10/01/2025

Nối đầu cho em bé bị nạn

Bé Jackson Taylor 16 tháng tuổi được xem là một điều diệu kỳ của y học. Cậu bé được cứu sống khỏi vết thương khiến cậu có thể chết hoặc bị di chứng nặng nề.

 

Ca phẫu thuật thần kỳ tại Úc: Nối đầu cho em bé bị nạn

 

Bé Jackson Taylor 16 tháng tuổi được xem là một điều diệu kỳ của y học. Cậu bé được cứu sống khỏi vết thương khiến cậu có thể chết hoặc bị di chứng nặng nề.


 


Bé Jackson và mẹ
Bé Jackson và mẹ

Hình ảnh trên đoạn phim của Đài 7 News Melbourne mô tả Jackson nhoẻn miệng cười, chập chững bước đi với sự hỗ trợ của cha. Có chút điều gây chú ý là việc cậu bé được một khung thép cố định gắn trên đầu. Người xem sẽ bất ngờ khi được biết số phận cậu bé từng ngàn cân treo sợi tóc.

Theo AFP, bé Jackson bị trọng thương trong tai nạn ôtô cách đây hơn hai tuần. Chiếc xe chở cậu bé cùng mẹ và người chị 9 tuổi bị một chiếc xe chạy tốc độ cao trên 110 km/h đâm sầm vào. Kẻ cầm lái gây tai nạn là một thanh niên 18 tuổi. Theo báo Daily Star, bà Rylea Taylor, mẹ của Jackson, kể lại: “Khi ẵm con ra ngoài tôi đã thấy ngay là cổ nó bị gãy”.

Cậu bé được trực thăng cấp cứu chuyển ngay đến Bệnh viện Brisbane. Bác sĩ Geoff Askin của Bệnh viện Brisbane mô tả trên Đài 7 News Melbourne rằng trường hợp trọng thương của Jackson nặng đến mức ông chưa từng thấy trong đời làm nghề của mình: do cú sốc, phần sọ của Jackson bị tách rời khỏi cột sống, một dạng gọi là bị “đứt đầu kín”.

May mắn là những dây thần kinh chính lại không bị đứt và không đến mức bị tổn hại không thể hồi phục. Bác sĩ Askin giải thích: “Nhiều đứa trẻ không thể sống sót sau tổn thương nặng đến thế và những ai có thể được cứu sống thì cũng phải sống thực vật hoặc không thể đi lại được sau đó”.

Một may mắn khác là bé Jackson được đưa đến kịp thời với êkip của bác sĩ Askin, người được xem là “bậc thầy của phẫu thuật cột sống” của Úc. Sau cuộc phẫu thuật khẩn cấp kéo dài sáu giờ, đầu bé Jackson được “nối lại” với cột sống nhờ mẩu dây thép và một phần cơ lấy từ bên sườn của bé.

Nay bé Jackson đã có thể hồi phục dần. Bé sẽ mang bộ khung chỉnh giữ đầu với thân mình trong tám tuần để giúp cơ tổn thương hồi phục và ổn định những dây thần kinh nối đầu với cột sống.

Hình ảnh từ Đài 7 News Melbourne cho thấy bé Jackson đã có thể dùng chân đá được quả bóng với sự trợ giúp của cha. Các bác sĩ cho rằng cậu bé sẽ nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống thường nhật. Ông bà Andrew và Rylea, cha mẹ của Jackson, mô tả ca phẫu thuật là “điều kỳ diệu”.

Cách đây ba năm, giới truyền thông từng đưa tin về trường hợp Rachel Bailey, một cô gái 23 tuổi người Mỹ, cũng bị tổn thương “đứt đầu kín” tương tự sau tai nạn ôtô tại Phoenix (bang Arizona, Mỹ).

May mắn là lực lượng cứu hộ đã thực hiện tốt các chăm sóc ban đầu trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện. Rachel được phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt suốt một tháng ở bệnh viện. Cô gái mất thêm một khoảng thời gian sau đó để học nói và tập đi trở lại.

Nay với trường hợp nối đầu thành công cho cậu bé Jackson, giới y học lại bàn tán về trường hợp “thay đầu” cho bệnh nhân Valery Spiridonov, người Nga, vào năm sau. Anh Valery Spiridonov, 30 tuổi, đã tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép đầu với phần cơ thể được lấy từ một người hiến tặng đã bị chết não. Valery mắc chứng rối loạn teo cơ di truyền (hay còn gọi là Werdnig-Hoffmann) và căn bệnh ngày càng diễn biến xấu đi theo thời gian.

Anh quyết định sẽ thử làm người đầu tiên được ghép đầu dù ca phẫu thuật này vẫn gây những tranh luận sôi nổi về khả năng thành công của nó.

Cậu bé Jackson đã hồi phục
Cậu bé Jackson đã hồi phục
Cậu bé Jackson tập đi và đá được bóng với sự hỗ trợ của cha - Ảnh chụp lại từ màn hình
Cậu bé Jackson tập đi và đá được bóng với sự hỗ trợ của cha – Ảnh chụp lại từ màn hình
TÚ ANH