07/01/2025

Vài nét về Hội đồng mục vụ giáo xứ

Tổ chức quan trọng nhất trong sinh hoạt dành cho giáo dân chính là Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) vì đây là tổ chức gồm những người lãnh đạo, chi phối mọi hoạt động trong giáo xứ.Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay có 2.867 giáo xứ, và hầu hết giáo xứ đều có HĐMVGX, nhưng không phải giáo phận nào cũng tổ chức được HĐMVGX như nhau theo một quy định rõ ràng. Có những giáo phận đã có quy chế HĐMVGX chặt chẽ, nhưng cũng có giáo phận chưa có quy chế này.TGP. Tp. Hồ Chí Minh cũng mới chỉ chính thức công bố Quy chế HĐMVGX vào cuối khoá thường huấn linh mục tháng 8/2015 với Bản Quy chế ký ngày 01/06/2015.

 HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

1. Tình trạng hiện nay

Tổ chức quan trọng nhất trong sinh hoạt dành cho giáo dân chính là Hội đồng Mục vụ giáo xứ (HĐMVGX) vì đây là tổ chức gồm những người lãnh đạo, chi phối mọi hoạt động trong giáo xứ.

Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay có 2.867 giáo xứ, và hầu hết giáo xứ đều có HĐMVGX, nhưng không phải giáo phận nào cũng tổ chức được HĐMVGX như nhau theo một quy định rõ ràng. Có những giáo phận đã có quy chế HĐMVGX chặt chẽ, nhưng cũng có giáo phận chưa có quy chế này.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngay từ lúc đầu  thành lập Uỷ ban Giáo dân (năm 1980) đã nghĩ đến việc soạn thảo một quy chế chung và thống nhất cách tổ chức HĐMVGX trong toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhưng công việc này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

TGP. Tp. Hồ Chí Minh cũng mới chỉ chính thức công bố Quy chế HĐMVGX vào cuối khoá thường huấn linh mục tháng 8/2015 với Bản Quy chế ký ngày 01/06/2015.

Một tài liệu duy nhất của Hội Thánh hoàn vũ có đề cập đến Hội Đồng Mục Vụ trong giáo xứ, đó là bộ Giáo luật 1983, nhưng cũng chỉ nói rất chung chung chứ không có ý đưa ra một định nghĩa: “Nếu Giám Mục Giáo Phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Đồng Mục Vụ, do Cha Sở chủ toạ, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ vũ sinh hoạt mục vụ. Hội Đồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận đã ấn định.” (x. Giáo luật 1983, điều 536)

 

2. Đôi dòng lịch sử (x. Sưu tầm từ – http://www.dunglacflorida.com) 

Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Hội Đồng này đã tồn tại từ rất lâu, có thể nói từ khi hạt giống Tin Mừng được rao giảng tại Việt Nam, và được gọi bằng rất nhiều tên khác nhau tuỳ từng miền như : Ban Chức Việc, Ban Trùm Họ, Ban Quới Chức, Hội Đồng Giáo Xứ…. Đó là một nét đặc thù của Giáo Hội Việt Nam.

Khoảng thế kỷ thứ 17, tại Việt Nam, Ban Trùm Họ hay Ban Quý Chức là một tổ chức được các cha thừa sai thiết lập nhằm trợ giúp cho các ngài trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các ban này được chính thức công nhận tại công nghị Phố Hải (Hội An) năm 1672, dưới sự chủ toạ của đức cha Lambert de la Motte. Trong khoản 4 của công nghị này có nói như sau: “Nơi nào có nhiều bổn đạo, mà không có Linh Mục hoặc Thầy Giảng, Kẻ Giảng thì phải chọn một người khôn ngoan, đức hạnh để viếng thăm kẻ liệt lào, rửa tội cho trẻ thơ hoặc những người gần sinh thì, và phải gửi tên người đó về cho Giám Mục hoặc Bề Trên địa phận”.

Như vậy, lúc mới được thành lập, tại mỗi xứ đạo chỉ có một người được chọn vào chức vụ này. Và lúc ấy người ta dùng danh từ “Ông Trùm” để gọi những người giữ chức vụ trên. Về sau, trong một số xứ đạo bổ sung thêm nhiều người và được gọi là Ban Chức Việc. Đến thế kỷ 19, hầu như xứ đạo nào cũng có ban này, và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, tuỳ từng vùng. Lúc đó ban này là trung gian giữa Cha Sở và giáo dân, đồng thời làm thành Hội Đồng để góp ý kiến với Cha Sở và phân chia trách nhiệm trong giáo xứ.

Sang thế kỷ 20, Ban Trùm Họ hay Ban Quý Chức được phổ biến tại giáo phận Tây Đàng Trong (năm 1924) và giáo phận Quy Nhơn (năm 1953). Năm 1943, công đồng Hà Nội đã nhìn nhận tính hiệu quả của những ban này trong hoạt động.

Thiết lập và cơ chế

Tiêu chuẩn đầu tiên và trên hết mà Giáo luật đưa ra cho những người được đề cử vào Hội Đồng Mục Vụ phải là những người trổi vượt về đức tin, có hạnh kiểm tốt và khôn ngoan. Đây là một tiêu chuẩn mang tính tôn giáo, có lẽ cũng đã được tham khảo từ một đoạn văn trong thơ của thánh Phaolô, đoạn nói về việc tuyển chọn các kỳ mục và các giám quản: “Kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng. Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, biết tự chủ. Người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.” (1Tm 3,2-4).

Ngoài ra, về mặt thời gian, giáo luật khuyên nên thiết lập Hội Đồng Mục Vụ theo một hạn kỳ nhất định, nhưng hạn kỳ đó là do giám mục giáo phận ấn định.[8]

Dựa vào những tiêu chuẩn cơ bản trên đây mà hiện nay, chúng ta thường thấy ở Việt Nam, cách thức tuyển chọn các thành viên vào trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ dưới hình thức phiếu bầu rất dân chủ, dưới sự chủ toạ của Cha Sở. Giáo dân trong xứ đạo đề cử những ứng viên trổi vượt, sau đó cũng chính họ bầu chọn những vị đại diện cho họ. Sau khi đã được bầu chọn, thường Cha Sở sẽ đệ trình danh sách lên đức Giám Mục Giáo Phận, sau đó là lễ nhậm chức của Hội Đồng mới này.

Về cơ cấu của các Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo xứ hiện nay, thì không có hạn định số người tham gia, tuỳ theo từng giáo xứ. Thế nhưng, cho dù xứ lớn hay xứ nhỏ ba chức vụ chính thường không thể thiếu: đó là vị chủ tịch (hay có nơi gọi là ông chánh trương), vị thư ký và vị thủ quỹ. Chính tại điểm này mà chúng ta thấy rằng, ở Việt Nam không có sự phân chia giữa Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Kinh Tế theo như Giáo luật quy định, nhưng Hội Đồng Mục Vụ đảm nhiệm luôn việc quản lý kinh tế của giáo xứ.

 

3.Vài điểm cơ bản về HĐMVGX

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu vài điểm cơ bản về HĐMVGX theo Quy chế của TGP.TP.HCM như một tham khảo cho các địa phương khác.

Định nghĩa

Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX), theo thói quen gọi tắt là Hội đồng Giáo xứ, là cơ chế gồm những giáo dân thuộc giáo xứ được mời gọi và tuyển chọn để hợp lực cộng tác với linh mục chánh xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng, nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, sống, làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay (x. Giáo luật, điều 536, 537).

Thành phần

HĐMVGX gồm có Ban Thường vụ và các uỷ viên.

Ban Thường vụ gồm có : (1) Chủ tịch, (2) Phó Chủ tịch nội vụ, (3) Phó Chủ tịch ngoại vụ (4) Thư ký, (5) Thủ quỹ.

Tuỳ hoàn cảnh giáo xứ lớn nhỏ, có thể thêm phó cho các chức vụ, hoặc một thành viên có thể kiêm hai chức vụ.

Các uỷ viên gồm các đại diện các đơn vị mục vụ trong truyền thống Giáo Hội, là các khu xóm của giáo xứ, các ban ngành mục vụ, các giới và hội đoàn tông đồ, tất cả đều nhằm cùng nhau thi hành sứ vụ tư tế, ngôn sứ và phục vụ, mỗi đơn vị theo điều kiện riêng của mình. Mỗi đơn vị mục vụ có Ban điều hành mà truyền thống các nơi còn gọi là Ban chấp hành, Ban trị sự.

Lĩnh vực hoạt động

Nhằm xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn sống và làm chứng cho Tin Mừng, một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa, một cộng đoàn bác ái phục vụ con người, công việc mục vụ giáo xứ được tổ chức theo bốn lĩnh vực sau đây :

(1) Lĩnh vực giáo lý, gồm những công tác liên quan đến việc tổ chức giảng dạy, giáo dục đức tin cho các lớp tuổi, các giới và hội đoàn tông đồ;

(2) Lĩnh vực phụng tự, gồm các công tác liên quan đến phụng vụ, bí tích, cầu nguyện, tĩnh tâm, hành hương, dẫn lễ, giúp lễ, đọc Sách Thánh trong các thánh lễ, ca đoàn, khánh tiết, trật tự trong các buổi lễ;

(3) Lĩnh vực “phục vụ”, gồm các công tác tông đồ, truyền giáo, bác ái xã hội, khuyến học, xây dựng sự hợp nhất và đại kết, phát triển và thăng tiến con người, gia đình và xã hội, đặc biệt về mặt tinh thần, đạo đức.

 (4) Lĩnh vực quản trị tài sản giáo xứ 

Có thể tổ chức mỗi lĩnh vực có một, hoặc ít nhiều Ban mục vụ, như lĩnh vực “phục vụ” có thể gồm Ban mục vụ Gia đình, Ban Caritas – Bác ái Xã hội, Ban Truyền giáo… Mỗi Ban mục vụ có Ban điều hành riêng. Trưởng Ban là thành viên của HĐMVGX. 

Nhiệm vụ

(1) Nắm bắt tình hình giáo xứ, nhất là về đời sống đức tin và phong hoá, cùng với linh mục chánh xứ hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện;

(2) Quan tâm phối hợp hài hoà các sinh hoạt và các công tác của các đơn vị mục vụ, trong sự tôn trọng tính tự lập của từng đơn vị và trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông; góp phần giải quyết những vấn đề, giải toả những bất đồng trong giáo xứ; 

(3) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả trong các phiên họp;

(4) Hợp lực với linh mục chánh xứ trong việc quản trị tài sản giáo xứ (x. Giáo luật, điều 537;

(5) Quan tâm bồi dưỡng và nâng cao năng lực làm việc tập thể và phục vụ trong yêu thương.

Quyền lợi

Quyền lợi khi còn sống

(1) Quyền được huấn luyện, bồi dưỡng qua tĩnh tâm, học hỏi, nhằm nâng cao năng lực phục vụ;

(2) Hằng năm, bồi dưỡng, tĩnh tâm chuẩn bị, và mừng trọng thể lễ Bổn mạng HĐMVGX; linh mục chánh xứ dâng lễ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm;.

(3) Cộng đoàn giáo xứ có bổn phận trân trọng, biết ơn và cầu nguyện cho những người đã đóng góp công sức cho giáo xứ, nhưng phải tránh những hình thức phô trương, ganh đua danh vọng.

(4) Khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, sẽ được cấp vi bằng : Toà Giám Mục cấp cho các thành viên Ban Thường vụ và các Trưởng Ban điều hành giáo khu, linh mục chánh xứ cấp cho các thành viên khác.

Điều 20. Quyền lợi khi qua đời

(1) Hằng năm, trong tháng các linh hồn, giáo xứ dâng lễ cầu nguyện cho các thành viên HĐMVGX đã qua đời;

(2) Khi một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời trong giáo xứ, Ban Thường vụ đến viếng xác, giáo xứ trích quỹ xin một lễ, thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng;

(3) Khi một thành viên đã mãn nhiệm qua đời ngoài giáo xứ, xin một thánh lễ, và thông báo cho cộng đoàn cầu nguyện.

Tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn tuyển chọn vào HĐMVGX

(1) Là tín hữu đã chịu phép Thêm Sức, đã ghi danh trong giáo xứ ít là một năm, có đời sống gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo Hội, không bị ngăn trở về Giáo luật;

(2) Có những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần phục vụ, biết làm việc tập thể;

(3) Có năng lực cần cho chức vụ, như sức khoẻ, trình độ văn hoá, những kỹ năng chuyên môn;

(4) Có thời giờ dành cho công việc chung;

(5) Đối với Ban Thường vụ, từ 30 đến 70 tuổi, nam hoặc nữ. Có thể cứu xét trường hợp đặc biệt. Đối với các uỷ viên, tuỳ hoàn cảnh, có thể mở rộng hạn định tuổi.

(6) Toàn giáo phận sẽ tổ chức bầu cử chung, 4 năm một lần.

Sinh hoạt

(1) Ban Thường vụ, có thể cả các Trưởng Ban điều hành giáo khu,  họp định kỳ mỗi tháng một lần, và họp bất thường khi linh mục chánh xứ triệu tập, hoặc do linh mục quyết định, hoặc do đa số thành viên đề nghị và được linh mục chánh xứ chấp thuận;

(2) HĐMVGX có thể 3 tháng một lần họp định kỳ, 6 tháng một lần họp mở rộng với toàn thể các Ban điều hành các đơn vị mục vụ (giáo khu, ban mục vụ, giới và hội đoàn), để thông tri tình hình và nhu cầu mục vụ của giáo xứ, kiểm điểm các công tác mục vụ, hoạch định chương trình mục vụ, phân công và phối hợp thực hiện;

(3) Các Ban Điều hành các đơn vị mục vụ sinh hoạt theo nội quy của mỗi đơn vị.

Nội quy của giáo xứ

(1) Tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo xứ có thể hình thành nội quy riêng triển khai quy chế HĐMVGX này, xác định chi tiết về việc tổ chức và điều hành giáo xứ, các giáo khu, và các ban mục vụ, về việc tuyển chọn… Có thể chọn một vị thánh tử đạo Việt Nam làm bổn mạng cho HĐMVGX.

(2) Nội quy trước hết xác định các sinh hoạt giáo xứ và định hướng mục vụ nhằm mời gọi mọi thành phần góp sức thực hiện, và qua nỗ lực chung, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết huynh đệ và tinh thần hiệp thông trong giáo xứ và trong giáo phận, làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa là Cha chung mọi người.

(3) Nội quy cần được giáo dân góp ý và linh mục chánh xứ phê chuẩn. Nội quy có thể hình thành sau khi đã trao đổi và thống nhất cơ bản trong giáo hạt hoặc trong liên hạt.