Khói Indonesia vô miền Nam, bụi độc Trung Quốc vào miền Bắc
Một nghiên cứu vừa công bố cũng cho thấy ô nhiễm không khí từ Trung Quốc đang tràn sang VN.
Khói Indonesia vô miền Nam, bụi độc Trung Quốc vào miền Bắc
Một nghiên cứu vừa công bố cũng cho thấy ô nhiễm không khí từ Trung Quốc đang tràn sang VN.
Từ đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận nhìn về hướng trung tâm TP.HCM mờ mịt bởi sương mù khô bao phủ (ảnh chụp lúc 8g30 ngày 7-10) – Ảnh: Quang Khải |
Liên tục những ngày qua, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận “sương mù” xuất hiện trên diện rộng, nguyên nhân được xác định là do cháy rừng ở Indonesia. Trong khi đó, một nghiên cứu vừa công bố cũng cho thấy ô nhiễm không khí từ Trung Quốc đang tràn sang VN.
Ngày 7-10, ghi nhận tại nhiều khu vực ở TP.HCM từ đầu giờ sáng bầu trời bị bao trùm bởi một màn sương trắng đục, tầm nhìn bị hạn chế. Đứng từ công viên cảng Bạch Đằng nhìn về hướng các toà nhà cao tầng ở quận 2, quận 7 cách 800 – 1.200m chỉ thấy lờ mờ. Càng sâu vào trung tâm TP, mật độ sương mù càng dày đặc hơn.
Lan rộng từ biển vào
Theo ông Đặng Văn Dũng – phó giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, sương mù trên là dạng sương mù khô (mù khô) – một dạng khói bụi tồn tại trong lớp không khí gần mặt đất do các hoạt động ở đô thị tạo ra. Mù khô thường xuất hiện sau những ngày ít mưa, lặng gió (thường từ thời điểm tháng 10 đến tháng giêng năm sau – PV). “Riêng tình trạng xuất hiện sương mù khô ở TP.HCM và nhiều nơi khác mấy ngày qua có nguyên nhân rất lớn từ khói bụi do cháy rừng xảy ra tại Indonesia trước đó” – ông Dũng khẳng định.
Chứng minh lập luận này, ông Dũng cho biết trạm quan trắc ở Côn Đảo ngày 4-10 đã quan sát được hiện tượng sương mù khô dày đặc trên biển, tầm nhìn trên 1.000m bị hạn chế. Đến ngày 5-10, sương mù khô lan rộng ra Cần Thơ, Kiên Giang, TP.HCM…
Ông Dũng lý giải thêm: những đám khói bụi do cháy rừng được dải hội tụ gió hút lên trên cao và theo các trường gió này khuếch tán ra những nơi khác xa hơn.
Thực tế đã ghi nhận khói bụi do cháy rừng ở Indonesia đang làm ảnh hưởng đến các nước khác như Singapore, Malaysia. Trong quá khứ, VN cũng từng hứng chịu khói bụi từ những vụ cháy rừng, hoạt động núi lửa từ Indonesia.
Gây bệnh hô hấp
Về sự hiện diện mù khô trong những ngày tới, ông Dũng cho rằng còn phụ thuộc vào tiến độ khắc phục tình trạng cháy rừng ở Indonesia nhưng mật độ sẽ giảm dần, đặc biệt sau những cơn mưa, lớp khói bụi sẽ bị “dìm” bớt.
Do mù khô ở TP.HCM là một dạng khói bụi do cháy rừng và các hoạt động xả thải tại đô thị chứa chất gây ô nhiễm nên ngoài việc hạn chế tầm nhìn, theo ông Dũng, cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt là hệ hô hấp. Vì vậy ông Dũng khuyến nghị người dân ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải khói bụi này.
TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường TP.HCM, cho biết hiện tượng “mù khô” này chính là những hơi khói độc bay trong không khí. Những hơi khói độc này sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, có thể gây bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, hen suyễn…
Với những người đã có bệnh nền như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, khi hít phải những hơi khói độc này thì dễ bị khởi phát bệnh. BS Huỳnh Tấn Tiến khuyên trong thời gian có hiện tượng “mù khô”, khi ra đường nên đeo khẩu trang. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần nên đến các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị.
Ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện than từ Trung Quốc Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu vừa báo cáo Bộ Tài nguyên – môi trường kết quả nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc VN, trong đó khẳng định vào mùa đông, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến VN có thể tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO. Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thông qua sử dụng phương pháp quan trắc thực địa chất lượng không khí, phân tích ảnh viễn thám và ứng dụng mô hình toán cho thấy ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc VN là hiện hữu. “Vào mùa đông có sự lan truyền ô nhiễm không khí khá lớn từ Trung Quốc tới miền Bắc VN. Sự di chuyển này sang VN chủ yếu đi theo hướng đông bắc, hướng có sự hoạt động mạnh mẽ của gió mùa đông bắc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vào mùa đông, 40 – 50% nồng độ các chất ô nhiễm ở miền Bắc VN có nguồn gốc ngoài lãnh thổ từ phía bắc và phía đông bắc nước ta” – kết quả nghiên cứu nêu rõ. Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, vào mùa hè VN ít bị ảnh hưởng của gió mùa đông bắc hơn, thay vào đó là gió mùa tây nam và đông nam đóng vai trò chủ đạo nên mức độ ảnh hưởng từ việc lan truyền xuyên biên giới giữa VN và Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại VN có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ chiếm 4% đối với SO2, 2% với CO và 1,5% đối với NO2. Theo PGS.TS Dương Hồng Sơn – phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, kết quả trên của đề tài mới tập trung đánh giá chất SO2 trong không khí, bởi phía nam Trung Quốc tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than. Cũng theo ông Sơn, qua nghiên cứu cho thấy VN còn hứng chịu cả những chất hữu cơ khó phân huỷ với hàm lượng không thua kém SO2. Bước đầu, các nhà khoa học xác định nồng độ SO2 cao là yếu tố gây ra mưa axit, mà mưa axit rất gây hại cho mùa màng, sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Sơn, sau kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học tiếp tục đề nghị cần có những nghiên cứu đầy đủ hơn về ô nhiễm xuyên biên giới để có cái nhìn khách quan và đề xuất các giải pháp vĩ mô. |
Phát triển rừng để hấp thụ bớt chất ô nhiễm Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Đức Ngữ, giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn – môi trường, cho rằng để ngăn chặn tình trạng này cần xúc tiến ký kết các hiệp định, hiệp ước song phương và đa phương về kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới để có cơ sở thực hiện việc cùng kiểm soát và trao đổi số liệu. “Giải pháp hiệu quả thì cần phải nghiên cứu, nhưng tôi nghĩ có thể ứng phó bằng cách phát triển hệ thống rừng phòng hộ để ngăn chặn và hấp thụ bớt các nguồn, chất ô nhiễm trong không khí khi được thời tiết đưa qua VN” – ông Ngữ nói. |