10/01/2025

Sử dụng của cải Chúa ban

Sự giàu sang là chủ đề chính của Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 10,17-30). Đức Giêsu dạy người giàu khó vào Nước Trời biết bao, nhưng điều này không phải là không có thể; vì chưng, Thiên Chúa có thể chinh phục được tâm hồn của con người có lắm tiền, lắm bạc, và thúc đẩy người ấy sống liên đới và chia sẻ với những ai lâm cơn túng quẫn, với những người nghèo, nghĩa là đi vào trong luận chứng của việc hiến dâng.

 Sử dụng của cải Chúa ban

 

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXVIII TN, 14/10/2012 

Anh chị em thân mến!

Sự giàu sang là chủ đề chính của Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 10,17-30). Đức Giêsu dạy người giàu khó vào Nước Trời biết bao, nhưng điều này không phải là không có thể; vì chưng, Thiên Chúa có thể chinh phục được tâm hồn của con người có lắm tiền, lắm bạc, và thúc đẩy người ấy sống liên đới và chia sẻ với những ai lâm cơn túng quẫn, với những người nghèo, nghĩa là đi vào trong luận chứng của việc hiến dâng. Bằng cách này, người đó dõi theo bước chân của Đức Giêsu Kitô, Đấng, như Tông đồ Phaolô viết, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để làm cho anh em được giàu có, nhờ sự nghèo khó của Người” (2 Cr 8,9).

Như vẫn thường xảy ra trong Phúc Âm, tất cả đều khởi đi từ một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với một người “có nhiều của cải”. Đó là một người trung thành tuân giữ mọi giới răn của Chúa ngay từ thuở thanh xuân, nhưng vẫn chưa tìm được hạnh phúc thật; và chính vì thế anh hỏi Đức Giêsu anh phải làm gì để “có được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (c. 17). Một mặt, cũng như mọi người, anh bị cuộc sống sung mãn lôi cuốn; và mặt khác, vì đã quen dựa vào tài sản của mình, nên anh nghĩ rằng sự sống vĩnh hằng, một cách nào đó, cũng có thể “mua được”, thậm chí có lẽ bằng cách tuân giữ một giới răn đặc biệt nào đó.

Thế nhưng, Đức Giêsu hiểu được nỗi ước muốn sâu xa trong con người này, và -Thánh sử nói rõ thêm -, Người nhìn anh với cái nhìn đầy yêu thương: cái nhìn của Thiên Chúa (x. c. 21). Nhưng Đức Giêsu cũng hiểu được đâu là yếu điểm của con người này: đó là vì anh quyến luyến mọi của cải anh có; và chính vì thế, Người đề nghị anh cho người nghèo tất cả của cải anh có, để kho tàng của anh – và như thế, tâm hồn anh – sẽ không còn nằm trên trần gian này nữa, mà là ở trên trời, và Người nói thêm: “Hãy đến mà theo Ta” (c. 21). Nhưng người bạn trẻ này, thay vì vui vẻ đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu, lại hết sức buồn bã ra đi (x. c. 22), bởi vì anh không thể nào dứt bỏ được của cải anh có, là những cái sẽ không bao giờ có thể mang lại cho anh hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu.

Về điểm này, Đức Giêsu dạy các môn đệ, và cả chúng ta ngày hôm nay nữa: Người giàu có khó vào Nước Trời biết bao!” (c. 23). Khi nghe những lời này, các môn đệ cảm thấy chưng hửng; và họ lại càng chưng hửng hơn nữa, khi nghe Đức Giêsu nói thêm: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Thiên Chúa!” Nhưng khi thấy họ quá đỗi ngạc nhiên, Người còn nói thêm: “Đối với con người là không thể, nhưng không phải như thế đối với Thiên Chúa! Bởi vì, đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (x. các câu 24 và 27).

Thánh Clêmentô Alexandria chú giải đoạn văn này như sau “Hãy để cho [dụ ngôn này] dạy người giàu đừng coi thường phần rỗi của mình, như thể họ đã mất hết hy vọng được cứu rỗi, cũng như không được ném của cải xuống biển sâu, hay lên án của cải là một tên phản bội hay một kẻ thù hung hãn nhất của mình, nhưng phải học sử dụng của cải theo cách nào và như thế nào để có thể đạt được Nước Trời” (Người giàu có nào sẽ được cứu rỗi? 27,1-2).

Lịch sử của Giáo Hội nhan nhản những ví dụ về người giàu đã sử dụng của cải mình có theo tinh thần Tin Mừng, và như thế, được nên thánh. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến Thánh Phanxicô, Thánh nữ Elisabeth Hungary hay Thánh Charles Borromêô. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Toà Đấng Khôn Ngoan, giúp chúng ta vui vẻ đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu, để được sống sung mãn.