06/01/2025

Phạt tiền hộ gia đình phát tán mầm bệnh

Những hộ gia đình vứt vật dụng có nguy cơ làm phát sinh mầm bệnh truyền nhiễm sẽ bị phường, xã nhắc nhở, sau đó sẽ phạt tiền, nhất là trong lúc tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng.

 

Phạt tiền hộ gia đình phát tán mầm bệnh

 

 

Những hộ gia đình vứt vật dụng có nguy cơ làm phát sinh mầm bệnh truyền nhiễm sẽ bị phường, xã nhắc nhở, sau đó sẽ phạt tiền, nhất là trong lúc tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng.


 


Các hộ dân vứt vật dụng bừa bãi làm phát sinh mầm bệnh, lăng quăng sẽ bị phạt tiền - Ảnh: Lương NgọcCác hộ dân vứt vật dụng bừa bãi làm phát sinh mầm bệnh, lăng quăng sẽ bị phạt tiền – Ảnh: Lương Ngọc
Quy định có từ lâu nhưng chưa làm mạnh
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cũng giống như một số quy định xử phạt hành chính khác (như phạt hút thuốc lá nơi công cộng…), quy định xử phạt hành chính về hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có nguy cơ làm lây lan bệnh truyền nhiễm… cũng đã có lâu nay, nhưng vì nhiều lý do nên lâu nay các địa phương chưa thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng rất ít.
 
 

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, tại TP.HCM đã có hơn 9.900 ca mắc bệnh SXH, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái, có 4 trường hợp tử vong.

 

 
“Tuy nhiên, bây giờ đã đến lúc cần làm tích cực hơn để người dân hiểu những hành vi của họ là sai, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Nhất là tại các công trình xây dựng, những điểm kinh doanh phế liệu, bãi xe, khu nhà trọ… là những nơi nếu không biết giữ vệ sinh, giữ môi trường thì rất dễ làm phát sinh mầm bệnh, nhất là lăng quăng và muỗi trong lúc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói.
Qua khảo sát dịch tễ tại các phường, xã cho thấy các vật phế thải xung quanh nhà các hộ dân đọng nước, các dụng cụ, đồ phế thải tại các công trình xây dựng, bãi đất trống… là ổ chứa lăng quăng, phát tán mầm bệnh.
“Bước đầu, đoàn kiểm tra của phường, xã, quận huyện đi kiểm tra hướng dẫn các hộ gia đình làm sạch môi trường, sau đó nhắc nhở, cuối cùng là xử phạt nếu không thực hiện”, bác sĩ Dũng cho biết.
Nhiều hộ dân bị phạt tiền
Chiều qua 1.10, bà Lê Thị Bích Khanh, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết trước tình hình bệnh SXH trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, UBND quận đã chỉ đạo Trung tâm y tế và UBND các phường trực thuộc tăng cường đến các hộ dân tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Phần lớn người dân tích cực hưởng ứng, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa tích cực, hoặc đã bị nhắc nhở nhưng vẫn không cải thiện nên bị phạt tiền.
Từ cuối tháng 8.2015 đến nay, tại Q.Bình Thạnh có 4 phường đã xử phạt hộ dân. Cụ thể, UBND P.13 phạt 2 trường hợp, P.25 phạt 2 trường hợp, P.22 và P.26 mỗi phường phạt 1 trường hợp về hành vi thải vật dụng có nguy cơ làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch, không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng tại khu vực đang xây dựng công trình để lăng quăng xuất hiện nhiều trong chậu cây kiểng, lu nước… Mức phạt từ 750.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/trường hợp.
Bà Trần Hải Yến, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè cũng cho biết UBND các xã trên địa bàn đang tăng cường tuyên truyền quy định của nhà nước về phòng chống dịch bệnh SXH; thông báo cụ thể cho các hộ dân nắm rõ về hành vi vi phạm, mức xử phạt để trong tháng 10 này các xã sẽ cử đoàn đi kiểm tra đồng loạt, nếu hộ nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt.
Ông Trần Minh Tú – Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, cho biết phường đã ra quân phòng chống dịch SXH từ ngày 18.9. “Bước đầu là tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh SXH. Sau đó, nếu hộ gia đình, cơ sở nào để phát sinh lăng quăng, mầm bệnh sẽ bị xử phạt”, ông Tú nói.
Lãnh đạo UBND P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú; UBND P.Thạnh Xuân, Q.12 và xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn cũng khẳng định các địa phương này vừa tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân giữ vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH; sau đó sẽ thực hiện phạt tiền đối với hộ dân vi phạm như nói trên.

 

Thanh Niên