10/01/2025

Đối mặt thần chết: Vượt qua cú sốc

12 giờ, trong khi bụng đói nhưng phải thay tã lót, đổ bô cho bệnh nhân AIDS bị liệt, điều dưỡng trẻ Lê Văn Thái bỗng ngẫu hứng… làm thơ về công việc của mình và đồng nghiệp.

 

Đối mặt thần chết: Vượt qua cú sốc

 

 

12 giờ, trong khi bụng đói nhưng phải thay tã lót, đổ bô cho bệnh nhân AIDS bị liệt, điều dưỡng trẻ Lê Văn Thái bỗng ngẫu hứng… làm thơ về công việc của mình và đồng nghiệp.




Nhân viên y tế ân cần chăm sóc bệnh nhân - Ảnh: Như LamNhân viên y tế ân cần chăm sóc bệnh nhân – Ảnh: Như Lam
“Không phải ai cũng dám làm”
Tại Bệnh viện Nhân Ái, nhân viên y tế không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn tư vấn, chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Điều dưỡng Lê Văn Thái (23 tuổi, quê Thanh Hoá) cho hay anh và các đồng nghiệp hằng ngày kiêm luôn việc tắm rửa, thay áo quần hoặc tã lót, có khi dọn phân cho bệnh nhân AIDS.
Thái thổ lộ: “Khi phục vụ bệnh nhân, đôi lúc tôi chạnh lòng nghĩ đến ba mẹ mình ở ngoài quê mà mình chưa báo hiếu, không lo được chu đáo như vậy. Công việc này vừa nhắc nhở tôi bổn phận làm con, vừa cho tôi những trải nghiệm để biết cách chăm sóc người bệnh tốt hơn”.
 
 
Đối mặt thần chết: Vượt qua cú sốc - ảnh 2

Khi tôi giới thiệu mình tham gia điều trị cho bệnh nhân HIV, người ta có thái độ khác đi. Thậm chí có người khuyên tôi hãy nói mình làm công nhân chẻ hạt điều chứ đừng tiết lộ làm ở Bệnh viện Nhân Ái. Ngay chính nhân viên y tế ở nhiều nơi khác cũng kỳ thị chúng tôi

Đối mặt thần chết: Vượt qua cú sốc - ảnh 3
 

 

Điều dưỡng Trương Thị Thao

 

Một buổi trưa, trong khi bụng đói cồn cào mà phải làm cho xong việc thay tã lót, đổ bô cho bệnh nhân AIDS bị liệt, Lê Văn Thái “tức cảnh sinh tình” làm bài thơ Thầm lặng. Với lời phân trần: “Thơ em không hay nhưng thật lắm”, Thái ngượng ngùng đọc cho chúng tôi nghe: “Trước cảnh đời nghiệt ngã/Bao con người lầm than/Tranh đua và đấu đá/Ăn chơi rồi nghiện ngập/Quên mất luôn tình người/Ở một nơi rất xa/Cách thành phố 200 cây/Cuộc sống không hối hả/Cuộc sống tuy vất vả/Cuộc sống nhiều cao cả/Tình yêu thương cao thượng/Của những người điều dưỡng/Chăm sóc bệnh nhân HIV, AIDS/Dọn phân là một việc/Không phải ai cũng dám làm/Còn tôi làm thường xuyên/Chẳng than và chẳng phiền/Những ngày đầu dọn phân/Cảm thấy rất là ghê/Làm riết lại thấy mê…”.

Cũng như anh Thái và nhiều đồng nghiệp ở bệnh viện này, điều dưỡng Trương Thị Thao (25 tuổi, quê Quảng Trị) từng vượt qua cú sốc bị phơi nhiễm HIV khi đang truyền dịch cho bệnh nhân. Lúc ấy, chị vào làm mới được 1 năm nên khi xảy ra sự cố chị rất bấn loạn, bật khóc nức nở rồi gọi điện nói cho bạn trai biết để cùng đi xét nghiệm tại một bệnh viện ở TP.HCM.
Trên quãng đường 200 km, chị Thao khóc suốt và người bạn cũng khóc theo. “Trong đầu tôi khi đó cứ luẩn quẩn ý nghĩ rằng nếu kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, tôi sẽ không bao giờ dám lập gia đình vì sợ lây nhiễm cho chồng con. Thay vào đó, tôi sẽ ở luôn trong Bệnh viện Nhân Ái để suốt đời chăm sóc cho bệnh nhân AIDS”. Sau sự cố trên, chị Thao thẳng thắn nhìn nhận: “Cũng có đôi lúc do chúng tôi chủ quan, sơ suất trong công việc. Bản thân tôi tự dặn mình cần phải cẩn thận hơn nữa”.
Chị Thao cho hay thời gian đầu vào làm việc, chị sợ hãi khi nhìn những bệnh nhân xăm trổ khắp người. Thêm vào đó, có những bệnh nhân nằng nặc đòi ra ngoài xã hội để sử dụng lại ma túy hoặc bị bứt rứt khi uống thuốc nên tỏ ra bất hợp tác, chống đối…
Chị Thao chia sẻ: “Đến lúc sắp tử vong, họ khóc và cảm ơn chúng tôi đã kề cận chăm sóc họ trong quãng đời cuối cùng. Họ còn nói “xin lỗi các thầy cô, thời gian qua tôi đã quậy quá làm ảnh hưởng đến mọi người”… Những tình cảm của người bệnh giúp chúng tôi có thêm động lực làm việc”.
Vì một chữ “duyên”
Trước câu hỏi: “Vì sao gắn bó nơi này?”, chị Nguyễn Thị Thương (29 tuổi, quê Hưng Yên, khoa nội tổng hợp, từng bị phơi nhiễm vào năm 2008) nói một câu ngắn gọn: “Vì một chữ thôi: duyên!”. Chị Thương giải thích, cũng vì cái duyên với nghề y mà sau mấy bận thử sức đi làm công nhân may mặc, rốt cuộc chị cũng trở về làm điều dưỡng. “Mình rất thích không gian yên tĩnh ở đây. Theo mình, làm ở đâu cũng vậy, có người này người kia. Tuy có những bệnh nhân coi tụi mình chẳng ra gì, nhưng không phải vì thế mà mình bỏ nghề”, chị Thương bày tỏ.
Với anh Lê Văn Hảo (quê Thanh Hoá, hiện là điều dưỡng trưởng khoa nội tổng hợp), chữ “duyên” còn mang nghĩa là “tình yêu”. Anh Hảo hồi tưởng: Năm 2004, anh làm ở Trung tâm cai nghiện Trọng Điểm. Sau đó, trung tâm này chuyển đổi trở thành Bệnh viện Nhân Ái, thế nên công việc của anh cũng thay đổi theo. “Làm trong môi trường toàn HIV, tôi sợ quá định bỏ đi. Ba mẹ tôi ở ngoài quê cũng đã tìm việc sẵn, chờ tôi về làm. Nhưng ngay lúc ấy bệnh viện đón khóa nhân viên mới, trong đó có… vợ tôi bây giờ. Và tôi đã ở lại theo tiếng gọi con tim!”, anh Hảo kể.
Điều dưỡng Trương Thị Thao cho biết chị từng phân vân đứng trước hai lựa chọn nghề nghiệp: một là “đầu quân” về Bệnh viện Nhân Ái; hai là làm cho một bệnh viện huyện ở Bình Phước. Và chị đã chọn con đường thứ nhất với lý do: “Tôi muốn góp sức trẻ vào công việc đầy thử thách là chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân AIDS, dù biết rằng có thể gặp nhiều rủi ro”.
Mặc dù rất yêu nghề nhưng nhiều nhân viên ở đây chạnh lòng bởi một nghịch lý dai dẳng: Đó là tình trạng phân biệt, đối xử của cộng đồng khi biết họ làm việc trong “trại AIDS”. Chị Thao xác nhận: “Khi tôi giới thiệu mình tham gia điều trị cho bệnh nhân HIV, người ta có thái độ khác đi. Thậm chí có người khuyên tôi hãy nói mình làm công nhân chẻ hạt điều chứ đừng tiết lộ làm ở Bệnh viện Nhân Ái. Ngay chính nhân viên y tế ở nhiều nơi khác cũng kỳ thị chúng tôi”.
Dẫu vậy, tình thương của y bác sĩ ở đây đối với bệnh nhân AIDS là không thể nào đong đếm được. Có những bệnh nhân trong những ngày cuối đời ao ước được ăn món này món kia, các nhân viên đã trích tiền quỹ của khoa hoặc thậm chí bỏ tiền túi của mình mua về đáp ứng ngay.
Hướng ánh mắt lo âu về phía một bệnh nhân đang yếu dần, một điều dưỡng tâm sự: “Khi bệnh nhân sắp mất, ấy là khi họ khao khát được thấy lại người thân nhất. Họ cứ níu tay chúng tôi bảo: Cô đừng đi. Những bạn em ở ngoài cửa đang kêu kéo em đi. Tôi nghĩ là họ đang sợ hãi nên đã nắm tay họ thật chặt và cố liên lạc với người nhà để giúp họ hoàn thành tâm nguyện cuối cùng”. Tuy nhiên, những nhân viên y tế ở đây không ít lần cảm thấy hụt hẫng khi nhận được những câu trả lời lạnh tanh từ người nhà bệnh nhân: “Tôi chẳng quen biết gì người đó”.

Phóng sự của Như Lịch – Lam Ngọc