08/01/2025

ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11-10-2015 với 30.000 tín hữu, ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải. Ngài cổ vũ việc bảo vệ thiên nhiên và liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố hôm 10-10-2015 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên thuật lại giai thoại Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên giàu có muốn theo Ngài.

ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 11-10-2015

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11-10-2015 với 30.000 tín hữu, ĐTC kêu gọi từ bỏ lòng quyến luyến của cải. Ngài cổ vũ việc bảo vệ thiên nhiên và liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố hôm 10-10-2015 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên thuật lại giai thoại Chúa Giêsu gặp chàng thanh niên giàu có muốn theo Ngài.


Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng hôm nay, trích từ chương thứ 10 của Phúc Âm theo Thánh Marcô, gồm 3 cảnh tượng, với 3 cái nhìn của Chúa Giêsu.

Cảnh thứ nhất trình bày cuộc gặp gỡ giữa Thầy Chí Thánh và một người kia – mà theo đoạn song song trong Phúc âm theo thánh Mathêu, thì đó là một “thanh niên”. Người này chạy đến gặp Chúa Giêsu, quỳ gối xuống và gọi Ngài là “Thầy nhân lành”. Rồi ông hỏi Ngài: “Con phải làm gì để được sự sống đời đời?” (c. 17). “Sự sống đời đời” không phải chỉ là cuộc sống đời sau, nhưng là cuộc sống sung mãn, trọn vẹn, không giới hạn. Chúng ta phải làm gì để đạt tới sự sống ấy? Câu trả lời của Chúa Giêsu tóm tắt các giới răn nói về lòng yêu người. Về điểm này, chàng thanh niên không có gì đáng trách; nhưng hiển nhiên là sự tuân giữ các giới răn không đủ đối với anh, không làm cho ước muốn sự sung mãn của anh được mãn nguyện. Và Chúa Giêsu trực giác thấy ước muốn mà chàng thanh niên mang trong tâm hồn; vì thế, câu trả lời của Ngài được biểu lộ qua cái nhìn nồng nhiệt, đầy dịu dàng và yêu thương: “Chúa chăm chú nhìn anh ta, Ngài yêu mến anh.” (c. 21). Nhưng Chúa cũng hiểu đâu là nhược điểm của người đối thoại, và Ngài đưa ra một đề nghị cụ thể với anh: hãy cho người nghèo tất cả tài sản của anh và đến đây theo Ngài. Nhưng người thanh niên ấy có con tim bị chia sẻ giữa hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc, và anh ra buồn sầu ra đi. Điều này chứng tỏ rằng đức tin và sự gắn bó với giàu sang không thể sống chung với nhau. Vì thế, sau cùng, lòng nhiệt thành ban đầu của chàng thanh niên bị xẹp đi trong sự bất hạnh của một sự theo Chúa bị tắt lịm.

Trong cảnh thứ hai, Thánh sử Phúc Âm trình bày đôi mắt của Chúa Giêsu và lần này, đó là cái nhìn suy tư, và cảnh giác: “Chúa nhìn chung quanh và Ngài nói với các môn đệ: Vào nước Thiên Chúa, thật là điều khó dường nào đối với những người sở hữu của cải giàu sang!” (c. 23). Trước sự kinh ngạc của các môn đệ tự hỏi: “Vậy thì ai có thể được cứu rỗi?” (c. 26), Chúa Giêsu trả lời bằng cái nhìn khích lệ – đó là cái nhìn thứ ba, và Ngài nói: “Đúng vậy, sự cứu rỗi là điều không thể đối với con người, nhưng đó là điều có thể đối với Thiên Chúa!” (c. 27). Nếu tín thác nơi Chúa, chúng ta có thể vượt thắng tất cả những chướng ngại ngăn cản chúng ta theo Chúa trên con đường đức tin.

Và thế là chúng ta tiến đến cảnh thứ ba: cảnh Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: “Thật, Thầy bảo các con: ai bỏ mọi sự để theo Thầy, thì sẽ được sự sống đời đời trong tương lai và được gấp trăm lần trong hiện tại.” (x. cc. 29-30). “Sự gấp trăm” này gồm những sự trước đây đã sở hữu, rồi bỏ đi, nhưng nay chúng trở lại được gia bội vô biên. Ai từ bỏ của cải và giải thoát mình khỏi sự nô lệ của cải thì đạt được tự do phụng sự vì yêu thương, ai từ bỏ sở hữu thì được niềm vui của sự trao ban.

Người thanh niên không để cho mình được cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu chinh phục, vì thế anh ta không thể thay đổi. Chỉ khi nào khiêm tốn và biết ơn đón nhận tình thương của Chúa, chúng ta mới giải thoát mình khỏi sự cám dỗ của các thần tượng và sự mù quáng của những ảo tưởng chúng ta. Tiền bạc, khoái lạc, thành công làm choá mắt, nhưng rồi chúng làm thất vọng, chúng hứa mang lại sự sống, nhưng rồi gây ra sự chết. Chúa yêu cầu chúng ta đừng gắn bó với những thứ giàu sang giả dối ấy để bước vào cuộc sống đích thực, đời sống sung mãn, chân chính, sáng ngời.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng con tim cho tình yêu Chúa Giêsu, là Đấng duy nhất có thể làm mãn nguyện khát vọng hạnh phúc của chúng ta.

Lời kêu gọi

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở các tín hữu:

“Anh chị em thân mến, thứ ba tới đây, 13-10, là Ngày Thế giới Giảm bớt Thiên tai. Nhưng đáng tiếc ta phải nhận thực những hậu quả của các thiên tai thường trở nên trầm trọng hơn vì sự thiếu chăm sóc của con người dành cho môi trường. Tôi hiệp với tất cả những người, do sự sáng suốt, đang dấn thân trong việc bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, để thăng tiến một nền văn hoá toàn cầu và địa phương, giảm bớt các thiên tai và hậu quả lớn của các thảm hoạ ấy, bằng cách hoà hợp những kiến thức mới với những kiến thức truyền thống, và đặc biệt quan tâm đến các dân tộc dễ bị tổn thương nhất.”

Sau khi chào thăm các phái đoàn hành hương, đến từ Italia và nhiều nước trên thế giới, ĐTC còn đưa ra lời kêu gọi sau cuộc khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10-10 vừa qua chống một đoàn người biểu tình ôn hoà , làm cho gần 90 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. 

Ngài nói:  “Hôm qua, chúng ta đã đau lòng được tin về cuộc thảm sát kinh khủng xảy ra tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Đau lòng vì nhiều người bị thiệt mạng. Đau lòng vì những người bị thương. Đau lòng vì những kẻ khủng bố đập những người biểu tình ủng hộ hoà bình. Trong khi tôi cầu nguyện cho quốc gia yêu quý, tôi cầu xin Chúa đón nhận linh hồn những người qua đời và an ủi những người đang chịu đau khổ và thân nhân của họ.”

 

G. Trần Đức Anh OP