08/01/2025

ĐTC: Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu khiêm nhường

Sáng ngày 3-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ với các Hiến binh Vatican (La Gendarmeria Vaticana ) nhân ngày bổn mạng của họ. Nội dung chính trong bài giảng mà Đức Thánh Cha nhắm tới là sự khiêm nhường. Khiêm nhường chính là nhân đức thiết yếu, cùng với ơn Chúa, giúp chúng ta chống trả lại mưu chước cám dỗ của ma quỷ: sở hữu tiền của dẫn đến tham lam; kiêu căng, tự phụ; và quyền lực.

ĐTC: Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu khiêm nhường
 

ĐTC giảng trong Thánh lễ Bổn mạng Hiến binh Vatican – OSS_ROM

Sáng ngày 3-10-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ với các Hiến binh Vatican (La Gendarmeria Vaticana ) nhân ngày bổn mạng của họ. Nội dung chính trong bài giảng mà Đức Thánh Cha nhắm tới là sự khiêm nhường. Khiêm nhường chính là nhân đức thiết yếu, cùng với ơn Chúa, giúp chúng ta chống trả lại mưu chước cám dỗ của ma quỷ: sở hữu tiền của dẫn đến tham lam; kiêu căng, tự phụ; và quyền lực.

Luôn có một cuộc chiến

Đức Thánh Cha nói, Bài đọc I trích sách Khải Huyền bắt đầu với một câu rất mạnh mẽ: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời.”  Cuộc chiến này như thể là cuộc chiến cuối cùng, một cuộc chiến sau hết. Đây là cuộc chiến giữa các thiên thần của Thiên Chúa, do Tổng Lãnh Thiên Thần Micae chỉ huy, với Satan, Con Rắn xưa, cũng là ma quỷ. Đây là trận chiến cuối cùng và ở đó tất cả sẽ kết thúc, chỉ còn lại sự an bình vĩnh cửu của Thiên Chúa cùng tất cả con cái của Ngài, là những người đã giữ vững niềm tin của mình. Nhưng thật ra cuộc chiến này xảy ra mỗi ngày: xảy ra trong con tim nhân loại, xảy ra nơi con tim của những người Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu. Có một cuộc chiến giữa tốt và xấu nơi đó chúng ta phải chọn lựa điều mà chúng ta muốn: tốt hay xấu, thiện hay ác.

Mưu kế của ma quỷ là gài đặt những cạm bẫy

Trong lời nguyện mở đầu phần Nhập lễ, chúng ta xin ơn được Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ khỏi những “cạm bẫy” của ma quỷ. Ma quỷ là kẻ chuyên gieo rắc những cạm bẫy nên từ đôi tay của hắn chẳng thể nào rớt ra được một hạt giống của sự sống, một hạt giống của sự hiệp nhất, nhưng luôn luôn là cạm bẫy nguy hiểm rình rập. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy này.

Ba bước trong mưu kế của ma quỷ

Ngoài việc đặt ra những cạm bẫy, ma quỷ con có một cách thế khác: quyến rũ và mê hoặc. Satan là một tên chuyên mê hoặc, một tên rắc gieo cảm bẫy. Chúng ta đã được nghe nhắc đến điều này trong Bài đọc I. Hắn mê hoặc với những cái đẹp quyến rũ của ma quỷ khiến chúng ta tin tất cả những điều giả dối. Hắn biết cách để rao bán cái vẻ đẹp quyến rũ này một cách rất tốt, nhưng cuối cùng cái giá mà chúng ta phải trả lại vô cùng đau đớn. Đấy là cách thức của hắn. Trong Tin Mừng, lần đầu tiên ma quỷ xuất hiện là trong cuộc đối thoại với Đức Giêsu. Đức Giêsu ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày trong sa mạc. Cuối cùng, Ngài cảm thấy đói và mệt. Khi ấy, Satan đã đến. Hắn di chuyển nhanh nhẹn như một con rắn và đưa ra 3 đề nghị: “Nếu ông là Thiên Chúa hay là Con Thiên Chúa, ở đó có vài cục đá, và ông đang đói; ông hãy biến những cục đá ấy thành bánh đi; nếu ông là Con Thiên Chúa, sao phải cực nhọc như vậy? Hãy đi với tôi đến nóc đền thờ và gieo mình xuống. Dân chúng sẽ được mục kích phép lạ tỏ tường đó và, chẳng cần nỗ lực gì thêm, ông sẽ được tin nhận là Con Thiên Chúa.” Không thắng được Đức Giêsu, ma quỷ tiến tới bước thứ ba: “Tôi sẽ cho ông tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Chúng ta hãy ngồi làm một cuộc đàm phán, thương lượng.”

Như vậy, có 3 bước trong mưu kế của Con Rắn xưa hay còn gọi là ma quỷ. Trước hết, phải có một cái gì đó, trong trường hợp này là bánh hay của cải, giàu có. Nhưng giàu có nhanh chóng dẫn con người đến sự tham lam, huỷ diệt. Đây không phải chuyện cổ tích nhưng xảy ra mọi nơi. Ở đâu cũng có tham lam, huỷ diệt: chỉ vì tiền mà rất nhiều người đã sẵn sàng bán rẻ linh hồn mình, bán đi cuộc sống, hạnh phúc, bán đi tất cả. Như vậy, bước thứ nhất: tiền bạc, giàu sang, của cải. Khi đã có những thứ đó rồi, chúng ta cảm thấy mình quan trọng. Và bước thứ hai bắt đầu: kiêu căng, tự phụ. Ma quỷ đã nói với Chúa Giêsu: “Chúng ta đi lên nóc đền thờ và ông hãy gieo mình xuống, hãy làm một cuộc trình diễn thật hoành tráng đi.” Nói cách khác, hãy sống vì hư danh. Cuối cùng là bước thứ ba: quyền lực, tự phụ, ngạo mạn: “Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực thế gian, ông sẽ là vua cai trị.”

Mưu kế của ma quỷ dùng để cám dỗ Đức Giêsu cũng xảy ra với chúng ta ngày hôm nay. Đôi khi, chúng ta quá gắn bó với sự giàu sang của cải. Chúng ta thích thú khi được tán dương, ca ngợi như con công hay khoe mẽ. Chính vì hay khoe khoang như thế, nhiều người đã trở nên lố bịch, buồn cười. Cuối cùng, khi có quyền lực, chúng ta nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa, có thể làm được mọi sự. Và quả thật, đây là một tội rất lớn.

Chống chọi các cạm bẫy, cám dỗ của ma quỷ là cuộc chiến của mỗi người chúng ta. Bởi vậy hôm nay, chúng ta hãy xin Thiên Chúa, với sự chuyển cầu của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy dẫn tới sự diệt vong do Con Rắn xưa, cũng gọi là Satan gây ra.

Hãy khiêm nhường như Đức Giêsu

Đức Thánh Cha nói: “Công việc anh em đang làm như là những Hiến binh không dễ dàng chút nào. Thế nên, anh em hãy liên lỉ cầu nguyện, vì Thiên Chúa với sự bầu cử của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, sẽ giúp anh em tránh khỏi những cám dỗ của sự tham lam tiền bạc, giàu có, tự mãn, kiêu căng và quyền lực. Đối lại, anh em hãy hãy xin ơn được trở nên hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu. Và quả thật, công việc của anh em cũng rất khiêm nhường, vì đó là công việc phục vụ nhằm mang lại hiệu quả và ơn ích cho tất cả mọi người.

Nhưng khiêm nhường như Chúa Giêsu là khiêm nhường như thế nào? Trong trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ, chúng ta không thấy bất cứ lời nào của Ngài. Nói khác đi, Đức Giêsu không đáp trả ma quỷ bằng lời của con người nhưng bằng Lời Chúa. Tất cả ba lần đều như thế. Điều này dạy chúng ta rằng chúng ta không thể đối thoại hay thương lượng với ma quỷ khi cám dỗ nhưng hãy dùng Lời Chúa mà đáp trả chúng.

Thiên Chúa luôn trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu mỗi ngày, nhưng không chỉ cho chúng ta, mà cho một cuộc chiến vì phục vụ. Bởi vì anh em là những người phục vụ: phục vụ xã hội, phục vụ người khác, phục vụ để làm cho sự thiện được lớn lên trong thế giới này.” (SD 03-10-2015)
 

Anh Phương