03/01/2025

Phần đầu bài phong vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

Cũng như trong mọi chuyến công du khác, trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một bài phỏng vấn dài về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chuyến viếng thăm mục vụ cũng như tình hình thế giới và các vấn đề của Giáo Hội.

Phần đầu bài phong vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế
 
Nội dung phần thứ nhất bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên máy bay trở về Roma (SD 28-9-2015)


Cũng như trong mọi chuyến công du khác, trên chuyến bay từ Philadelphia về Roma chiều ngày 27 tháng 9 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một bài phỏng vấn dài về nhiều vấn đề khác nhau liên quan tới chuyến viếng thăm mục vụ cũng như tình hình thế giới và các vấn đề của Giáo Hội.

Xin gửi tới quý vị phần đầu bài phỏng vấn này. Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã ngỏ lời chào ĐTC: “Thưa ĐTC, xin chào mừng ĐTC đến giữa chúng con và dành thời giờ cho chúng con sau chuyến viếng thăm rất mệt nhọc đòi hỏi nhiều dấn thân. Chúng con xin bắt đầu ngay với các câu hỏi. Người đầu tiên là một chị ở đây đã viết một bài về ĐTC trên báo Times nên chị đã được chuẩn bị rất kỹ về chuyến công du của ĐTC. Chị sẽ hỏi bằng tiếng Anh và anh Matteo sẽ dịch ra tiếng Ý cho ĐTC.”

ĐTC chào các nhà báo và nói: Xin cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Anh chị em phải chạy từ chỗ này tới chỗ nọ. Còn tôi thì ngồi ở trong xe… Xin cám ơn  anh chị em nhiều lắm.

Xin cám ơn ĐTC rất nhiều, con là Elisabetta Dias của báo Time Magazine. Chúng con rất tò mò muốn biết: đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại Hoa Kỳ. Cái gì tại Hoa Kỳ đã khiến cho ĐTC ngạc nhiên nhất, và có cái gì khác với các chờ mong của ĐTC hay không?

Đáp: Vâng, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi: tôi chưa bao giờ đến Hoa Kỳ. Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là sự nồng ấm của dân chúng, họ thật là dễ thương: đây là một điều đẹp và cũng khác nữa. Tại Washington, có một sự tiếp đón nồng nhiệt nhưng hơi hình thức một chút; tại New York thì một chút quá mức, và tại Philadelphia thì rất rõ ràng. Ba cách thức khác nhau, nhưng cùng một sự tiếp đón. Tôi rất bị đánh động bởi lòng tốt, sự tiếp đón và trong các lễ nghi tôn giáo bởi lòng đạo đức và sùng đạo. Người ta thấy là dân chúng cầu nguyện, và điều này đã đánh động tôi rất nhiều, nhiều lắm. Thật là đẹp!

ĐTC có nhận thấy một thách đố từ phía Hoà Kỳ mà ĐTC đã không chờ đợi không? Có vài khiêu khích nào không?

Đáp: Không. Cám ơn Chúa. Không. Không. Không. Mọi sự đểu tốt đẹp. Không có khiêu khích nào. Mọi người đều rất có giáo dục, không có lời nguyền rủa nào, không có điều gì xấu xa. Không. Không. Nhưng chúng ta phải tiếp tục làm việc với dân tộc có đức tin này, như họ đã làm việc cho tới nay, đúng không? Bằng cách đồng hành với dân tộc trong tươi vui và trong những lúc khó khăn, khi không có việc làm, khi bị ốm đau… Thách đố của Giáo Hội – bây giờ thì tôi hiểu đúng – thách đố của Giáo Hội ngày nay là sống như Giáo Hội vẫn luôn luôn sống: gần gũi dân chúng, gần gũi nhân dân Hoa Kỳ. Chứ không phải một Giáo Hội cách biệt dân chúng. Không. Gần gũi, gần gũi. Và đây là một thách đố mà Giáo hội Hoa Kỳ đã hiểu rõ, đã hiểu rõ và muốn làm.

** Cha Lombardi giới thiệu nhà báo thứ hai là anh David O’Reilly của báo Philadelphia Inquirer là một trong các nhật báo lớn của Philadelphia. Anh hỏi:

– Thưa ĐTC, Philadelphia, như ĐTC biết, đã trải qua một giai đoạn xấu với các vụ lạm dụng tính dục: nó còn là một vết thương mở. Con biết có nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên vì trong bài nói chuyện với các giám mục tại Washington ĐTC đã cống hiến cho các vị sự an ủi và củng cố. Con tin rằng tại Philadelphia người ta muốn hỏi: “Tại sao ĐTC lại đã cảm thấy cần phải củng cố và an ủi các giám mục như vậy?”

Đáp: Tại Washington tôi đã nói chuyện với tất cả các giám mục Hoa Kỳ. Đã có tất cả các giám mục toàn nước. Tôi đã cảm thấy cần bày tỏ sự cảm thương, bởi vì đã xảy ra một điều hết sức xấu xa, và biết bao giám mục đã đau khổ, bởi vì các vị đã không biết điều này, và khi chuyện bùng nổ ra, các vị đã rất là đau khổ: là các người của Giáo Hội, của cầu nguyện và chủ chăn đích thực… Và tôi đã nói bằng cách trích sách Khải Huyền rằng tôi biết các vị “đang đến từ một nỗi khổ tâm lớn lao”. Nhưng không phải chỉ là nỗi khổ đau tình cảm: đó là điều hôm nay tôi đã nói với các người đã bị lạm dụng. Nó đã là… tôi không nói là “một việc chối đạo”, nhưng hầu như là một việc phạm thánh! Khi… nhưng chúng ta biết là các lạm dụng tính dục xảy ra khắp nơi: trong môi trường gia đình, trong môi trường hàng xóm, trong các trường học, trong các nơi tập thể thao thể dục, khắp nơi… Nhưng khi một linh mục phạm một lạm dụng như thế, thì là điều rất nặng, bởi vì ơn gọi linh mục là làm cho đứa bé trai bé gái đó lớn lên, hướng về Thiên Chúa, hướng tới sự trưởng thành tình cảm, hướng tới sự thiện. Thay vì làm điều đó, thì vị linh mục lại đè bẹp nó, lại làm điều dữ. Chính vì vậy mà nó như là một sự phạm thánh. Và vị linh mục đó đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội tiếng gọi của Chúa. Vì thế, Giáo Hội mạnh tay trong lúc này: không được bao che, cả những người bao che cũng có lỗi trong các chuyện này. Cả vài giám mục đã che giấu điều này cũng có lỗi! Đây là một điều vô cùng xấu xa. Và các lời an ủi không phải để nói: “Thôi, cư yên trí, không là gì đâu!” Không, không, không! Đã là điều đó, nhưng thật là một điều xấu xa biết bao nhiêu, và tôi tưởng tượng được anh em đã khóc biết chừng nào”: các lời nói của tôi đã ở trong nghĩa đó. Và hôm nay tôi đã nói rất mạnh.

** Câu hỏi tiếp theo là của chị Maria Antonietta Collins

– Thưa ĐTC, ĐTC đã nói tới sự tha thứ, rằng Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và chúng ta thường là những người xin tha thứ. Con muốn hỏi ĐTC khi trông thấy ĐTC ở trong đại chủng viện, có rất nhiều linh mục đã phạm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và đã không xin lỗi các nạn nhân của mình. ĐTC có tha thứ cho các vị ấy không? Và ĐTC hiểu, từ phiá bên kia, các nạn nhân và gia đình họ không tha thứ được hay không muốn tha thứ thì sao?

Đáp: Nếu một người đã hành động xấu, ý thức được điều mình đã làm và không xin lỗi, thì tôi xin Thiên Chúa giữ người đó trong sổ. Tôi tha thứ, nhưng người đó không nhận được sự tha thứ, họ bị đóng kín với ơn tha thứ rồi. Trao ban tha thứ là một chuyện, nhưng nhận được ơn tha thứ lại là chuyện khác. Và nếu vị linh mục đó đóng kín với ơn tha thứ, thì không nhận được sự tha thứ, bởi vì đã dùng khoá đóng cửa từ bên trong và điều còn lại chỉ là cầu nguyện để Chúa mở cánh cửa đó ra. Cần phải sẵn sàng tha thứ, nhưng không phải tất cả mọi người đều nhận được nó, biết nhận nó, hay sẵn sàng nhận nó. Thật là nặng nề điều tôi đang nói. Và điều này giải thích tại sao có người kết thúc cuộc sống mình một cách nặng nề, xấu xa, không nhận được một sự vuốt ve của Thiên  Chúa. Câu hỏi thứ hai đã là?

Đó là ĐTC có hiểu các nạn nhân và gia đình họ không thể tha thứ hay không muốn tha thứ cho tội lạm dụng đó hay không?

Đáp: Có, tôi hiểu họ, tôi cầu nguyện cho họ và tôi không xét đoán họ. Tôi không xét đoán họ, tôi cầu nguyện cho họ. Có một lần trong các buổi họp này tôi đã gặp nhiều người khác nhau và có một bà đã hỏi tôi: “Khi mẹ chồng con, không đó đã bà…,  khi mẹ con biết là họ đã lạm dụng tính dục con, bà đã nguyền rủa Thiên Chúa, bà đã mất đức tin và đã chết như người vô thần.” Tôi hiểu người đàn bà ấy. Tôi hiểu bà ta. Và Thiên  Chúa còn tốt hơn tôi hiểu bà ấy. Tôi chắc chắn như vậy. Thiên Chúa đã chấp nhận bà ấy. Bởi vì cái đã bị sờ tới, cái đã bị tàn phá đã là chính thịt xác của bà, thịt xác của con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không xét đoán người nào đó không thể tha thứ. Tôi cầu nguyện và xin Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là một người vô địch trong việc tìm một con đường hướng tới giải pháp – tôi xin Ngài sửa nó. Xin lỗi, tôi đang nói tiếng Tây Ban Nha…

Anh Andres Beltramo của hãng tin Notimex hỏi:

– Thưa ĐTC, tất cả chúng con đã nghe ĐTC nói nhiều về tiến trình hoà bình tại Colombia, giữa lực lượng FARC và chính quyền. Giờ đây đã có một thoả hiệp lịch sử. ĐTC có cảm thấy mình có một chút phần trong thoả hiệp này không? Và ĐTC đã nói là sẽ đi Colombia, khi có được một thoả hiệp: bây giờ có nhiều người dân Colombia đang chờ đợi ĐTC… Và con có một câu hỏi nhỏ nữa: ĐTC cảm thấy gì sau một chuyến viếng thăm dày đặc như vậy và giờ đây máy bay ra đi?

Đáp: Xin trả lời câu hỏi thứ nhất: khi tôi nhận được tin hồi tháng 3 là thoả hiệp sẽ được ký kết, tôi đã thưa với Chúa: “Chúa ơi, xin cho chúng con tới tháng 3, và cho họ tới với ý hướng tốt đẹp này”, bởi vì còn thiếu các điều nhỏ nhặt, nhưng mà có ý chí. Từ cả hai phía. Có ý chí. Kể cả từ phía nhóm nhỏ có ý chí: cả ba lực lượng đều đồng ý. Chúng ta phải tới tháng ba, tới thoả hiệp vĩnh viễn. Đó đã là đích điểm của công lý quốc tế – như anh biết – Tôi đã vô cùng hài lòng. Và tôi đã cảm thấy mình là thành phần, trong nghĩa tôi đã luôn luôn muốn điều này, và tôi đã nói chuyện với Tổng thống Santos về vấn đề này, và Toà Thánh – chứ không phải chỉ có mình tôi – Toà Thánh rất cởi mở và trợ giúp như Toà Thánh có thể.

Câu hỏi thứ hai, nhưng điều này hơi cá nhân một chút, nhưng tôi phải thành thật. Khi máy bay rời phi trường sau chuyến viếng thăm của tôi, nhiều cái nhìn của biết bao người đến với tôi và tôi muốn cầu nguyện cho họ và thưa với Chúa: Con đã đến đây để làm một cái gì đó, đề làm điều lành. Có lẽ con đã làm điều dữ, xin tha lỗi cho con. Nhưng xin Chúa giữ gìn tất cả dân chúng đã nhìn con, đã nghĩ những điều con đã nói, đã nghe cả những lời chỉ trích con, tất cả mọi người… Tôi cảm nhận được điều đó. Tôi không biết. Nó đến như vậy. Nhưng xin lỗi nó hơi cá nhân một chút. Điều này không thể nói trên báo…

** Tiếp đến là anh Thomas Jansen của hãng tin Công giáo Đức.

– Thưa ĐTC, con muốn hỏi một điều liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư vào Âu châu: nhiều nước đang xây dựng các hàng rào ngăn cách mới với kẽm gai. ĐTC nói gì về tiến triển này?

Đáp: Anh đã dùng từ “cuộc khủng hoảng”. Nó trở thành một tình trạng khủng hoảng sau một tiến trình dài. Điều này đã bùng nổ từ nhiều năm nay rồi, bởi vì các chiến cuộc khiến cho dân chúng phải ra đi, phải trốn chạy, là các cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm trời. Đói: cái đói đã là cái đói từ nhiều năm rồi… Nhưng khi tôi nghĩ tới Phi châu – điều này hơi đơn sơ quá, nhưng tôi xin nói như ví dụ – tôi nghĩ Phi châu là lục địa bị khai thác bóc lột. Và giờ đây thay vì khai thác một lục địa hay một quốc gia hoặc một vùng đất, thì đầu tư để người dân có công ăn việc làm hầu tránh được cuộc khủng hoảng này. Đúng thế, có một cuộc khủng hoảng người tị nạn, như tôi đã nói tại Quốc hội Mỹ, chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến tới nay. Nó là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Liên quan tới các hàng rào, anh biết các bức tường kết thúc như thế nào. Mọi bức tường, mọi bức tường đều sụp đổ, hôm nay, ngày mai, trong 100 năm nữa. Nhưng chúng sẽ sụp đổ. Đó không phải là một giải pháp. Bức tường không phải là một giải pháp. Trong lúc này đây Âu châu gặp khó khăn: đúng thật như thế. Chúng ta phải thông minh, bởi vì có cả làn sóng di cư tràn tới và không dễ tìm ta các giái pháp. Nhưng với sự đối thoại giữa các quốc gia, cần phải tỉm ra giải pháp. Các bức tường không bao giờ là các giải pháp. Trái lại, các cây cầu thì luôn luôn là giải pháp. Luôn luôn. Tôi không biết, điều mà tôi nghĩ về các bức tường, các hàng rào… chúng kéo dài ít lâu, không lâu, nhưng chúng không phải là một giải pháp. Vấn đề còn đó, còn đó với nhiều thù hận hơn. Đó là điều tôi nghĩ.

 

Linh Tiến Khải