08/01/2025

Từ tro tàn của đế chế

Dù đã đọc hàng tá tài liệu về vùng đất này nhưng khi đặt chân đến đây, chúng tôi vẫn không khỏi sửng sốt trước những điều tai nghe mắt thấy.

 

Từ tro tàn của đế chế – Bài 1: Sức mạnh nền cộng hoà

 

 

Dù đã đọc hàng tá tài liệu về vùng đất này nhưng khi đặt chân đến đây, chúng tôi vẫn không khỏi sửng sốt trước những điều tai nghe mắt thấy.




Vịnh Sừng Vàng của eo biển Bosphorus (Istanbul) - Ảnh: Hải Thành

Vịnh Sừng Vàng của eo biển Bosphorus (Istanbul) – Ảnh: Hải Thành

Elif Ciftcioglu, hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi trong suốt một tuần ở Thổ Nhĩ Kỳ, là một cô gái năng động. Thành thạo tiếng Anh, hoạt động liên tục, đi và nói không lúc nào dừng. Tất nhiên Elif là tín đồ đạo Hồi, nhưng chẳng bao giờ thấy cô giấu mình trong bộ burqa với áo thụng, khăn và mạng che mặt tuyền một màu đen buồn thảm. Trang phục ưa thích của cô là váy ngắn hoặc áo thun trễ cổ, quần jean lửng, kết hợp với mái tóc nhuộm màu gạch cua được ép sấy cẩn thận. Elif hút thuốc, uống rượu vang, trò chuyện thân mật và cười ngặt nghẽo với đàn ông… Đó là những hành vi bình thường nhưng có thể khiến đạo hữu của cô bị ném đá đến chết ở các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Elif hay cô gái xinh đẹp và sành điệu Gamze Esin, Giám đốc Phát triển kinh doanh Dorak Tour, không phải là những phụ nữ cá biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đất nước này, bạn có dùng kính hiển vi cũng không thể nào soi ra một chút dấu vết của luật Sharia hà khắc dù tuyệt đại đa số người dân theo Hồi giáo (99,8%). Từ bán đảo Đông Dương xa xôi, ngày ngày đọc tin tức về những phụ nữ Hồi giáo bị cấm đi học, cấm đi làm, bị hành quyết chỉ vì họ đã thực hiện những quyền tối thiểu của con người và sau đó chứng kiến sự tự do của những người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, có gì đó xúc động đến rưng rưng.
Ai đã đem lại cuộc sống tốt lành cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, cho Elif, Gamze và phụ nữ xứ sở này nói riêng? 

***

Từ tro tàn của đế chế - Bài 1: Sức mạnh nền cộng hòa - ảnh 2Lăng Mustafa Kemal Ataturk tại Ankara – Ảnh: Hải Thành 
Đó là một khối kiến trúc đơn giản mà hùng vĩ, toạ lạc trên một ngọn đồi cao ở Ankara, sừng sững trên nền trời xanh ngắt vùng Tiểu Á. Chớm thu, trời vẫn nắng như đổ lửa với nhiệt độ trên dưới 35 độ C, thế mà dòng người vẫn nườm nượp không dứt tiến vào lăng của người kiến tạo và là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ: Mustafa Kemal Ataturk.
Trước hàng cột đá uy nghi là một phiến cẩm thạch trắng hình chữ nhật ghi hàng chữ Thổ Nhĩ Kỳ “Hakimiyet kayitsiz sartsiz milletindir” (Chủ quyền vô điều kiện thuộc về quốc gia). Sảnh chính của lăng là một căn phòng rộng với trần thật cao nhưng hầu như trống không, với chỉ một khối đá xám tượng trưng cho một ngôi mộ. Sâu dưới đó 40 m mới là nơi yên nghỉ thật sự của vị cha già dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Khu vực bảo tàng tràn ngập các di vật, bút tích, những câu nói để đời của Ataturk. Đặc biệt thu hút là những bích hoạ khổ rộng rực rỡ màu sắc kết hợp với cụm tượng sáp tái hiện các trận đánh oanh liệt của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ thời đầu lập quốc, tất nhiên không thể thiếu hình ảnh vị thống soái oai phong đẹp trai lồng lộng. Còn trong ảnh thật, Ataturk là một người đàn ông cương nghị với khuôn mặt như được đúc bằng thép và đôi mắt rực lửa.
Cụm tranh tượng mô tả cuộc chiến đấu giành độc lập của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Hải Thành

Cụm tranh tượng mô tả cuộc chiến đấu giành độc lập của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Hải Thành

Ngày 23.4.1920, Ataturk được bầu làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, ông phải lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua 3 cuộc chiến tranh giành độc lập với Hy Lạp, Armenia, Pháp cùng với việc ổn định tình hình trong nước. Ngày 29.10.1923, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ ra đời và Ataturk bắt đầu tiến hành các cuộc cải cách rung chuyển thế giới Hồi giáo, bằng việc xây dựng một nhà nước thế tục, hiện đại. 

Ông đóng cửa toà án tôn giáo, xoá bỏ vai trò của Hồi giáo trong hiến pháp, cho phép phụ nữ được quyền bầu cử và tham gia bộ máy hành chính. Ông xây dựng hệ thống tư pháp mới dựa vào các bộ luật của các quốc gia tiên tiến châu Âu. Chữ Ả Rập bị loại bỏ và thay vào đó là bảng chữ cái Latinh cùng với Dương lịch, hệ thống đo lường phương Tây. Từ khi Ataturk cầm quyền, người Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu có họ trong tên đầy đủ của mình… Định nghĩa của ông về nền cộng hoà, được khắc trên tấm bảng đồng trong khu lăng mộ, thật đơn giản và dứt khoát: “Cộng hoà có nghĩa là thực thi chế độ dân chủ của quốc gia. Chúng ta thiết lập nền cộng hoà đã được mười năm. Cần phải thi hành tất cả những đòi hỏi của dân chủ khi thời gian đến“.
Cuộc cách mạng của Ataturk dĩ nhiên vấp phải sự chống đối gay gắt của các thế lực tôn giáo và tàn dư của chế độ phong kiến Ottoman. Nếu không lãnh đạo bằng bàn tay sắt, ông khó lòng duy trì và củng cố nền cộng hoà non trẻ. Và cũng dễ hiểu khi các sử gia phương Tây mô tả ông như một nhà độc tài tàn nhẫn, độc đoán. Tuy nhiên, như chính khách người Ý nổi tiếng thế kỷ 16 Niccolò Machiavelli từng nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Ataturk vẫn luôn là một lãnh tụ vĩ đại.
Vào lúc 9 giờ 5 phút sáng 10.11 hằng năm, toàn bộ hoạt động trên cả nước Thổ Nhĩ Kỳ dừng lại và trong một phút, người dân cúi đầu tưởng niệm ngày mất của Mustafa Kemal Ataturk.  

***

Quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập trong trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar - Ảnh: Hải Thành

Quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập trong trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar – Ảnh: Hải Thành

Ai lại không yêu lá cờ Tổ quốc mình, nhưng cuồng si như người Thổ Nhĩ Kỳ thì quả thực hiếm thấy. Trên khắp các nẻo đường, góc phố từ Istanbul sang Ankara đến Cappadocia thuộc tỉnh Nevsehir, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những lá cờ khổ lớn, đỏ rực rỡ với lưỡi liềm và ngôi sao trắng. Dù đó chỉ là một ngày bình thường chẳng phải hội hè lễ tết gì nhưng quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện khắp nơi, từ quảng trường, công sở, quán ăn, căn hộ chung cư, tại tất cả sạp hàng trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar; thậm chí phất phới trên một một chiếc xe lu cô đơn ở một vùng hẻo lánh thuộc thung lũng Goreme (Cappadocia) hay tung bay đến 2 lần trong một đêm nhạc dân tộc có tiết mục belly dance lừng danh. 

Bán đảo Tiểu Á đã trải qua vô vàn những cuộc bể dâu. Thành Constantinople (Istanbul ngày nay) đã 4 lần đổi chủ để lần lượt trở thành kinh đô của những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại (Rome, Byzantine, Latin, Ottoman). Có lẽ, niềm tự hào chất ngất về một di sản văn hoá khổng lồ và bước chuyển đổi kỳ diệu từ tro tàn của một đế chế đã tạo ra tình yêu kỳ lạ dành cho lá cờ của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay không còn sự ngạo nghễ của kẻ xâm lược như vào thời hoàng kim của đế quốc Ottoman thế kỷ 16-17. Lúc đó, nhờ vào đội quân hùng mạnh và hiếu chiến bậc nhất, lãnh thổ của các sultan trải dài trên cả 3 châu lục: từ Bắc Phi, Trung Đông, vùng Tiểu Á, đến hầu hết đông nam châu Âu. Hãy thử hình dung về một con số kinh khủng: sau này, đã có tới gần 30 quốc gia được thành lập từ các vùng đất thuộc Ottoman ngày xưa.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cũng không còn sự tự ti của một nước chậm phát triển như nhà văn nổi tiếng Aziz Nesin đã tự trào trong tác phẩm Những người thích đùa. Đất nước này đang trỗi dậy mạnh mẽ để tranh chấp vai trò bá chủ khu vực với Iran và Ả Rập Xê Út. Từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (hiện đã trở thành tổng thống) lên nắm quyền vào năm 2003, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng gấp 3 lần. GDP nước này đang xếp hạng 17 thế giới và chính quyền Ankara đang nuôi tham vọng đưa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lên hạng 10 vào năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. 
Cột tháp Ai Cập tại Quảng trường Hippodrome (Istanbul), do hoàng đế La Mã Théodosius lấy về - Ảnh: Hải Thành

Cột tháp Ai Cập tại Quảng trường Hippodrome (Istanbul), do hoàng đế La Mã Théodosius lấy về – Ảnh: Hải Thành

***

Khoảng 5 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 9 tại Istanbul, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng kinh cầu nguyện từ phía bên kia đường. Có một cảm giác không thật khi ý thức rằng mình đang hiện diện trong một đất nước Hồi giáo, với tất cả nhà thờ đều có tháp cao gắn loa phóng thanh chĩa ra bốn hướng. Đó là Hồi giáo với hơn 75 triệu tín đồ trong một nhà nước thế tục, trong một quốc gia đã vào danh sách các nước phát triển.
Những vàng son của triều đại Ottoman, cũng như di sản của các đế chế trước đó đang được người Thổ Nhĩ Kỳ khai thác tối đa để thu hút gần 40 triệu lượt khách du lịch/năm. Dường như dòng ngoại tệ dồi dào này là giá trị cụ thể và thực dụng nhất mà quá khứ của những cuộc chinh phạt lẫy lừng để lại cho hậu thế. Bởi trong mối quan hệ chằng chịt của thế giới hiện đại, thời của những cuộc mở rộng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự có lẽ đã chấm dứt vĩnh viễn. Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đang hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc, bằng một cách hoàn toàn khác.

Hải Thành