, số 5) thì mới mong thu hoạch được kết quả trong công cuộc PAH. Sự thay đổi đó được biểu lộ qua hiện tượng tục hoá, chối bỏ Thiên Chúa và Chúa Giêsu ra khỏi đời sống con người, qua việc hàng trăm triệu người di dân, qua tình trạng bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo, các cuộc khủng hoảng kinh tế, các xung đột tôn giáo, việc sùng bái khoa học kỹ thuật, việc lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội, việc xuất hiện các tôn giáo nhỏ cổ vũ cho những nhu cầu tự nhiên, trần tục… (x. TLLV, số 52-67).

Tuy nhiên, “nhiều cộng đồng Kitô giáo đã không nhận thức đầy đủ sự thách thức cũng như mức độ lớn lao của cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hoá bên ngoài cũng như ngay cả bên trong Giáo Hội” (x. TLLV, số 49). Người tín hữu giữ thái độ rất thụ động trước những thay đổi lớn lao đó dù vẫn nói đến truyền giáo, đến loan báo Phúc Âm. Hậu quả là “có sự sa sút của nhiều Kitô hữu trong đời sống đạo” (x. TLLV, số 48) dẫn đến “tình trạng suy yếu đức tin của các Kitô hữu”, “cơ cấu Giáo Hội tỏ ra quá quan liêu”, “tính quá hình thức của các cử hành phụng vụ, hầu như chỉ là những hình thức theo thói quen và thiếu trải nghiệm thiêng liêng sâu xa, làm cho dân chúng xa lánh, thay vì lôi cuốn họ” đến với Chúa Giêsu Kitô (x. TLLV, số 69).

Cấp bách, vì nếu không thực hiện công cuộc này, gia đình nhân loại và dân tộc Việt Nam sẽ đi vào con đường suy thoái và huỷ diệt. Sau Thế chiến thứ I (1914-1918) và thứ II (1939-1948), các nhà thờ ở châu Âu chật ních người đến cầu nguyện, dự lễ. Nhưng chỉ 50 năm sau, số người dự lễ ngày Chúa Nhật từ 80-90% rớt xuống còn 10-15%. Toàn châu Âu chỉ còn 50% tin vào Thiên Chúa và 20% không tin vào Đấng Linh thiêng nào; riêng nước Pháp được coi là Trưởng Nữ của GHCG có đến 40% dân số là vô thần, vô đạo và chỉ có 27% dân số tin vào Thiên Chúa (x. Viện Gallup International, số tháng 4/2015. Wikipedia, mục Demographics of atheisme, Internet, ngày 10/7/2015). Hậu quả là sự suy thoái đạo đức xã hội diễn ra ở khắp các nước Âu Mỹ.

Tình trạng suy thoái đạo đức và hoàn cảnh kinh tế xã hội yếu kém ở Việt Nam như đang mời gọi tín hữu Kitô giáo tích cực Tân PAH xã hội. Các vị lãnh đạo đất nước đã không ngừng báo động về tình trạng này trong các hội nghị như Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138; Hội nghị Tổng kết Thực hiện Nghị quyết Trung ương V về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, ngày 8/8/2013 tại Hà Nội.

Chúng tôi trích dẫn lời phát biểu tổng kết sau đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đạo đức – lối sống – nhân cách – văn hoá của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác, gìn giữ, xây dựng của mỗi con người. Sự tha hoá lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hoá ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”.

(x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspn).

2. Tân PAH là gì?

Nhiều tín hữu Công giáo, ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới, khi nghe nói đến Tân PAH là nghĩ ngay tới cuốn sách Phúc Âm và thường hiểu đó là việc cổ vũ đọc Phúc Âm hằng ngày. Có nhiều người nghĩ rằng Tân PAH gia đình, giáo xứ, cộng đồng xã hội là cổ vũ đọc Lời Chúa và sống Lời Chúa trong các môi trường đó. Rồi người ta in các sách Phúc Âm phát không, tổ chức các buổi học hỏi, thi đố vui về Phúc Âm…theo đường hướng ấy.

Giáo Hội đã nhắc nhở qua THĐGM 2012 rằng: “Khi nói đến Phúc Âm, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Phúc Âm là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Phúc Âm không phải chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người. Phúc Âm là Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, Phúc Âm không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Phúc Âm. Do đó, mục tiêu của việc thông truyền đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta” (Đề cương THĐGM 2012, số 11; TLLV, số 18; Thư chung HĐGMVN tháng 10/2013, số 4).

Vì thế, PAH từ đây phải hiểu là biến thành (hoá) Lời sống động (Phúc Âm) của Thiên Chúa, thành Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. PAH bây giờ đồng nghĩa với từ “Kitô hoá” hay “Giêsu hoá”, nghĩa là biến đổi chính mình, biến đổi cộng đồng nên giống Chúa Giêsu Kitô, đưa Chúa Giêsu Kitô thâm nhập đời sống cá nhân và tập thể trong mọi lĩnh vực của cộng đồng xã hội (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân PAH, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.44-51). Tân PAH chính là làm cho mình trở thành một với Đức Giêsu Kitô, để được Người chuyển thông cho mình sức sống kỳ diệu, quyền năng phi thường, tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Từ đó ta lại làm những dầu chỉ lạ lùng trên vạn vật, trên các tà thần, trên cả con người yếu đau bệnh tật để trở thành hiện thân của Đức Giêsu cho con người và thế giới hôm nay (x. Lc 10,17-20).

Như thế, Tân PAH không chỉ có ý nghĩa là tái PAH, tái truyền giáo cho những người trước đây đã theo Chúa Giêsu Kitô mà nay không còn thực hành đức tin Kitô giáo (x. TLLV, số 44-45, 85-87) nhưng là một cuộc PAH mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện (x. TLLV, số 87).

Nhưng “Tân PAH cũng không có nghĩa là đi tìm một Phúc Âm mới, vì ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời‘ (Dt 13,8)”. Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của lòng tin mãi mãi là một vì Người chính là Lời Chúa biến thành con người cụ thể, thành Đức Giêsu Kitô.

Khi sống theo những giá trị của Phúc Âm, những giá trị như tinh thần nghèo khó, hiền hoà, liêm chính, xây dựng hoà bình, trong sáng, quảng đại… mà 8 mối phúc thật diễn tả thì “Tân PAH có nghĩa là nuôi dưỡng một nền văn hoá ăn rễ sâu trong Phúc Âm và khám phá ra ‘con người mới’ (Ep 4,24) ở trong chúng ta như là kết quả của Thần Khí được Chúa Giêsu và Chúa Cha ban cho chúng ta” (TLLV, số 164).

“Tân PAH có nghĩa là đốt cháy lên trong ta sức bật của Giáo Hội thời kỳ đầu và để mình tràn đầy nhiệt huyết rao giảng Phúc Âm của các tông đồ sau biến cố Hiện Xuống” (TLLV, số 165). Tân PAH tăng cường ngày một hơn mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ một mình Người là sự chắc chắn cho tương lai và là bảo đảm cho một tình yêu đích thực và bền vững” (TLLV, số 166).

Như thế, Tân PAH bao hàm ý nghĩa rất sâu xa và nội dung phong phú để biến đổi dân tộc Việt Nam và thế giới trong giai đoạn mới.

3. Tân Phúc Âm hoá nhằm mục đích gì?

Mục đích chính yếu của Tân PAH là thông truyền đức tin như chủ đề của THĐGM 2012 xác định.

“Đối với Đức Giêsu, mục đích của việc PAH là lôi kéo con người vào trong mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đây là lý do hàng đầu của việc Người rao giảng và làm phép lạ, công bố ơn cứu độ… để cho mọi người trải nghiệm mình được Thiên Chúa yêu thương và học biết để nhận ra ở Người khuôn mặt của một người cha từ bi nhân hậu (x Lc 15)” (TLLV, số 18).

Nhiều tín hữu đã không hiểu: “Đức tin Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Đức Giêsu Kitô. Thông truyền đức tin có nghĩa là tạo nên ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với Đức Giêsu Kitô. Mục tiêu của tất cả việc PAH là làm cho cuộc gặp gỡ này có thể thực hiện, một cuộc gặp gỡ vừa cá nhân, vừa thân mật, vừa công khai và cộng đồng” (TLLV, số 18). “Cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần là món quà lớn nhất của Chúa Cha cho loài người” (TLLV, số 19).

Nhiều tín hữu thật ra chưa gặp được Thiên Chúa, dù xét theo khía cạnh con người, “họ đã cố gắng liên lỉ vươn tới Thiên Chúa bằng trọn vẹn bản thân mình” (x. GLHTCG, số 143) qua việc học hỏi, tìm hiểu, cầu nguyện, hành động bác ái, tự nguyện quy thuận các chân lý Chúa mạc khải (x. GLHTCG, số 144). Họ cần phải gặp được Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa cụ thể, nguồn chân thiện mỹ cụ thể, nguồn sự sống và tình yêu cụ thể như các nhân vật trong Thánh Kinh và sách Phúc Âm (x. St 12,1-5; Mc 10,46-52…; x. GLHTCG, số 150-151) thì mới cảm nghiệm đức tin thật sự biến đổi họ kỳ diệu như thế nào và từ đó mới có thể thông truyền đức tin cho người khác.

Câu hỏi đặt ra cho từng tín hữu Việt Nam đó là: “Tôi phải làm gì để gặp được Đức Giêsu vì nếu không gặp được Người thì lời rao giảng của tôi hoàn toàn là lời sáo rỗng, và tôi cũng chẳng có thể PAH ai được nếu trước tiên tôi không PAH chính mình!(TLLV, số 158).

4. Ba yếu tố trong công cuộc Tân Phúc Âm hoá

Để thực hiện việc Tân PAH, chúng ta nên để ý đến 3 yếu tố: chủ thể, đối tượng và nội dung (x. sđd, Cẩm nang TPAH, tr.48-57).

4.1. Chủ thể là người thực hiện việc PAH, người loan báo Phúc Âm. Chính người này phải gặp được Đức Giêsu Kitô để biến đổi mình trở thành hiện thân sống động của Lời Chúa. Họ cần 2 điều kiện để trở thành Lời Cứu độ: Một là gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho họ sức mạnh kỳ diệu, tình yêu vô biên và quyền năng vô tận của Người. Hai là họ thở hít được Thần Khí của Người để phát huy mọi ân sủng của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng làm tông đồ của mình (sđd, Cẩm nang TPAH, tr.164-176).

Vào năm 2015, GHCGVN với 41 giám mục, gần 10.000 linh mục và chủng sinh, 21.000 tu sĩ nam nữ, trên 62.000 giáo lý viên và trên 500.000 đoàn viên các đoàn thể Công giáo tiến hành (CGTH). Chúng ta thử hỏi những người này có ý thức mình là chủ thể tích cực trong công cuộc Tân PAH không? Họ được hướng dẫn như thế nào để gặp được Đức Giêsu Kitô và thở hít được Thần Khí của Người trong đời sống hằng ngày? Với số lượng nhân sự đông đảo như thế nhưng kết quả cả năm 2014 chỉ có 37.031 người lớn theo đạo, và một số người tương đương bỏ đạo.

Kết quả đó không phải chỉ xảy ra trong một vài năm mà thể hiện trong suốt mấy chục năm qua. Vậy chúng ta có đủ an tâm để tiếp tục những kiểu truyền giáo “cổ điển” không? Các chủ thể truyền giáo này, đặc biệt là các giám mục, linh mục, tu sĩ và các đoàn viên CGTH, cần phải được đào tạo và huấn luyện cách mới mẻ như thế nào về “nhiệt huyết, về phương pháp và cách diễn tả PAH” hay lại bằng lòng với những gì đang có?

Nhiều tín hữu giáo dân Việt Nam chưa có những nhận thức mới về PAH, một phần là do thái độ thụ động của họ, nhưng phần lớn là do những vị lãnh đạo trong Giáo Hội chưa giúp họ có được những nhận thức mới này. Vì thế việc đổi mới chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ của GHVN là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, việc đổi mới này lại không phải là việc đưa thêm vào chương trình đào tạo một vài môn học mới lạ, đưa thêm cách cầu nguyện theo kiểu cộng đồng Taizé cho bớt nhàm chán… nhưng điểm chính yếu là làm sao cho từng chủ thể yêu mến, tìm hiểu và gặp được Đức Giêsu và xuất phát lại từ Người.

4.2. Đối tượng là người hay vật đón nhận Phúc Âm, là người nghe loan báo Phúc Âm hay vật thể đón nhận tác động PAH. Trong nhiều thế kỷ trước đây đối tượng này là những con người, những dân tộc (x. Mt 28,19; Lc 24,47). Nhưng từ nay mở rộng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15-20) (x. GLGHCG, số 849-856) gồm các thiên thần (x. GLGHCG, số 333-334), các người đã qua đời (x. 1Pr 3,19-20; 1Pr 4,5-6) và cho cả vạn vật quanh ta (x. sđd, Cẩm nang TPAH, tr.19-23) như ĐGH Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si công bố vào ngày 24/05/2015 của ngài.

Đối với các thiền thần sa ngã là quỷ dữ, người tín hữu nhân danh Chúa Giêsu là Phúc Âm sống động để xua đuổi chúng ra khỏi con người như Chúa đã làm xưa và truyền dạy ta phải tiếp tục làm trong thời đại hiện nay (x. TLLV, số 29, 116). Những dấu lạ này làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi chủ thể loan báo Phúc Âm và dẫn đưa đối tượng gặp được Chúa Giêsu và tin vào Người. Lúc đó việc PAH mới hoàn thành nơi đối tượng. Tuy nhiên, đối với vấn đề xua trừ ma quỷ theo yêu cầu của Chúa Giêsu (x. Mc 16,15-20), nhiều tín hữu còn cho là chuyện hoang đường, phản khoa học, mê tín, bất chấp những lời kêu gọi của Giáo Hội “bởi lẽ họ không chịu tin những người đã được thấy Chúa Giêsu sau khi người trỗi dậy” (Mc 16,14).

Tuy nhiên, đối tượng “muôn dân” vẫn là chính yếu trong công cuộc tân PAH ở Việt Nam. 93% dân tộc còn chưa biết và tin vào Chúa Giêsu là một “cánh đồng truyền giáo” rộng lớn để GHVN tập trung cho việc đưa Phúc Âm đến từng thành phần dân tộc, mỗi thành phần có những đặc tính khác nhau, đòi hỏi những phương pháp và cách thức diễn tả Phúc Âm khác nhau.

Thành phần được ưu tiên là những người nghèo. ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta đến với “những người sống ở vùng ven”, những người nghèo khổ, yếu đuối, bệnh tật, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ở Việt Nam, họ là hàng chục triệu người nghèo về tinh thần, chối bỏ những giá trị tinh thần để chỉ biết có vật chất và hưởng thụ vật chất, hàng chục triệu người sống trong tình trạng nghèo khổ, không kiếm nổi 22.000đ /ngày trong nền kinh tế suy thoái. Họ là cả triệu người phụ nữ phá thai hằng năm và rơi vào tình trạng trầm cảm cần được chữa trị. Họ là hơn 8 triệu người di dân phải rời xa gia đình hoặc cả gia đình phải di chuyển đến nơi khác để học hành, làm việc, nhất là đến các đô thị hay thành phố lớn và dễ đánh mất chính mình.

Họ là vài triệu người nghiện rượu trong số 26 triệu người uống rượu, đánh đập vợ con, gây bất an nơi gia đình cần được giúp đỡ; 33 triệu người hút thuốc lá với chất nicotine ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản và làm cho con cái họ bị ngu đần; 200.000 người nghiện ma tuý; 300.000 người nhiễm HIV. Việt Nam có 6 triệu 700 ngàn người khuyết tật về thể lý, 10 triệu người khiếm khuyết về tinh thần. Chúng ta loan Tin Mừng cứu độ cho những người này như thế nào để họ cảm nhận được ơn cứu độ cụ thể của Đức Giêsu?

Thêm vào số đối tượng PAH, chúng ta còn phải kể đến 41 triệu người truy cập internet mỗi ngày, thường chỉ để giải trí, xem tin tức hơn là nghiên cứu, học hành, làm việc. VN đứng đầu thế giới về truy cập phim ảnh đồi truỵ với 5 triệu lượt người xem hằng đêm, 10 triệu người chơi game online mỗi ngày, bỏ cả học hành làm việc, chúng ta làm gì để giải thoát họ khỏi những cơn nghiện này? Uỷ ban Văn hoá và Truyền thông Xã hội trực thuộc HĐGMVN có những chương trình và kế hoạch gì để cứu giúp những người đó?

Theo số liệu từ cuộc Tổng Điều tra Dân số năm 2009, những người theo 13 tôn giáo ở Việt Nam là hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước, số còn lại là không tôn giáo hay vô thần. Ngoại trừ khoảng 10 triệu đảng viên Đảng Cộng Sản và đoàn viên Đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh có thể giữ thái độ vô thần hay không chấp nhận tôn giáo, chúng ta vẫn còn 65 triệu người chưa biết Đức Giêsu Kitô, cần được PAH. Vậy các Uỷ ban chức năng trực thuộc HĐGM chuẩn bị thế nào cho công cuộc này? Chúng ta có chương trình nào cho các dân tộc thiểu số, đào tạo thế nào cho hơn 500.000 đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành thành những chủ thể PAH đích thực?

4.3. Nội dung là Phúc Âm mà chủ thể chia sẻ, thông truyền cho đối tượng. Phúc Âm này là chính Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, sau 15 thế kỷ im lặng không dám nói về Đức Giêsu Kitô trong nội bộ GHCG từ sau CĐ. Chacedonia năm 451 đến CĐ. Vaticanô II năm 1962-1965, đồng thời với bao nhiêu lời công kích về Đức Giêsu nơi các thế lực chống đối ngoài Kitô giáo, và các phong trào giải trừ huyền thoại trong Phúc Âm do Rudoft Bultmann khởi xướng, nhiều tín hữu Công giáo đang hiểu sai hay hiểu rất mù mờ về Chúa Giêsu Kitô.

Họ cần phải học lại về Chúa Giêsu Kitô với những điểm giáo lý mới mẻ được trình bày trong các văn kiện của CĐ. Vaticanô II, trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và trong các văn kiện gần đây của Giáo Hội thì mới hy vọng có một niềm xác tín trọn vẹn vào Chúa Giêsu và mới có thể chia sẻ niềm xác tín đó cho người khác (x. sđd, Cẩm Nang Tân PAH, tr. 185-206). Vai trò của các Uỷ ban như Giáo lý Đức tin, Kinh Thánh, Đối thoại đại kết và Liên tôn rất quan trọng cho công tác PAH này.

5. “Ra khơi” để Tân PAH

5.1. Các đặc tính của việc ra khơi

Đức Giêsu mời gọi các tông đồ ra khơi “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Lời yêu cầu này bắt nguồn từ lời kêu gọi đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Trong công trình cứu độ, Đức Giêsu không muốn người môn đệ của mình ung dung ngồi an thân trên bờ hay bên mé nước, vung chiếc cần câu để bắt từng con cá nhỏ, lúc có lúc không. Người muốn họ chèo con thuyền Giáo Hội ra khơi để cùng Người thả rộng tấm lưới bắt từng đàn cá lớn. Như thế Tân PAH là một công trình của tập thể, mời gọi sự cộng tác sâu rộng của nhiều thành phần trong cộng đồng Dân Chúa cùng làm việc với Chúa Giêsu.

Ra khơi là chúng ta phải đối mặt với sóng to, gió mạnh và nhiều thử thách gian truân nên nhiều người khiếp sợ, chỉ muốn an thân, ngồi yên ở trên bờ. Họ muốn đi lại “đường xưa, lối cũ” cho an toàn, đến với những con người bình thường hay đạo đức để không bị mang tiếng là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Họ muốn “dạy đạo” cho những người giàu có, xinh đẹp, quyền thế để được yêu quý, kính trọng. Tuy nhiên, ĐGH Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm công bố ngày 24/11/2013, để đúc kết THĐGM thế giới về Tân PAH, lại nhắc nhở tín hữu phải “đi ra” như Đức Giêsu: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi lập lại cho toàn thể Hội Thánh rằng: tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm đập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình. Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (EG, số 49).

Chính Thánh Thần là ngọn gió thúc đẩy đưa chúng ta ra khơi để loan báo Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa, “tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8; x. TLLV, số 169) và cũng chính làn gió ấy hướng con thuyền chúng ta tới ch có cá chứ không phải chỉ dùng những hệ thống định vị luồng cá của kỹ thuật con người.

5.2. Những lĩnh vực cần được Tân PAH

Những hành động gợi ý trong mấy lĩnh vực cụ thể sau đây chỉ là những ước mơ để diễn tả sự đổi mới về phương pháp, về cách biểu hiện của cuộc Tân PAH như THĐGM đã yêu cầu.

5.2.1. Lĩnh vực văn hoá

Chúng ta đều biết văn htổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử qua sự tương tác với nhau, với thiên nhiên và vũ trụ vật chất”. CĐ. Vaticanô II trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 53, đã giải thích cho chúng ta biết văn hoá hầu như bao trùm mọi hoạt động có giá trị của con người trong đời sống trần thế.

Trước tình trạng con người đổi thay rất nhiều về lĩnh vực văn hoá (TLLV, số 43), muốn gạt bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống qua phong trào tục hoá (TLLV, số 53) chúng ta sẽ nêu cao lòng tin vào Ông Trời, vào Chúa Trời của tổ tiên xưa, để dù ở đâu và làm việc một mình, người ta vẫn nhớ rằng “Trời cao có mắt”, “lưới Trời lồng lộng” để tích cực hành động, lao động với tất cả trách nhiệm của mình.

Học sinh Công giáo Việt Nam, qua việc đào tạo của các đoàn thể CGTH như: Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Sinh Công Giáo, Giới Trẻ Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Legio Mariae, của các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên… sẽ luyện tập những kỹ năng sống trung thực, hào hùng, tiết kiệm, làm chủ bản thân, lúc nào cũng lễ phép chào hỏi người trên, ăn mặc nghiêm chỉnh, gọn gàng, đẹp đẽ. Như vậy ngay từ lúc nhỏ các học sinh đó đã trở thành nhữnng gương sáng thu hút những học sinh khác.

Đấy là những hoạt động loan báo Tin Mừng của các học sinh Công giáo Hàn Quốc. Hầu như các em học sinh này có phong cách sống khác hẳn những em ngoài Công giáo: các em không để tóc highlight, được luyện tập những kỹ năng làm chủ chính mình rất hiệu quả từ những hội đoàn. Ngay từ lớp 1 các em đã quyết tâm: “Em phải học hành thật giỏi, cư xử thật tốt, lễ phép với thầy cô, giúp đỡ bạn bè và cố gắng làm trưởng lớp để lôi kéo các bạn về cho Chúa Kitô”. Điều quyết tâm ấy thật lạ lùng và ta không lạ khi tỷ lệ người tín hữu Công giáo Hàn Quốc so với dân số toàn quốc gia tăng từ 1% vào năm 1949 tới 10,5% vào năm 2010: 5.135.000 giáo dân trên tổng dân số 48.875.000 người (x. Catholic Almanac, NXB Our Sunday Visitor’s 2013, tr.316), và tính đến 7/5/2013 là 12% dân số (x.http://askakorean.blogspot.com) trong khi số lượng linh mục, tu sĩ, giáo lý viên chỉ bằng nửa số người trong GHVN.

5.2.2. Lĩnh vực kinh tế

Đây là lĩnh vực đáng lưu ý trong tình trạng kinh tế của đất nước. Chúng ta đang có 18 triu người sống dưới mức nghèo khổ, cùng cực, không kiếm ni 20.000 ĐVN/ngày (tương đương với 1 Đôla Mỹ theo tiêu chuẩn UNESCO). Đó phải là một đám đông đáng cho các mục tử Công giáo hiện nay động lòng thương xót như Đức Giêsu xưa và cộng tác với Chúa Giêsu để lo cho họ ăn.

Có lẽ ta sẽ học và áp dụng thử giải pháp của anh chị em Công giáo Hàn Quốc về lĩnh vực kinh tế này. Những người chủ siêu thị Công giáo liên kết với nhau để mua trực tiếp nông sản của các nông dân Công giáo với giá cao, với điều kiện là hàng hoá phải bảo đảm chất lượng, không có thuốc trừ sâu hay tăng trưởng độc hại. Để trợ giúp nông dân, các công ty ln của người Công giáo Hàn Quốc gửi kỹ sư về miền quê để dạy nông dân k thuật trồng trọt, bón phân, cho vay vốn với lãi xuất thấp để mua cây trồng, phân bón nên năng suất cao. Nhiều nông dân không phải Công giáo cũng xin gia nhập tổ chức liên kết này rồi dần dần có cảm tình với đạo Công giáo và theo đạo. Trong khi đó, hàng hoá của người nông dân bán ở các siêu thị Công Giáo lại rẻ vì không phải qua nhiều khâu trung gian, chất lượng cao nên càng được uy tín trong cộng đồng xã hội.

Trong Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam” do Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan Misereor (Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức tại Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, từ ngày 11-12/11/2013, có 7 nước tham dự (Đức, Nhật, Trung quốc, Hàn quốc, Đài Loan, Lào và Việt Nam), chúng tôi đã chia sẻ về kinh nghiệm này của Hàn Quốc qua bài tham luận: “Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không?”:

“Vào năm 1949, số người theo Thiên Chúa giáo ở Hàn quốc chỉ chiếm khoảng 1% dân số, đa số theo Phật giáo hoặc không tôn giáo. Vào năm 2005, ở Hàn Quốc có 46,5% dân số không theo tôn giáo, 22,8% theo Phật giáo, 18,3% theo Tin Lành, 10,9% theo Công giáo, 1,5% theo các tôn giáo khác (www.wikipedia.org/wiki/religion-in -South-Korea). Tính đến ngày 7/5/2013, số người Công giáo chiếm 12% và  người Tin Lành chiếm 18% (x. http://askakorean.blogspot.com). Số người theo Thiên Chúa giáo đã đóng góp khá nhiều để làm nên sự tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Hàn quốc dù ít ai quan tâm đến vấn đề này. Cung cách sống và làm việc của người Thiên Chúa giáo được người Hàn quốc đón nhận đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đất nước Hàn quốc trong vòng vài chục năm qua.

“Nếu 30 năm trước, kinh tế Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề sau thời kỳ bị xâm chiếm và chiến tranh, tài nguyên không có gì đặc biệt, nguồn vốn quốc nội hết sức nghèo nàn, thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GNP) những năm đầu thập niên 60 của Hàn Quốc chỉ là 80USD, GDP chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á, thì đến năm 2012, GDP Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người theo GDP khoảng 16.000USD. Hàn Quốc cũng thuộc vào hàng các nước dẫn đầu về thương mại. Một phân tích gần đây nhất bởi Goldman Sachs năm 2007 đã chỉ ra Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000USD và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước, ngoại trừ Hoa Kỳ, để trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000USD (x. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_te_Han_Quoc).

Vậy yếu tố nào đã khiến Hàn Quốc vực dậy nhanh chóng về mọi mặt, kinh tế phát triển thần kỳ mà thế giới biết đến như “kỳ tích sông Hàn”? Nói về nguyên nhân kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, có nhiều nguyên nhân hợp lý song chúng tôi đề cập đến 3 động lực chính sau đây:

1. Vai trò quyết định thuộc về chính phủ:

Chính phủ Hàn Quốc đã xác định được các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn phù hợp với từng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước

2. Góp phần làm nên kỳ tích chính là nhân tố con người Hàn Quốc

Đất nước Hàn Quốc nghèo tài nguyên nên con người cần cù, chịu khó và chăm chỉ trong lao động; biết tận dụng các nguồn lực nội tại và tiết kiệm để phát triển kinh tế. Người Hàn Quốc có lối sống và làm việc nhanh nhẹn, gấp gáp. Đã từ lâu, Hàn Quốc biết nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục đào tạo với tương lai, triển vọng của đất nước. Cũng không thể bỏ qua những nét văn hoá truyền thống tôn sư trọng đạo, đề cao chủ nghĩa dân tộc, tinh thần phấn đấu vươn lên mạnh mẽ và một ý chí thép, trong đó có cả lòng tự tôn dân tộc”.

(x. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo Khoa học Quốc tế “Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam”, Hải Phòng, 2013, tr. 430-446; http:// hanhkhatkito.org/Default.aspx?tabid=57&ctl…‎).

Người Công giáo Việt Nam có thể tổ chức những công ty liên kết như thế, nhất là trong hoàn cảnh các nông sản, thực phẩm chứa nhiều chất độc hại như hiện nay. Chúng ta có thể khoanh vùng để tổ chức sản xuất đại trà, tạo ra những thương hiệu hàng hoá Công giáo như: Nước mắm ở Phan Thiết; trà ở Bảo Lộc; rau củ quả ở Đà Lạt; cá khô, tôm khô ở Long Xuyên, Châu Đốc; thịt heo, thịt gà ở Hố Nai… Rồi các doanh nhân Công giáo liên kết để mở những siêu thị giúp cho hàng của người Công giáo được phổ biến rộng rãi.

Chúng ta cũng lường trước được những thủ đoạn cạnh tranh của những đối tượng khác và cả những kẻ muốn phá hoại bằng cách như bán phá giá, bán hàng giả, hàng nhái, tung tin đồn thất thiệt về hàng hoá của ta. Nếu chúng ta có sự liên kết nâng đỡ nhau, giữa các nhà kinh tế, doanh nhân, nông dân, nhất là sự tham gia tích cực của các linh mục trong các xứ đạo, quyết tâm ủng hộ hàng có chất lượng của người Công giáo, hô hào người tín hữu trong xứ đạo tin tưởng mua hàng của người Công giáo, thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về kinh tế ở Việt Nam. Mẻ lưới kinh tế kéo chung này chắc hẳn sẽ rất lớn!

Tuy nhiên, muốn thực hiện được cuộc ra khơi về lĩnh vực kinh tế này, người Công giáo chúng ta cần phải vượt qua bản sắc cố hữu của người Việt Nam như hay nghi ngờ, thiếu đoàn kết, ham lợi cá nhân… và nhờ những giá trị sống mới của Phúc Âm, chúng ta chắc chắn sẽ thành công như các anh em Công giáo Hàn Quốc. Cuộc cách mạng kinh tế này chỉ có thể thực hiện được nếu người Công giáo Việt Nam biết PAH chính mình.

5.2.3. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật

Tài liệu làm việc của THĐGM nhắc đến “tình trạng khẩn cấp của giáo dục” và những thách thức hiện nay đối với nền giáo dục (số 151) càng thúc đẩy người tông đồ tích cực dấn thân ra khơi trong lĩnh vực này. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Những nhà trí thức Công giáo được uỷ thác nhiệm vụ đặc biệt là phải làm chứng, bằng các hoạt động và chính đời sống của họ, rằng lý trí và đức tin là đôi cánh mà con người có thể dùng để đến với Thiên Chúa. (x. ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Fides et ratio, số 5, ngày 14/9/1998), cũng như làm chứng rằng đức tin và khoa học hiểu cho đúng, có thể làm giàu lẫn nhau để đem lại lợi ích cho loài người” (TLLV, số 156).

Báo chí và quần chúng Việt Nam đã nêu những mặt thiếu xót, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đòi quyền mở trường cho tổ chức tôn giáo của mình, thậm chí mong ước đòi lại những trường học trước kia là của mình mà Nhà nước đang sử dụng. Tuy nhiên, giả như chính quyền có trả lại những trường học đó thì với tình trạng thiếu nhân sự chuyên môn và không được đào tạo như hiện nay, người Công giáo chúng ta có khả năng tổ chức và quản lý các trường đó tốt hơn không?

Người tín hữu chúng ta cần phải ra khơi trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Chúa của chúng ta là nguồn sự khôn ngoan nên ta phải dấn thân vào mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật để học hành thật giỏi, nghiên cứu thật sâu cũng như để có rất nhiều người làm giáo sư, tiến sĩ giảng dạy trong các đại học, các viện nghiên cứu, thực hiện các phát minh có giá trị phục vụ đời sống con người. Chúng ta cũng nên khuyến khích và trợ cấp học bổng cho các tu sĩ dấn thân theo học các khoa học tự nhiên thay vì chỉ học vài ngành chọn lựa như xã hội học, giáo dục mầm non, nhà trẻ mẫu giáo hoặc ngoại ngữ như hiện nay.

5.2.4. Lĩnh vực thẩm mỹ

Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải dấn thân vào trong lĩnh vực thẩm mỹ vì Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ. Chúng ta nói nhiều đến Chân, đến Thiện, nhưng lại sợ nói đến Mỹ. Giáo Hội dạy rằng: “Vai trò cơ bản của cái đẹp cần phải được cấp bách khôi phục trong Kitô giáo. Về phương diện này, Tân PAH đóng một vai trò quan trọng. Hội Thánh nhìn nhận rằng con người không thể sống mà không có cái đẹp. Đối với người Kitô hữu, cái đẹp được tìm thấy trong mầu nhiệm Vượt Qua, trong sự sáng tỏ của thực tại Đức Kitô” (TLLV, số 157).

Chúng ta thử nhìn vào giới trẻ Việt Nam sẽ thấy họ đang mơ ước và thực hiện cái đẹp như thế nào. Họ có xu hướng chạy theo và sùng mộ các diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu. Giới trẻ ai cũng muốn đẹp nhưng lại không biết nguồn đẹp là ai và cái đẹp thật sự là gì. Vì thế, người Công giáo chúng ta phải sống và hành động làm sao cho mình thật đẹp, cả về thể xác lẫn tinh thần, trong cử chỉ, lời nói, trang phục…để chứng minh cho mọi người, nhất là giới trẻ, nguồn đẹp cần phải tìm về là chính Đức Giêsu Kitô. Những kiểu nói năng thiếu khiêm tốn, tục tằn, những cách ăn mặc luộm thuộm nhân danh Đức Khó nghèo, những nét mặt lãnh đạm, lạnh lùng… đều trái ngược với cái đẹp Phúc Âm và cần phải quyết liệt loại bỏ khỏi cộng đồng Dân Chúa. Vì thế, THĐGM dạy chúng ta rằng: “Tương quan giữa đức tin và cái đẹp không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, nhưng được coi như một nguồn lực cơ bản để làm chứng cho đức tin và phát triển một sự hiểu biết thực sự là việc phục vụ ‘toàn diện’ cho mọi nhu cầu của một con người” (TLLV, số 157).

5.2.5. Lĩnh vực thể dục thể thao

Giới trẻ ngày nay rất say mê thể dục, thể thao và sùng bái các vận động viên thể thao, vì thế mỗi người tín hữu Kitô cần phải đưa Đức Giêsu Kitô vào lĩnh vực thể dục, thể thao này. Những chủng sinh, tu sĩ, linh mục, trong thời gian đào tạo cũng như cả khi tốt nghiệp rồi, phải biết chơi các môn thể thao, chơi thật sự và chơi hay, chơi giỏi cũng như biết cả luật chơi để giới thiệu cho các bạn trẻ. Đó là phương thức truyền giáo mới. ĐGH Phanxicô đã khuyến khích các linh mục tu sĩ rất nhiều về lĩnh vực này.

Nhưng muốn tạo được các đội bóng Công giáo, các cha xứ và nhiều người có trách nhiệm như các bề trên trong các tu viện, học viện cần phải thay đổi nhiều quan niệm về linh thánh, phải đưa được thể dục thể thao vào chương trình sống hằng ngày, phải hiểu rằng con người cần phải phát triển toàn diện cả về thể xác lẫn tinh thần… Chúng ta nên hiểu rằng nhà thờ dù là chốn tôn nghiêm, linh thánh, không ai được phép làm ồn ào, huyên náo, nhưng còn là nơi gặp gỡ của mọi người trong cộng đồng Dân Chúa vì hiểu được ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2,27).

Lúc đó cha xứ mới có thể làm các sân chơi ở các khu đất trong khuôn viên nhà xứ hay bên cạnh thánh đường, cùng chơi thể thao với các bạn trẻ hay tập thể dục với các người già trong xứ, thuê huấn luyện viên về để dạy kỹ thuật chơi cho hay, cho đẹp, tổ chức thi đấu giữa các đoàn thể trong và ngoài xứ để tạo mối liên kết, hiệp thông. Chắc chắn khi thực hiện được các sân chơi như thế, tệ nạn nghiện ngập đủ loại sẽ bớt hẳn, cha xứ và người lớn có nhiều dịp tiếp xúc để hiểu giới trẻ nhiều hơn thay cho tình trạng quá xa cách giới trẻ như hiện nay.

Cha ông chúng ta trước đây đã dùng thể thao như một lợi khí để truyền giáo. Nhà thờ thường có một ao lớn được đào trước mặt tiền để lấy đất đắp nền nhà thờ. Chiều thứ Bảy hay Chủ Nhật, các cha xứ thường tổ chức thi bắt vịt dưới ao, hoặc đi cầu tre lấy thưởng. Người ta cắm 1 cọc tre giữa ao treo mấy giải thưởng nơi đầu cọc, một thân tre dài bắc từ bờ ra giữa ao. Người dự thi đi chân không, bước trên thân tre tròn, trơn trượt vì dính bùn đất, nên dễ té xuống ao, tuy không nguy hiểm vì có nước, nhưng sẽ tạo nên những tiếng cười vui cho mọi người lương giáo đứng trên bờ cùng xem. Cả người ngoài Công giáo cũng được dự thi nên mỗi chiều lễ hội như thế là dịp giới thiệu Phúc Âm của Chúa Giêsu cho mọi người!

5.2.6. Lĩnh vực truyền thông và sức khoẻ cộng đồng

THĐGM quan tâm nhiều đến lĩnh vực truyền thông xã hội khi dành ra 4 số từ 59 đến 62 trong TLLV để nhắc nhở Kitô hữu sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cho công cuộc Tân PAH “như là một nguồn lực đòi chúng ta phải có con mắt phân định và biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan và có trách nhiệm” (số 60).

Hầu như giáo phận nào cũng có trang web riêng, nhiều uỷ ban HĐGM cũng có trang web riêng, nhưng số lần truy cập mỗi ngày tương đối rất ít vì ít có bài viết mới, nội dung chưa phong phú và cách trình bày chưa thu hút độc giả lắm. Trong lĩnh vực này GHVN cần ra khơi qua việc dấn thân của các linh mục, tu sĩ và giáo dân chuyên môn để cùng cộng tác với nhau mới hy vọng thu được nhiều mẻ cá lớn.

Về lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng, các tu sĩ nam nữ và ngay cả các linh mục cũng có thể tham gia vì số người cần chữa trị về cả thể xác lẫn tinh thần rất lớn. Chúng ta giới thiệu cho mọi người một sức khoẻ toàn diện về 4 lĩnh vực: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh và có thể biến các phòng họp nhà xứ thành những chỗ tham vấn tâm lý, chữa trị tâm linh cho người bệnh khi có sự kết hợp của các bác sĩ, dược sĩ, các chuyên viên tâm lý và các nhà tu đức học có khả năng chữa trị tâm linh.

 

Lời kết

Tất cả những chương trình hay dự án mục vụ của công cuộc Tân PAH trên đây chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta biết “không những canh tân các chương trình của mình mà còn phải tăng chất lượng cho lời chứng của mình. Công cuộc PAH không chỉ là một kế hoạch có tổ chức hay một chiến lược; một cách cơ bản, nó là vấn đề thiêng liêng đúng như lời ĐGH Phaolô VI đã nói: ‘Con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì chính là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân…’. Vì vậy, Giáo Hội sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới trước tiên bằng hạnh kiểm và đời sống của mình, qua bằng chứng của sự nghèo khó và vô tư, qua bằng chứng của sự tự do đối với các quyền lực của thế gian này, tóm lại, qua bằng chứng của sự thánh thiện” (TLLV, số 158; TĐ Evangelii nuntiandi, ngày 8/12/1975, số 7).

“Chỉ những ai đã và đang được PAH mới có thể PAH, hay nói khác đi, chỉ những người có khả năng canh tân thiêng liêng, bằng việc gặp gỡ Đức Kitô và sống một đời hiệp thông với Người thì mới có thể PAH” (TLLV, số 158). Vì thế, cuộc ra khơi để Tân PAH đang mời gọi người tín hữu Công giáo Việt Nam nhìn lại chính mình, hội dòng mình, tổ chức xã hội của mình để tìm ra những lĩnh vực cần đổi mới và thăng hoa nhờ gặp được Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người.

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

—o0o—