54/110 tuyến sông rạch bị lấn chiếm: Ngập nặng!
Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM vừa chính thức có báo cáo cho biết trong số 110 tuyến sông rạch thoát nước do đơn vị quản lý có đến 54 tuyến bị san lấp, lấn chiếm.
54/110 tuyến sông rạch bị lấn chiếm: Ngập nặng!
Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM vừa chính thức có báo cáo cho biết trong số 110 tuyến sông rạch thoát nước do đơn vị quản lý có đến 54 tuyến bị san lấp, lấn chiếm.
Rạch Cầu Cụt vừa bị lấn chiếm, vừa bị ô nhiễm nghiêm trọng với dòng nước đen ngòm – Ảnh: Thành Tùng |
Đây là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tình trạng ngập ở TP.HCM trầm trọng thêm.
Rạch bị lấn chiếm
Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết trong số 54 tuyến sông rạch bị chiếm thì rạch Cầu Cụt (Q.Gò Vấp) là một điển hình.
Theo quan sát, hiện trạng lòng rạch Cầu Cụt bị thu hẹp bởi những căn nhà xây dựng sát mép, phá vỡ bờ bao.
Bà Lê Thị Tửu (70 tuổi) – tổ trưởng tổ 1, khu phố 1 (P.14, Q.Gò Vấp), sống gần rạch Cầu Cụt – cho biết: “Có chừng 5 – 6 nhà xây lấn rạch từ những năm 2000. Tôi ở đây mấy chục năm, ngày xưa khu này là ruộng rau muống mênh mông. Không có nhà cửa san sát như thế này”.
Trong ký ức bà Tửu, hình ảnh con rạch sạch không còn, nhường chỗ cho một con rạch bốc mùi khó chịu từ dòng nước đen kịt.
“Hôm nào trời mưa to, cộng với triều cường, nước lên ngấp nghé đường, lội bì bõm. Năm ngoái trận mưa lớn, nước dâng ngập không thấy đường, có người đi xe máy lao xuống rạch luôn” – bà Tửu kể.
Bà nói thêm trước kia hai bên bờ con rạch này có hàng rào dây thép bao quanh để ngăn lấn chiếm, nhưng bị… ve chai lấy hết, hiện chỉ dùng tạm dây thừng để phòng khi nước dâng lên thì người dân biết đường để tránh khỏi rơi xuống rạch.
Trong khi đó, đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) cũng thường xuyên ngập sau mỗi trận mưa vì rạch Bà Bướm là tuyến thoát nước chính cho tuyến đường này bị lấn chiếm.
Nghiêm trọng nhất là rạch Bà Tiếng bị lấn chiếm nặng, khiến đường Kinh Dương Vương trở thành một trong những “điểm đen” ngập nước của quận Bình Tân.
Tại rạch Bà Tiếng, từ đầu hẻm Sinco (đường Kinh Dương Vương) kéo dài xuống vài trăm mét, phía bên bờ rạch thuộc phường Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân) “tua tủa” nhà lấn rạch xây dựng không theo một trật tự nào, tạo nên sự lồi lõm, trồi sụt.
Rất nhiều hộ dân còn xây dựng cầu bằng bêtông bắc từ bên này qua bờ bên kia, nhiều chiếc cầu nằm là là sát mặt rạch, gây khó khăn trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy.
Bà V. (chủ căn nhà 574/16/17, hẻm Sinco, đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) bức xúc cho biết: “Dân mạnh ai nấy lấn, xây nhà, làm cầu. Chúng tôi có ý kiến rồi cũng vậy”.
Trong số 54 tuyến sông rạch bị san lấp, lấn chiếm thì Q.Bình Thạnh có 8 sông rạch, điển hình là rạch Văn Thánh, rạch Cầu Bông. Đây là nguyên nhân làm hạn chế khả năng thoát nước, gây ra tình trạng ngập nước trên địa bàn quận Bình Thạnh, dù đã đầu tư rất nhiều công trình chống ngập như: trạm kiểm soát triều Bình Triệu, Rạch Lăng, trạm kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Bỏ ra bao nhiêu tiền làm cống thoát nước nhưng kênh rạch bị bít hết thì nước không thể thoát được, chừng nào chưa giải quyết được tình trạng lấn chiếm rạch thì tình trạng ngập nước vẫn còn tiếp diễn |
Nhận định của một cán bộ Sở Tài chính TP trong một cuộc họp giải quyết chống ngập. |
Dân lấp rạch, công ty cũng lấp
Không chỉ có hộ dân lấn chiếm mà còn có các doanh nghiệp san lấp lấn chiếm sông rạch. Cụ thể là trên địa bàn quận Gò Vấp, Công ty TNHH thương mại Song Kim đóng cừ tràm lấn chiếm lòng rạch Cầu Cụt.
Còn tại huyện Nhà Bè có 4 tuyến sông rạch bị lấn chiếm, trong đó Công ty Petrolimex Sài Gòn san lấp mặt bằng, đặt cống thoát nước và làm hàng rào bảo vệ.
Dù tình trạng lấn chiếm sông rạch diễn ra khá phổ biến nhưng trong suốt năm năm qua chưa có vụ nào bị buộc phải giải tỏa, trả lại hiện trạng.
Chẳng hạn vụ lấn chiếm sông rạch xảy ra ở Cầu Cụt được ghi nhận từ tháng 9-2014, mãi đến tháng 3-2015 UBND quận Gò Vấp mới có văn bản mời các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tương tự, vụ Công ty Petrolimex Sài Gòn lấn chiếm rạch Nò ở huyện Nhà Bè, từ tháng 12-2014 các đơn vị liên quan đã kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nhưng đến nay cũng chưa có gì tiến triển.
Tắc nghẽn dòng chảy
Nhiều nhà dân xây dựng lấn chiếm rạch Cầu Bông, Q.Bình Thạnh TP.HCM làm thu hẹp lòng rạch và hạn chế khả năng thoát nước của tuyến rạch (ảnh chụp trưa 5-10 – Quang Định) |
Theo TS Lê Huy Bá – nguyên viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), những điểm sông rạch bị lấn chiếm sẽ trở thành những điểm nghẽn.
Nước không thoát được hoặc thoát rất chậm, khiến những khu vực phía trên của các dòng chảy này ngập nhanh hơn, ngập rộng hơn, nước rút chậm hơn, thời gian ngập kéo dài… làm ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến đời sống của người dân.
Dễ thấy nhất là khu vực quận Bình Thạnh. Dù TP đã làm được tuyến kênh lớn là Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều rạch bị lấn chiếm đến độ không còn chức năng lưu thông nước, như rạch Văn Thánh, rạch Cầu Sơn…
Chính điều này khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Bạch Đằng và các khu xung quanh ngập ngày một nặng và sâu.
Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cũng khẳng định rạch Cầu Cụt là rạch thoát nước chính cho nhiều khu vực dân cư trên các đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm…
Do rạch này bị nhà cửa người dân san lấp, lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy khiến nhiều tuyến đường ở khu vực này bị ngập nước.
Rạch Bà Bướm (Q.7) là tuyến rạch thoát nước cho khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, còn rạch Nò (huyện Nhà Bè) là tuyến rạch thoát nước cho đường Huỳnh Tấn Phát, cả hai rạch đều bị san lấp lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, nên khi mưa to đường Huỳnh Tấn Phát bị ngập nước có chỗ cao đến 40 – 50cm.
Rạch Bà Tiếng (Q.Bình Tân) là tuyến rạch chính thoát nước cho khu vực đường Kinh Dương Vương, khi bị lấn chiếm, nhiều khu dân cư dọc hai bên đường tuyến rạch này bị ngập nước nặng nề.
Riêng rạch Ông Búp (Q.Bình Tân) bị san lấp làm các tuyến đường Ấp Chiến Lược, Đất Mới, Bình Trị Đông thì trở thành tác nhân gây ngập ở nhiều nơi…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tấn Long – trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP – cho biết ngoài việc đầu tư cống thoát nước chưa đầy đủ (mới chỉ đáp ứng hơn 50%), việc san lấp, lấn chiếm kênh rạch là một trong những nguyên nhân gây ngập úng trên địa bàn TP.
Nếu giải quyết dứt điểm các điểm lấn chiếm, san lấp kênh rạch sẽ góp phần đáng kể cho công tác chống ngập.
“Thời gian qua, trước những vụ việc lấn chiếm, san lấp sông rạch chúng tôi đều có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND các quận huyện để xử lý theo quy định. Nhưng phải nhìn nhận việc giải quyết của nhiều quận huyện còn chậm” – ông Đỗ Tấn Long nhận định.
Một lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết bên cạnh nạn lấn chiếm sông rạch, điều đáng nói là nhiều sông rạch TP chưa được đầu tư nạo vét khơi thông dòng chảy.
Trong những năm gần đây TP có cố gắng tập trung huy động nhiều nguồn lực nhưng chỉ mới nạo vét được 80,7km trong tổng số 5.075km chiều dài sông, kênh, rạch.