09/01/2025

Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên máy bay từ Cuba sang Hoa Kỳ

WASHINGTON – Chiều ngày 22-9-2015, trên chuyến bay dài 3 tiếng rưỡi từ Santiago de Cuba sang thủ đô Washington của Hoa Kỳ, ĐTC đã dành cho các ký giả một cuộc họp báo.

Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên máy bay từ Cuba sang Hoa Kỳ
 
WASHINGTON – Chiều ngày 22-9-2015, trên chuyến bay dài 3 tiếng rưỡi từ Santiago de Cuba sang thủ đô Washington của Hoa Kỳ, ĐTC đã dành cho các ký giả một cuộc họp báo.

Trong dịp đó ngài trả lời cho những người phê bình giáo huấn của ngài và nói: “Tất cả những gì tôi nói đều ở trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh.” Về việc Hoa Kỳ cấm vận Cuba, ĐTC nói: “Tôi hy vọng họ sẽ đạt tới một thoả hiệp làm hài lòng hai bên.” Về những người đối lập, ngài nói: “Một số người đã được mời để chào tôi trong nhà thờ chính toà. Không có người nào xưng mình là người đối lập, tôi không được tin về những vụ bắt bớ.” Sau cùng, ĐTC cho biết với Fidel Castro, ngài đã nói về Thông điệp Laudato sì (Hãy chúc tụng Chúa) và về giáo sư Dòng Tên của ông xưa kia.

Rosa Miriam Elizalde (Cuba): Con muốn biết các tiêu chuẩn của ĐTC về cuộc cấm vận của Hoa Kỳ chống Cuba? Ngài sẽ nói về vấn đề này với quốc hội Mỹ hay không?

ĐTC: Vấn đề cấm vận là điều thuộc về cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và Cuba, hai vị quốc trưởng đã nói tới vấn đề này, đó là điều công khai và tiến theo chiều hướng những quan hệ tốt mà họ đang tìm kiếm. Tôi hy vọng họ sẽ đạt tới một hiệp định làm hai bên hài lòng. Về lập trường của Toà Thánh đối với việc cấm vận, các vị Giáo hoàng trước đây đã nói về vấn đề này, và không phải chỉ về cuộc cấm vận Hoa Kỳ chống Cuba mà thôi. Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng nói về vấn đề đó. Tại Quốc hội Mỹ, tôi đã soạn diễn văn, nhưng tôi không thể nói bây giờ… (cười). Tôi sẽ không nói một cách đặc biệt về đề tài cấm vận, nhưng tôi sẽ nhắc đến một cách tổng quát tới các hiệp định song phương và đa phương như một dấu chỉ sự tiến bộ trong sự sống chung.

Rosa Flores (Đài CNN): Chúng con nghe nói có hơn 50 người đối lập bị bắt bên ngoài Toà Sứ thần Toà Thánh ở Cuba vì họ tìm cách gặp ĐTC. Câu hỏi đầu tiên là ĐTC có muốn gặp họ không? Và nếu gặp thì ngài sẽ nói gì với họ?

ĐTC: Trước hết, tôi không có tin về những vụ bắt bớ. Tôi không có tin về việc xảy ra những vụ bắt bớ như vậy. Hai câu hỏi tiếp theo là những điều tương lai và tôi muốn có thể trả lời. Tôi muốn gặp tất cả mọi người, tất cả đều là con cái Thiên Chúa, mỗi cuộc gặp gỡ đều phong phú hoá. Điều hiển nhiên là tôi không phải chỉ tiếp kiến, gặp gỡ những người đối lập, nhưng cả những người khác, kể cả một số vị quốc trưởng. Tôi đến thăm một nước, không dự dự định cuộc tiếp kiến riêng nào. Từ Toà Sứ thần Toà Thánh, đã có một số điện thoại gọi đến những người thuộc nhóm những người đối lập, để nói với họ rằng khi tôi đến Nhà thờ Chính toà, tôi sẽ vui lòng chào thăm họ. Nhưng không có ai xưng mình là người đối lập khi tôi chào thăm, tôi không biết trong số họ có người đối lập hay không, tôi đã chào tất cả mọi người có mặt ở đó. Nếu tôi gặp họ, tôi cũng không biết tôi sẽ nói gì với họ, vì tôi nói điều tôi nghĩ đến trong đầu lúc ấy.

Silvia Poggioli (National Public Radio, USA): Trong những thập niên khi Fidel Castro còn nắm quyền, Giáo hội Công giáo đã chịu đau khổ rất nhiều. Trong cuộc gặp gỡ của ĐTC với ông ấy, ngài có nhận thấy có gì là hối hận nơi Fidel không?

ĐTC: Hối hận là điều ở trong sâu thẳm tâm hồn, một điều thuộc về lương tâm. Trong cuộc gặp gỡ với Fidel, chúng tôi đã nói về những tu sĩ Dòng Tên mà ông ấy đã biết, vì tôi có mang đến cho ông như quà tặng một cuốn sách và một đĩa CD ghi các bài thuyết trình của Cha Llorente (Dòng Tên, cựu giáo sư của Ông Fidel) và 2 cuốn sách của Cha Pronzato, mà chắc chắn là ông ấy sẽ thích. Chúng tôi đã nói về những điều ấy. Chúng tôi đã nói nhiều về Thông điệp Laudato sì, ông rất quan tâm đến vấn đề môi sinh. Đó là một cuộc gặp gỡ không có tính cách chính thức, nhưng tự nhiên và gia đình ông cũng hiện diện, và cả những người tháp tùng tôi, tài xế của tôi nữa, nhưng chúng tôi hơi cách nhau nên họ không thể nghe được câu chuyện. Chúng tôi đã nói nhiều về thông điệp, Ông rất chú ý đến môi trường. Về quá khứ, chúng tôi đã nói về học viện Dòng Tên và cách hoạt động của học viện ấy.

Gian Guido Vecci (Báo Corriere della sera, Italia): Một số suy tư, một số lời tố giác của ĐTC chống sự bất chính trong chế độ kinh tế hoàn cầu, nguy cơ tự huỷ diệt của trái đất, nạn buôn bán khí giới… cũng là những lời tố giác gây khó chịu, theo nghĩa chúng đụng đến quyền lợi rất lớn. Nhưng hôm trước cuộc viếng thăm này, có một số phản ứng lạ thường – và cả những cơ quan truyền thông rất quan trọng đã lấy lại và truyền đi, đó là có thành phần trong xã hội Mỹ tự hỏi không biết ĐGH này có phải là người Công giáo hay không… Trước đây đã có những tranh luận của những người nói về “vị Giáo hoàng cộng sản”, nay họ tự hỏi: “Đức Giáo hoàng này có phải là Công giáo hay không?” Ngài nghĩ gì về những nhận xét ấy?

ĐTC: Một người bạn hồng y đã kể với tôi rằng một bà đến gặp vị hồng y ấy và rất lo lắng, bà rất Công giáo và hơi cứng nhắc, nhưng là người tốt lành. Bà ấy hỏi vị hồng y xem có phải trong Kinh Thánh có nói về một Nguỵ Kitô không. ĐHY giải thích cho bà ấy rằng Kinh Thánh có nói về Nguỵ Kitô trong sách Khải Huyền. Rồi bà hỏi ĐHY xem có phải Kinh Thánh nói về một nguỵ Giáo hoàng hay không. ĐHY hỏi: Tại sao bà hỏi tôi như thế? Bà ấy đáp: Tại vì vị Giáo hoàng này không đi giày màu đỏ!

Về việc tôi có phải là cộng sản hay không, tôi chắc chắn là tôi không nói một điều gì ngoài những gì đã được nói trong Giáo huấn Xã hội Công giáo. Trong một chuyến bay khác, một ký giả đồng nghiệp của bạn đã hỏi tôi về vấn đề bài diễn văn của tôi với các phong trào nhân dân: “Nhưng Giáo Hội có đi theo ĐGH không?” Tôi đã trả lời: “Chính tôi đi theo Giáo Hội, và về điểm này tôi tin là mình không lầm. Sự việc có thể giải thích: Có lẽ có cái gì đó tạo nên cảm tưởng tôi hơi thuộc phe tả, nhưng giải thích như thế thực là điều sai lầm. Đạo lý của tôi về tất cả những điều ấy, Thông điệp Laudato sì và về chế độ đế quốc kinh tế là điều ở trong Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Và nếu cần đọc Kinh Tin Kính, tôi sẵn sàng làm.

Jean-Louis de la Vaissiere, Hãng AFP: Trong cuộc viếng thăm chót (hồi tháng 7 năm nay) tạichâu Mỹ Latinh, ĐTC đã mạnh mẽ phê bình chế độ tư bản, nhưng tại Cuba ngài lại tỏ ra mềm dịu hơn với chế độ cộng sản? Tại sao?

ĐTC: Trong các diễn văn tôi đã đọc tại Cuba, tôi luôn nhắc đến Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Nhưng những điều cần sửa chữa, tôi nói rõ ràng, không phải như kiểu “thuốc viên bọc đường”. Về chế độ tư bản luật rừng, tôi không nói hơn những gì đã được viết trong Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm vui Phúc Âm) và trong Thông điệp Laudato sì. Điều tôi viết như vậy là đủ rồi. Tại Cuba này, cuộc viếng thăm có tính chất rất mục vụ, với cộng đồng Công giáo, với các tín hữu Kitô và cả những người thiện chí. Những lời phát biểu của tôi là những bài giảng. Cả với những người trẻ, các tín hữu Kitô trẻ cũng như những người không tín ngưỡng, và trong số các tín hữu cũng có những người thuộc các tôn giáo khác, điều tôi nói là một diễn văn hy vọng, khích lệ đối thoại để tìm kiếm những điều chung. Đó là một ngôn ngữ có tính chất mục vụ nhiều hơn. Trái lại, trong thông điệp, cần phải bàn tới những điều chuyên môn hơn.

Nelson Castro (Radio Continental, Argentina): Tại sao ĐTC quyết định không tiếp những người đối lập? Giáo hội Công giáo có thể có một vai trò trong việc giúp tìm một sự cởi mở về những tự do chính trị, xét vì ĐGH cũng đã giữ một vai trò trong việc tái lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Vấn đề tự do này là vấn đề đối với những người nghĩ khác ở Cuba. Phải chăng đó sẽ là một vai trò mà Toà Thánh nghĩ cho Giáo hội Công giáo trong tương lai tại Cuba?

ĐTC: Trước tiên, tôi không tiếp riêng một ai, và cũng có một vị quốc trưởng xin được tiếp kiến riêng. Giáo hội Cuba đã làm việc để thiết lập danh sách các tù nhân để xin ân xá, và có 2.200 tù nhân được ân xá. Còn có những vụ khác đang được cứu xét, vị Chủ tịch HĐGM Cuba nói với tôi như vậy. Có người nói với tôi: Thật là đẹp nếu loại bỏ án tù chung thân! Án này như thể là một án tử hình được nguỵ trang, tù nhân ấy chết dần chết mòn mỗi ngày và không có hy vọng được trả tự do. Một giả thuyết khác là người ta toàn xá cho mọi tù nhân 1 năm hoặc 2 năm 1 lần. Nhưng Giáo Hội đang làm và đã làm… Tôi không nói rằng tất cả 3.000 tù nhân Cuba được trả tự do đều ở trong danh sách do Giáo Hội đệ trình, không phải vậy. Nhưng Giáo Hội đã làm danh sách ấy, Giáo Hội đã xin ân xá và còn tiếp tục làm.

Rogelio Mora (Telemundo): Trong vòng 20 năm đã có 3 cuộc viếng thăm của 3 vị Giáo hoàng tại Cuba. Phải chăng vì Cuba “bị bệnh” và chịu đau khổ vì cái gì đó?

ĐTC: Không phải vậy. Cuộc viếng thăm đầu tiên của ĐGH Gioan Phaolô II thật là “lịch sử”, nhưng bình thường: ngài đã viếng thăm bao nhiêu nước gây hấn đối với Giáo Hội. Cuộc viếng thăm thứ hai của ĐGH Bênêđictô XVI, và đó cũng là một cuộc viếng thăm bình thường. Cuộc viếng thăm của tôi thì hơi tình cờ, vì ban đầu tôi đã nghĩ là sẽ đến Hoa Kỳ đi từ biên giới Mêxicô, từ thành phố Ciudad Juarez. Nhưng đi tới Mêxicô mà không kính viếng Đức Mẹ Guadalupe thì không thể được. Rồi ngày 17-12 năm ngoái có cuộc loan báo (về sự tan băng giữa Cuba và Hoa Kỳ) sau một tiến trình dài gần một năm. Và tôi nói: Chúng ta hãy đến Mỹ qua ngả Cuba. Không phải vì nước này có những tai ương đặc biệt mà những nước khác không có. Tôi không giải thích 3 cuộc viếng thăm như thế. Ví dụ tôi đã viếng thăm Brazil, ĐGH Gioan Phaolô II đã thăm nước này 3 – 4 lần, không phải vì nước này có “một bệnh đặc biệt”. Tôi hài lòng vì đã viếng thăm Cuba.

 

G. Trần Đức Anh O.P. dịch