Hết ngập hay không còn phụ thuộc… mây trời
Cơn mưa lịch sử không chỉ gây ngập nặng ở TP.HCM, mà tại nhiều địa phương trên cả nước, mưa lớn cũng gây nhiều thiệt hại.
Hết ngập hay không còn phụ thuộc… mây trời
Cơn mưa lịch sử không chỉ gây ngập nặng ở TP.HCM, mà tại nhiều địa phương trên cả nước, mưa lớn cũng gây nhiều thiệt hại.
TP.HCM cần 66.820 tỉ đồng cho chống ngập
Ngày 16.9, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết, trận mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ chiều 15.9 khiến TP có ít nhất 66 điểm ngập.
Nhiều đường ngập sâu 50 cm (Quốc Hương, Q.2), 40 cm: Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Hồ Văn Tư, Gò Dưa, Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân)… Mưa lớn liên tục trong 2 giờ kết hợp lúc nước triều dâng cao 1,4 m khiến hệ thống thoát nước trên địa bàn TP quá tải, nước không thoát kịp ra sông, kênh, rạch. Đây là trận mưa lớn nhất đến nay mà trung tâm đo được.
Trả lời Thanh Niên việc TP đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng hệ thống cống lớn ở khu vực nội thành (3 dự án sử dụng vốn vay ODA: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước, Tân Hoá – Lò Gốm) nhưng tại sao vẫn không thoát ngập, ông Long cho rằng các cống này (cống cấp 1 chịu lượng mưa phù hợp là 85,36 mm, cống nhỏ hơn chịu lượng mưa là 75,88 mm trong 3 giờ) không chịu được lượng mưa như ngày 15.9.
“Lượng mưa ngày 15.9 rất lớn, vượt qua tần suất thiết kế rất cao, tăng gấp đôi so với bình thường, trong khi thời gian mưa rất ngắn. Điều này chứng tỏ tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đối với vấn đề thoát nước”, ông Long nhận định.
Để giải quyết ngập, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, UBND TP.HCM cho biết tổng kinh phí chưa có nguồn mà TP.HCM cần huy động cho giai đoạn 2016 -2020 là 66.820 tỉ đồng. UBND TP cho rằng nếu được triển khai thực hiện sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng 550 km2 của TP (lưu vực trung tâm, bắc, tây, một phần đông bắc và đông nam).
Báo cáo với Chính phủ trong tháng 7 vừa qua, UBND TP cho biết TP đã cố gắng huy động hết toàn bộ các nguồn lực nhưng vẫn còn thiếu 43.435 tỉ đồng cần Chính phủ hỗ trợ.
Trả lời câu hỏi đến năm 2020 nếu mưa với vũ lượng như ngày 15.9, trung tâm TP.HCM có hết ngập?, ông Long cho rằng, sẽ hết ngập nếu TP thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo, mực nước triều…
Hà Tĩnh: 2 ngày 3 lần sạt lở QL8A
Tối 16.9, do mưa lớn kéo dài, trên 100 m3 đất, đá sạt lở từ núi Eo Cô Gái đổ ập xuống đường vùi lấp một đoạn QL8A (tuyến đường từ Hà Tĩnh sang Lào), tại Km 83+5, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 3 km. 5 xe khách chạy tuyến Lào – Hà Tĩnh với trên 200 hành khách đã bị mắc kẹt tại cửa khẩu này.
Theo thiếu tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), đơn vị này đã bố trí chỗ ở, cung cấp suất ăn cho các hành khách bị mắc kẹt, đồng thời huy động lực lượng và phương tiện tổ chức khắc phục sự cố, nhưng dự tính phải đến sáng nay 17.9 mới có thể thông đường.
Trước đó, tối 15.9 và sáng sớm 16.9, đoạn QL8A nói trên cũng đã xảy ra 2 lần bị đất đá sạt lở từ núi Eo Cô Gái vùi lấp, gây ách tắc giao thông, khiến trên 100 phương tiện giao thông các loại và gần 1.000 hành khách bị ách tắc nhiều giờ.
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã huy động 70 cán bộ chiến sĩ và 2 máy xúc phối hợp với Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 474 (Cục Đường bộ VN) và các lực lượng tại chỗ di chuyển trên 3.000 m3 đất đá, thông xe trở lại trên tuyến QL này.
Chiều 16.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, toàn bộ tuyến cầu Phú Giang (TT.Phố Châu, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã bị nước lũ chia cắt, khiến hàng ngàn hộ dân TT.Phố Châu và xã Sơn Giang (H.Hương Sơn) không thể qua lại.
Tính đến chiều tối 16.9, trên địa bàn huyện này đã có 32 ngôi nhà của người dân bị ngập nước, 17 ha ngô đồng và 70 ha hè thu bị nước lũ nhấn chìm, cầu cống bị cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng.
Tin từ UBND xã Hóa Thanh (H.Minh Hóa, Quảng Bình), khoảng 14 giờ ngày 16.9, do mưa lớn kéo dài đã khiến ngọn đồi phía sau nhà của ông Đinh Xuân Quốc (thôn Thanh Long) bị sạt lở; đất đá đổ xuống đè sập hoàn toàn ngôi nhà 2 gian của ông Quốc, ước tính thiệt hại trên 50 triệu đồng. Rất may, thời điểm đó gia đình ông đang chuẩn bị chống lũ nên đã chạy thoát kịp.
Trong một diễn biến khác, đến chiều 16.9 lực lượng chức năng và thân nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể anh Cao Thanh Hải (39 tuổi, ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, H.Minh Hoá) đã bị lũ cuốn trôi trước đó. Người nhà nạn nhân cho hay do sơ suất, anh Hải bị trượt ngã xuống suối đang có lũ chảy xiết. Hiện nước lũ vẫn chia cắt đường vào xã Tân Hoá và vào các bản có đồng bào Rục sinh sống ở xã Thượng Hoá.
Kiên Giang: mưa giông cây ngã đè 2 người chết
Khoảng 1 giờ 30 ngày 16.9, tại ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu (H.Phú Quốc, Kiên Giang), mưa to và giông lốc làm một cây rừng lớn đổ ngã, đè sập lán trại của công nhân Công ty xây dựng Quốc Cường đang thi công một dự án khu nghỉ dưỡng tại đây. Vụ tai nạn làm anh Hà Văn Dư (26 tuổi, quê Đắk Lắk) và anh Nguyễn Viết Hòa (36 tuổi, quê Lâm Đồng) tử vong; 3 công nhân khác bị thương nặng gồm: Hoàng Văn Phúc (23 tuổi), Đoàn Văn Thực (22 tuổi) và Vi Văn Dũng (20 tuổi, cùng quê Đắk Lắk).
Ngày 15.9, mưa giông, sóng lớn cũng làm chìm 3 tàu khai thác hải sản của ngư dân H.Kiên Hải (Kiên Giang). Rất may, các ngư dân trên tàu gặp nạn đều được cứu và đưa vào bờ an toàn.
Chiều 16.9, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho hay trong 2 ngày (15 – 16.9), do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh có mưa to, làm ngập úng gần 3.500 ha lúa ở các huyện Trần Văn Thời và U Minh. Giông lốc còn làm sập hoàn toàn 3 căn nhà, 11 căn nhà khác bị tốc mái; 3 tàu cá bị sóng đánh chìm trên vùng biển Cà Mau, có 30/30 thuyền viên được cứu vớt đưa vào bờ an toàn. Ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.
Thanh Niên