Không để Việt Nam thành bãi thải công nghệ lạc hậu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 do Bộ Tài nguyên – môi trường tổ chức ở Hà Nội ngày 30-9,
Không để Việt Nam thành bãi thải công nghệ lạc hậu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 do Bộ Tài nguyên – môi trường tổ chức ở Hà Nội ngày 30-9,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên – môi trường tham quan triển lãm quốc tế về môi trường tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần 4 – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trình bày báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – môi trường) Nguyễn Văn Tài cho biết VN đang chịu thách thức về công nghệ sản xuất trong các cơ sở sản xuất nhìn chung rất lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nước, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả.
“Công nghệ cũ, lạc hậu sử dụng trong dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc theo các dòng thương mại quốc tế du nhập vào VN dẫn đến nước ta đang đứng trước nguy cơ cao trở thành bãi thải công nghệ sản xuất của thế giới” – ông Tài nhận định.
“Thậm chí đến năm 2025 ô nhiễm môi trường có thể tăng gấp 4 – 5 lần hiện nay. Như vậy, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP |
Ông Nguyễn Văn Tài (tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) |
5.400 container rác thải công nghiệp tồn đọng tại các cảng biển
Ông Nguyễn Văn Tài cho hay trong giai đoạn 2011 – 2015 hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
“Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta, nhất là chất thải nguy hại” – ông Tài nói.
Ông cũng cho biết mới đây Bộ Tài chính đã tổng hợp, hiện còn 5.411 container hàng tồn đọng tại các cảng biển, chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, lốp cao su đã qua sử dụng, hàng tạp hóa.
“Chính sách đã có rất nhiều, song vẫn còn hiện tượng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để buôn bán chất thải nguy hại. Những chất thải này chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, giấy, săm lốp cao su thải, ăcquy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng.
Các địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động này là tuyến biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, phía Tây Nam như Tây Ninh, Kiên Giang và các cửa khẩu đường biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM” – ông Tài cho hay.
Theo ông Tài, hậu quả của việc nhập khẩu phế thải nguy hại vào VN là rất lớn. “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết hậu quả của hơn 5.400 container rác thải công nghiệp đang tồn đọng tại các cảng biển hiện nay” – ông Tài nhấn mạnh.
GDP tăng 1%, ô nhiễm làm thiệt hại 3% GDP
Dẫn chứng những cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế về tình trạng ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Tài cho biết các chuyên gia cho rằng trong 10 năm tới GDP của VN có thể tăng gấp đôi hiện nay, nhưng nếu VN không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay.
“Thậm chí đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 – 5 lần hiện nay. Như vậy, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP” – ông Tài cho biết.
Đáng lưu ý, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thẳng thắn cho rằng phải thừa nhận thực tế mới chỉ có rất ít doanh nghiệp thật sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tham luận của VCCI khiến nhiều người giật mình với nhận định “còn lại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, vẫn chưa gắn liền hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, hoặc chỉ thực hiện qua loa với mục đích đối phó với các cơ quan chức năng”.
Nêu câu hỏi vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Đoàn Duy Khương – phó chủ tịch VCCI, về mặt chế tài, mặc dù VN đã ban hành hơn 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, tuy nhiên hệ thống văn bản này vẫn còn quá nhiều lỗ hổng.
Công tác xử lý vi phạm không phải lúc nào cũng thật sự nghiêm túc, dẫn đến việc doanh nghiệp vẫn có thể lách luật một cách dễ dàng.
Không chấp nhận dự án đầu tư gây ô nhiễm
Phát biểu tại hội nghị, dẫn chứng cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế về nguy cơ ô nhiễm môi trường tại VN có thể tăng gấp 3, thậm chí gấn 4 – 5 lần trong 10 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đây là cảnh báo rất đáng phải quan tâm.
“Không cho phép các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường. Không thể để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển” – Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý môi trường tới đây là phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong đó, cần thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp “cacbon thấp”. \
Chú trọng nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm “xanh”, dịch vụ “xanh” thân thiện với môi trường.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài nguyên – môi trường cần tăng cường đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên vốn đầu tư phát triển, vốn vay, ODA để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân.
“Người gây ô nhiễm phải trả tiền” Chiều 30-9, phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị các bộ ngành, tỉnh thành cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu cơ chế huy động vốn đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả” và cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hợp tác công – tư trong lĩnh vực môi trường. Đề cập công tác thanh tra, kiểm tra giai đoạn tới, Bộ trưởng Quang khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe buộc các cơ sở phải thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường. “Tôi yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát môi trường trong điều tra, khởi tố trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm về môi trường” – ông Quang lưu ý. |