Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) từng gây khói bụi, ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân địa phương bức xúc ra chặn đường QL1 vào các ngày 14 – 15.4 – Ảnh: Quế Hà
|
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, các nước đi theo hướng phát triển điện tái tạo, còn theo quy hoạch điện VII, cơ cấu điện của VN vào năm 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm 54% trong tổng sản lượng, năm 2030 công suất nhiệt điện chiếm 56%, sản lượng chiếm 62%. Đây là hướng đi rất không tốt và ngược với xu hướng thế giới.
Lượng phát thải tăng 17 lần
Cũng theo bà Khanh, năm 2015, VN đã có 19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và 2/3 số nhà máy dùng than từ Quảng Ninh. Theo tổng sơ đồ phát triển điện VII, số nhà máy còn tăng nhanh, với khoảng 50 nhà máy. Lượng than được sử dụng sẽ tăng rất nhanh trong những năm tới khiến lượng phát thải từ các nhà máy sẽ tăng lên 17 lần. Tỷ trọng nhà máy được quy hoạch tăng nhanh đang mâu thuẫn với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết về chống biến đổi khí hậu mà VN đã tham gia.
|
|
|
Ở các vùng duyên hải gần Hà Nội, mức độ ô nhiễm do than đang gia tăng đáng kể, do đó VN cần có những chính sách sớm để ngăn ngừa về trung hạn
|
|
|
Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí và than của Đại học Harvard (Mỹ)
|
|
|
Giáo sư Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cho biết ô nhiễm từ than ở các dạng đất, nước, không khí… đã rất nghiêm trọng và trở thành gánh nặng phải giải quyết. “Chúng tôi đi khảo sát một số nơi, thấy người dân, nhất là ngư dân đang mất sinh kế vì ô nhiễm than”, ông Tứ nói.
Còn bà Shannon Koplitz, chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ), bày tỏ: “Chúng tôi rất quan ngại vì tác động các phát thải từ than, như tạo ra các hạt vật chất, khí CO2, làm tăng nồng độ khí ozone… dẫn đến tình trạng tử vong sớm ở con người mà xu hướng nhà máy nhiệt điện than ở VN sẽ chiếm trên 50% tỷ trọng công suất nguồn điện vào năm 2030 là rất cao”. Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí và than của Đại học Harvard, cho biết: “Chúng tôi tiến hành đo hạt PM2.5 ở một số khu vực phía bắc, trong đó có Hà Nội thấy nồng độ hạt chất độc rất cao. Các nhà máy phát thải ra SO2, Nox… hình thành các hạt vật chất (bụi PM) và ozone… gây hại rất lớn cho sức khoẻ con người, là nguyên nhân các bệnh đột quỵ, bệnh tim, viêm phổi mãn tính, suy hô hấp… có khả năng gây tử vong cao”. “Ở các vùng duyên hải gần Hà Nội, mức độ ô nhiễm do than đang gia tăng đáng kể, do đó VN cần có những chính sách sớm để ngăn ngừa về trung hạn”, ông này khuyến cáo.
Nguy cơ chết trẻ
Theo kết quả nghiên cứu “các tác động liên quan đến sức khoẻ do gia tăng phát thải từ than” tại VN do nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard lần đầu công bố tại hội thảo hôm qua, số người chết trẻ liên quan đến nhiệt điện than ở VN là khoảng 4.300 người/năm. Nghiên cứu này đưa ra kết luận: “Nếu các dự án nhà máy đang trong quy hoạch ở VN đều được đưa vào vận hành, làm cho lượng khí thải từ than tăng gấp 3 lần so với với hiện nay thì có thể dẫn tới cái chết của 25.000 người mỗi năm”.
Một kết quả nghiên cứu khác về đánh giá tác động môi trường nước tại Hạ Long từ Nhà máy nhiệt điện than Quảng Ninh do VSEA mới hoàn thành và công bố tại hội thảo cũng cho thấy, tại Quảng Ninh, chất lượng nước thải từ nhà máy ra sông Diễn Vọng chịu ảnh hưởng rất nặng nề về ô nhiễm bởi các chất rắn lơ lửng TSS, chất hữu cơ BOD, COD, chất dinh dưỡng NH4, Bo, dầu mỡ… “Nguồn nước phía thượng sông Diễn Vọng cũng chịu tác động nặng nề bởi các hoạt động khai thác than. Vào mùa mưa, nguồn nước ở đây có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chất TSS, amoni, Mn, dầu mỡ… Hàm lượng các chất này đều vượt tiêu chuẩn cho phép về nước mặt”, ông Đặng Ngọc Vinh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước, thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết thêm. Ngay cả chất lượng nước ven bờ hạ lưu nhà máy, theo ông Vinh, cũng bị ô nhiễm bởi các chất TSS, COD, DO, dầu mỡ, sắt… với hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tại hội thảo, bà Nguỵ Thị Khanh kiến nghị ngay từ thời điểm này, Bộ Công thương cần xác định công nghệ phù hợp để giảm tỷ trọng nhà máy nhiệt điện than, tăng tỷ trọng nguồn điện tái tạo.
Theo ban tổ chức hội thảo, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có cử cán bộ đến dự họp nhưng không phát biểu, chỉ ghi nhận ý kiến các chuyên gia để về báo cáo lãnh đạo. Bộ Y tế cũng có cán bộ tham gia nhưng chỉ nêu câu hỏi về phương pháp đánh giá tác động đến sức khoẻ người dân từ các nhà máy điện than của nhóm nghiên cứu.
Trong khi đó, một quan chức của Bộ Công thương cho rằng “không biết có cuộc hội thảo trên nên không cử cán bộ, chuyên viên đến tham dự họp”. Về nội dung hội thảo, quan chức này nói do chưa nắm rõ nội dung, thông tin hội thảo nên chưa có ý kiến. Tuy nhiên, vị này cho rằng Bộ Công thương vẫn kiểm soát, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm của các nhà máy điện chạy than qua việc xem xét kỹ các báo cáo đánh giá tác động môi trường, thường xuyên kiểm tra, quản lý việc xử lý tro than, bụi…
|