01/11/2024

Đối mặt thần chết: Tiếng hát từ phòng… cấp cứu

Khi tham gia cứu hộ tai nạn giao thông, anh N.H.P.C (32 tuổi, ngụ tại Q.6, TP.HCM) vô tình bị nhiễm HIV. Từng bị khủng hoảng và tuyệt vọng, nhưng anh C. không hề tỏ ra hối tiếc vì đã cứu người.

 

Đối mặt thần chết: Tiếng hát từ phòng… cấp cứu

 

Khi tham gia cứu hộ tai nạn giao thông, anh N.H.P.C (32 tuổi, ngụ tại Q.6, TP.HCM) vô tình bị nhiễm HIV. Từng bị khủng hoảng và tuyệt vọng, nhưng anh C. không hề tỏ ra hối tiếc vì đã cứu người.



Anh C. vẫn lạc quan, yêu đời trên giường bệnh - Ảnh: Như LamAnh C. vẫn lạc quan, yêu đời trên giường bệnh – Ảnh: Như Lam
Bỗng dưng “dính” HIV
Anh C. hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).
Anh C. cho biết khi làm lơ xe chạy tuyến từ TP.HCM về miền Tây, một lần, khi đến địa phận tỉnh Tiền Giang, anh thấy một xe khách khác gặp tai nạn giao thông và tài xế mắc kẹt trong cabin, máu me đầy người. Không ngần ngại, anh C. mượn xà beng đập cửa, cùng mọi người đưa tài xế đi cấp cứu. Do cửa kính bể sắc bén nên tay chân anh C. bị cứa chảy máu. Anh không ngờ là tài xế được anh cứu đã bị nhiễm HIV trước đó…
“Khoảng một năm sau, tôi bị nổi hạch. Bác sĩ xét nghiệm bảo tôi bị nhiễm HIV, tôi nghe mà rụng rời tay chân. Suốt một tuần lễ tôi nằm ở nhà nghĩ ngợi đủ thứ. Có lúc tôi nghĩ hay là mình chết đi cho rồi”, anh C. nhớ lại. Rồi những tia hy vọng loé lên: “Biết đâu kết quả xét nghiệm không chính xác? Tôi thấy bản thân khỏe mạnh, trong quá khứ chưa làm gì quá đà, nên không thể có chuyện bị nhiễm HIV được!”. Trải qua thêm ba lần xét nghiệm nữa, anh C. mới buộc lòng chấp nhận sự thật nghiệt ngã trên đã xảy ra với mình.
“Từ khi biết mình chắc chắn mắc bệnh, tôi nói cho bạn gái nghe rồi chọn phương án… xa mặt cách lòng. Cho đến bây giờ, tôi luôn thương nhớ cô ấy bởi đó là tình yêu đẹp nhất của tôi. Tôi mong một lần được gặp lại người đó, nhưng thực tế không thể bởi bạn gái tôi đã có gia đình riêng. Nếu có gặp lại, chỉ làm cho người ta thêm khó xử mà thôi”, anh C. trải lòng.
Trong quãng đời xám xịt đó, anh C. được cha mình động viên rất nhiều. Bản thân anh cũng luôn tự đấu tranh với chính mình bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Sau này, anh đã thi bằng lái để làm tài xế xe tải tuyến Bắc – Nam như mơ ước bấy lâu. Không chỉ “giữ mình để không lây nhiễm HIV cho bất kỳ một ai”, anh còn ra sức khuyên nhủ cánh tài xế bạn đường nên từ bỏ việc sử dụng ma tuý.
Rồi một ngày, anh C. bị liệt đôi chân và được cha mình chăm sóc tận tình. Sau đó, anh được đưa vào Bệnh viện Nhân Ái. “Mấy tháng trước, cha tôi mất mà tôi không thể về để chịu tang. Đó là điều day dứt nhất trong đời tôi”, anh C. tâm sự.
Không hối tiếc vì đã cứu người
Khi chúng tôi đến thăm, anh C. nằm liệt giường tại phòng cấp cứu, khoa săn sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Trái ngược bệnh trạng của mình, anh vui vẻ nằm ôm đàn guitar và hát bài Trở lại chính mình do anh sáng tác. Đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được nghe tiếng hát cất lên từ phòng cấp cứu.
Giọng anh C. trầm ấm, thiết tha: “Rồi một mai kia ra đi trở về với cát bụi/Để lại dương gian bao nhiêu hối tiếc của cuộc đời/Bỏ lại sau lưng đam mê giết chết đời người/Quay đầu làm người, trở lại chính mình tôi ơi!…”.
Anh C. chia sẻ: “Với bài hát này, tôi muốn gửi gắm nỗi niềm đến với những bạn trẻ từng lầm lỡ, đang đối diện với bệnh tật. Có nhiều người cho rằng mình đã lỡ sa chân vào vũng lầy thì chơi cho chết, đó là suy nghĩ sai lầm. Cha mẹ sinh ta ra, chúng ta phải sống cho cha mẹ vui, sống không thẹn với chính mình và xã hội”.
Ngay trên giường bệnh, anh C. mày mò tự học vẽ, học nhạc. Tính đến nay, anh đã sáng tác được 5 bài hát và vẽ một số bức tranh. Ngoài ra, anh còn thích đọc sách báo và xem bóng đá qua ti vi, dù điều kiện bệnh viện chưa thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu giải trí của người bệnh…
Chúng tôi hỏi: “Anh có thấy tiếc bởi vô tình bị lây nhiễm HIV khi cứu người không? Anh C. quả quyết: “Tôi không hề oán trách hay hối hận về điều đó. Giả sử tôi chưa từng bị bệnh và gặp lại tình huống tương tự ngày trước, tôi vẫn sẽ tiếp tục cứu người bị nạn. Tuy nhiên, tôi sẽ cẩn thận hơn một chút”.
Theo anh C., mỗi người dân, trong đó có tài xế và lơ xe nên học cách sơ cấp cứu cho người bị nạn để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân lẫn người được cứu.

Phóng sự của Như Lịch – Lam Ngọc

 


Nguồn: TNO