09/01/2025

ĐTC kêu gọi củng cố sự cộng tác giữa các Kito6 hữu và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu giúp nạn nhân Iraq và Syria

VATICAN – ĐTC kêu gọi củng cố sự cộng tác bên trong Giáo hội Công giáo với các Giáo hội Kitô khác, và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Iraq và Syria. ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các thành viên đại hội do Hội đồng Toà Thánh Cor Unum tổ chức về “Cuộc khủng hoảng nhân đạo Sryia và Iraq”.

ĐTC kêu gọi củng cố sự cộng tác giữa các Kito6 hữu và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu giúp nạn nhân Iraq và Syria
 
 
 
 

VATICAN – ĐTC kêu gọi củng cố sự cộng tác bên trong Giáo hội Công giáo với các Giáo hội Kitô khác, và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Iraq và Syria.

 

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các thành viên đại hội do Hội đồng Toà Thánh Cor Unum tổ chức về “Cuộc khủng hoảng nhân đạo Sryia và Iraq”. Tham dự đại hội đã có các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc các tổ chức bác ái hoạt động trong vùng Trung Đông. 


Đề cập tới thảm cảnh của toàn vùng, ĐTC nói: Một trong các thảm cảnh nhân đạo nặng nề nhất trong các thập niên qua là các hậu quả của các xung đột bên Syria và Iraq, đè nặng trên các thường dân cũng như gia tài văn hoá của hai nước này. Hàng triệu người đang phải sống trong tình trạng thiếu thốn lo âu, bị bó buộc bỏ nhà cửa quê hương chạy trốn chiến tranh. Các nưóc Liban, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang mang gánh nặng của hàng triệu người tị nạn, mà họ đã quảng đại tiếp đón. Cộng đoàn quốc tế xem ra không có khả năng tìm ra các câu trả lời thích đáng cho quang cảnh chiến tranh xung khắc này, trong khi các kẻ buôn vũ khí tiếp tục kiếm lời.


Tuy nhiên, ngày nay khác với quá khứ, các xung khắc này bao gồm các tàn ác và vi phạm nhân quyền chưa từng có, được các phương tiện truyền thông phổ biến tức thì cho toàn thế giới chứng kiến. Không ai có thể giả bộ không trông thấy. Tất cả mọi người đều ý thức rằng cuộc chiến này ngày càng không thể hịu đựng đuợc trên vai của dân nghèo. Cần phải tìm ra giải pháp, không phải giải pháp bạo lực, vì bạo lực chỉ tạo ra thêm các vết thương mà thôi.


Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Tôi khích lệ anh chị em đặc biệt chú ý tới các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người yếu đuối và không đuợc bệnh đỡ nhất: tôi đặc biệt nghĩ tới các gia đình, người già, người bệnh và các trẻ em. Các trẻ em và người trẻ, hy vọng của tương lai, bị lấy mất đi các quyền căn bản là được lớn lên trong thanh bình của gia đình, được yêu thương săn sóc, chơi đùa và học hành. Với chiến cuộc tiếp diễn, hàng triệu trẻ em mất đi quyền được giáo dục, và hậu quả là tương lại mờ mịt của chúng. Anh chị em đừng thiếu dấn thân trong lĩnh vực sinh tử này.


Có biết bao nhiêu là nạn nhân của xung khắc: tôi nghĩ tới tất cả và cầu nguyện cho tất cả. Nhưng tôi không thể im lặng trước sự thiệt hại nặng nề, mà các cộng đoàn Kitô bên Syria và Iraq phải gánh chịu, nơi nhiều anh chị em bị xúc phạm vì đức tin của họ, bị đuổi khỏi đất đai nhà cửa, bị cầm tù hay cả bị giết. Trong bao nhiêu thế kỷ, các cộng đoàn Kitô và các cộng đoàn Hồi giáo đã sống chung trong các vùng đất này, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng ngày nay, cả tính cách hợp pháp sự hiện diện của các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số cũng bị chối bỏ, nhân danh một chủ trương cuồng tín bạo lực đòi có gốc rễ tôn giáo. Nhưng Giáo Hội đáp trả lại bao nhiêu tấn kích và bách hại phải chịu tại các nước này, bằng cách can đảm làm chứng cho  Chúa Kitô, qua sự hiện diện khiêm tốn và sốt mến của mình, qua việc đối thoại chân thành và phục vụ quảng đại mọi người không phân biệt ai.


Tại Syria và Iraq đang có sự phá huỷ các dinh thự và cơ cấu hạ tầng, nhưng nhất là phá huỷ lương tâm con người. Nhân danh Chúa Giêsu đã tới trần gian để chữa lành các vết thương của nhân loại, Giáo Hội đáp trả lại sự dữ với sự thiện, bằng cách thăng tiến sự phát triển toàn vẹn của con người và lo lắng cho mọi người. Để đáp lại lời mời gọi khó khăn này, các tín hữu Công giáo cần củng cố sự cộng tác với nhau, với các Giáo hội kitô khác, cũng như với các tổ chức nhân đạo quốc tế và mọi người thiện chí. Tôi khích lệ anh chị em hãy tiếp tục bước đi trên con đường cộng tác và chia sẻ đó. Xin đừng bỏ rơi các nạn nhân của cuộc khủng hoảng này, cả khi thế giới có giảm sự lưu tâm tới họ đi nữa. (SD 17-9-2015)


Linh Tiến Khải