29/11/2024

Đối mặt thần chết

Ở một bệnh viện cách TP.HCM khoảng 200 km, có hàng chục nhân viên y tế tuổi đời còn rất trẻ bị phơi nhiễm HIV khi ngày ngày chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS.

 

Đối mặt thần chết

 

Ở một bệnh viện cách TP.HCM khoảng 200 km, có hàng chục nhân viên y tế tuổi đời còn rất trẻ bị phơi nhiễm HIV khi ngày ngày chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS.



Y tá, điều dưỡng trẻ chăm sóc cho bệnh nhân AIDS - Ảnh: Lam NhưY tá, điều dưỡng trẻ chăm sóc cho bệnh nhân AIDS – Ảnh: Lam Như
Đó là Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) đóng tại xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nơi đây đang điều trị miễn phí cho gần 300 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Rủi ro rình rập
Điều dưỡng Lê Anh Tuấn (34 tuổi, quê Hà Nam) là một trong số những người từng hai lần bị phơi nhiễm HIV ở Bệnh viện Nhân Ái. Lần mới nhất xảy ra vào đầu năm 2015, khi can ngăn bệnh nhân đánh nhau thì máu bệnh nhân dính vào vết thương cũ của anh. Lần trước đó, trong lúc đang truyền dịch và bị bệnh nhân vùng vẫy gạt ra, anh đã bị kim tiêm đâm trúng. Sau quá trình điều trị dự phòng lây nhiễm, anh Tuấn mừng rỡ trước các kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi gặp điều dưỡng Lê Văn Thái (23 tuổi, quê Thanh Hóa) khi anh vừa mới giao ca sau buổi trực đêm ở khoa săn sóc đặc biệt. Gương mặt chàng trai này vẫn còn xanh xao. Thái cho biết anh bị sụt mất 2 kg sau đợt uống thuốc phòng chống lây nhiễm HIV. Tai nạn nghề nghiệp đến với anh cách đây hơn 1 tháng. Anh Thái kể: “Lúc đó tôi đang truyền dịch cho một bệnh nhân. Đồng nghiệp tôi thì đang thông tiểu cho bệnh nhân khác. Anh ấy kêu tôi phụ giúp giữ chân người bệnh để đặt ống thông tiểu. Tôi bị dịch âm đạo, nước tiểu bắn vào mắt”.
Giống như nhiều trường hợp phổ biến tại Bệnh viện Nhân Ái, chị Nguyễn Thị Thương (điều dưỡng, 29 tuổi, quê Hưng Yên) cũng bị kim tiêm có dính máu đâm vào tay trong khi đang truyền dịch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khác với nhiều đồng nghiệp, chị Thương có phần bình tĩnh hơn. Chị báo ngay với lãnh đạo để có hướng dẫn xử trí kịp thời. Chị Thương giải thích: “Khi vào đây làm, tôi đã xác định môi trường này rủi ro cao, có nhiều nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nên giữ tinh thần tương đối ổn định”. Có điều, cho đến bây giờ chị Thương vẫn giấu gia đình về tai nạn nghề nghiệp nói trên vì sợ người thân lo lắng.
Gặp ác mộng, phải bỏ thai…
Anh Lê Văn Hảo (33 tuổi, hiện là điều dưỡng trưởng khoa nội tổng hợp) cũng từng bị phơi nhiễm HIV. Anh Hảo cho hay, lúc còn làm ở khoa lao, có lần anh rửa vết thương là ổ nhiễm trùng tái đi tái lại của bệnh nhân và bị dịch bắn vào mắt. “Lúc xảy ra sự việc, tôi rất hoang mang. Trưa hôm đó, tôi không ăn cơm nổi. Khi uống thuốc kháng vi rút HIV, tôi bị vật ghê lắm, trong người cứ bứt rứt, như đi trên mây vì bị ảo giác… May mà kết quả âm tính sau cả 3 lần xét nghiệm”, anh Hảo thở phào.
Trong khi đó, vào năm 2014, lúc đang lấy ống máu bệnh nhân AIDS ra khỏi máy xét nghiệm sinh hóa, chị Hồ Chúc Phương (kỹ thuật viên, 31 tuổi, quê Trà Vinh) đã bị huyết thanh bắn vào mắt.
“Trong thời kỳ phơi nhiễm, do tác dụng phụ của thuốc cộng với tâm lý nặng nề, tôi mất ăn mất ngủ và hay gặp ác mộng, trong đêm cứ bật dậy khóc – cười. Tôi giấu tất cả người thân của mình, ngoại trừ ông xã tôi. Đến khi có kết quả chắc chắn không bị nhiễm HIV, tôi mới báo cho gia đình biết”, chị Chúc Phương bộc bạch.
Có điều, việc đối diện và vượt qua cảm xúc hồi hộp, lo lắng tột độ trong những lần đi xét nghiệm HIV quả không hề đơn giản. Chị Chúc Phương thật thà nói: “Lần nào cầm giấy xét nghiệm tôi cũng rất run. Phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ sau tôi mới dám mở phong bì ra coi kết quả”. Được biết, vợ chồng chị Phương dự định có con trong năm rồi. Nhưng với sự cố trên, anh chị đành phải hoãn lại một thời gian.
Trở lại Bệnh viện Nhân Ái lần này, chúng tôi không còn gặp lại điều dưỡng Ngọc Sao (33 tuổi). Chị Nguyễn Thư Tình, tổ trưởng tổ công tác xã hội cho hay: Dù vẫn rất yêu nghề nhưng do hoàn cảnh gia đình, gần đây điều dưỡng Ngọc Sao đã phải nghỉ làm. Thế nhưng, chúng tôi vẫn còn ám ảnh câu chuyện đau lòng xảy ra với chị Sao. Đó là vào năm 2009, chị bị phơi nhiễm HIV trong lúc truyền dịch cho người bệnh. Trải qua giai đoạn điều trị dự phòng lây nhiễm, tuy kết quả xét nghiệm sau cùng âm tính với HIV, nhưng do sợ thuốc chống phơi nhiễm có ảnh hưởng tới thai nhi nên chị Sao đành đứt ruột bỏ bào thai đứa con đầu lòng của mình…
Đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn nhớ những lời nói nhẹ nhàng, vị tha của điều dưỡng Ngọc Sao khi bị phơi nhiễm HIV: “Sau khi vùng vằng khiến cho tôi bị kim đâm, bệnh nhân cũng tỏ ra hối hận lắm. Tôi nghĩ họ không cố ý, chỉ vì bệnh tật nên bức bối thôi”.
Và đó cũng là suy nghĩ giản dị của những nhân viên hết lòng vì người bệnh ở chốn xa xôi hẻo lánh này. (Còn tiếp)
Đã có 25 nhân viên bị phơi nhiễm HIV
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, cho biết: Từ năm 2008 đến nay, trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đã có 25 nhân viên của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV. Trong đó có một số người bị phơi nhiễm HIV 2 lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Long, các nhân viên biết rõ họ đang điều trị cho bệnh nhân AIDS nên thường xuyên đeo găng tay, đeo khẩu trang, kính bảo hộ, áo choàng mổ… Tuy nhiên, cũng có những sơ sót nhất định trong quá trình điều trị. Chẳng hạn, có những trường hợp chủ quan khi chích thuốc cho những bệnh nhân AIDS vốn tiêm chích ma tuý lâu ngày, nên việc lấy mạch máu của họ rất khó do nhiều ven đã bị chai. Khi ấy, bệnh nhân giãy giụa không hợp tác khiến kim đâm vào người…
Cũng theo bác sĩ Long, sau khi bị phơi nhiễm, các nhân viên nhanh chóng được sơ cứu, rửa vết thương, uống thuốc chống phơi nhiễm ngay trong những giờ đầu (càng sớm càng tốt) và duy trì uống thuốc trong 1 tháng. Sau đó sẽ tiến hành các xét nghiệm HIV sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng… Bên cạnh đó, bệnh viện cho các nhân viên bị phơi nhiễm được nghỉ làm trong 1 tháng và cử nhân viên tư vấn động viên tinh thần. Mỗi năm, bệnh viện tổ chức tập huấn ít nhất 2 lần về các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
“Chưa có người nào trong bệnh viện này bị nhiễm HIV và chưa có người nào xin thôi việc vì liên quan đến lý do bị phơi nhiễm HIV”, bác sĩ Thành Long quả quyết.

 

Phóng sự của Như Lịch – Lam Ngọc