09/01/2025

Toà Thánh cổ vũ tôn trọng quyền của người già

GENÈVE – Toà Thánh kêu gọi cộng đoàn quốc tế và các gia đình quý trọng phần đóng góp của người già, săn sóc họ và tôn trọng các quyền lợi của họ. Đức TGM Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Genève, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 30 của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 16 tháng 9 vừa qua.

Toà Thánh cổ vũ tôn trọng quyền của người già
 

Đức TGM Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh – AP

GENÈVE – Toà Thánh kêu gọi cộng đoàn quốc tế và các gia đình quý trọng phần đóng góp của người già, săn sóc họ và tôn trọng các quyền lợi của họ.

 

Đức TGM Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Genève, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 30 của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 16 tháng 9 vừa qua.


ĐC Tomasi cho biết hiện nay trên thế giới có 900 triệu người già trên 60 tuổi. Mỗi năm số người già tăng 3,26%, vào năm 2030 sẽ là 1,4 tỷ, và vào năm 2050 sẽ lên tới 2,1 tỷ. Tuy nhiên, hiện tượng dân già không chỉ là một thách đố, nhưng cũng còn là một cơ may nữa: thừa nhận các cải tiến trong lĩnh vực săn sóc sức khoẻ và phẩm chất cuộc sống và phần đóng góp mà người già có thể đem lại cho xã hội. Trong môi trường thay đổi nhanh chóng của xã hội và kỹ thuật, người già thường bị gạt ra bên lề, bị kỳ thị và bỏ rơi vì nền văn hoá vứt bỏ coi họ là những người không sản xuất và cũng không tiêu thụ. Họ trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực và bóc lột gia tăng. 


Tuy nhiên, như ĐTC Phanxicô đã nói, phẩm chất của một xã hội hay của nền văn minh được phán đoán theo cách nó đối xử với người già. Chú ý tới người già làm thành sự khác biệt trong một nền văn minh. Nền văn minh này tiến tới, nếu nó biết trân quý sự khôn ngoan của tuổi già.


Đức TGM Tomasi nhấn mạnh rằng chính các người thân trong gia đình có nhiệm vụ săn sóc người già. Nhà nước và các cơ cấu khác không thể thay thế các thành phần trong gia đình, nhưng chỉ có vai trò phụ đới. Ngày nay, hơn trong quá khứ, các gia đình gặp khó khăn trong việc săn sóc người già, vì các tương quan đã thay đổi, gia đình nhỏ bé hơn, việc di chuyển và khoảng cách giữa người thân gia tăng, và ý muốn của các bậc cha mẹ không sống chung với con cái. Nhưng cũng chính vì thế mà mạng lưới gia đình phải dược coi như nguồn trợ giúp chính và hành động công khai để trợ giúp người già.


Thế rồi người già cũng có thể là các thành phần tích cực của xã hội. Họ cũng có vai trò nòng cốt trong việc săn sóc cháu chắt trong gia đình. Cần phải loại bỏ tâm thức coi các lợi nhuận kinh tế trọng hơn phẩm giá con người. Cộng đoàn quốc tế được mời gọi xây dựng một xã hội khác, tiếp đón, nhân bản và bao gồm hơn, và không cần loại bỏ người yếu đuối trên thân xác cũng như trong tâm trí. (SD 16-9-2015)


Linh Tiến Khải