10/01/2025

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sạch chưa

Con kênh chảy qua các quận Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1 được xem là biểu tượng của sự thay đổi căn bản cảnh quan đô thị của TP hiện đã được cải thiện đến đâu.

 

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sạch chưa

 

Con kênh chảy qua các quận Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1 được xem là biểu tượng của sự thay đổi căn bản cảnh quan đô thị của TP hiện đã được cải thiện đến đâu.

 

 

Đây là con kênh uốn quanh trong lòng nội thành TP HCM, chảy qua các quận Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1. Nơi đây được xem là “biểu tượng” của sự thay đổi căn bản cảnh quan đô thị của TP dọc hai bờ kênh. Chất lượng nước, tín hiệu về sức sống của dòng kênh, hiện đã được cải thiện đến đâu?

Đều đặn mỗi năm, TP HCM dành một khoản ngân sách cho việc lấy mẫu nước, mẫu bùn đáy mang đến các phòng thí nghiệm phân tích để đánh giá “sức khoẻ” định kỳ của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Từ năm 2001, mỗi năm hai lần, vào mùa khô (tháng 4) và mùa mưa (tháng 9), các mẫu nước kênh được lấy để phân tích chất lượng. Từ đầu năm 2005, công việc này được tăng lên bốn lần trong năm.

Để theo dõi sát hơn “sức khoẻ” của kênh, bắt đầu từ năm 2014 chất lượng nước kênh được đánh giá mỗi tháng một lần, tức đến 12 lần trong năm.

Dòng kênh đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nào giờ là một trong những địa điểm du lịch của TP HCM.
Dòng kênh đen Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày nào giờ là một trong những địa điểm du lịch của TP HCM.

Có nhiều thông số được yêu cầu phân tích, đánh giá trong mỗi mẫu nước kênh: nhiệt độ, BOD (biểu thị lượng ôxy sinh hoá hết các hợp chất sinh học), COD (biểu thị lượng ôxy hoá học cần tiêu tốn để ôxy hoá hết các hợp chất hoá học)… và kể cả các kim loại nặng độc hại trong bùn đáy, được đánh giá ba tháng một lần.

Chỉ số ô nhiễm dưới ngưỡng cho phép

Nghiên cứu chuỗi số liệu phân tích mẫu nước liên tục từ năm 2010 và cập nhật đến 7 tháng đầu năm 2015, PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Tổng thư ký phụ trách phía Nam của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – đánh giá: chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Màu nước ít đen hơn, mùi hôi giảm đáng kể…

Kết quả đo các chỉ số ô nhiễm cho thấy như COD, BOD từ mức vượt ngưỡng cho phép gần gấp đôi hiện đã tụt xuống dưới ngưỡng cho phép, mang đến tín hiệu rõ rệt là sức sống của Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hồi phục khá nhanh.

Còn theo GS.TSKH Lê Huy Bá (Hội Phân tích lý – hóa sinh VN), với chuỗi kết quả phân tích mẫu nước kênh cũng như những sinh vật chỉ thị cho chất lượng nước kênh, thấy rằng “sức khoẻ” của kênh đã khá hơn nhiều.

Tuy nhiên, với ông nước kênh chưa phải là nước sạch, vẫn ở mức “phú dưỡng hoá trung bình”, cần tiếp tục cải thiện.

Nguồn: Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP HCM.
Nguồn: Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TP HCM.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc cải thiện chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, theo ông Sỹ, là do hiệu quả của dự án vệ sinh môi trường TP HCM (Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Mục tiêu của dự án này là chủ động thu gom nước thải đô thị đổ vào tuyến cống ngầm, không đổ trực tiếp vào kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như trước đây.

Trong thời gian tới, chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ được tiếp tục cải thiện do đã được “cắt” nguồn ô nhiễm.

Ngoài ra, thông qua quá trình tháo rửa bằng nguồn nước sông Sài Gòn nhờ chế độ triều (triều lên thì nước sông Sài Gòn có chất lượng khá tốt chảy vào kênh, khi triều xuống nước ô nhiễm từ kênh lại thải ra sông Sài Gòn) và quá trình tự làm sạch thì chất lượng nước kênh sẽ ngày càng ít ô nhiễm hơn.

Cá thiếu không khí để thở?

Nhưng tại sao cá dưới kênh có lúc nổi lên mặt nước dày đặc, có biểu hiện bị chết, gây nên những âu lo cho đông đảo người dân ngày càng yêu mến dòng kênh?

Đưa ra một số lý giải riêng, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói trước kia khi chưa thực hiện dự án vệ sinh môi trường TP HCM (Nhiêu Lộc – Thị Nghè) thì hầu như không có loài cá nào có thể sống được trong nguồn nước kênh này do bị ô nhiễm nặng.

Các vị trí quan trắc trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Các vị trí quan trắc trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Sau khi dự án hoàn thành, chất lượng nước kênh được cải thiện thì các loài động vật thuỷ sinh, trong đó có nhiều loài cá, đã dần xuất hiện trên kênh. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Ông Sỹ nhấn mạnh vừa qua ở một số đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trong những ngày đầu của những cơn mưa to cá nổi lên mặt nước rất nhiều, với mật độ khá cao và có hiện tượng chết.

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước, dẫn đến hiện tượng cá nổi lên nhiều và làm chết cá, trong đó có tình trạng gia tăng ô nhiễm do nước mưa cuốn theo chất ô nhiễm từ mặt đất xuống sông, sục bùn từ đáy sông do nước mưa giội xuống, cạn kiệt ôxy do gia tăng ô nhiễm hữu cơ trong nước, giảm độ pH do mưa axit đầu mùa…

Ví dụ kết quả quan trắc năm 2013 của Sở Tài nguyên và môi trường TP cho thấy pH cả khi triều lên và triều xuống đều bằng 3,5 – với độ pH thấp như vậy thì không loài cá và thuỷ sinh nào có thể sống nổi (ngưỡng pH để cá có thể sống được là lớn hơn 5,5).

Theo ông Sỹ, có thể dự đoán được nguyên nhân cá chết tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thời gian gần đây là do suy giảm ôxy hòa tan trong nước do nước mưa mang ô nhiễm từ trên bờ xuống sông và khuấy bùn từ đáy sông vào nguồn nước (ngưỡng ôxy hoà tan để cá có thể sống được là lớn hơn 4mg O2/l). Bằng chứng là cá nổi lên để lấy ôxy không khí do bị ngộp thở.

GS.TSKH Lê Huy Bá lưu ý thêm một khả năng khi có mưa, nước thải các khu dân cư và cả nhà máy xí nghiệp nhỏ sẽ có cơ hội thoát ra, bằng những con đường nào đó chảy vào kênh, có thể làm nồng độ độc chất tăng cao đột ngột, cá bị “sốc” mà chết.

 

Cá chết nổi trắng dòng kênh đẹp nhất Sài Gòn

Sau trận mưa lớn, hàng chục nghìn con cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Nhiều người cho biết, các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra kênh khiến nước bị ô nhiễm nặng.

Dùng lục bình làm sạch nước?

Mong đợi của đông đảo người dân là nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè phải trong hơn, trong khi có ý kiến cho rằng cây lục bình có thể góp sức.

Theo ý kiến này, thường ở những ao có cây lục bình sinh sống nước trong vắt, mát lạnh… nên có thể xem xét trồng lục bình từng cụm nhỏ ở lòng kênh, vừa góp phần hút chất bẩn, vừa tạo thêm cảnh quan, mảng xanh.

Nêu ý kiến tham vấn về giải pháp này, GS.TSKH Lê Huy Bá nói lục bình vừa có lợi lại vừa có hại. Nó có lợi ở giai đoạn đầu phát triển. Đây là loài thực vật bán thuỷ sinh có khả năng hút chất dơ bẩn, ô nhiễm làm thức ăn. Nhưng nó cũng có khả năng tăng sinh khối cực kỳ nhanh.

(Nguồn: Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM; đơn vị: tấn rác).
Nguồn: Công ty Môi trường Đô thị TP HCM; đơn vị: tấn rác.

Trong vòng một tháng có thể tăng 4 lần so với lúc đầu. Khi đó, do tranh chấp thức ăn, ánh sáng, nhiều phần cơ thể lục bình chết, tạo thành những mảng lớn chất bẩn, cản trở thuyền bè đi lại, làm cạn dần dòng chảy, mùi thối lại bốc lên.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ cũng cho rằng một trong những lợi ích của cây bèo lục bình là xử lý nước ô nhiễm (do sử dụng các chất ô nhiễm làm dinh dưỡng cho quá trình phát triển).

Tuy nhiên, do cây lục bình sinh sản rất nhanh, một cây mẹ có thể đẻ ra nhiều cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần nên nhanh chóng lan ra khắp nơi, thường gặp ở những chỗ nước bị tù hãm hoặc nước ngọt chảy chậm như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Bèo lục bình còn làm giảm độ xy hoà tan trong nước, gây ảnh hưởng đến động vật dưới nước như tôm, cá nước ngọt. Vì vậy, TP HCM và nhiều địa phương phải chi khá nhiều tiền để vớt bèo lục bình, xem như là một vấn nạn.

Ông Sỹ cho biết trong thời gian qua đã có một số đề tài nghiên cứu tại TP Đà Nẵng và TP HCM liên quan đến việc trồng “từng cụm thực vật nước” (trong đó có bèo lục bình), làm “ốc đảo xanh”, vừa để xử lý nước thải tại các ao hồ, kênh rạch, vừa tạo cảnh quan xanh trên ao hồ, dòng kênh.

Song, bất kỳ ý tưởng nghiên cứu nào cũng cần phải được thử nghiệm thực tế để đánh giá lợi ích, chi phí.

Ý kiến người dân

* Anh Nguyễn Văn Tuấn (chung cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận, TP HCM):

Dòng nước chỉ cần trong xanh thêm nữa thì sẽ rất tuyệt vời

Dòng kênh sau khi được cải tạo đã sạch sẽ hơn, đặc biệt việc làm lại hai con đường dọc kênh là Hoàng Sa và Trường Sa đã khiến dòng kênh trở nên đẹp hơn, trở thành một nơi rất hấp dẫn của TP HCM.

Hồi xưa những người dân sống ven kênh thường xuyên phải chịu mùi khó chịu hằng ngày thì giờ đây chúng tôi đã có thể đi bộ tập thể dục, hít thở bầu không khí trong lành mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, nước dòng kênh chưa được sạch lắm và rác vẫn còn trôi nổi khá nhiều.

Việc nuôi thả cá dưới kênh rất cần thiết vì vừa có thể cải tạo môi trường nước của kênh cũng như tạo cảnh quan sinh động cho dòng kênh. Giờ đây người dân và khách du lịch có thể thả bộ dọc hai bên kênh và ngắm nhìn cá bơi lội rất thích mắt. Dòng nước chỉ cần trong xanh thêm nữa thì sẽ rất tuyệt vời.

* Ông Hoàng Khanh (quận 3, TP HCM):

Nhiều thanh niên vẫn xả rác xuống dòng kênh

Mặc dù Nhà nước đã có quy định cấm câu cá dưới kênh nhưng tôi thấy hiện tượng câu trộm vẫn xuất hiện thường xuyên. Cá dưới kênh giờ rất nhiều, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều cá bơi nổi sát mặt nước nên nhiều người đã câu trộm cá.

Trước đây tôi còn thấy đêm khuya có ghe đi chích điện bắt cá nữa. Rồi cũng có nhiều thanh niên xả rác xuống dòng kênh sau khi mang đồ ăn thức uống ra sát bờ kênh vào buổi tối.

Nhà nước cần phải quản lý việc này nghiêm khắc hơn để dòng kênh ngày càng sạch đẹp, giúp những người dân ở dọc kênh như chúng tôi có môi trường sống trong lành hơn.

 

Theo Quốc Thanh/Tuổi Trẻ