07/01/2025

Đối mặt ‘trùm’ buôn gỗ

Lần theo chỉ dẫn của cánh lâm tặc tại xã Ngọc Chiến, H.Mường La, tỉnh Sơn La, trong vai người mua gỗ chúng tôi tiếp cận ông chủ buôn gỗ mới nổi tên Thành (trú tại TX.Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).

 

Thâm nhập đường dây phá rừng: Đối mặt ‘trùm’ buôn gỗ

 

 

Lần theo chỉ dẫn của cánh lâm tặc tại xã Ngọc Chiến, H.Mường La, tỉnh Sơn La, trong vai người mua gỗ chúng tôi tiếp cận ông chủ buôn gỗ mới nổi tên Thành (trú tại TX.Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).



Thành ở trong một ngôi nhà sàn làm bằng toàn gỗ pơ mu cách QL32 khoảng 2 km theo hướng đi Phình Hồ. Theo lời các “tay chân” thì ông chủ mới nổi lên cách đây gần 2 năm, khi những kẻ có máu mặt trong giới buôn gỗ dần sa lưới pháp luật.
Ngôi nhà sàn toàn gỗ pơ mu của ông Thành

Ngôi nhà sàn toàn gỗ pơ mu của ông Thành và

chân dung đầu nậu tên Thành trú tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (ảnh nhỏ) – Ảnh: Nam Anh – cắt từ clip

Khi đối diện “ông trùm” trong ngôi nhà gỗ khang trang, chúng tôi đề cập thẳng chuyện mua một bộ sập gỗ gù hương về dùng; nếu có nhiều thì lấy thêm vài sập nữa về bán lại cho các đầu mối tại tỉnh Bắc Ninh. Vì đang bế tắc trong việc tìm mối tiêu thụ nên khi nghe khách đề cập đến chuyện mua sập, ông Thành mừng ra mặt. Tuy vậy, ông ta bảo nếu lấy 1 sập thì có sẵn, nếu muốn lấy nhiều “phải đợi đến tầm cuối năm”. “Tao có một bộ sập 80 (rộng 80 cm, dài 2,7 m, mỗi sập có 2 ván kích cỡ đều nhau và 4 chân đỡ), nhưng để ở nhà khác, ở Nghĩa Lộ. Muốn lấy nhiều thì phải đợi”, ông Thành nói và giải thích thêm: “Nếu lấy luôn thì tao phải huy động anh em. Mỗi người có một bộ sập, tao sẽ gom lại bán cho mày”.
“Tao phải lừa mới lấy được đấy”
Để làm rõ hơn về chủ nhân của hàng trăm khối gỗ quý hiện đang tập kết trong rừng sâu, thuộc khu vực giáp ranh giữa các địa bàn Trạm Tấu, Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) và Mường La (tỉnh Sơn La), chúng tôi đã đề nghị “mua lại” toàn bộ. Nghe vậy, ông Thành nói: “Số gỗ trong rừng như mày thấy, không chỉ của riêng tao, mà còn có nhiều anh em khác. Để có được gỗ để chặt, tao và nhiều anh em khác phải mua lại gỗ của bọn mèo (dân tộc Mèo – PV). Cách điểm tập kết này còn 16 sập nữa. Chứng tỏ mày chưa biết chỗ đang xẻ 16 sập đó, đúng không?”. Nói đoạn, ông Thành cười rất ma mãnh.
“Tao phải lừa bọn mèo mới lấy được gỗ đấy! Chúng nó đòi bán giá 45 triệu đồng một cây, tao cũng đồng ý nhưng với điều kiện là nó phải lo chạy giấy tờ vận chuyển. Sau đó bọn nó không lo được giấy tờ nên tao đứng ra lo, thế là tao trừ bớt tiền gỗ đi. Trước lúc mày đến mấy hôm, bọn mèo suýt bắn nhau trong rừng vì tranh nhau gỗ”, ông Thành kể. Như sợ chúng tôi chưa hiểu hết “câu chuyện trong rừng”, ông ta giải thích thêm: “Bọn mèo nó đánh dấu gỗ lung tung nên dẫn đến tranh chấp, mình mua bọn bản trong, xẻ ra rồi thì bọn bản ngoài vào phá. Hôm trước mấy thằng chúng nó rút súng đòi bắn nhau, tao bảo: “Thôi, chúng mày đánh nhau thì được gì, bây giờ chỉ hại tao thôi”. Nói mãi nên chúng nó mới nguôi, thế nhưng chúng nó vẫn chém hỏng 7 sập ở chỗ mà mày thấy đấy, chỉ 2 sập còn nguyên vẹn”.
Theo ông Thành, mặc dù đã bố trí người canh phòng gỗ cẩn thận nhưng nhiều lần ông ta và các đầu nậu khác vẫn bị dính “quả đắng” bởi một số người lợi dụng đêm tối lấy dao chặt ngang khối gỗ khiến cho chủ gỗ không bán được hàng, dẫn đến thất thu. Tuy nhiên, việc cắt cử người canh giữ, bảo vệ gỗ trong rừng vẫn được duy trì tuỳ vào tình hình địa bàn. Nếu dân trong rừng có hiện tượng tranh chấp gỗ thì ông Thành tăng cường thêm người hoặc đích thân vào rừng giải quyết, nếu không thì chỉ cử nhân công theo dõi hằng ngày.
Theo lời ông Thành, hiện các nhóm phá rừng đã đốn hạ những cây gù hương đường kính tới vài mét, nhưng chỉ xẻ được ván có chiều rộng 80 – 100 cm, dày khoảng 10 – 18 cm, sau đó chế tác lại độ dày giảm còn 14 cm.
Bảo kê đến Bắc Ninh, Hưng Yên
Để đảm bảo việc vận chuyển gỗ trái phép được thông suốt, ông Thành nhận bảo kê gỗ đến một số nơi tại tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Trong lúc tiếp cận, chúng tôi cố tình tỏ ra lo ngại về việc vận chuyển gỗ, ngay lập tức được ông Thành trấn an: “Mày ở Bắc Ninh chứ gì? Tao đưa gỗ về đến nơi cho mày. Nếu muốn an toàn hơn thì tao đưa đến đoạn trạm thu phí ở thị trấn Như Quỳnh, Hưng Yên, cạnh đường 5. Ở đó có một xưởng gỗ, sau khi đem đến đó tao sẽ đưa hàng vào xưởng gỗ này rồi mày cho xe đến mà lấy. Giao hàng thì giao tiền”. Không những thế, ông trùm gỗ mới nổi tại Nghĩa Lộ còn trấn an tâm lý khách bằng cam kết nếu bị bắt thì khách không phải trả bất kỳ khoản nộp phạt nào, thay vào đó ông tự chịu tổn thất.
Về phương thức vận chuyển gỗ, chúng tôi đề nghị gửi qua xe khách, ông Thành nói không thể dùng cách vận chuyển này mà phải thông qua một “thằng em” chuyên vận chuyển gỗ lậu. Theo đó, gỗ sẽ được gửi nhờ vào xe tải của “thằng em” ông Thành về đến thị trấn Như Quỳnh (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và giao hàng tại đó. “Tao thì không trực tiếp vận chuyển, nhưng tao có thằng em chở gỗ mãi quen rồi. Một chuyến xe của nó hàng chục mét khối gỗ. Tao gửi nhờ nó một hai sập thì được, sau đó trả phí cho nó. Nếu mày mua thì tao mới liên hệ với nó để chuyển hàng về”, ông Thành nói.
Về cước vận chuyển, ông Thành mặc cả mỗi sập gỗ gù hương về đến Hưng Yên giá cước là 15 triệu đồng. Nếu đi 2 sập thì 30 triệu đồng, cứ thế mà nhân lên…
Kiểm lâm Yên Bái nói gì?
Hôm qua 29.9, ông Đỗ Cường Minh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, cho biết: “Ngay khi bài điều tra Thâm nhập đường dây phá rừng đăng trên BáoThanh Niên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, đồng thời tổ chức đoàn truy quét các đối tượng phá rừng. Khu vực phá rừng như Thanh Niên phản ánh, có thể nằm trong diện tích khu bảo tồn trải dài trên phạm vi lên đến 20.000 ha nên phải xác định được chính xác vị trí, số lô, số khoảnh để có biện pháp ngăn chặn”.
Về tình hình truy quét các đối tượng chặt phá rừng, ông Minh nói từ tháng 6.2015 đến nay riêng khu vực H.Mù Cang Chải đã bắt được 2 vụ vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng 4 m3 gỗ mỗi vụ và một số người liên quan. Các đầu nậu gỗ trên địa bàn Yên Bái không còn. Riêng vị trí phân bố loại gỗ đặc biệt quý hiếm như gù hương, pơ mu, bách xanh… ông Minh cho rằng: “Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có gỗ bách xanh, loại gỗ này phân bố trên một số địa bàn thuộc tỉnh Sơn La. Còn gỗ gù hương trên địa bàn còn rất ít. Riêng gỗ pơ mu thì còn nhiều. Hiện Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan liên quan vẫn bố trí các đội túc trực trong rừng tại những vị trí trọng yếu nhằm ngăn chặn người dân chặt phá rừng. Ngoài ra còn có các lực lượng liên ngành chốt chặn tại các ngả đường, nếu phát hiện vụ vận chuyển gỗ nào thì lập tức bắt giữ”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên trước đó, một cán bộ kiểm lâm (xin được giấu tên) cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn khá nhiều đầu nậu buôn bán gỗ quý.

 

 

Hà An – Nam Anh