10/01/2025

Sài Gòn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp

Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược mở đầu từ thành phố Sài Gòn, chính xác hơn là Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

 

Sài Gòn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp

 

Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược mở đầu từ thành phố Sài Gòn, chính xác hơn là Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.


 


Chặn đánh quân địch trong thành phố tại mặt trận đông Sài Gòn - Ảnh tư liệu
Chặn đánh quân địch trong thành phố tại mặt trận đông Sài Gòn – Ảnh tư liệu

Quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã “đi trước” trong cuộc kháng chiến ấy trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phức tạp.

Khởi động guồng máy kháng chiến

Trong khoảng thời gian 28 ngày hưởng quyền tự do độc lập (25-8 đến 22-9), những người lãnh đạo cách mạng đã làm được những việc quan trọng: thành lập chính quyền cách mạng (Lâm ủy hành chính Nam bộ do Trần Văn Giàu làm chủ tịch, rồi đổi thành Uỷ ban nhân dân Nam bộ do Phạm Văn Bạch là chủ tịch);

Thành lập lực lượng vũ trang cách mạng (bộ đội Tổng công đoàn Nguyễn Lưu ở nội thành và các bộ đội Cao Đức Luốc, Huỳnh Tấn Chùa, Tô Ký, Nguyễn Văn Thược, Huỳnh Văn Một, Phạm Văn Khung, Nguyễn Văn Công, Thái Văn Lung, Đào Sơn Tây, Trần Thắng Minh, Trương Văn Bang, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Mạnh và bộ đội Cộng hoà vệ binh ở ngoại thành); tản cư người già, trẻ em, chuyển một số tài liệu và máy móc ra khỏi thành phố.

Đó là bước chuẩn bị quan trọng của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trước khi chính thức bước vào cuộc kháng chiến.

Hội nghị Cây Mai diễn ra gần như cùng lúc với tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ran trong thành phố.

Tại hội nghị ấy, Chủ tịch Trần Văn Giàu và nhiều đại biểu Nam bộ đề nghị hội nghị phát động ngay cuộc kháng chiến. Quyết định của Hội nghị Cây Mai và của Trung ương Đảng sau đó đã kịp thời vạch mở hướng phát triển cho cuộc kháng chiến .

Guồng máy cuộc kháng chiến ở Sài Gòn được khởi động ngay sáng 23-9. Trong tuần lễ đầu tiên, cuộc kháng chiến đã diễn ra khá toàn diện và gặt hái những thành tích to lớn mặc dù lối đánh, chiến thuật của nhân dân và lực lượng vũ trang còn thô sơ.

Điều đặc biệt là tất thảy tầng lớp nhân dân, từ cụ già đến em bé, từ nhân sĩ, trí thức, tu sĩ đến kẻ bụi đời, “anh chị” lục lâm đều hăm hở bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần say sưa, với tâm hồn trong sáng.

Một tháng đi trước

Góp sức với Sài Gòn, các tỉnh Nam bộ và cả nước đã dồn đổ sức người, sức của về các chiến tuyến bao quanh thành phố.

Những đoàn quân Nam tiến, những phong trào “tuần lễ” đã góp phần làm cuộc kháng chiến ở Sài Gòn mang tầm vóc cả nước, cả nước kháng chiến ở Sài Gòn.

Cùng với mặt trận nội đô vẫn diễn ra sôi động và ngày càng quyết liệt là sự hình thành bốn mặt trận bao vây xung quanh thành phố Sài Gòn (mặt trận số 1 hay mặt trận tiền tuyến miền Đông, mặt trận số 2 hay mặt trận cầu Tham Lương, mặt trận số 3 hay mặt trận Phú Lâm – Chợ Đệm, mặt trận số 4 hay mặt trận cầu Bình Đăng). Mỗi mặt trận đều có tổ chức chỉ huy và chiến tuyến giao tranh phân định.

Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp ở Sài Gòn diễn ra tròn một tháng, từ ngày 23-9 đến 23-10-1945, khi binh đoàn kỵ binh thiết giáp của đại tá Massu đến Sài Gòn và viên tư lệnh quân viễn chinh Pháp Leclerc đưa quân chọc thủng vòng vây Sài Gòn tiến chiếm các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một.

Lịch sử một tháng đầu kháng chiến của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là lịch sử chuẩn bị và xác định quyết tâm kháng chiến ngay khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vừa nổ, là lịch sử phát động một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dưới nhiều hình thức và nỗ lực đưa mọi chi tiết của cuộc kháng chiến vào cỗ máy chung dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, là lịch sử cuộc chiến đấu quyết liệt ghìm chân quân địch và công cuộc xây dựng một nhà nước dân chủ cộng hoà mới được thành lập, chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Trong một tháng đi trước đó, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã chuẩn bị cho mình một hành trang cần thiết, đó là thực lực cách mạng và sự từng trải để vững bước vào giai đoạn lịch sử mới, khi bước chân quân viễn chinh xâm lược và cùng với nó là tiếng súng giao tranh của đôi bên đã vượt khỏi phạm vi thành phố.

 

HỒ SƠN ĐÀI