07/01/2025

Khởi nghiệp từ đam mê tranh giấy xoắn

Khởi nghiệp từ đam mê tranh giấy xoắn, cô gái Trần Thuỵ Thuý Vi đã cùng nhóm bạn trẻ khuyết tật ươm mầm những giấc mơ từ gian hàng tranh giấy nằm khuất trong con hẻm của Q.4, TP.HCM.

 

Khởi nghiệp từ đam mê tranh giấy xoắn

 

Khởi nghiệp từ đam mê tranh giấy xoắn, cô gái Trần Thuỵ Thuý Vi đã cùng nhóm bạn trẻ khuyết tật ươm mầm những giấc mơ từ gian hàng tranh giấy nằm khuất trong con hẻm của Q.4, TP.HCM.


 


Trần Thụy Thúy Vi (giữa) cùng những bạn trẻ khuyết tật làm tranh giấy xoắn - Ảnh: K.Anh
Trần Thuỵ Thuý Vi (giữa) cùng những bạn trẻ khuyết tật làm tranh giấy xoắn – Ảnh: K.Anh

Để có được gian hàng mơ ước ấy, cô gái nhỏ nhắn Thuý Vi đã vất vả bước từng nấc thang cuộc đời bằng chính đôi chân tật nguyền của mình.

Tiến lên từng ngày

Chuyện học hành của Thuý Vi cũng lận đận, quanh co bởi suy nghĩ e dè của cô gái không may bị khiếm khuyết đôi chân do bệnh lúc còn nhỏ. Học hết cấp III, phía trước Thuý Vi là những ngổn ngang dằn vặt.

“Ba mẹ đã quá vất vả để chăm hai chị em sinh đôi của mình cùng bị bệnh. Rồi cả hai chị em đều bị di chứng của căn bệnh ấy, mình bị teo chân, chị gái song sinh của mình bị hỏng một mắt. Gia cảnh khó khăn, lúc ấy mình nghĩ người khuyết tật thì làm được gì lớn lao. Vậy là mình xin đi làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận”- Vi chia sẻ.

Bốn năm làm công nhân, Vi dành dụm được một số tiền, lúc đó suy nghĩ của Vi cũng cởi mở hơn. Vi đi học trung cấp đồ hoạ, nhờ đó cô đã trở thành một hoạ sĩ vẽ tranh hoạt hình cho một công ty ở công viên phần mềm Quang Trung. Mỗi ngày phải đi xe buýt khoảng 20km để đi làm nhưng không gì cản trở được Vi bước tới. Rồi bốn năm làm hoạ sĩ vẽ tranh hoạt hình, Vi dư được ít tiền, cô quyết định thi đại học, đi tiếp ước mơ của mình.

Năm 2013, lúc Vi 34 tuổi, cô mới tốt nghiệp ngành mỹ thuật công nghiệp Trường đại học quốc tế Hồng Bàng. Thời gian làm sinh viên, Vi được tiếp cận với nghệ thuật tranh giấy xoắn. “Không hiểu sao lúc đó mình mê mẩn với những đường xoắn của từng chi tiết ghép trong một bức tranh”- Vi bày tỏ. Vi thầm nhủ nếu có được số vốn nhỏ cô sẽ khởi nghiệp ngay với tranh giấy xoắn.

Duyên may đến khi tình cờ Vi biết đến cuộc thi video clip “Tết trong mắt tôi” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức. Những tâm sự của cô gái về ngày tết, về những khiếm khuyết của bản thân và giấc mơ trong sáng với tranh giấy xoắn đã giành giải nhất của cuộc thi trị giá 10 triệu đồng. Cơ sở tranh giấy xoắn khuyết tật Alice được Vi cho ra đời từ những đồng tiền thưởng ấy.

Chia nhau niềm vui

Cửa hàng nhỏ ấy là nơi tập hợp hơn chục bạn cùng cảnh ngộ và luôn ngập tràn niềm vui. Hơn chục bạn khuyết tật được Vi dạy nghề và gắn bó với cửa hàng đa số đều ở những miền quê khó khăn. Vi cho biết: “Người khuyết tật vốn dĩ đã rất nỗ lực và kiên trì nên thích hợp với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo này”.

Riêng phần mẫu mã, sáng tạo đã được cô chủ nhỏ Thuý Vi đảm nhận. “Mẫu mã mình có thể tự vẽ hoặc lên mạng cập nhật thêm, tuy nhiên những vòng xoắn của giấy là do mình sáng tạo. Mình hướng dẫn các bạn nên làm cho những đường xoắn sinh động, bức tranh nhìn mới có hồn”- Vi cho hay.

Sản phẩm của cửa hàng rất đa dạng, từ quà lưu niệm, thiệp, hoa… nhưng ấn tượng hơn cả là những đơn hàng làm tranh chân dung bằng… giấy xoắn. Chỉ cần bạn đưa tấm hình, sau đó bức chân dung của bạn sẽ sống động dưới từng đường xoắn của giấy.

Những đôi tay tỉ mẩn xoắn từng cọng giấy nhỏ tạo nên những đường nét cho khuôn mặt của tác phẩm khiến người xem sẽ không khỏi thán phục. Tuy nhiên thu nhập của mỗi người cũng chưa cao, chỉ đủ đảm bảo ổn định cuộc sống, song đấy là niềm vui nhỏ và làm động lực tiếp sức Vi cùng các bạn đồng cảnh cố gắng mỗi ngày.

Bạn Võ Thị Luyến, quê Hậu Giang, tâm sự: “Đôi chân mình bị tật từ nhỏ, ở nhà chỉ biết quanh quẩn phụ cha mẹ nấu cơm nên thấy mình như người dư thừa. Khi được chị Vi nhận vào học nghề, có việc làm, mình thấy ít nhất là đã tự lo cho bản thân, vơi đi gánh nặng cho gia đình. Ở đây mình thấy ý nghĩa cuộc sống và mọi người xem nhau như anh chị em một nhà, rất vui”.