03/01/2025

Các sinh hoạt của ĐTC tại Philadelphia chiều thứ bảy và sáng Chúa Nhật

Sáng Chúa Nhật 27-9 là ngày cuối cùng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ĐTC Phanxicô. Ban sáng sau khi gặp các Giám mục khách của Cuộc Gặp gỡ Quốc tế các Gia đình, ngài đến thăm Trung tâm Cải huấn Curran-Fromholf Philadelphia. Vào ban chiều, ĐTC chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Quốc tế các Gia đình lần thứ 8, chào uỷ ban tổ chức, các thiện nguyện viên và các ân nhân, rồi ra phi trường lấy máy bay về Roma.

Các sinh hoạt của ĐTC tại Philadelphia chiều thứ bảy và sáng Chúa Nhật
 

ĐTC ban huấn từ trong buổi canh thức tại Đại hội Quốc tế các Gia đình ở Philadelphia – AP


Sáng Chúa Nhật 27-9 là ngày cuối cùng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ĐTC Phanxicô. Ban sáng sau khi gặp các Giám mục khách của Cuộc Gặp gỡ Quốc tế các Gia đình, ngài đến thăm Trung tâm Cải huấn Curran-Fromholf Philadelphia. Vào ban chiều, ĐTC chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Quốc tế các Gia đình lần thứ 8, chào uỷ ban tổ chức, các thiện nguyện viên và các ân nhân, rồi ra phi trường lấy máy bay về Roma.

Lúc 3 giờ 15 phút chiều, ĐTC đã từ Đại Chủng viện Thánh Carlo Borromeo đi xe tới Công viên Lịch sử Độc lập Quốc gia để gặp gỡ cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha và các người di cư khác.

Công viên Lịch sử Độc lập Quốc gia rộng 22 hecta nằm bên trong thành phố Philadelphia và có nhiều đài kỷ niệm và dinh thự liên quan tới cuộc chiến tranh giành độc lập 1763-1783.

Hai đài kỷ niệm chính là Independence Hall và Liberty Bell Center. Independence Hall là dinh thự xây năm 1753, nơi đã diễn ra các cuộc thảo luận của Quốc hội Lập hiến và công bố Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 4 tháng 7 năm 1776 cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Dinh thự này nằm trong danh sách Gia tài nhân loại của UNESCO. Liberty Bell (Quả chuông Hoà bình) là một trong các biểu tượng của nền Độc lập Hoa Kỳ. Chuông được đúc tại Luân Đôn năm 1752 với hàng chữ “Hãy công bố năm ân xá cho mọi người sống trong xứ” (Lv 25,10) và được đặt tại Toà nhà Quốc gia Philadelphia, hồi đó là thủ đô tạm của Hoa Kỳ. Chuông được đánh lên để tụ họp các nhà làm luật vào đầu các phiên họp quốc hội, và để quy tụ dân chúng trong các cuộc hội họp công cộng. Sau khi được đúc lại, chuông được các hiệp hội tranh đấu cho quyền bầu cử của nữ giới dùng, và trong thời chiến tranh lạnh hồi thập niên 1960, nó trở thành nơi tụ họp của các phong trào chủ hoà. Chuông cũng đã được đem đi triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới, và năm 2003 được để trong trung tâm xây cất cho mục đích này.

Xe díp chở ĐTC đã đi một vòng để ngài chào dân chúng. Hai Tổng Giám mục Gomez và Miller cùng với 5 đại diện cuộc gặp gỡ đã giới thiệu lên ĐTC sách Thánh Kinh Công giáo cho gia đình và cho giới trẻ và Thánh Giá cuộc gặp gỡ để ngài làm phép. Chúng sẽ thánh du trong mọi tiểu bang Hoa Kỳ để chuẩn bị cho các đại hội gia đình trên bình diện quốc gia của cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha. Các cuộc gặp gỡ này đã được HĐGM Hoa Kỳ khởi xướng hồi năm 1972 để khích lệ các cộng đoàn nói tiếng Tây Ban Nha trở thành các tác nhân trong cuộc sống của Giáo hội Hoa Kỳ. Sau các đại hội năm 1977 và 1985, đại hội lần thứ 4 năm 2000 đã đem lại các kết quả tốt đẹp, vì thế nó được trải rộng kinh nghiệm ra cho các sắc dân và các nền văn hoá khác. Đại hội lần thứ 5 sẽ được triệu tập vào năm 2017.

Các truyền thống tôn giáo phục vụ xã hội qua sứ điệp chúng loan báo

Ngỏ lời với mọi người trong buổi gặp gỡ với đề tài “Tự do Tôn giáo”, ĐTC nói:

Các bạn thân mến, một trong các cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là tại đây, trước Independence Mall, là nơi sinh ra Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Chính tại nơi đây, các quyền tự do xác định đất nước này đã được công bố lần đầu tiên. Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định rằng tất cả mọi người nam nữ đều đã được dựng nên bình đẳng, được Đấng Tạo Hoá ban cho vài quyền bất khả nhượng, và các chính quyền hiện hữu để che chở và bảo vệ các quyền bất khả nhượng đó. Các lời rúng động này tiếp tục gợi hứng cho chúng ta ngày nay cũng như chúng đã gợi hứng cho các dân tộc khác trên toàn thế giới với mục đích chiến đấu cho quyền tự do sống phù hợp với phẩm giá của họ.

Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng, cũng giống như mọi chân lý, nó cần được liên lỉ tái khẳng định, biến thành của riêng và bảo vệ. Lịch sử của quốc gia này cũng là lịch sử của một nỗ lực liên lỉ cho tới nay để hình thành các nguyên tắc cao cả ấy trong cuộc sống xã hội và chính trị. Chúng ta hãy nhớ tới các cuộc chiến đấu lớn đưa tới chỗ huỷ bỏ chế độ nô lệ, trải dài các quyền bỏ phiếu, làm cho phong trào công nhân lớn lên, cố gắng từ từ để loại bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc và thành kiến chống lại các làn sóng di cư mới. Điều này chứng minh cho thấy, khi một quốc gia cương quyết trung thành với các nguyên tắc thành lập, dựa trên việc tôn trọng phẩm giá con người, thì trở nên mạnh mẽ hơn và được canh tân.

ĐTC nói thêm trong diễn văn: 

“Nhớ lại quá khứ đem lại ích lợi cho cuộc sống. Một dân tộc có ký ức, thì không lặp lại các sai lầm quá khứ, trái lại, tin tưởng nhìn các thách đố của hiện tại và tương lai. Ký ức cứu linh hồn của một dân tộc khỏi tất cả những gì hay những ai có thể mưu toan thống trị nó hay sử dụng nó cho các lợi lộc riêng tư. Khi việc thực thi đích thực các quyền liên hệ được bảo đảm cho các cá nhân và các cộng đoàn, thì họ không chỉ tự do thực hiện các tiềm năng riêng, mà cũng còn góp phần vào hạnh phúc và sự phong phủ của xã hội nữa.

Tại nơi biểu tượng này, tôi muốn suy tư về quyền tự do tôn giáo, là một quyền nền tảng nhào nặn kiểu chúng ta tác động giữa nhau một cách xã hội và cá nhân, với các ngưởi sống gần chúng ta nhưng có các quan điểm tôn giáo khác chúng ta.”

Rồi ĐTC quảng diễn quyền tự do tôn giáo:

“Tự do tôn giáo chắc chắn bao gồm quyền thờ phượng Thiên Chúa một cách cá nhân và cộng đồng, như lương tâm nói với chúng ta. Nhưng tự bản chất của nó,  tự do tôn giáo vượt trên các nơi thờ tự cũng như vượt trên lĩnh vực cá nhân và gia đình.

Các truyền thống tôn giáo phục vụ xã hội qua sứ điệp chúng loan báo. Chúng mời gọi các cá nhân và các cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, là nguồn mọi sự sống, sự tự do và lòng tốt. Chúng nhắc nhớ chiều kích siêu việt của cuộc sống con người và sự tự do không thể giản lược trước mọi  yêu sách quyền bính tuyệt đối. Chỉ cần nhìn lại lịch sử của thế kỷ vừa qua để thấy các tàn bạo vi phạm bởi các chế độ, yêu sách xây dựng thiên đàng dưới  thế này, thiên dàng dưới thế kia, bằng cách thống trị các dân tộc, bắt họ phục tùng các nguyên tắc xem ra không thể tranh luận được, và bằng cách khước từ mọi loại quyền lợi đối với họ. Các truyền thống tôn giáo phong phú của chúng ta tìm cống hiến ý nghĩa và định hướng. “Chúng có một sức mạnh động viên luôn mở rộng ra các chân trời mới, kích thích tư tưởng, mở rộng tâm trí và sự nhậy cảm.” (Evangelii gaudium, 256). Chúng mời gọi hoán cải, hoà giải, dấn thân cho tương lai của xã hội, hy sinh chính mình để phục vụ công ích, cảm thương những người thiếu thốn. Ở trọng tâm sứ mệnh tinh thần của chúng có việc công bố chân lý và nhân phẩm cũng như các quyền con người.”

ĐTC khẳng định thêm: 

“Các truyền thống tôn giáo của chúng ta nhắc nhớ chúng ta rằng, như là các bản vị con người, chúng ta được mời gọi nhận biết Đấng Khác, là Đấng mạc khải cho chúng ta biết căn tính tương quan trước mọi mưu toan thiết lập một sự đồng nhất, mà tính ích kỷ của kẻ mạnh, hay chủ trương thích nghi của kẻ yếu, hoặc ý thức hệ của kẻ ảo tưởng có thế tìm áp đặt trên chúng ta.”

Các tôn giáo phải hợp tiếng bênh vực và bảo vệ hoà bình, phẩm giá và các quyền con người

“Trong một thế giới, trong đó các hình thức chuyên chế khác nhau tìm huỷ bỏ quyền tự do tôn giáo hay tìm giảm thiểu nó thành một loại văn hoá hạng thấp không có quyền biểu lộ nơi công cộng, hay tìm sử dụng tôn giáo như cớ cho thù hận và tàn bạo, thì tín hữu của các tôn giáo khác nhau có bổn phận phải hợp tiếng với nhau để khẩn cầu hoà bình, khoan nhượng, tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khác.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nằm dưới sự toàn cầu hoá của mô thức kỹ thuật cai trị, cố ý đồng nhất hoá một chiều con người và tìm loại trừ các khác biệt và các truyền thống, biến chúng thành việc tìm một sự hiệp nhất hời hợt. Vì thế, các tôn giáo có quyền và có bổn phận giúp hiểu rẳng có thể xây dựng một xã hội, trong đó có một chế độ đa nguyên lành mạnh, thật sự tôn trọng người khác và các giá trị như chúng là.”

ĐTC ca ngợi các người Quakers đã thành lập thành phố Philadelphia lấy hứng từ Tin Mừng liên quan tới phẩm giá con người và lý tưởng của một cộng đoàn hiệp nhất bởi tình yêu thương huynh đệ. Xác tín đó đã dẫn đưa họ tới chỗ thành lập một cộng đoàn thiên đàng của tự do tôn giáo và khoan nhượng, dấn thấn huynh đệ cho phẩm giá của mọi người, đặc biệt các người yếu đuối và dễ bị tổn thưong nhất. Và tinh thần đó đã trở thành tinh thần nòng cốt của Hoa Kỳ. ĐTC đã nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1987: “Bằng chứng định đoạt sự cao cả của anh chị em là kiểu anh chị em tôn trọng mọi bản vị con người, đặc biệt của những người yếu đuối và không được bênh đỡ nhất.” (Diễn văn từ biệt tại phi trường Detroit, 19-9-1987,3)

ĐTC đã nhân dịp này cám ơn tín hữu mọi tôn giáo tìm phục vụ Thiên Chúa của hoà bình, xây dựng tình huynh đệ và trợ giúp người thiếu thốn, bênh vực phẩm gía sự sống trong mọi giai đoạn, bênh vực người nghèo và người di cư.”Anh chị em là tiếng nói của họ, và nhiều người trong anh chị em một cách trung thực đã cho phép tiếng kêu của họ được lắng nghe. Với chứng tá thường gặp phải kháng cự mạnh mẽ này, anh chị em nhắc cho nền dân chủ Mỹ nhớ tới các lý tưởng, vì thế nó đã được thành lập, và nhớ rằng xã hội bị suy yếu đi mỗi lần và ở bất cứ đâu bất công thắng thế.”

ĐTC đã đặc biệt khích lệ các anh chị em di cư nói tiếng Tây Ban Nha can đảm đương dầu với các khó khăn, và đừng quên rằng họ cũng có nhiều điều hay đẹp để đóng góp cho Hoa Kỳ là quốc gia mới của họ, giống như những thế hệ đi trước họ đã làm. Ngài xin họ đừng xấu hổ vì các truyền thống cao quý, căn tính và dòng máu của họ. Trái lại, cần sống như những công dân có tinh thần trách nhiệm góp phần xây dựng cuộc sống của các cộng đoàn một cách phong phú, nhất là đóng góp đức tin sống động mạnh mẽ và giúp canh tân xã hội.

Sau khi đọc Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã đi xe về Đại Chủng viện Thánh Carlo Borromeo cách đó 10 cây số để nghỉ ngơi trước khi đến Franklin Parkway để chủ sự buổi canh thức cho các gia đình.


Đại Chủng viện Thánh Carlo Borromeo được ĐC Francis Kenrick, vị Giám mục thứ ba của Giáo phận Philadelphia, cho xây năm 1832. Từ hơn 180 năm nay, Đại Chủng viện đã đào tạo hàng ngàn linh mục của nhiều giáo phận. Các chương trình đào tạo hiện nay bao gồm cả môn mục vụ cho các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ và giáo dân.

Xe chở ĐTC đã tới Benjamin Franklin Parkway lúc sau 7 giờ chiều giờ Philadelphia. Tại đây, ĐTC đã lên xe díp để chào tín hữu tụ tập dọc đại lộ mang tên Benjamin Franklin, là một trong những người cha thành lập Hoa Kỳ. Ông là người sinh trưởng tại Philadelphia, văn sĩ, nhà vật lý nghĩ ra cột thu lôi và kính hai tròng, chuyên viên chính trị và là chính trị gia dấn thân. Ông đã là Tống đốc Tiểu bang Pensylvania và là người đã phóng thích các nô lệ của mình. Hình của ông được in trên tờ 100 Mỹ kim và có nhiều thành phố, học viện văn hoá và cả tàu chiến cũng mang tên ông.

Cuộc Gặp gỡ Quốc tế các Gia đình đã do Thánh Gioan Phaolô II thành lập ngày mồng 9 tháng 5 năm 1981. Đại hội này do Hội đồng Toà Thánh về Gia đình tổ chức 3 năm 1 lần tại nhiều nơi trên thế giới: lần thứ nhất tại Roma năm 1994, lần thứ hai tại Rio de Janeiro năm 1997, lần thứ ba tại Roma năm 2000, lần thứ tư tại Manila năm 2003, lần thứ năm tại Valencia năm 2006, lần thứ sáu tại thành Phố Mêxicô năm 2009, lần thứ bảy tại Milano năm 2012. Đã có 1 triệu người tham dự Thánh lễ bế mạc đại hội tại Milano do ĐTC Bênêđictô XVI chủ sự tại phi trường Brescia.

Đại hội Quốc tế các Gia đình lần thứ tám đã diễn ra tại Philadelphia trong các ngày từ 22 đến 25-9 và có khẩu hiệu là “Tình yêu là sứ mệnh của chúng ta: gia đình sống động tràn đầy”. Mỗi ngày đều có thánh lễ, các buổi thuyết trình và các buổi học giáo lý do nhiều hồng y và giám mục cũng như các chuyên viên đảm trách. Đồng thời cũng có các chứng từ và nhiều sinh hoạt khác cho nhiều lứa tuổi khác nhau.

Buổi canh thức đã là một lễ hội gia đình với ca nhạc, màu sắc, vũ điệu và các chứng tử. Hơi ấm, tình yêu và niềm vui của các gia đình toàn thế giới đã được phản ánh trong sự xúc động và nụ cuời của ĐTC khi lắng nghe các chứng từ cuộc sống của nhiều người. Chị Amy Wall được khỏi bệnh điếc nhờ lời bầu cử của Thánh nữ Catarina Mary Drexel; các nỗi sợ hãi và và lời hứa trong các lời nói xúc động của Camillus và Kelly sẽ cưới nhau vào tháng 11 tới đây; Mario và Rosa người Argentina trái lại vừa mới mừng Lễ Ngọc 60 năm lấy nhau. Gianna Emanuela Molla, con gái của Thánh Gianna Beretta Molla, cũng hiện diện. Thế rồi còn có ông Herb Lusk, cầu thủ bóng đá đầu tiên của Hoa Kỳ. Trong các hoạt cảnh cũng có các nốt nhạc của Aretha Franklin. Rồi còn có biết bao chứng từ niềm vui, các khó khăn và tái sinh từ Ucraina cho tới Nigeria, từ Hoa Kỳ cho tới Giordania.

Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến sống trong một gia đình. Ngài thích gõ cửa các gia đình và đồng hành với các gia đình

Lên tiếng nói buông sau các chứng từ của các gia đình, ĐTC mời gọi mọi người săn sóc và bênh vực gia đình, bởi vì gia đình chính là tương lại của chúng ta. Ngài chân thành cám ơn các gia đình đã can đảm chia sẻ với mọi người cuộc sống của họ, và các trình diễn nghệ thuật là các con đường đưa tới Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ. Gia đình là do ý muốn của Thiên Chúa. Một xã hội lớn lên mạnh mẽ, xinh dẹp và chân thật được xây dựng trên nền tảng gia đình. 

ĐTC đã chia sẻ một câu hỏi mà một trẻ em hỏi ngài: “Thiên  Chúa làm gì trước khi tạo dựng thế giới?” Trước khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa đã yêu thương, bỏi vì Thiên Chúa là Tình Yêu… Một tình yêu thương to lớn và lôi cuốn tạo dựng thế giới. Thế giới là một tuyệt tác mà chúng ta đang tàn phá. Thiên Chúa đã cho con người tất cả. Tất cả tình yêu Thiên Chúa có nơi Ngài, tất cả vẻ đẹp Thiên Chúa có trong Ngài, tất cả sự thật Thiên Chúa có trong Ngài Ngài đã trao ban cho gia đình. Thiên Chúa đã gửi Con Ngài tới trong một gia đình, để đồng hành với chúng ta trong gia đình.

ĐTC giải thích rằng một gia đình thực sự là gia đình khi có khả năng mở rộng đôi tay và tiếp nhận tất cả tình yêu. Vì ghen tức với con người nên ma quỷ khiến cho con người phạm tội và chia rẽ nhau. Và con người đánh mất đi tình yêu của Thiên Chúa. Hậu quả là cảnh anh em giết nhau, các chiến tranh và mọi tan vỡ khổ đau khác. Nhưng chúng ta có thể quyết định lựa chọn con đường phải đi. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta cả sau khi Adam và Evà phản bội Ngài, Thiên Chúa đồng hành với con người tới độ trao ban Con của Ngài cho nhân loại. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria và Cha Thánh Giuse biết rộng mở con tim cho Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Chúa và hãy là một gia đình có con tim rộng mở cho tình yêu. 

ĐTC nói thêm trong bài giảng:

Thiên Chúa luôn luôn gõ cửa các con tim. Ngài thích làm như thế. Ngài muốn vào trong đó. Nhưng anh chị em có biết ngài thích gì nhất không? Ngài thích gõ cửa các gia đình và gặp các gia đình hiệp nhất và ước muốn tìm các gia đình khác: như thế chúng ta tạo dựng một xã hội của “chân, thiện, mỹ”. Đối với ĐTC, gia đình có một bức thư của công dân thiên linh và được xây dựng trên tình yêu, vẻ đẹp và sự thật.

Dĩ nhiên trong gia đình có các khó khăn, các cãi cọ, mệt mỏi và vấn đề, nhưng gia đình luôn luôn là lò sản xuất hy vọng, sự sống lại và sự sống, bởi vì Thiên  Chúa muốn như vậy. Tiếp đến, ĐTC đề cập tới trẻ em và người trẻ là tương lai của nhân loại, và tới các ông bà là ký ức của nhân loại. Chính các ngài đã trao ban và thông truyền cho chúng ta đức tin. Săn sóc các ông bà và trẻ em là giấc mơ của tình yêu. Một dân tộc không biết lo lắng cho trẻ em và ông bà thì không có tương lai, không có sức mạnh và không có ký ức. Chúng ta hãy bênh vực gia đình bởi vì tương lai của chúng ta là ở đó. 

Sau cùng, ĐTC khuyên các gia đình “đừng bao giờ kết thúc một ngày với cãi cọ, nhưng với sự tha thứ và làm hoà”.

Sau bài giảng buông của ĐTC, Đức TGM Chaput đã giới thiệu một tác phẩm và 3 mảnh lớn của một bức tường mà tín hữu đã làm trong suốt mùa hè có các hình vẽ và chữ ký của họ. Chúng sẽ được dựng trước trường Thánh Malakia. ĐTC cũng ký tên trên bức tường này. Tiếp theo đó là phần trình diễn của Danh ca Tenor Andrea Boccelli. Trước khi ban phép lành, ĐTC đa xin Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse bầu cử cho các gia đình để các gia đình tin rằng chiến đâu cho gia đình là điều đáng công.

Sau khi từ giã tín hữu, ĐTC đã về Đại Chủng viện Thánh Carlo Boromeo dùng bữa tối và nghỉ qua đêm.

Lúc 9 giờ 15 sáng Chúa Nhật, ĐTC đã gặp gỡ các Giám mục tham dự Cuộc Gặp gỡ Quốc tế các Gia đìnhtại nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Carlo Borromeo. 

Ngỏ lời chào mừng ĐTC và các Giám mục, ĐC Chaput, TGM Philadelphia, đã cám ơn các vị vì nhờ lời cầu nguyện của các vị mà cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình đã có thể diễn ra tốt đẹp. Khi soạn chương trình cách đây hơn 2 năm, Tổng Giáo phận đứng trước các khó khăn tài chính cũng như vấn đề pháp lý, hàng linh mục tu sĩ bị chấn thương vì các tin tức gây đau khổ trong nhiều năm qua. Nhưng mọi người tín thác nơi Chúa. Và trong các tháng qua đã có hàng ngàn gia đình và người trẻ khích lệ và nhắc nhở cho biết Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta cho hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa. Sự hiện diện và tham dự hăng say cũng như chứng tá của biết bao gia đình nói lên điều đó.

Động viên sức lực và lòng hăng say giúp các gia đình tái sinh và đáp trả tràn đầy phước lành của Thiên Chúa

Ngỏ lời với các Giám mục khách của Đại hội Quốc tể Gia đình, trong đó có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, và Đức cha Bùi Văn Đọc, TGM Sài Gòn, ĐTC tái khẳng định xác tín của ngài: 

Gia đình không phải là một vấn đề gây âu lo, nhưng là xác nhận hạnh phúc phước lành của Thiên Chúa khiến cho nó là tuyệt tác của công trình tạo dựng. Vì thế, cần phải hăng hái canh tân mục vụ gia đình trong giai đoạn có nhiều thay đổi này. Trước hết, việc trân quý và biết ơn đối với gia đình phải thắng vượt sự than van, mặc dù tất cả các chướng ngại khó khăn trước mắt. Gia đình là nơi nền tảng giao ước của Giáo Hội với việc tạo dựng của Thiên Chúa. Không có gia đình, Giáo Hội cũng sẽ không hiện hữu, không thể là điều nó phải là hay là dấu chỉ và dụng cụ sự hiệp nhất của nhân loại (LG, 1).

Bản chất của gia đình không được khiến cho chúng ta quên đi sự thay đổi sâu rộng của nền văn hoá xã hội và cả pháp lý nữa của các mối dây gia đình liên luỵ tới tất cả mọi người, tin cũng như không tin. Kitô hữu không được miễn nhiễm đối với các thay đổi thời đại. Trong môi trường xã hội xưa kia, định chế hôn nhân có sự yểm trợ và gắn bó của cơ cấu dân sự và bí tích Kitô. Ngày nay không còn như thế nữa. Hình ảnh của các hàng quán nhỏ và siêu thị hay trung tâm thương mại có thể giúp chúng ta hiểu sự khác biệt này. Trước kia, các hàng quán nhỏ trong các khu phố bán đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Người dân trong khu phố gần gũi và quen biết nhau, tin tưởng nơi nhau, có thể mua chịu, có can đảm tin nhau. Trong các thập niên qua đã phát triển các hàng quán to lớn hơn là các siêu thị, các trung tâm thương mại, nơi nền văn hoá cạnh tranh thương mại thống trị. Không có tương quan cá nhân, không có sự gần gũi và tin tưởng, không thể mua chịu. Nền văn hoá ngày nay là năng động không gắn bó với bất cứ gì và bất cứ ai. Tiêu thụ xác định điều gì là quan trọng. Tiêu thụ các tương quan, tiêu thụ tình bạn, tiêu thụ tôn giáo, tiêu thụ và tiêu thụ. Giá cả và các hậu quả không quan trọng. Một sự tiêu thụ không làm nảy sinh ra các tương quan. Các tương quan ở dưới việc thoả mãn “các nhu cầu của tôi”. Tha nhân với gương mặt của họ,  lịch sử của họ, tình cảm của họ hết quan trọng.

Thái độ hành xử này làm nảy sinh ra nền văn hoá loại bỏ tất cả những gì không ích lợi hay không làm thoả mãn các sở thích của người tiêu thụ. Thế là chúng ta biến xã hội trở thành một cửa hàng đa văn hoá rất rộng rãi gắn bó với các sở thích của vài người tiêu thụ và đàng khác có biết bao nhiêu người “ăn các mảnh bánh vụn rơi từ bàn của chủ” (Mt 15,27). Sự kiện này gây ra một vết thương rất lớn. Nó là một trong các nghèo túng chính hay gốc rễ của biết bao nhiêu tình trạng cô đơn hiện nay mà nhiều người phải gánh chịu… một sự cô đơn kinh khiếp của việc dấn thân tìm kiếm không kìm hãm được thừa nhận.

Là chủ chăn, chúng ta được mời gọi noi bước Chúa Giêsu Mục Tử, tìm kiếm, đồng hành, nâng dậy, băng bó các vết thương thời đại, chứ không lên án, ra vạ tuyệt thông các người trẻ sinh ra và lớn lên trong xã hội ấy, không bắt họ phải nghe những câu “xưa kia không như thế”, “thế giới này là một thảm hoạ”. Chúng ta sẽ lầm, nếu giải thích rằng nền văn hoá của thế giới ngày nay không yêu thích hôn nhân và gia đình với các phạm trù của sự ích kỷ thuần tuý. Có lẽ người trẻ thời nay đã trở thành xanh xao yếu ớt và không kiên trì một cách không thể sửa chữa được nữa chăng? Khung cảnh nền văn hoá này đã khiến cho họ bị tê liệt đối với các hăng hái đẹp hơn, cao cả và cần thiết hơn.

Như là các chủ chăn chúng ta được mời gọi thu lượm các sức mạnh và tái hăng say làm cho các gia đình tái sinh và đáp trả lại phước lành của Chúa một cách tràn đầy hơn. Chúng ta phải đầu tư sức lực của chúng ta, không phải để giải thích và tái giải thích các khuyết điểm của tình trạng ngày nay, cho bằng thẳng thắn mời gọi người trẻ can đảm liều lĩnh chọn lựa hôn nhân và gia đình. Mục tử phải cho thấy Tin Mừng gia đình thật sự là tin vui trong một thế giới, trong đó sự chú ý tới mình xem ra toàn quyền ngự trị.”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: 

“Chủ chăn thanh thản và đam mê loan báo Lời Chúa và khích lệ tín hữu nhắm cao, canh thức trên giấc mơ, cuộc sống, sự lớn lên của đoàn chiên. Sự canh thức ấy không được làm bằng các diễn văn nhưng qua việc săn sóc mục vụ, có khả năng ở giữa đoàn chiên và không sợ các câu hỏi, biết tiếp xúc và đồng hành, biết giúp họ hướng nhìn lên cao khi họ nản lòng, bị tước đoạt hay ngã quỵ. Phải tự vấn xem chúng ta có biết “mất thời giờ” với các gia đình hay không, ở với họ, chia sẻ các khó khăn và vui buồn của họ hay không.

Để có thể sống sự thân tình gia đình tươi vui với Thiên Chúa cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng, tránh biến mình trở thành những người chỉ học sống một mình không có gia đình. Lý tưởng cuộc sống chúng ta không phải là khước từ tình yêu thương trìu mến. Mục tử nhân lành từ chối các yêu thương gia đình riêng để dành trọn sức lực và ân sủng ơn gọi riêng của mình cho việc chúc lành cho các yêu thương trìu mến của người nam và người nữ thực hiện chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Sứ mệnh của chủ chăn là noi gương trong tất cả và cho tất cả cung cách sống của Chúa Con đối với Chúa Cha…

Nếu chúng ta có khả năng sống các yêu thương khắt khe như Thiên Chúa, vô cùng kiên nhẫn, không oán hờn, bước theo các luống cầy không luôn luôn thẳng hàng phải gieo hạt, thì cả một người đàn bà Samaria có 5 đời chồng cũng khám ra mình có khả năng làm chứng tá… Xin Thiên Chúa cho chúng ta ơn của sự gần gũi mới giữa gia đình và Giáo Hội.”

ĐTC đã tặng bức tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng mà ngài đem theo từ Cuba cho một cộng đoàn Cuba ước ao có tượng đó. Ngài xin Đức TGM Joseph Eđwarrd Kurtz, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, đảm trách việc này. Tiếp đến, ngài tặng Đại Chủng viện Thánh Carlo Borromeo một chén thánh. Rồi ĐTC bắt tay chào các hồng y và giám mục hiện diện.

Linh Tiến Khải