29/11/2024

Ô nhiễm do mù khô có thể gấp cả trăm lần bình thường

Tình trạng mù khô vẫn tiếp diễn trong ngày 8.10, trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành khác ở Nam bộ nhưng mức độ có giảm bớt.

 

Ô nhiễm do mù khô có thể gấp cả trăm lần bình thường

 

 

Tình trạng mù khô vẫn tiếp diễn trong ngày 8.10, trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành khác ở Nam bộ nhưng mức độ có giảm bớt.


 


Hiện tượng mù khô vẫn tiếp tục xảy ra tại TP.HCM vào sáng qua -  Ảnh: Mai VọngHiện tượng mù khô vẫn tiếp tục xảy ra tại TP.HCM vào sáng qua – Ảnh: Mai Vọng
Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, tình trạng này sẽ chấm dứt hoàn toàn khi có gió mạnh hoặc mưa lớn. Nhưng ông Dũng cũng lưu ý hiện tượng mù khô vẫn có thể quay trở lại trong thời gian tới do sự ô nhiễm không khí cao ở TP.HCM. “Chúng tôi đang tập hợp số liệu và so sánh với các năm trước để có kết luận chính thức”, ông Dũng cho hay.
Còn theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, có thể khẳng định gần như chắc chắn hiện tượng này có nguyên nhân chính là do cháy rừng ở Indonesia, vì nếu xét nguyên nhân tại chỗ hiện tượng này chỉ có thể xảy ra ở TP.HCM, Biên Hoà hay Cần Thơ, nhưng mức độ không mạnh như vậy. Bà Lan cũng cho biết thêm, hiện tượng mù khô đã lan tới vùng biển Cam Ranh (Khánh Hoà). Bên cạnh đó, hiện nay Nam bộ đang chịu tác động bởi gió mùa tây nam cường độ nhẹ. Vì là gió nhẹ nên nó không thể thổi ô nhiễm đi nơi khác hay tung các chất lơ lửng lên cao. Vì vậy mà hiện tượng mù khô tồn tại khá lâu. “Đêm 6.10 có mưa giúp cho ngày 7.10 chúng ta có cảm giác không khí “nhẹ” hơn ngày hôm trước, buổi sáng mặt trời ló dạng được một chút. Người dân có hứng nước mưa đó thì nên tránh sử dụng trực tiếp trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, rửa rau cải, chén bát vì cơn mưa đó có tính chất gần giống với mưa a xít, mức độ ô nhiễm có thể gấp cả trăm lần bình thường”, bà Lan khuyến cáo.
Cũng theo bà Lan, xét về nguồn gây hiện tượng mù khô thì vào thời điểm này tại Indonesia đang là cao điểm cháy rừng vì vẫn đang là mùa khô, nên khả năng mù khô vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, mùa mưa ở Nam bộ sắp hết, lượng mưa giảm. Tuy nhiên, trong khoảng 5 ngày tới có gió đông và đông bắc xuất hiện, nó làm giảm bớt nguồn gây hiện tượng mù khô tại khu vực Nam bộ, khói bụi sẽ giảm đi, nhưng không phải hoàn toàn. Hết tháng 10, gió sẽ chuyển theo hướng đông bắc nhưng cũng không loại trừ sẽ có một số ngày hiện tượng mù khô vẫn xuất hiện.
“Hiện tượng ô nhiễm này sẽ gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp, những hạt bụi kích thước cực nhỏ có thể đi sâu vào tận cuống họng và phổi làm cho chúng ta có cảm giác họng bị đau rát và mệt. Cảm giác này dễ thấy nhất ở những người hút thuốc. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây ra một số bệnh khác như huyết áp, mắt, da, tóc…Chúng ta cũng không có cách nào khác ngoài việc tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang y tế loại tốt khi ra đường”, bà Lan khuyến cáo.
Indonesia hôm 8.10 chính thức nhờ hỗ trợ từ Singapore, Malaysia, Nga và Nhật Bản để dập các đám cháy giữa lúc Singapore mạnh tay với các công ty đốt rừng. “Thứ mà chúng tôi cần bây giờ là những máy bay có thể chở được 12 – 15 tấn nước chứ không phải loại chỉ chở 2 – 3 tấn mà chúng tôi đang có”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trong thông cáo đăng trên website chính phủ.
Mặc dù chưa cụ thể hoá đề nghị hỗ trợ và hợp tác, các động thái trên phần nào xoa dịu những nước láng giềng phải đóng cửa trường học, huỷ các chuyến bay do khói bụi từ đảo Sumatra và nam đảo Borneo của Indonesia suốt một tháng qua. Trước đó, Jakarta liên tục từ chối các đề nghị hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt từ Singapore khiến quan hệ hai bên khá nặng nề.
Trong lúc bầu trời Singapore có phần quang đãng hơn trong 2 ngày qua, thì miền nam Thái Lan hôm qua bị phủ mù. Thành phố du lịch Phuket bị ảnh hưởng nặng nhất khiến nhiều chuyến bay bị trì hoãn.
Thục Minh (VP Singapore)

 

Chí Nhân